Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ LỤC BÁT



ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ LỤC BÁT *
                                   Lê Hữu Bình- đã đăng trên Faceboook đầu 2018
                                                
         Thơ lục bát là thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Có từ bao giờ và ở đâu là đầu tiên, cũng khó mà biết được chính xác. Thơ lục bát được dùng nhiều nhất trong các loại hình thơ hiện nay, trong ca dao hò vè đa phần cũng vận từ thơ lục bát. Chính vì vậy chúng ta đã đang tôn vinh lên làm Quốc thơ... Tuy nhiên được tiếp cận và theo dõi nhiều về thơ lục bát, vẫn thấy còn có một số (rất ít) trường hợp sáng tác thơ lục bát chưa được đúng về vần điệu niêm luật thanh âm lắm. Trong khi rất nhiều cây bút viết về thơ lục bát rất hay rất thâm sâu. Cũng xin mạo muội nêu ra một vài nguyên tắc niêm luật vần điệu của thơ lục bát như sau:
    I- THANH BẰNG, TRẮC:
          1. Các từ nhất thiết phải thanh bằng (Những từ có dấu Hiền và không dấu), vần trắc (Những từ có dấu Nặng- Sắc- Hỏi- Ngã). Để dễ hiều, dễ nhớ người ta đưa ra một định nghĩa cho các từ ở hai câu lục bát như sau:
Bằng 2,6,8 trắc 4
Luật này phải đúng còn dư thì tùy.
Vậy là các từ thứ 2 thứ 6 và thứ 8 ở cả 2 câu lục bát nhất thiết phải thanh bằng.
         2. Từ thứ 4 ở cả 2 câu nhất định phải thanh trắc đó là nhịp 2/2 (2 từ xác định được một ý). Đây là nhịp cơ bản và dùng nhiều nhất trong lục bát. Ví dụ:
Trăm năm/ trong cõi/ người ta
Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là/ ghét nhau. (Kiều)
          Trường hợp tiểu đối hay nhịp 3/3 (3 từ mới điễn đạt được một ý) thì chữ thứ 2 người ta vẫn dùng vần trắc mang tính điểm nhấn được, nhưng rất ít. Như: Người nách thước/ kẻ tay đao... Hoặc: Có cỗ thụ/ có sen hồ (Kiều).
     Hoặc nhịp 3/5 ở câu bát thì cũng được:
              Rồi mai giã bạn anh về
     Nghe kẹt cửa/ lại nhớ tre rừng Lào (Phạm Tiến Duật).
             Còn có những nhịp khác nữa như 1/3/4: Vầng dương ngà ngọc người ta/ Đây/ vành trăng vẹt/ mờ xa cuối trời (truyện thơ Thúy Lan). Hoặc nhịp 4/4...v.v..  cũng đều phải tuân thủ luật về các thanh bằng, trắc...
            II- GIEO VẦN



    Đương nhiên vần của từ thứ 6 câu lục phải vần với từ thứ 6 của câu bát và từ thứ 8 của câu bát phải vần với từ thứ 6 câu lục, cứ thế liên tục nối đuôi nhau kéo dài cho đến hết bài, hết tác phẩm lục bát mới thôi.
             1. Vần chính
  Tức nguyên phụ âm của từ thứ 6 câu lục, trùng với nguyên phụ âm từ thứ 6 câu bát:
               Bầm ơi có rét không bầm
   Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn. (Bầm ơi)
      Chúng ta thấy từ bầm và thâm phần nguyên phụ âm của 2 từ này đều là âm (â là nguyên âm, m là phụ âm). Tóm lại vần chính thì ai cũng nhận ra, khỏi bàn.
              2. Vần thông.
         Trong trường hợp người ta không tìm được từ vần chính để ghép vần cho câu trên thì buộc người ta phải tìm tới vần thông. Hoặc có vần chính nhưng từ đó không đủ hay, mà vần thông hay hơn, ý nghĩa sâu sắc hơn thì người ta sẽ lấy vần thông để gieo vần, không phải một câu mà nhiều câu liền. Những chữ cuối của vần thông thường là các nguyên âm: A,O,Ơ,U,Ư,I,E... Ví dụ: Vực nàng lên ngựa tức thì/ Phòng đào viện sách bốn bề lửa dong. (Kiều) rõ ràng 2 từ: Thì- Bề có các chữ cuối nguyên âm là I,E. Một khi 2 chữ cuối đã là vần thông thì phụ âm nối theo phía sau giống nhau cũng là tương thích vần thông. Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (ca dao) 2 từ vần thông ơn- uồn. Rút ra: IM- EM là thông còn IM- EN là không được vì phụ âm N khác phụ âm M. Hoặc: Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. (Kiều). Rõ ràng từ TRỜI, VÀI có phần nguyên âm kèm phía sau là ơi- ai hoàn toàn đúng luật thông. Hai câu tả muà xuân của cụ Nguyễn rất hay nhưng đó lại là vần thông. Nói về vần thông khi gieo vần cho thơ lục bát thì Nguyễn Du là người sử dụng khá nhiều. Không phải cụ bí không tìm được từ vần chính mà thực thi ý đồ hẳn hoi, vì vần thông chứa cái hay riêng của nó. Đọc lần đầu nghe thấy tức tai một chút, nhưng đọc lại đôi ba lần thấy hay mà ấn tượng nhớ lâu. Mười mấy câu vần thông liền một lúc của cụ Nguyễn:
720: Tơ vương còn vướng mối này chưa xong
            Hở môi ra cũng thẹn thùng
Để lòng từ phụ tấm lòng với ai
            Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
           Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
           Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
           Sự đâu sóng gió bất kỳ
730. Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai
          Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non.. (Kiều)
         Nguyễn Du còn nhiều chỗ sử dụng liên tục 4-5 câu vần thông, như:
          Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt sẽ đền bồi có khi
          Thấy lời đoan chính dễ nghe
Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân...
         Đoạn tả Kim Trọng cứ muốn “ấy” trước Thúy Kiều nhưng nàng không cho. Hoặc câu vần thông rõ hay: Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san... Người về chiếc bóng năm canh/ Người đi muôn dặm một mình xa xôi (Kiều), các bạn để ý từ bào và màu, từ canh- mình vần thông rõ tinh tế. Mấy câu về vần thông rất đặc trưng trong Kiều khi tả sắc đẹp của Thúy Vân: Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da. Từ vời- ngài, trang- nhường khi chiết tự phía sau của mấy từ ấy ra ở 2 câu sau, ta có angường (thấy rõ nguyên âm a phụ âm ng và nguyên âm ươ, phụ âm ng đủ tố chất cấu thành vần thông trong luật vần thông của thơ lục bát). Qua đây chứng tỏ sử dụng vần thông nhiều hợp lý chứng minh khả năng kỳ tài của người thơ chứ không phải vì bí không tìm được vần chính phải lấy vần thông thế chỗ ép vần... Có thể kết đoạn này này như sau: Một khi phía cuối của một từ đã là nguyên âm, các nối tiếp sau dù mấy phụ âm chăng nữa mà giống nhau thì 2 từ đó cũng sẽ mặc định vần thông... Cũng không ai định rõ là trong một tác phẩm lục bát thì bao nhiêu câu vần thông là hợp lý? Theo tôi là tùy theo bài nhưng những tác phẩm có dung lượng lớn dài về số lượng câu, thì có thể vần thông chiếm quãng trên dưới 20%. Theo các nguyên tắc trên, tôi đã giành công thống kê ra truyện Kiều có 671 câu vần thông trong tổng số của Kiều là 3254 câu. Nhân đây có người cũng từng thống kê trong truyện Kiều sử dụng tới 131 từ Hoa, 100 từ Xuân và 60 từ Nỗi một con số lý thú. Vần thông có chiều sâu hay, len lõi vào tâm tưởng người đọc một cách tự nhiên mới kỳ... Sở dĩ cứ lấy truyện Kiều ra làm dẫn chứng minh họa là dễ thuyết phục bạn đọc nhất. Giờ đây rất nhiều các bác các anh chị các em và các cháu làm thơ lục bát quá hay.
               Luc bát phải tuân thủ theo luật bằng trắc nhưng cách chọn từ gieo vần sao cho các chữ liên kết liên âm mềm mại giai điệu mượt mà có thần có hồn có nhạc là rất nên, thường dễ ở nhịp 2/ 2 còn ở vài nhịp khác tạo điểm nhấn là chính, nhưng rất ít. Từ là những từ ngữ đang sử dụng của thời đại mình đang sống, chọn lựa đưa vào thơ thì mới sống động thiết thực đảm bảo giá trị lâu dài. Câu từ, có chỗ là bác học nhưng cũng khi rất dân dã để tạo nên tính đa hoạt của bài thơ, khi trữ tình sâu lắng lúc bộc trực phủ phàng tất cả nhằm vun đắp cảm xúc mê hồn cho đọc giả. Ví như: Vầng trăng ai sẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dằm đường. (Kiều- rất bác học) Và: Vội vàng xuống ngựa ra uy/ Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng (Kiều- rất dân dã)...  Tuy nhiên cá biệt có người hiện nay chưa hiểu vần thông, lại cho rằng những câu lục bát như vậy là phạm luật là sai là ép vần, thật khí không phải. Cứ nguyên tắc cứng phải vần chính thì chúng ta làm sao có nổi những tác phẩm thơ lục bát dài bất hủ, vĩ đại?
             3. Vần trùng:
         Tức là từ thứ 6 của câu lục trùng với từ thứ 6 của câu bát: Hoặc chữ cuối câu bát trùng với chữ cuối câu lục. Đàn bầu ai gảy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu. (ca dao). Hoặc: Người đâu trong ngọc trắng ngà/ Mặt vành vạnh nguyệt, tóc ngà ngà mây. (Nhị Độ Mai). Hoặc: Duyên kia có phụ chi tình/ Mà toan sẻ gánh chung tình làm hai (Kiều). Trùng cả chữ của câu bát và câu lục: Ấy hồn thục đế hay mình đỗ quyên/ Trong sao châu nhỏ duềnh quyên. (Kiều). Vần trùng rất ít dùng có thể nó chỉ chừng 0,1% trong tác phẩm thôi.
             * Nên tránh
           Khi gieo vần thơ lục bát chúng ta nên tránh các từ thứ 6, thứ 8 ở câu bát cùng vần với nhau vì nghe không suôn sẻ, bí, không thoáng mở cho các câu, đoạn nối tiếp sau. Hiện tượng này gọi là Phong yêu. Với những tác phẩm lục bát lớn dài đồ sộ có thể không tránh khỏi, nhưng các bài thơ ngắn chúng ta nên triệt để tránh, tuy không phạm luật nhưng không hay.
             ** Một vài bài lục bát, bẻ gãy từng đoạn ở các câu (thể hiện điểm nhấn, cái mới..), tôi nghĩ không hay lắm. Đã là lục bát thì câu trên phải 6 dưới phải 8, bẻ thành từng khúc đâu còn là thơ lục bát? Nên coi đó là dạng thơ tự do thì hợp hơn.
            Bàn về thơ lục bát thì dài, lớn lắm, không thể một bài ngắn mà nói hết được. Cũng do nghiên cứu lâu năm, biết một chút nho nhỏ về thơ lục bát, lại thấy một số thi sỹ hay gặp phải vài trục trặc này, nên mạo muội đưa ra mấy tiêu chí góp vui chia sẻ cùng bạn đọc.
             Chúc mọi người sáng tác về thơ lục bát thật hay
                                                                         12/ 2017-   LHB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét