Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

BASHO – (1644-1694) - MÙA XUÂN





BASHO – (1644-1694) -  MÙA XUÂN            ** ** *      
TỦ SÁCH DỊCH HAIKU THẾ GIỚI

Matsuo KINSAKU                                                                            Đinh Nhật Hạnh

Cụ Basho tên họ thật là Matsuo Kinsaku. Mãi đến năm 38 tuổi, nhân học trò trồng tặng thầy cây chuối cảnh cạnh am cỏ nơi cụ ở, nên dân làng quen gọi cụ là “Ông già Chuối”, tiếng Nhật là Basho. Cụ rất thích, nên  từ đó lấy bút danh Basho thay tên khai sinh cũ Matsuo.Trước đó, đã có 2 bút danh ToseiSobo .

Basho là một trong những nhân vật tiêu biểu của nền thi ca cổ điển Nhật Bản.Bởi thi lực của toàn bộ tác phẩm của mình,Cụ đã ấn định trong thể loại này nghệ thuật thơ Haiku.Chính Cụ đã định nghĩa cách thức,tinh thần nhẹ nhàng,tìm tòi cáí đơn giản và sự cách biệt đi đôi với sự quan tâm cao độ đến thiên nhiên.Haiku vốn sinh ra từ bờ Vô lượng,từ Trực cảm bắt chợt làm chói sáng,biểu lộ sự thuần khiết của bài thơ.Cuộc đời của chàng trai xuất thân từ một gia đình Võ sĩ đạo bậc thấp ,13 năm là môn thuộc của một gia đình Võ Sĩ Đạo thần thế, 10 tuổiđã theo học làm thơ haikai,rồi suốt đời cống hiến cho thơ.Cũng từ đó,cả cuộc đời chỉ là một chuỗi dài nghèo khó,nặng tình bằng hữu thi ca cùng những chuyến lữ hành dài thiếu thốn, vất vả.Osaka là nơi đến cuối đời. Sau khi tự thành lập một trường phái riêng có tiếng tăm ở Edo (tức Tokyo ngày nay) cụ từ bỏ lối sống thế thường,khoác áo thiền sư và ở trong căn lều cỏ ẩn sĩ từ năm 1681.

Năm 1694,lâm bệnh nặng trên đường về ,sau khi ứng khẩu bài Haiku từ thế cuối cùng cho môn sinh chép,cụ nhịn ăn,đốt trầm hương,đọc di chúc,dặn học trò làm thơ về mình và để cụ ở lại một mình.Cụ mất trên đường,không kịp quay về căn lều cỏ dựng lại lần thứ ba ,đã từng bị cháy,bị trưng dụng xây nhà Búp bê năm 1680 khi Cụ đang trên đường viễn du lên phương Bắc.

Cụ mất ngày 28 tháng 11 năm 1694,hưởng thọ 50 tuổi.Trên mộ,vẫn có bụi chuối xum xuê như tại Basho- an,lúc sinh thời…



                                                                   MÙA  XUÂN



1-        Không gian thơm ngát

         một chim hồng tước

          trên cành hoa umê



2-        Trên đồng cải dầu

  vờ vĩnh ngắm hoa- 

  một đàn chim sẻ



3-         Cả một ngày dài

  cũng không sao đủ-

  tiếng hót sơn ca



 4-    Trên đồng mênh mông

  rảnh rang mọi việc

  sơn ca véo von



 5-     Cốc rượu sakê

  không hề vẩn bụi

  mẩu lông én rơi

  


6-       Mùa xuân qua đi-

Chim, cá khóc than,

 lệ tràn khóe mắt
                                                                 Dịch giả Đinh Nhật Hạnh




7-       Một con chim chích

 làm rơi chiếc mũ

 của đóa hoa trà



8-       Đêm tối mịt mùng

 tìm không thấy tổ -

Choi choi khóc than



9-        Một con chim chích thả mấy hòn phân

 vào chồng bánh gạo

 trên đỉnh kèo cao



10-   Bộ lông chim hạc

 y phục sẫm màu-

 Mây hoa Anh đào



11-   Dưới tán anh đào

 món canh , gỏi cá

 rắc đầy cánh hoa



12-    Nhớ nhung mòn mỏi Mẹ,Cha

  tiếng kêu chim trĩ*

  khiến ta chạnh buồn



13-  Với hoa, ta hạnh phúc 

 nhưng buồn nỗi thế gian.

-Vẫn cơm gạo lứt với bình sakê



14-   Ngày đầu năm-

Mình lại nghĩ về

những đêm thu cô quạnh



15-   Xuân đến kia kìa!

trên dãy núi vô danh

sương mù dăng sớm 



16-    Hoa cây gì vậy!

 không thể biết tên

 thơm lạ ,thơm lùng.



17-    Bóng dáng Mẹ,Cha

 ta luôn luôn nhớ

-Chim trĩ vừa kêu*



18-    Nào bướm,dậy thôi!

-Dậy,dậy

 đồng hành với tôi



19-    Mỗi lần gió ru

 bướm bay chuyển chỗ

 trên cành liễu buông



20-    Xuân đến cận kề-

 Báo xuân đang đến

 hoa mận và trăng



21-    Hương hoa mận ngát,

 nâng mặt trời lên

 dốc núi đường mòn



22-    Hồi chuông vừa tắt

  đồng vọng hương hoa

 Ôi,đêm diệu kỳ!



23-    Biết bao là chuyện

  Ký ức tràn về

  khi anh đào nở



24-    Một đêm xuân qua,

 lại thêm ngày xuân nữa

 trên rặng hoa anh đào



25-   Từng cánh hồng vàng

 rụng

 tiếng thác ì ầm





 26-  Dưới làn mưa xuân

  chân hạc kia

  ngắn lại



 27-  Mặt trời gay gắt

  sóng biển nhấn chìm-

  sông Môgami



 28-  Dòng thác trong vắt

  bao kim thông xanh

  rụng rơi trên sóng



 29-  Ôi ! chim từ quy

 hót ,hót rồi bay

 luôn luôn bận rộn



 30-   Nào rận,nào rệp

         lại thêm ngựa đái

 ngay trên đầu giường



 31-  Mưa xuân

  nấn ná mãi trên giường-

  Sờ tay, nàng thức ta dậy.



 32-  Hoa mai đẹp đến thế này!

  Ngay cả chú bò

  cũng kêu tiếng bé



 33-   Mấy người Hà Lan

   đã ngắm hoa anh đào

  lại ngồi trên ngựa



34-  Trong hai cuộc đời thi sĩ

  dành một chỗ

  cho anh đào



35-    Giữa mây hoa anh đào

  tiếng chuông vang vọng

  từ Uênô hay Asakusa?



36-    Trọ cùng hoa anh đào

  hai mươi ngày gì đó,

  lúc nở đến khi tàn



37-    Đêm xuân

  tràn ngập anh đào

 Thế là đã qua!



38-    Hai thôn miền núi

  hoãn buổi diễn trò-

  Hoa mai nở trắng



39-    Hoa Umô nở thơm lừng

  đuổi xua

  rét mướt lạnh lùng đêm xuân



40-    Chỉ mình bướm bay-

  Nắng

  tràn xuống đất



41-    Dây khoai lang giống

  họ đem chợ bán

  xếp chung hoa anh đào



42-    Sương xuân

  phong cảnh tuyệt vời

  Hoa mai dưới trăng



43-    Túp lều của ta -

 Ai đã giỡ bỏ

 xây Nhà búp bê

                       

44-    Vui thú quá chừng

  lại mùa xuân nữa !

 Thêm chuyến đi xa

                     

45-    Chim chích

  như một linh hồn

  hỏi thăm lệ liễu có còn ngủ say?



46-    Mưa xuân

  xòe 2 lá kép

  hạt cà giống nẩy mầm



47-    Ao xưa

  ếch nhảy vào

 tiếng nước

                  1686

48-    Ồ!nói chuyện về hoa

  cười đến vỡ bụng

  trong gió mùa xuân



49-    Trang phục mùa hè

  nhung nhúc đầy rận

  ai người bắt cho!



50-    Theo gió muôn chiều

  cánh anh đào rụng

 -Sóng hồ Niô



Ngõ bằng lăng

Hà Nội xuân 2018

Đinh Nhật Hạnh



        ***************

- *Trong văn học Nhật Bản ,chim Trĩ là biểu tượng lòng Mẹ thương con,quên mình vì con.Hễ nghe tiếng chim Trĩ kêu là chạnh lòng nhớ công ơn Mẹ,Cha khắc khoải.

-Năm 2018, Haiku Việt-Hà Nội nghiên cứu chuyên đề tác phẩm của 2 Đại sư Matsuo Basho và Buson .Chúng tôi sẽ lần lượt đăng trên Website HKV Haiku của hai vị theo 4 mùa Xuân,Hạ,Thu,Đông để bạn đọc dễ theo dõi.





Tham khảo: -The heart of Basho (Takafumi Saito &WR Nelson 2006)

-Basho-Cent onze Haiku (traduits du Japonais par Joan Titus - Carmel) Verdier 1998









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét