Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

NGÃ BA





                                                          Tác giả Tâm Dung

NGÃ BA
Đỗ Quyết

Nhớ thương đi dọc đường yêu
Chiều thu bất chợt gặp nhiều ngã ba
Ngọt ngào thay một câu ca
Người như có ý giăng ra ngang đường
Bên vàng nắng, nẻo mờ sương
Sắc hương nào cũng sắc hương say lòng .. .

Lửa rơm cơm tấm đèo bòng
Tháng ba ngày tám gánh gồng đa đoan.
Rối lòng nhau bấy trái ngang
Thắt the nắng quái lang thang đường chiều
Thương yêu thì đã thương yêu
Ngã ba nào hẹn một điều chẳng mong

Tôi mang thương nhớ đi vòng
Đường yêu tránh được mấy tròng ngã ba


Lời bình  của Tâm Dung
Thường thì  đấng mày râu đã đi vào cuộc yêu , bao giờ cũng đầy quyết liệt ,và nhiều khi bất chấp đến mất tỉnh táo. Nhưng bài thơ "Ngã ba " của Đỗ Quyết lại tỏ ra khá chừng mực trong  "đường yêu”, mà người ta gọi là : tình yêu giàu chất trí tuệ. đây, anh không tìm đến cảnh ồn ào, dữ dội, bốc lửa, nhà thơ nhạy bén trước sự  mơ hồ, bé nhỏ, sâu lắng rất nội tâm.
Hãy xem, người thơ nhập đề với cử chỉ tâm tình, gượng nhẹ, khẽ khàng:
Nhớ thương đi dọc đường yêu
Chiều thu bất chợt gặp nhiều ngã ba
Tôi cho rằng  có lẽ nhà thơ chậm  nhận ra mình,  không quan tâm lắm con đường của mình, để đến khi "chiều thu" mới "chợt"phát hiện ra cả một quãng đường dài  đã  gặp nhiều ngã ba. Mà cũng có thể đến bây giờ thong thả, mới có thời gian nhìn lại,  mới  giật mình
phát hiện những phân vân thầm kín.
Nẻo đường đời "Ngọt ngào thay một câu ca".  Có lẽ đây là bài ca tình yêu, người hát là người tình ý. Có vẻ giống như nhà thơ Xuân Diệu từng cảm nghe:
"Dầu ai tốt tiếng như ca hát
Cũng chẳng bằng em giọng nói thường
".

Nhưng câu ca này người ta cố ý “giăng ra” như là mời gọi, như là muốn bắt người khác dính vào, cuốn vào.  Sự "ngọt ngào "thì mê đấy ,"vàng nắng ", "mờ sương " thì say đấy .Thật là đẹp, thật là hấp dẫn và say đắm: “Sắc hương nào cũng sắc hương say lòng .. .”.

Trước  nay , ở người đàn ông, danh vọng và ái tình là hai dòng thác, lôi cuốn người ta đi xa, không biết đến bến bờ nào. Có khi ra biển khơi mênh mông tắm vẫy vùng đón bình minh thức dậy, tung sóng bạc lúc hoàng hôn buông , trầm mình trong đêm huyền biển khơi bí ẩn. Nhưng cũng có khi, bị cuốn vào hang cùng ,vực thẳm, cụt lối đi về! Nếu là sự nghiệp thì hoặc là thành danh, hoặc là tay trắng. Nếu là tình yêu thì  ho ặc th ành lứa th ành đôi, nhưng cũng có thể trở thành món nợ hay nghiệp chướng.
Trước sự quyến rũ ấy, trư ớc những  cái ngã ba dễ làm cho người ta “nhầm đường”, người thơ tìm một lí do để vững lòng.
 "Lửa rơm cơm tấm đèo bòng "-  Một câu lục sáu từ mà tầm khái quát khá rộng . ở tầm tuổi trung niên, chắc  nhiều  người biết cảnh nấu bếp bằng rơm. Lửa bốc rất to nhưng than chóng tàn. Mà"lửa rơm" lại dùng để nấu "cơm tấm" thì thật quá khó cho "đầu bếp" ! Cũng xin nói thêm  rằng , khái niệm "cơm tấm" ở đây không có nghĩa chỉ  là "đặc sản cơm quê " đâu nhá ."Nó" là những hạt gạo xấu , không chịu nổi sức nặng của xay, giã , dần , sàng nên vỡ nát, nằm lẫn với đôi hạt cỏ lồng vực, và thậm chí vài hạt sạn nhỏ lẫn vào. Lửa thì lúc to, lúc nhỏ , gạo thì nát dính bết vào nhau, làm sao tránh khỏi sống khê ? Nhưng cái tình cảm đèo bòng từ những khó khăn, nghèo khổ ấy là tình cảm thiêng liêng mà nói chữ thì là tình nghĩa “tao khang”. Tình cảm ấy đã được thử thách qua những vất vả tháng  ba ngày tám và cả những đa đoan của đời thường.
Bây giờ  trư
ớc  “sắc  hương say lòng”  nhưng “trái ngang” khiến cho bối rối. Mà con người ta chứ có ph ải gỗ đá đâu? Lại nhớ tới  bài  thơ Thuận Hữu “Những  phút  xao lòng”.

Thương yêu thì đã thương yêu
Thế nhưng
Ngã ba nào hẹn một điều chẳng mong
Người đọc nhận thấy cái trạng thái dùng dằng ,day dứt , nhưng nó là nỗi day dứt tinh tế mà sâu lắng ( có thể là niềm riêng của tác giả hay của ai đó ), nhưng khi đọc lên, mỗi chúng ta đều thấy hình như mình cũng có góc khuất như thế .Và tôi cho rằng  tác giả đã thành công .
Vào đầu bài thơ, ta đã gặp "nhớ thương đi dọc đường yêu", rồi phần kết ta lại gặp "tôi mang thương nhớ đi vòng ". Đi vòng để  tránh, để không vấp vào tròng, vào  “cạm bẫy” ngã ba. Nhớ thương , thương nhớ, tâm thế đó mở ra rồi khép lại và cuối cùng thì vẫn "mang" theo !
Còn "nhớ thương" ở cung bậc nào là do độc giả tự mình đi tới, tự mình  chiêm nghiệm, tái tạo cảm xúc cho mình !
Tôi chợt nghĩ : thì ra người đàn ông thi sĩ cũng  chẳng
 khác với người đàn bà thi sĩ  và cũng chẳng khác với người thường ở một nét nào !
Bởi "con đường yêu " của các đấng mày râu  c
ũng như các bậc nữ sĩ  và mỗi người thường  đều va vấp rất nhiều "ngã ba"  rất  cần sự khẳng định .  Có điều ứng xử như thế nào là cách riêng của mỗi người. Ai biết được con đường nào trải thảm, nhiều hoa thơm trái ngọt mát lành ? Con đường nào gập ghềnh gai góc, chát chua , se sắt ? Đi vòng, tránh “ngã ba” là một cách ứng xử của chẳng riêng gì mình tác giả, cũng chẳng riêng gì phái mày râu!

26/ 2/2016 Tâm Dung






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét