Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

QUÀ TẶNG TƯƠNG LAI (HAY LÀ PHÍA TRƯỚC CỦA TRUYỆN NGẮN)




QUÀ TẶNG TƯƠNG LAI

(HAY LÀ PHÍA TRƯỚC CỦA TRUYỆN NGẮN)

                                                  BÙI VIỆT THẮNG - LÊ HƯƠNG THỦY



CUỘC THI HƯỚNG TỚI 70 NĂM BÁO VĂN NGHỆ

Kể từ số đầu tiên được xuất bản tại Việt Bắc năm 1948, đến nay Báo Văn nghệ đã đi suốt chặng đường 70 năm (1948-2018). Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Báo Văn nghệ, độc giả đã được đón đọc bộ sách quý Truyện ngắn tinh tuyển 60 năm Báo Văn nghệ (gồm 5 tập). Như một trùng phùng chữ nghĩa, cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 sẽ được tổng kết đúng dịp kỷ niệm tuổi 70 Báo Văn nghệ. Một bộ sách quý đã kịp có trong tay độc giả yêu văn chương -Tuyển truyện ngắn hay dự thi Báo Văn nghệ (2 tập, Nxb Thanh niên, 2016-2017). Cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 của Báo Văn nghệ nhằm mục đích tìm kiếm những tài năng mới nhằm tôn tạo nền truyện ngắn dân tộc đã có bề dày truyền thống. Không ngẫu nhiên khi những người làm sách Truyện ngắn tinh tuyển 60 năm Báo Văn nghệ tự tin viết “Có thể khẳng định rằng, trong một phạm vi nhất định, những thành tựu về sáng tác, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn trên Văn nghệ cũng chính là phản ánh sự phát triển và thành tựu của nền văn học nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua”.


Về phương diện thẩm mỹ, truyện ngắn phù hợp với cách cảm và cách thể hiện của nhà văn Việt Nam vốn nghiêng về cái đẹp có tính chất “vừa khoảng” (từ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu). Cái “vừa khoảng” là cái đẹp ở mức độ vừa phải, xinh xắn, gọn ghẽ, năng động và linh hoạt. Tất cả thuộc tính ấy chứa đựng trong thể loại truyện ngắn (vẫn được gọi là thể loại “nhỏ”, “xung kích”, “trinh sát viên” của văn chương). Không quá khi nói rằng nếu nhìn thể loại như một nhân vật trọng yếu trên sân khấu văn chương (quan điểm của M. Bakhtin) thì, qua truyện ngắn cũng có thể thấy được đường đi nước bước của cả nền văn chương hiện đại. Chúng tôi mạnh dạn nói, nếu văn xuôi là “nền” thì truyện ngắn là “mặt tiền” của văn chương Việt Nam Đổi mới từ 1986 đến nay.

Trong một động hướng có tính chuyên môn cao, Báo Văn nghệ, trong thời hạn diễn ra cuộc thi, đã tổ chức hai trại sáng tác (tại Hòa Bình và Thanh Hóa), có thể nói đây chính là “sân chơi văn chương” tao nhã, tập hợp cộng tác viên và là tiếng gọi liên tài cung cấp cho nền văn chương nước nhà những nguồn nhân lực, những sinh khí mới mẻ.

Cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 của Báo Văn nghệ được phát động từ ngày 17-4-2015. Nhà xuất bản Thanh niên ngay từ đầu đã đồng hành với cuộc thi hứa hẹn thành công này bằng việc tổ chức in và ra mắt bộ sách (2 tập) như vừa nói ở trên. Bốn mươi tư (44) truyện được chọn giới thiệu. Đó thực sự là những “con số biết nói”. Thử so sánh với cuộc thi truyện ngắn 2011-2013 của Báo Văn nghệ có 2.045 truyện gửi dự thi thì ở cuộc thi này có tới 3.300 truyện gửi dự thi, đã đăng trên Văn nghệ 493 truyện (khởi đầu là truyện ngắn Đêm biên giới của Bích Ngân, in Văn nghệ số 1+2/ 2015 và kết thúc là truyện Con suối mẹ của Nguyễn Đăng Trình, in Văn nghệ số 46/2017). Một số tác giả được in tới chùm 5 truyện như Lê Ngọc Minh, Phan Đình Minh, Nguyễn Thu Hằng, Tống Ngọc Hân, Vũ Thiên Kiều, Vũ Văn Song Toàn. Nhiều tác giả được in chùm 3 truyện. Tác giả trẻ nhất gửi truyện dự thi là Đào Danh Phước - học sinh trường tiểu học học Đông Sơn, Thanh Hóa. Tác giả cao niên nhất (72 tuổi) là Trần Đức Hiển Khánh ở thành phố Sóc Trăng, Đoàn Ngọc Hà ở Hà Nam.

Cuộc thi cũng là dịp để các anh tài thi thố văn chương. Những tên tuổi mới đã đã trở nên quen thuộc với độc giả văn nghệ là Hoàng Hải Lâm, Vũ Thiên Kiều,Vũ Thị Huyền Trang, Vũ Văn Song Toàn, Lê Vũ Trường Giang, Cao Nguyệt Nguyên, Chu Thị Minh Huệ, Dương Giao Linh, Vũ Thanh Lịch, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Thị Việt Hà, Đinh Phương, Bùi Việt Phương, Trịnh Sơn, Trần Huy Minh Phương, Chu Thị Thu Hằng, Lê Quang Trạng,... Những cây bút có thâm niên viết truyện ngắn lần này xuất quân với thế mạnh của những người từng trải trường văn trận bút như Đoàn Ngọc Hà, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Hồ Tĩnh Tâm, Nguyễn Trí, Lại Văn Long, Đinh Ngọc Lâm, Vũ Minh Nguyệt, Phan Đình Minh, Nguyễn Trường, Lê Ngọc Minh, Vũ Khánh, Phùng Kim Trọng, Trần Thanh Cảnh, Mai Tiến Nghị, Vũ Minh Thúy, Đỗ Tiến Thụy,...Nhưng sáng tác văn chương thường đi theo đồ thị hình “sin”. Một tên tuổi nào đó giả sử lóe lên ở cuộc thi trước nhưng không hẳn ở cuộc thi này vẫn lấp lánh. Lại có người “chầm chậm tới mình” đi vào cuộc thi này tự tin và vững chãi dù cho trước đó ít được biết đến. Không có gì gây ngạc nhiên cho độc giả thưởng lãm văn chương ngày nay, vì đó là quy luật sàng lọc, chọn lựa. Nói như một nhà văn nổi tiếng thì “thời gian vặt lông tất cả”.

ÁNH XẠ THỂ LOẠI

Chúng tôi muốn dùng khái niệm “ánh xạ” của Vật lý (“Quy tắc về sự tương ứng giữa của các phần tử của hai tập hợp” – Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, H., 1992) để nói về đặc điểm cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 do Báo Văn nghệ tổ chức. Theo dõi sát sao cuộc thi này, chúng tôi đinh ninh như thế. Những cây bút mới xuất hiện trước đây đôi khi như ánh sao băng, lóe sáng chói lói. Nhưng đến cuộc thi này, tuy vẫn mặn mà và không thể nói là không “bắt mắt’ khi đọc họ. Nhưng có vẻ như “chuội” dần đi. Không phải họ không còn tâm huyết, chung thủy với truyện ngắn. Nhưng có vẻ như bây giờ thì chỉ còn viết theo một quán tính. Lại cũng là một khái niệm của Vật lý (“Tính chất không tự thay đổi trạng thái chuyển động hoặc đứng yên của vật” – Từ điển tiếng Việt, sđd). Trạng thái này chủ yếu rơi vào những cây bút 7X và 8X. Có nhiều lý do khiến họ rơi vào “bĩ cực” này và bao giờ thì đến “thái lai” (?!). Một là, họ không được tiếp thêm năng lượng (hiểu là trải nghiệm sống, trải nghiệm văn hóa), khác nào một cái xe có động cơ đổ xăng chỉ một lần thật đầy. Cứ thế rồi gắng tới đích. Họ yên tâm chạy tiếp. Nhưng không trù liệu quãng đường tiếp theo còn xa ngái, cheo leo hơn nhiều. Hai là, có thể sau vinh quang buổi đầu có thể họ tự bằng lòng. Tâm thế này dễ dẫn đến chủ quan, không vượt qua được chính mình, đừng nói là người khác. Chu Thị Minh Huệ, Vũ Thanh Lịch, Trịnh Sơn, Hoàng Hải Lâm, và vài ba cây bút khác cùng trang lứa này đều là những “phiên bản” của trạng thái “quán tính”. Tất nhiên truyện dự thi của họ vẫn đọc được. Ví như truyện Nối dây của Chu Thị Minh Huệ, kể về một phong tục của người dân tộc thiểu số dù thời hiện đại đã mai một nhưng không phải không có cơ hội bùng lên (chồng chết thì “nối dây” với em chồng). Nhưng chỉ là ở mức trung bình khá nếu in báo bình thường chứ không phải là thi thố. Bản thân câu chuyện được kể ra không mới, đã đành, nhưng cũng không lạ. Nghĩa là chưa nâng lên được, chưa vượt lên được những cái đã viết trước đây. Hơi tiếc vì sự trồi sụt này. Mới hay giữ được sức bền của ngòi bút đâu phải dễ, nên mới thấy Ma Văn Kháng đến nay (ở tuổi 81) đã viết hơn 200 truyện ngắn mà đọc vẫn rất thú vị. Đó là hấp lực của văn chương nói chung, truyện ngắn nói riêng. Tuy nhiên, chúng tôi không có ý nói rằng trong cuộc thi này trang lứa 7X và 8X không có những tên tuổi làm chúng ta hi vọng. Vẫn có lý do để hi vọng vào Vũ Văn Song Toàn, Chu Thị Thu Hằng, Lê Vũ Trường Giang, Đinh Phương, Vũ Thiên Kiều, và một vài ba cây bút khác sàn sàn mà độc giả đã có cái tâm thế chờ đợi để đọc họ.

Theo quan sát của chúng tôi thì, lần này có một đội hình đóng vai “tiền đạo”, theo cách nói của môn thể thao bóng đá. Tập hợp này ở thế chủ động tiến công, quyết tâm “làm bàn”, cũng không phân biệt già hay trẻ. Theo quan sát của chúng tôi (có thể trùng với ý kiến nhiều người, và cũng có thể không, cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”), thì thấy đó là Nguyễn Trường, Vũ Khánh, Lê Ngọc Minh, Phan Đình Minh, Du An, Vũ Minh Nguyệt và Vũ Văn Song Toàn. Mỗi người một vẻ, đúng là “mười phân...chưa vẹn mười” nhưng đã có thấy rõ nội lực và nỗ lực, quyết chí để cán đích cuộc thi chữ nghĩa. Nguyễn Trường, được hình dung là một người đứng tuổi và chân phương, chân chất. Khi đọc Quà tặng tương lai, một truyện giản dị mà xúc động, chúng tôi nghĩ, cái chân đế văn hóa đã kiến tạo nên câu chuyện cảm động về nhân tâm thời đại. Văn hóa chính là ứng xử. Văn hóa chính là đạo lý. Hình như thời hiện đại con người sống theo tinh thần triết lý hiện sinh, trọng cái hôm nay, dễ quên quá khứ, thậm chí đôi khi còn coi nó như một thứ “bóng đè”,hưởng thụ và ích kỷ nên dễ quên đi cái nền tảng đạo đức truyền thống. Nhân vật người mẹ trong truyện là biểu trưng cho tinh thần trung thành, chung thủy, trọng nghĩa của con người Việt Nam xưa nay. Những tưởng nếu anh chỉ viết theo lối ấy (lối mà chúng tôi tạm gọi là “thi pháp chân thành”) ở những truyện tiếp theo thì không biết có giữ nổi chân độc giả hay không. Nhưng thật đáng lạc quan là, ở Vương quốc mộng mơ, thấy một Nguyễn Trường khác hẳn. Vẫn chân thành, vẫn căn cốt văn hóa nhưng có vẻ “phiêu” hơn, thâm hậu hơn, ý tại ngôn ngoại hơn và dư ba hơn. Có lẽ nhằm lường trước những cách hiểu thiếu thiện ý của ai đó hay xét nét nên Ban Biên tập đã viết một cái sa-pô (chapeau) rất hay. Hình như dẫu trong hoàn cảnh đời sống nào con người vẫn cần cái chất lãng mạn, mộng mơ, bay bổng. Chúng ta không phải lúc nào cũng cần và biểu dương một thứ văn chương “có cánh”, nhưng cần một kiểu văn bay lên từ những tâm hồn tinh khiết, phóng khoáng, giàu cảm xúc tương lai. Đó có thể là một thế giới của thần thoại, cổ tích, truyền thuyết dẫu đôi khi hoang đường, viễn tưởng. Nhưng là nơi gửi gắm hoài bão, khát vọng của con người vốn vẫn được coi là “một cây sậy yếu đuối nhưng biết suy nghĩ”.

Nếu Nguyễn Trường chân thành, chân phương nhưng vẫn bay bổng khi cần thiết thì Phan Đình Minh càng viết càng đằm. Văn Phan Đình Minh có vẻ như chỉ phù hợp với người thích sống chậm. Đọc Phan Đình Minh chúng tôi cứ váng vất nhớ tới cái câu tục ngữ “nhai kỹ no lâu cày sâu tốt lúa” trong kinh nghiệm sống của dân gian. Riêng khi đọc Giữ nhà, Bệnh tự miễn, Bánh cuốn Tám Rì thì thấy cây bút truyện ngắn này thực sự chững chạc, tự tin. Và điều đặc biệt đáng nói là anh có được cái khả năng truyền cảm hứng sang người đọc, cùng suy ngẫm, cùng bàn luận, cùng rút ra bài học đạo đức. Đầy vơi khác nhau trong mỗi truyện chất triết học (chứ không phải triết lý, chưa kể là triết lý vặt) vốn rất hiếm trong văn chương đương thời. Có lẽ vì thế có người chê Phan Đình Minh sớm “già”, thậm chí hơi “khô”. Cũng đúng thôi nếu ta biết đến gốc rễ gia đình Nho học của người viết. Thêm nữa, anh đã trải qua chiến tranh nên thấm nhuần “lửa đỏ và nước lạnh” của một thế hệ giàu bản lĩnh sống. Nhưng quan trọng hơn là bản lĩnh nghệ thuật. Tôi không thấy Phan Đình Minh giống như một số cây bút non tay khác hăm hở và vội vã chạy theo các trào lưu hậu hiện đại, hậu thực dân, phân tâm học, cấu trúc, ký hiệu học,...Nếu thế thì cùng lắm chỉ là học đòi (nhưng rất vụng về), như các cụ ta xưa hay nói. Anh viết chậm rãi, điềm tĩnh, thậm chí đôi khi hơi nhẩn nha, nhấm nháp khiến có người sốt ruột. Nhưng mà trong nghề viết thì phải tôn trong cái “tạng văn” của mỗi người. Vì ai cũng có sở trường, sở đoản. Chúng tôi hình dung Phan Đình Minh như một cỗ chiến xa bọc thép cứ thẳng tiến, vượt qua mọi chướng ngại vật.

 Vũ Khánh gây ấn tượng mạnh, có lẽ không riêng với chúng tôi, bởi kiểu viết “chơi chơi” như Trăng Tiên Yên, Ngựa ngũ hoa, Rượu Thái sư. Đọc những “cái” như thế không thể không ngẫm ngợi để tiếp cận cái mạch nước ngầm chảy thao thiết dưới lòng đất, nói cách khác là những bí mật của cuộc sống và con người luôn là những ẩn số khiến ta bất ngờ. Những gì ta nhìn thấy lần đầu chỉ là lớp vỏ ngoài cùng. Những gì ta suy nghĩ tưởng như là chín chắn, thấu đáo thì cũng chỉ mới chạm khẽ vào đối tượng. Tác giả khi viết chú ý đến các “vỉa” văn hóa của đời sống đang bị cái bon chen, xô bồ, phi lý, thậm chí sự tan rã làm cho khuất lấp. Nói cách khác, tác giả hướng tới những miền sáng tối của cuộc đời. Nhân vật của Vũ Khánh phảng phất khí chất kẻ sỹ, đôi khi có vẻ “lạc thời”, hóa thành những “thằng ngốc” đáng yêu.

KỸ XẢO TRUYỆN NGẮN

Lâu nay phê bình tác phẩm chúng ta hay chú ý tới nội dung phản ánh, tư tưởng chủ đề, hiệu ứng xã hội của tác phẩm văn chương. Có vẻ như nói về kỹ xảo viết dễ rơi vào cái gọi là hình thức chủ nghĩa. Nhưng không có hình thức hay nội dung thuần túy. Cái này luôn trong cái kia. Vậy thì bàn về kỹ xảo, tại sao không.

Ít chú ý tới cái “khoảnh khắc”, quan tâm nhiều hơn tới chu trình nhân - quả đời sống là cách viết của đa số truyện dự thi. Vì sao? Có thể lý giải được tình hình này, theo chúng tôi, là do sự tương tác thể loại. Truyện ngắn đang có xu hướng nống lên, còn tiểu thuyết trái lại có xu hướng tối giản, thành tiểu thuyết ngắn. Vì thế đọc truyện ngắn dự thi lần này không còn “đọc một hơi” như cách hiểu trước đây, sự tiếp nhận truyện ngắn trở nên “trường kỳ” và vất vả hơn trước. Nhưng nói thế không có nghĩa là các tác giả đã khước từ khám phá những “mô- măng” (moment) tiêu biểu, theo cách nói của nhà văn Nguyễn Thành Long là “đặt nhân vật vào tình huống”. Vẫn có đấy thôi, nhưng ít, ít nhưng tiêu biểu và thành công như trường hợp Lê Ngọc Minh với Khoảnh khắc thánh minh. Một truyện lịch sử, những tưởng đầy ắp sự kiện và nới rộng không - thời gian nghệ thuật đến vô cùng. Nhưng rất khéo léo tác giả chộp được “khoảnh khắc” khi Lê Thánh Tông, vị vua anh minh (minh chủ) đã giác ngộ (theo ý nghĩa của giáo lý Phật), sáng suốt giải oan cho Nguyễn Trãi, mặc dù cận thần khăng khăng phải thượng tôn pháp luật, án tại hồ sơ. Không ai khác, tinh thần liên tài của một vị Hoàng đế, vừa là thi nhân Lê Thánh Tông đã trở nên minh triết khi khẳng định “Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê”. Đúng là có những phút làm nên lịch sử. Truyện của Lê Ngọc Minh dẫu chớp lấy một “khoảnh khắc” nhưng nhờ nó mà độc giả có thể sống với thời gian hai chiều. Đọc Lê Ngọc Minh chúng tôi thêm một cơ sở để tin tưởng vào truyện ngắn bởi với tinh thần khiêm tốn nhất vẫn có thể nói về nền truyện ngắn dân tộc có bề dày truyền thống và sức sống hiện tại, không hề thua kém bất kỳ nền truyện ngắn danh tiếng nào trong văn chương thế giới.

Lối viết “bấu chặt” vào một kiếp người thường nhận ra trong hầu hết truyện dự thi. Tiêu biểu phải kể đến Kiếp hoa của Vũ Minh Nguyệt. Dường như “khoảnh khắc” không còn đủ ôm chứa kiếp người. Dân gian nói “người ta là hoa đất”. Nhưng có lẽ phụ nữ mới là “người ta” nhất chăng? Vì thế mà kiếp hoa chính là kiếp người. Một truyện ngắn mà ôm trọn cả hai đời mẹ và con với bao vinh quang và cay đắng. Thì đó là mầm mống của tiểu thuyết. Những buổi sáng mùa hạ cũng được Vũ Minh Nguyệt viết theo tinh thần tiểu thuyết hóa truyện ngắn. Và rất thú vị khi độc giả tiếp nhận những Vương quốc mộng mơ của Nguyễn Trường, Bánh cuốn Tám Rì của Phan Đình Minh, Trăng Tiên Yên của Vũ Khánh, Con mèo trắng chạy dưới trăng của Du An, Hoa trải trắng sông của Đinh Phương, Bạc màu áo ngự của Lê Vũ Trường Giang,Mộng thám hoa của Đỗ Tiến  Thụy,...như những thí dụ tiêu biểu của sự tương tác thể loại.

“Văn chương là nghệ thuật ngôn từ”. Định đề này không bao giờ cũ. Đọc truyện dự thi có cái cảm giác được biết thêm nhiều chuyện hơn là ngân rung lên trong lòng độc giả những cảm xúc tinh tế, lắng đọng, thấm thía, đôi lúc phiêu bồng bởi vẻ đẹp của ngôn từ. Thậm chí đọc xong vẫn chưa thỏa mãn vì cái nhã thú văn chương do câu chữ đem lại còn chưa dư dả, còn như mờ nhạt,...Xem xét kỹ sẽ thấy tình trạng trên một phần do tác giả chưa đầu tư cho phần văn. Vẫn nặng về kể mà xem nhẹ tả. Vẫn thích văn mình suồng sã hơn là trau chuốt. Vẫn cứ ào ào lướt tới mà thiếu những khoảng lặng, dư ba vì câu chữ thô ráp, chưa nói là đôi lúc ngẫu hứng mà rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Một lý do khiến văn chưa hay, theo chúng tôi, là sự chiếm lĩnh tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - của người viết còn thiếu hụt, nửa vời. Văn hóa của nhà văn trước hết là sự ứng xử với tiếng Việt. Một ví dụ “Cái đầu súc vật của nó trĩu xuống đôi chân khổng lồ như hai ống bơm Trần Hưng Đạo”, “Đức gầm lên chửi như tiếng sấm vỡ trên đồng” (Đoàn Ngọc Hà - Xóm đàn ông). Câu  thứ nhất so sánh rất sái, câu thứ hai so sánh tùy tiện. Tác giả này viết văn đã có thâm niên, nhưng tinh thần làm chủ tiếng Việt thì....như đang tập sự vậy. Có lẽ không thể phủ nhận khi một học giả đầu thế kỷ trước khẳng định “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”.

VỸ THANH

 Cổ nhân nói “Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng”. Nhưng biết làm sao được khi nói về phần chưa được của cuộc thi. Đành lòng vậy cầm lòng vậy. Vẫn lại cổ nhân nói “Có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”. Chúng tôi thấy cuộc thi này có cả hoa, có cả nụ. Không những thế lá cành vẫn xum xuê, tươi tốt. Đặc biệt có thân rễ vững chãi bám chắc vào mảnh đất đời sống màu mỡ, phong phú nhưng cũng đầy biến động phức tạp. Khi chúng tôi nói tin vào truyện ngắn là bởi nhìn thấy phía trước xán lạn của thể loại này. Cuộc thi truyện ngắn 2015-2017 của Báo Văn nghệ đã  góp  phần củng cố niềm tin vững chãi ấy./.



                                                                               Hà Nội, tháng 12-2017

                                                                                        B.V.T - L.H.T



(Bài in trên báo Văn nghệ, số 1+2, ra ngày 6-1-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét