ĐÓA HOA HỒNG CHO NGƯỜI BÌNH THƠ
Phạm Đức Nhì
Từ Một Bình Luận Trên Facebook
Mới đây, dưới bài viết Hồn Thơ Và Cảm Xúc (1) của tôi trên Facebook có hai bình
luận của Vân Anh; đúng ra là một bình luận được chia làm hai phần - phần đầu là 4 câu thơ và phần sau có vẻ như là lý do chị đã viết 4 câu thơ đó.
Dưới đây là nguyên văn bình luận:
Không
là dòng chảy trong mương
Không
là sóng cả đại dương thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.
Cám
ơn anh Nhì Phạm.
Bài
viết của anh thật thú vị. Em cũng từng nguệch ngoạc đôi dòng nhưng vẫn chưa thấy dáng dấp thơ trong đó. Đọc bài viết của anh và ngộ ra khá nhiều lỗ hổng trong những dòng nguệch ngoạc của mình.
Tôi
trả lời:
Cảm thấy vui khi đọc những dòng "tự thú" của em. Ít ra là bài viết của anh đã có ích cho một người. Rất Yêu Quý em, Vân Anh ạ.
Bốn câu thơ của em hay lắm. Hôm nào có hứng sẽ có mấy dòng "chọc phá" em.
Bài
Thơ Đã Có Tựa Đề
Sau
khi cùng tôi trao đổi qua mục nhắn tin của Facebook, chị đã chọn cho đoạn thơ một tựa đề. Và bài thơ đã có bộ mặt hoàn chỉnh như sau:
MẠCH NƯỚC NGẦM
Không
là dòng chảy trong mương
Không
là sóng cả đại dương thăng trầm
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về.
(Vân
Anh)
Tứ Thơ
Tứ thơ dựa trên văn bản:
Không
là dòng chảy trong
mương,
cũng không phải đại dương sóng cả, Người là mạch nước ngầm, êm ái chảy trong tâm hồn tôi suốt những tháng năm vụng về.
Tứ thơ đúng là “kín như bưng”.
Cũng
may, nhờ có phần sau của bình luận, tứ thơ có diện mạo dễ coi và dễ hiểu như sau:
Nhờ đọc và tiếp nhận “hương hoa” của những bài bình thơ từ 4 phương, 8 hướng, tác giả chợt “ngộ” ra rằng những nhà bình thơ (đúng ra là tác phẩm của họ), không là dòng chảy trong mương, cũng không
phải đại dương sóng cả, mà hình như là một mạch nước ngầm, nhẹ nhàng êm ái chảy trong tâm hồn suốt những tháng năm chị còn vụng về trong việc sáng tác cũng như cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca.
Ý:
Chính những nhà
bình thơ đã
giúp thi sĩ chỉnh sửa những vụng về, bất cập trong thơ họ sáng tác cũng như cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca của họ.
Thể Thơ
Mạch Nước Ngầm được viết bằng thể thơ lục bát, vần gieo đầy đủ, gần như là chính vận (mương/dương, trầm /ngầm, ngầm/năm) nhưng bài thơ ngắn (4 câu) nên vần chỉ vừa độ ngọt, không có hội chứng nhàm chán vần.
Nhịp điệu không mới theo nghĩa đột phá, tiên phong nhưng cũng không quá cũ. Câu 2 có
đảo ngữ của tĩnh từ “sóng cả”; câu 3 có đảo ngữ của tĩnh từ “êm ái” với nhịp 1/2/3 (Người/ êm ái/ mạch nước ngầm) cũng khá lạ nhưng rất tự nhiên, không có vẻ “cố làm mới” một cách gượng gạo.
Nói
chung, bài thơ gọn, đẹp về mặt hình thức.
Ngôn
Ngữ, Hình Tượng
Ngôn
ngữ ở câu đầu “Không là
dòng chảy trong mương” có nét đẹp giản dị dân dã của cô gái quê. Đến câu thứ hai “Không là
sóng cả đại dương thăng trầm” nét đẹp đã có
chút ít vẻ cao
sang. Về ý
nghĩa, cả 2 câu
đều tương hợp với - và trong chừng mực nào đó, có đóng góp cho - tứ thơ, nhưng cũng chỉ là những diễn viên phụ, đóng vai dọn cảnh.
Đến 2 câu cuối:
Người – êm ái mạch nước ngầm
Chảy trong tôi suốt tháng năm vụng về
sự thăng hoa đã hiện ra rất rõ ràng. Đài các, quý phái nhưng không kênh kiệu lố lăng; trang điểm theo sát cung cách, thời trang đương đại nhưng vẫn duyên dáng, dễ mến. Và quan trọng hơn, hồn cốt của bài thơ nằm ở 2 câu này.
“Người”: Danh từ, có thể số ít và cũng có thể số nhiều (hiểu với nghĩa số nhiều thì đúng hơn) – là nhà bình thơ, cũng có thể hiểu với nghĩa “hương hoa” của những tác
phẩm bình
thơ, hay
khái quát hơn là
công việc bình
thơ.
“Êm
ái, mạch nước ngầm”: Khác với lời giải của một bài toán, những nhận định hay, dở về một bài thơ hoặc những đúng, sai liên quan đến lý thuyết thơ đều chưa phải là kết luận chung cuộc. Chúng còn phải chịu thử thách của nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, trước khi đủ độ khả tín để thuyết phục người đọc. “Hương hoa” của những bài bình thơ, nói chung là công việc bình thơ, được tác giả gọi là “mạch nước ngầm êm ái”. Nhờ “mạch nước ngầm êm ái” đó tác giả có thể chỉnh sửa những “vụng về” trong thơ, cũng như những thiếu sót, bất cập trong cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca của mình.
“Chảy trong tôi”: Tiến trình thẩm thấu nội dung và tiêu hóa các bài bình
thơ trong
tâm hồn người đọc, ở đây là tác giả Mạch Nước Ngầm.
“Suốt tháng năm”: Học hỏi để biết thế nào là thơ hay, thế nào là thơ dở, để có nhận định đúng đắn về thơ nói chung, không phải chỉ một sớm, một chiều mà là công việc lâu dài; có thể nói “Còn làm thơ, còn thưởng thức thơ - nếu muốn làm thơ hay, thưởng thức thơ sành điệu - là còn phải học”.
“Vụng về”: Những yếu kém, khuyết điểm của thi sĩ biểu hiện trong tác phẩm hoặc trong cách nhìn nhận, đánh giá thơ ca.
Cả 14 chữ kết nối với nhau chặt chẽ, đắc địa đến từng chữ một – nghĩa là không thể thay thế bất cứ chữ nào bằng chữ khác hoặc hoán chuyển vị trí bất cứ chữ nào (hoặc nhóm chữ nào) với chữ khác (hoặc nhóm chữ khác), mà không làm giảm cái hay, cái đẹp tuyệt vời của cả đoạn thơ.
Thêm
vào đó, để giải thích “tàm tạm” 14 chữ này tôi đã phải “gói gọn” trong 279 chữ (tỉ lệ 1/20). Có thể nói sức nén của những con chữ trong đoạn thơ này thật ghê gớm.
Bố cục:
Bố cục hay thế trận của bài thơ liền lạc, gắn bó chặt chẽ. Hai câu đầu tuy không đắc địa đến từng chữ một như 2 câu sau nhưng cũng cần thiết để làm nổi bật tứ thơ. Chữ nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình. Không có chữ thừa, “vô tích sự”.
Thủ Pháp Phúng Dụ
Mạch Nước Ngầm của Vân Anh sử dụng thủ pháp phúng dụ (allegory) - mượn một hình ảnh trực quan để bóng gió diễn đạt một ý tưởng trừu tượng. Hình ảnh trực quan ở đây là “mạch nước ngầm”; ý tưởng trừu tượng là công việc bình thơ. Có điều “mạch nước ngầm” lại là “mạch nước ngầm” chảy trong tâm hồn nên không được trực quan cho lắm. Do đó, sợi dây nối giữa công việc bình thơ và “mạch nước ngầm”– qua tài diễn đạt của thi sĩ – dù rất hợp lý, chắc chắn và kín kẽ (không để lầm lẫn “ý tưởng trừu tượng” này với “ý tưởng trừu tượng” khác) nhưng lại quá kín, không thể “nhận diện” bằng “mắt thường”.
Có
thể nói nếu chỉ dựa vào văn bản thì độc giả, kể cả những vị nhạy bén, có kinh nghiệm, cũng khó mà thấy được tứ thơ. Sợi dây nối của thủ pháp phúng dụ không hiện hình, bài thơ sẽ là một câu đố bí hiểm, chỉ tác giả mới có câu trả lời. Đây là lỗi kỹ thuật mà thi sĩ sử dụng các thủ pháp ẩn dụ, phúng dụ, “gợi, không kể” thường mắc phải. Nếu không có “thuốc chữa” bài thơ sẽ đi vào quên lãng một cách hết sức oan uổng.
Chính
vì thế, tạm coi là người trong cuộc, tôi đã mạnh dạn đưa vào bài viết phần sau của bình luận nhằm “hé mở cánh cửa” để độc giả có thể bước vào thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của bài thơ. Đối với lỗi kỹ thuật kiểu này, chỉ cần chữa trị một lần. Sau đó, chỉ một chú thích nhỏ, hoặc nếu bài thơ có sức sống, dù chẳng chú thích,
người
đọc cũng
dễ dàng
biết được căn nguyên, nguồn cội để “bắt” được ý tứ của bài thơ.
Thông
Điệp Sau Cùng
Viết với tâm thế của người thọ nhận, Vân Anh giống như một bệnh nhân mắc chứng “vụng thơ”, được các bác sĩ từ khắp nơi gởi về tặng mỗi người một loại thuốc. Chị tuyển lựa rồi gộp chung lại chế biến thành một món thuốc riêng, uống vào thành “mạch nước ngầm” lưu chuyển trong người mình. Nhờ món thuốc ấy, vi trùng gây bệnh mỗi ngày một chết bớt hoặc yếu dần.
Mới đây, khi có cảm giác là mình đã khỏi bệnh, chị bày tỏ tâm sự của mình bằng một bài thơ. Hai chữ “vụng về” trong bài thơ là thủ pháp “gợi, không kể” (Show, Don’t tell). Khi nghe
bệnh nhân
thố lộ là nhờ “thuốc” của mình chị đã khỏi bệnh, các bác sĩ - ẩn trong phép phúng dụ là các nhà bình thơ - sẽ mỉm cười khi thấy trước mắt mình một chiếc cầu ngắn. Bước qua chiếc cầu ngắn đó bằng một chút liên tưởng, họ sẽ nhận ra: “Chữa trị chứng bệnh ‘vụng thơ’ là nhiệm vụ chính của mình, của công việc bình thơ”.
Không
ít nhà bình thơ, với số lượng bài viết đáng nể, vẫn tiếp tục bình thơ không bàn thi pháp hoặc chỉ khen không chê, nghĩa là không
để ý, hoặc tác động được rất ít, đến chứng bệnh “vụng thơ” của tác giả. Với Mạch Nước Ngầm, Vân Anh thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của chị đối với những người làm công việc bình thơ, nhưng cũng rất tế nhị, nhắc khéo họ quan tâm đến hai chữ “vụng về” của thi
sĩ.
Cái
Dở Của Phúng Dụ lại Thành Hay
Như đã nói ở trên, phúng dụ là mượn một hình ảnh trực quan để bóng gió diễn đạt một ý tưởng trừu tượng. Nhưng hình ảnh trực quan trong bài thơ là “mạch nước ngầm” mà lại là “mạch nước ngầm” chảy trong tâm hồn nên không được “trực quan” cho lắm. Hậu quả là độc giả rất khó “bắt” được tứ thơ. Tuy nhiên, khi đã “hé mở cánh cửa” thì cái “mông lung sương khói” của “mạch nước ngầm chảy trong tâm hồn” lại trở thành cây cầu liên tưởng rất đẹp khiến độc giả thật sảng khoái khi đi trên đường đến bến đỗ của tứ thơ, rồi sau đó hiểu được ẩn ý của tác giả.
Tôi
không biết Vân
Anh vô tình hay cố ý. Nhưng dù gì đi nữa, cuối cùng cái dở của phép phúng dụ lại thành hay.
Sự Kín Kẽ Của Phúng Dụ
Trong
các cuộc trao
đổi, tranh
luận về thơ, có một câu nói thường được đưa ra, đại ý:
“Mỗi người có một ‘bộ’ tâm tư, tình cảm khác nhau, nên khi đọc một bài thơ họ có quyền hiểu theo ‘hệ quy chiếu’ của riêng họ, có khi khác xa với ý của tác giả.”
Tôi
không nghĩ như vậy. Thi sĩ làm thơ là để chia sẻ nỗi lòng, tâm sự - những vui buồn, ưu tư, băn khoăn, yêu thương, thù hận … của mình trước cảnh đời - với độc giả; còn có được sự thông cảm hoặc đồng cảm hay không lại là chuyện khác. Nhưng chắc là ít ai bỏ tim óc ra làm thơ lại muốn thấy thiên hạ không cần tìm hiểu nỗi lòng, tâm sự của mình mà chỉ mượn bài thơ làm “bệ” để “phóng” tâm hồn họ đi trăm phương ngàn hướng.
Làm
thơ mà để độc giả (có trình độ) không “bắt” được tứ thơ, không hiểu được nỗi lòng của mình, hoặc nỗi lòng này lại hiểu lầm thành nỗi lòng khác, thì theo tôi,
trách nhiệm phần lớn thuộc về thi sĩ.
Dĩ
nhiên, có những câu,
những đoạn thơ gợi cho người đọc những kỷ niệm vui, buồn của một thời xa xưa, có khi không giống với khung cảnh của bài thơ, hoặc vùng trời ước mơ của thi sĩ (nhưng cả bài thì lại khác). Thỉnh thoảng cũng có những bài thơ mà ở đoạn cuối tác giả tự tìm đến một chân trời rộng mở để thả hồn mình vào mênh mông. Lúc nó người đọc tha hồ “phóng” tâm hồn đến bất cứ nơi nào mình muốn.
Tôi
nhớ đến bài thơ Mắt Bồ Câu của Nguyễn Khắc Phước. Khi thi sĩ chạy 150 cây số chỉ để về đứng lặng, ngắm ngã ba sông, rồi:
chép
giấc mơ vào con thuyền giấy
thả trôi vào mênh mông (2)
thì
trong khung cảnh đó,
độc giả - với cùng nỗi nhớ thương, tiếc nuối như tác giả - có quyền thả con thuyền giấy của riêng mình trôi đến bến bờ nào cũng được.
Nhưng đại đa số những bài thơ khác, viết là để bộc lộ, chia sẻ tâm tình. Mạch Nước Ngầm của Vân Anh thuộc loại này. Nhưng đặc biệt, nhờ ngôn ngữ của bài thơ chắt lọc, đắc địa đến từng chữ một (ở 2 câu cuối), thủ pháp phúng dụ lại không một khe hở, nên khi đã “hé mở cánh cửa” để độc giả bước vào khung cảnh của bài thơ thì họ chỉ có một đường cùng đi với tác giả đến bến đỗ của tứ thơ. Rồi sau đó bước qua một chiếc cầu ngắn nữa của thủ pháp “gợi, không kể” để hiểu thông điệp của bài thơ. Không có con đường nào khác.
Với bài thơ sử dụng đến 2 biện pháp tu từ (phúng dụ và “gợi, không kể”) - trong đó “hình ảnh trực quan” của phúng dụ lại cũng “mông lung sương khói” - như Mạch Nước Ngầm mà vẫn không để độc giả có lý do (chính đáng) rẽ ngang, rẽ dọc, vẫn thẳng một đường đi đến cánh cửa tâm hồn mình - thì thi
sĩ quả là
“cao tay ấn”.
Đây
là ưu điểm rất đáng khen của Mạch Nước Ngầm.
Khí
Tông Và Kiếm Tông
Võ học Hoa Sơn chia làm hai phe: Kiếm Tông và Khí Tông. Kiếm tông lấy chiêu thức làm chính - cứ luyện kiếm thành thục thì nội công tự động tăng tiến. Ngược lại, Khí Tông lấy khí làm gốc, nội công vững thì kiếm pháp có chỗ dựa để tiến xa hơn. (3)
Thơ của phe Kiếm Tông chú trọng kỹ thuật thơ - ngôn ngữ, hình tượng, thế trận chữ nghĩa và các biện pháp tu từ. Thi sĩ của phe Kiếm Tông ít nhiều đều treo giải thưởng cho người “bắt” được, hiểu được ý tứ của bài thơ. Đó là cảm giác sung sướng khó tả khi khám phá ra con đường chứa đầy hoa thơm cỏ lạ, và cứ thế từng bước đi đến cánh cửa tâm hồn của tác giả.
Trong
thơ của phe Kiếm Tông cảm xúc tầng 1 và tầng 2 thường mạnh, hoặc rất mạnh. Cảm xúc tầng 3 (đỉnh điểm là hồn thơ) thường vắng bóng (hoặc rất nhẹ, không đáng kể).
Một số bài thơ nổi tiếng của phe Kiếm Tông là: Sông Lấp của Tú Xương (4), Lương Châu Từ của Vương Hàn (5), Bánh Vẽ của Chế Lan Viên (6)…
Thơ của phe Khí Tông chú trọng cảm xúc. Các phương tiện thẩm mỹ khác của thi pháp chỉ là phương tiện để khơi dòng cho cảm xúc tuôn chảy. Trong những bài thơ thành công của phe Khí Tông, cảm xúc tầng 3 rất mạnh, nhiều bài lên tới đỉnh điểm. Đó là lúc thi sĩ nổi điên, cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí, Hồn Thơ lai láng. Lời thơ là tiếng lòng chân thật của thi sĩ. Bài thơ đã dành được phần thưởng cao quý nhất - bước vào Bến Bờ Thi Ca.
Vài
bài thơ nổi tiếng (đã bước vào Bến Bờ Thi Ca) của phe Khí Tông là: Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương (7), Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc của Nguyễn Duy (8), Tạ Lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân (9)… Ở đây, tôi chỉ dựa vào trạng thái “lạc thần trí“ của thi sĩ (có tiếng lòng chân thật) để đưa bài thơ vào Bến Bờ Thi Ca. Vị trí cao thấp của thi phẩm trong Bến Bờ Thi Ca còn tùy thuộc những phương tiện thẩm mỹ khác của thi pháp.
“Mạch Nước Ngầm” Của Vân Anh Thuộc Kiếm Tông Hay Khí Tông?
Mạch Nước Ngầm có những đặc điểm sau đây:
1/
Bài thơ bày tỏ lòng biết ơn, nhưng cũng là lời nhắc khéo để giới bình thơ nhìn lại nhiệm vụ của mình: Ca ngợi cái hay cái đẹp nhưng cũng đừng quên chỉnh sửa những vụng về, bất cập của thơ.
2/
Ngôn ngữ chắt lọc, đắc địa - đặc biệt ở 2 câu cuối.
3/
Vần vừa đủ độ ngọt, nhịp điệu của thể thơ lục bát không ở vị thế tiên phong nhưng cũng không quá cũ.
4/
Thế trận chặt chẽ
5/
Thủ pháp
phúng dụ kín kẽ.
6/
“Gợi,
không kể” mời gọi một “liên tưởng gần”, cây cầu ngắn, dễ bước qua.
7/
Phúng dụ kết hợp với “gợi, không kể” đưa độc giả vào một cuộc phiêu lưu lý thú để vào bến đỗ của tứ thơ rồi sau đó bắt gặp thông điệp của tác giả.
8/
Bài thơ ngắn, thiên về kỹ thuật (chiêu thức) nên không có cảm xúc tầng 3. Tuy nhiên, cảm xúc tầng 1 và tầng 2 rất mạnh.
Tóm
lại, Mạch Nước Ngầm thuộc phe Kiếm Tông, nhưng có thể nói, nó là một trong số ít những cao thủ của phe kiếm này.
Kết Luận
Vân
Anh hiện đang
là giáo viên Tiểu Học. Chị có năng khiếu về thơ nhưng hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật thơ của chị, theo tôi, đều được lựa lọc, học hỏi từ Đại Học Trường Đời. Nếu xem Mạch Nước Ngầm là luận văn tốt nghiệp thì chị xứng đáng được chấm đỗ Ưu hạng.
Đọc thơ chị, thấy cũng có một số bài viết theo lối Khí Công – thiên về cảm xúc. Tôi mong rằng sẽ có một lúc nào đó, gặp một cảnh đời nào đó, khiến chị nổi điên – điên vì quá yêu thương, buồn chán, thù hận … _ cảm xúc sôi lên
phủ mờ lý trí, thì với kỹ thuật thơ chắc tay như thế, việc cho ra đời một bài thơ có thể hiên ngang bước vào Bến Bờ Thi Ca, với chị, cũng không quá tầm tay với.
Xin
cám ơn Vân
Anh. Chị đã tặng chúng tôi - những người đang miệt mài, say sưa với công việc bình thơ - thi
phẩm Mạch Nước Ngầm, đẹp như một đóa hoa hồng tươi thắm.
Phạm Đức Nhì
CHÚ
THÍCH:
1/
Hồn Thơ Và Cảm Xúc, FB nhipham
2/
“Mắt Bồ Câu – Bài Thơ Mới Đọc Lần Đầu, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
3/
Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung.
4/
Sông Lấp - Một Bài Thơ Toàn Bích, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
5/
Lương
Châu Từ - Rượu Và Nỗi Sầu Chinh Chiến, Phạm Đức nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
6/
“Bánh Vẽ” Và
Nhân Cách Môt Nhà Thơ, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
7/
Say Đi Em - Một Bài
Thơ Tới Bến, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
8/
Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc - Nỗi Đau Quặn Thắt Của Một Người Việt Yêu Nước, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
9/
Tạ Lỗi Trường Sơn – Bài Thơ Ngược Dòng Nóng Bỏng, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
|
|||||
|
|||||
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét