Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

THÀNH PHỐ MÙA XÀ CỪ THAY LÁ




THÀNH PHỐ MÙA XÀ CỪ THAY LÁ
(Tản văn)
Nguyễn Thị Lan

1. Những ngày cuối tháng Ba đầu tháng Tư âm lịch, thời khắc giao mùa Xuân sang Hạ, khi cái nắng còn chưa oi ả và cũng chưa chói chang, tôi lang thang đi “thưởng lãm” cây trong thành phố. Dọc đường Trần Hưng Đạo, đại lộ Hồ Chí Minh, đường Hồng Quang, công viên Bạch Đằng, đặc biệt trước cửa Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội ở đường Bạch Đằng có những hàng cây xà cừ cổ thụ đẹp đến xao xuyến lòng. Đi dưới hàng cây, tôi bắt gặp những chiếc lá vàng nhỏ xoay xoay trong gió. Đã cuối Xuân đầu Hè sao còn lá rụng, cứ ngỡ mùa Thu, mùa Đông cây mới rụng lá? Nhưng thành phố có  một mùa như thế khi xà cừ đổ vàng, mùa “ thay áo” của một trong những loài cây lâu đời nhất ở thành phố Hải Dương.
Con đường Bạch Đằng chiều chiều tôi đi qua rợp bóng xanh mát của hàng cây xà cừ cổ thụ. Ở đây có những cây tuổi đời trên nửa thế kỷ được trồng từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Những “cụ cây” xà cừ sừng sững như một chứng tích với gốc vạm vỡ, xù xì, với những cái mấu và mắt gỗ lồi lên như vết sẹo….
Cây xà cừ còn được gọi là cây đại lực sĩ, khắp thành phố có nhiều gốc xà cừ đường kính đến nửa mét, có cây đường kính gốc đến hàng mét.
Tôi yêu cây xà cừ vì đó là một loại cây rất mộc mạc, giản dị, khiêm nhường, thanh tao nhưng lại có sức sống vô cùng mãnh liệt. Khi hầu như tất cả những loại cây đường phố rụng lá vào mùa Thu thì đến mùa Đông thành phố vẫn xanh một màu xanh mang tên xà cừ. Những chiếc lá xà cừ vẫn thi gan cùng rét buốt. Xà cừ “gồng” lại màu xanh cho mùa Đông đỡ trống vắng, cô đơn, lạnh lẽo. Nhưng vào mùa Hạ, khi những loại cây khác đang độ thanh xuân ngút ngàn thì xà cừ lại vội vàng đổ lá. Giữa mùa Hè mà lá vàng ngập đường. Xà cừ thay lá rực rỡ một góc trời.

Trong bản giao hưởng bốn mùa, thời điểm xà cừ vàng lá là một nốt nhạc lặng cần phải có, là khoảnh khắc những chiếc lá cống hiến hết mình cho cuộc đời được ngẩng đầu kiêu hãnh, đẹp dịu dàng và yêu kiều nhất trước khi trở về với cội nguồn.
Mấy hôm vừa rồi có một đợt gió mùa Đông Bắc ùa về, gió như heo may mùa Thu lành lạnh. Được thể, những đợt lá xà cừ vàng ươm lại rụng xuống. Chợt thấy lòng mình lâng lâng như gặp mùa Thu đâu đấy….
Thời khắc lá rụng trông thật lãng mạn và đẹp làm sao. Một cơn gió đi qua, hàng trăm,hàng ngàn chiếc lá nhỏ lại dịu dàng vương đầy khắp nơi, xôn xao trên mặt đường, níu gót chân người. Lá bay bay bám vào tóc, vào xe của người đi trên phố. Lá trút xuống mặt hồ, trên đường phố cổ, trên những nếp nhà đượm chút rêu phong. Lá tự buông mình xuống thảm cỏ xanh trong công viên nhẹ như những cánh hoa bay. Những cơn mưa lá nho nhỏ dần bao phủ lấy không gian thực tại. Cảnh vật nên thơ, phố giống như người đàn bà luống tuổi lại trở nên quyến rũ trong nét hoài cổ hơi u buồn.
Xà cừ trút lá xuống thật nhanh, chỉ vài tuần là lá rụng hết. Ở đâu đó khi những chiếc lá xà cừ chưa kịp rụng xuống, những chồi đỏ lá non đã mọc lên tự lúc nào. Trên cành cao, có bao nhiêu chồi non vừa cựa mình hé mở thì có không ít những chiếc lá già sau bao nhiêu âm thầm cặm cụi đã lặng lẽ lìa cành sau một cơn gió nhẹ. Màu vàng của lá, màu đỏ của chồi non, màu xanh non tơ của lá khiến những ai chợt bước dưới hàng cây xà cừ dài dằng dặc không khỏi ngỡ ngàng xốn xang.
Những con đường tháng Năm có bằng lăng tím, có phượng đỏ, có muồng vàng, có tiếng ve kêu râm ran gọi Hè làm người đi chầm chậm lại. Bạn đừng quên đi điều giản dị, màu vàng của lá xà cừ rụng xuống như một nốt trầm trong veo trong nắng.
2. “Em ơi mùa lá rụng…”
Có nhà thơ nào đó đã làm một bài thơ về mùa lá rụng, cái mùa vàng lá gợi trong người nhìn ngắm bao nỗi buồn, nhất là những ai nhạy cảm và cô đơn.
“Em ơi đừng gom lá
Cứ để gió vàng bay
Chiều đi ta ở lại
Với lá rụng rơi đầy”
Mùa lá rụng làm lòng ta tràn ngập yêu thương lá. Có phải mỗi chiếc lá khi lìa cành đều có một tâm trạng rơi và cũng có số phận riêng. Lá cống hiến cho đời, dâng cho đời những màu xanh để rồi một ngày buông mình thanh thản trở về với đất Mẹ như chưa từng có cho mình những mùa vàng của năm tháng. Lá thật vô tư.
Mùa lá rụng là mùa thường đem đến cho ta những phút bâng khuâng và có một cảm giác gần như một nỗi sợ mơ hồ: sợ thời gian, sợ sự đổi thay hay điều gì không rõ nét.
Mùa lá rụng là thời gian mỗi người nhìn lại chính mình và suy nghĩ sâu hơn, ta có những “khoảng lặng” vừa đủ để nỗi buồn man mác chợt xen vào; ta thấy lòng mình bình yên giữa cái phố thị ồn ào.
Mùa lá bay chợt nhớ về năm xưa với kỷ niệm tuổi thơ trong trẻo: Sân trường tiểu học, dưới gốc xà cừ, ta cùng mấy đứa bạn gái giơ tay đón những chiếc lá vàng rơi như đón niềm vui nho nhỏ. Với ta và bạn ngày ấy, những chiếc lá bay chở đầy điều mơ ước. Và giờ đây nhìn ngắm lá rơi, một tiếng nói xa thẳm ký ức vọng về: “không được quên những thứ trong veo, không được hờ hững đi qua những vu vơ nhẹ bẫng, bởi đấy là mối tâm can, là bình yên sâu thẳm, là những điều giản dị mà hạnh phúc”
Mùa lá rụng làm trái tim ta buồn da diết, nỗi buồn nhân sinh, nỗi buồn của rời xa mãi mãi. Lá rụng về cội, nước chảy về nguồn, cuộc sống vốn là như vậy, quy luật của tự nhiên, vòng quay của một kiếp nhân sinh… “sinh, trưởng, diệt” không thể đổi thay. Con người cũng chẳng khác gì chiếc lá vàng kia, một ngày nào đó cũng đi vào cõi hư vô. Nhìn lá rụng, ta lại nhớ về bao người thân đã ra đi mãi mãi. Ta càng yêu thương trân quý hơn những gì ta đang có trên thế gian này và ta tự nhủ: hãy sống và yêu thương như ngày mai ta không có trên thế gian này nữa, như chiếc lá vàng đang rơi kia. Lá rụng giúp ta “đốn ngộ”
Những cây xà cừ đã góp vào vẻ đẹp của thành phố một màu sắc rất riêng: lãng mạn và đầy suy tư hoài niệm.
Bạn hỡi, đừng bỏ lỡ một mùa “thay áo” của xà cừ , mùa lá rụng của một trong những loài cây lâu đời nhất thành phố quê ta đấy.

Hải Dương đầu Hè năm 2016











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét