Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

CÔ HÀNG HƯƠNG



CÔ HÀNG HƯƠNG*
                     Nguyễn Địch Long

Em, ba mươi tết đến nhà
Cô hàng hương gió lật tà áo nâu
Khăn sư buộc phận lên đầu
Sắc hương trời nước nhuốm màu sắc không.

Sao em vội với nâu sồng
Câu thề xuống tóc má hồng lặn đi?
Dấn thân khổ hạnh còn gì
liễu gày nương bóng từ bi cầm lòng.

Hồ thu đáy mắt lửa hong
Nhấn hồn bao kẻ lụt trong đấy rồi
Sông tình sóng vỗ ngược xuôi
Mình em nỡ mắc cạn nơi cửa thiền.

Hương mua rồi muốn mua thêm
Cũng là mua chút nỗi niềm đa đoan
Nén trầm thơm cháy dở dang
bước chân xô lệch chiều vàng em đi.

*Cô hàng hương- Nguyễn Địch Long (Thơ lục bát, NXB Hội nhà văn-
 Tháng 8-2010).

  LỜI BÌNH của TRẦN TRUNG

  Nhà thơ Nguyễn Địch Long gửi “chút nỗi niềm đa đoan” với cô hàng bán hương vừa rời cửa Chùa. Tâm tình được giãi bày, trao gửi theo điệu kể quen thuộc, bình dị cùng cả sự quan sát về cô gái ấy, nhà sư ấy. Thời gian “Em” đến “ba mươi tết”; và, con gió cuối năm, có trớ trêu thay, lại giúp chi người thơ nhận thêm ra, rõ ra chân dung cô gái từ “tà áo nâu”, đến cái khăn đội đầu: “Khăn sư buộc phận lên đầu”. Thế là chân dung “Cô hàng hương” đã được định hình mà cũng rành ra cuộc sống và môi trường gìn giữ, ràng buộc cô (em):
         “Khăn sư buộc phận trên đầu
           Sắc hương trời nước nhuốm màu sắc không”
  Chỉ một đôi nét phác họa, cũng là phác thực, hình ảnh cô hàng bán hương ngỡ như hiện ra trước mắt ta, từ vẻ ngoài tới thân phận.




  Từ đây, điệu thơ kể cùng quan sát, nhanh chóng dấy lên một chuỗi tâm tư trong băn khoăn, pha cả chút tiếc nuối cho cô hàng hương trẻ tuổi. Này như “sao em vội” lại đi liền với những liên tưởng, nghĩ suy từ chính trái tim “đa đoan”, đa tình của thi sỹ. Chẳng biết những điều suy tư đa cảm ấy có đúng bao nhiêu phần trăm về thân phận của cô hàng hương, của nhà sư nữ trẻ trung !? Điều trăn trở đầy chất Nhân văn-Đời thường của nhà thơ họ Nguyễn, có thể còn “vướng” vào một đôi con chữ cũ càng (má hồng,liễu gày, cầm lòng, hồ thu...). Song, ta vẫn nhận ra được nỗi niềm tiếc nuối một cách rất thành thực, rất đời (và, cũng rất thi sỹ nữa chứ!) trước hình ảnh một cô gái trẻ, đi bán hương cho Nhà Chùa-Nhất là lại vào ngày cùng tháng tận, ba mươi tết. Mà, lẽ ra-thời điểm ấy, cô phải được gặp gỡ người thân, người yêu; phải được sống trong không gian xum họp gia đình, ấm áp tình người. Cũng bởi thế, đọc hai khổ thơ tiếp theo (khổ 2 và 3, trong bốn khổ của bài thơ), sao ta cứ thấy dâng lên nỗi niềm cảm thương, xúc động. Có lẽ những câu thơ này, không còn chỉ dừng lại chút tâm tình đa mang-thành thực của nhà thơ với một “Cô hàng hương” nào đó. Mà, có lẽ còn bay lên và lan tỏa trong cảm nhận và suy tư của người nghệ sỹ với thân phận-con người, trước một cảnh huống cuộc đời:
         “Sao em vội với nâu sồng
           Câu thề xuống tóc má hồng lặn đi
           Dấn thân khổ hạnh còn gì
           Liễu gày nương bóng từ bi cầm lòng.

         Hồ thu đáy mắt lửa hong
         Nhấn hồn bao kẻ lụt trong đấy rồi
         Sông tình sóng vỗ ngược xuôi
          Mình em nỡ mắc cạn nơi cửa thiền”.

  Có lẽ trái tim vốn nhạy cảm và đa đoan của nhà thơ, đã khéo “vơ vào” mà day dứt, mà cảm thương, mà tiếc nuối cho cô gái-nhà chùa đã sớm phải/được “buộc phận lên đầu”; sớm “ vội với nâu sồng”; để rồi “mắc cạn nơi cửa thiền”...
   Người thơ đã lặng lẽ quan sát cô em gái-nhân vật trữ tình của mình, trong cuộc giao đãi không thành lời đối đáp. Để rồi, khoảnh khắc giã từ cũng đến:

       “Hương mua rồi muốn mua thêm
         Cũng là mua chút nỗi niềm đa đoan
         Nén trầm thơm cháy dở dang
         Bước chân xô lệch chiều vàng em đi.”

   Hình như có một chút vồi vội, thảng thốt trong những tiếng “Hương mua rồi muốn mua thêm”. Ở đây, đâu phải là chuyện gấp gáp bán mua như giữa phiên chợ cuộc đời ! Nhà thơ tự thổ lộ chút “nỗi niềm đa đoan” của một kẻ sỹ, một thi sỹ trước một cảnh đời, một thân phận:
        “Nén trầm thơm cháy dở dang
         Bước chân xô lệch chiều vàng em đi”.
   Những câu chữ trong khổ thơ cuối của Nguyễn Địch Long như chẳng hề muốn nâng lên những điều giáo lí nhân sinh; Cũng chẳng hề giăng mắc những lời lãng mạn, tình tứ, mộng mơ. Mà, thoáng chút tiếc nuối như “nén trầm thơm cháy dở” lan dần, tan dần trong không gian chiều ba mươi tết. Tiếc nuối mà không hề buồn bã. Phải chăng tình ý của nhà thơ đã đứng phải chăng, chừng mực mà cũng đầy ám ảnh giữa đường biên Đạo và Đời.

                                                       HÀ NỘI 1/7/2019.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét