Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

MỘT TÍN ĐỒ LỤC BÁT



 
MỘT TÍN ĐỒ LỤC BÁT
Đọc “ Con gái thì thứ hai” của Đồng Thị Chúc, nxb Văn học, 2017
                                             Vũ Nho
Nhan đề “ Con gái thì thứ hai” gây cho người đọc chút tò mò. Tại sao lại thứ hai? Phải chăng tác giả muốn tranh luận, ủng hộ hay phản bác tư tưởng trọng nam khinh nữ trong câu “ Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ( Một con trai thì coi là có, mười con gái coi bằng không)? Hay  tranh luận với cách nói có vẻ thô thô trong dân gian “ một trăm đứa con gái, không bằng hòn… của đứa con giai”? Tưởng vậy mà không phải vậy. Con gái thì thứ hai là cách giải thích riêng của tác giả về 2 thì , hai giai đoạn của người con gái:
                   Một thì bên mẹ bên cha
                   Một thì em ở cùng nhà các con
                                     ( Hai thì con gái)
Thì thứ nhất ở nhà cùng cha mẹ đẻ. Thì thứ hai là thì ở nhà chồng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại nhất quyết rằng thì thứ hai của người con gái là thì “hồi xuân”. Và anh nói “ Thì hồi xuân theo tôi, có lẽ là thì đẹp nhất của phái đẹp, cái thì vừa rạo rực, vừa đằm thắm, vừa mộng mơ, vừa cháy bỏng, và, cháy hết minh” (Đồng Thị Chúc, cặp đôi lục bát tang bồng). Thực ra, có người có thì “hồi xuân” nhưng có  nhiều người xuân đã đi là đi mãi mãi. Không có chuyện “hồi” lại. Ngày xưa, với nhiều người,  làm gì có chuyện hồi xuân.  Chứng cứ  trong  dấu ấn của ca dao. Cũng phải nói thêm là cái cô “ Ra đường người tưởng còn son/ Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng” là một biệt lệ. Còn thì nhìn chung:
          Gái một con trông mòn con mắt
          Gái hai con con mắt liếc ngang
          Ba con cổ ngẳng răng vàng
          Bốn con, quần áo đi ngang khét mù
          Năm con, tốc rối tổ cu
Càng nhiều con cái,  theo thời gian, nhan sắc người đàn bà càng tàn tạ, héo mòn…


               Vũ Nho


Nhưng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói đến thì thứ hai là thì hồi xuân  hoàn toàn có lí do. Ít nhất cũng đúng với tác giả của tập “Con gái thì thứ hai”. Bởi lẽ, chính trong  bài “Hai thì con gái” tác giả đã viết:
          Vẫn dây lưng thắt cho tròn
          Vẫn như thiếu nữ eo thon thuở nào
Vậy là sang thì thứ hai, nhưng người đàn bà vẫn còn trẻ trung, vẫn còn khao khát như thiếu nữ. Vậy thì “thì thứ hai” là mong ước là khát khao, là thì “hồi xuân” chứ còn sao nữa!
          Tuy rằng vẫn như “thiếu nữ eo thon”, song “thì thứ hai” cũng làm cho người “con gái cao tuổi” khác với thì thứ nhất, cái thì trẻ trung căng đầy sức sống, phơi phới mộng mơ. Cái thì  trẻ mà Vũ Quần Phương đã diễn tả rất hay:
          Chúng mình đi giữa người ta
          Áo chan chan nắng môi ngà ngà say
Thì thứ hai khiến cho dù muốn hay không, người thơ vẫn hay ngoái lại thì thứ nhất, ngoái lại những gì vừa mới gần gũi như là hôm qua, nhưng đã cách xa vời vợi. Tác giả gọi thầy thì th ầy đã khuất ( Thầy ơi!). Gọi anh thì anh đã đi xa vào cõi vĩnh hằng ( Anh ơi!). Gọi Làng thì  làng đã mang hồn vía khác:
          Rưng rưng tôi gọi giữa trời
          Làng ơi! Thuở tuổi chín mười giờ đâu?
                                   ( Làng ơi!)
Dù vẫn giữ tâm hồn trẻ, cái nhìn trẻ, như làm sao giữ được nhan sắc của thì mười tám, đôi mươi:
          Thời gian theo tháng theo ngày
          Tóc dài cùng má đỏ nay đâu còn?
                                ( Em gái làng Châu 1)
Câu lục bát tưởng chừng chỉ mô tả thuần túy cảnh gặp nhau nhưng sao đầy vị ngâm ngùi, dù gặp gỡ là một điều vui, còn cạn chén được là còn khỏe mạnh:
          Một năm mới được một ngày
          Gặp nhau chị đấy, em đây đã già
         
          Chị em ta cạn đi nào
          Những gì qua thả hết vào chữ QUÊN!
Nói thì dễ như thế đấy, nhưng muốn quên nào có thể quên? Đúng như day dứt trăn trở trong bài “ Liệu quên?” : “ Khuyên người quên, liệu mình quên? Cả hai ván đã đóng thuyền còn đâu.
          Thì thứ hai không thể hồn nhiên như thì thứ nhất. Bởi vậy mà dù chưa tắt lửa tình, dù vẫn “còn duyên” nhưng chỉ dám “mơ Hội Lim” chứ không đến hội:
          Sợ rằng đi Hội với người
          Mải trèo Quán Dốc mải chơi không về
          Biết đâu lại vướng lời thề
          Nên thôi, đành chỉ mơ về Hội Lim
                                 ( Sợ rằng…)
Thật đáng cảm thông cho người “ dừng chân ở bến nhiều yêu thương” tưởng đã có thể “ ngồi hát khúc thảnh thơi ru lòng” nhưng vẫn xốn xang, vẫn phải “ cầm lòng”:
          Xin đừng nhắc đến mưa ngâu
          Cũng đừng đổ lửa, thêm dầu đèn khuya
                            ( Xin đừng)
          Cầm lòng vậy, để người tìm
          Đành lòng vậy, để ta chìm “ Bến Mơ”
                          ( Sợ rằng…)
          Giấu mình vào chốn âm thầm
          Tránh đi những tiếng sắt cầm bên tai
          Thôi thì ngồi đếm ban mai
          Để trừ dần tiếng thở dài hàng đêm
                             ( Hai thì con gái)
Đồng Thị Chúc từng du học ở Triều Tiên với ngành nghề khoa học kĩ thuật, nhưng chị lại đam mê làm thơ, nhất là thơ lục bát. Lục Bát là một thể thơ đặc biệt của dân tộc. Cái thể thơ dễ làm nhưng khó hay không hiểu sao lại làm cho chị mê đắm.
Em mang lục bát lang thang khắp miền ( Em gái làng Châu 3) chính là lời tự bạch của chị, một người con gái làng Châu. Chị đã viết tập thơ “ Lục bát dâng tặng người xưa”. Lại cất công sưu tầm những bài lục bát hay của mọi người để in tập “ Lục Bát dâng tặng mẹ ta”, bây giờ lại trình làng một tập toàn Lục bát. Và có cả một bài thơ riêng để tri ân thể thơ này:
          Lục bát là Lục bát ơi
          Biết bao người đã kêu Giời vì em.
Kêu Giời là khi khổ sở. Nhưng kêu Giời cũng là khi thống khoái. Tùy hiểu thế nào cũng được. Nhưng tác giả thì không giấu mình là tín đồ của thể thơ này: “ Giữa trời đất rộng mênh mông. Cặp đôi lục bát tang bồng mà đi
                                                            Hà Nội, ngày rét 9 độ C,  19/12/2017
         
         
         

         
         
         


         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét