TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VỀ NGƯỜI ĐỖ THỦ KHOA KÌ THI NHO HỌC ĐẦU
TIÊN
Về cuốn “Lê
Văn Thịnh vụ án : Thái sư hóa hổ” của Ngô Ngọc Liễn, nhà xuất bản Hội
Nhà văn, 2018
Vũ Nho
Lê Văn Thịnh là người đỗ Thủ khoa đầu tiên của
khoa thi Nho học nước ta thời Lý. Ông là
thầy d ạy vua, làm đến chức Thái sư, có nhiều công lao, song lại bị vướng vào vụ
án “hóa hổ”, mà không bị “tru di tam tộc”, chỉ bị đi đầy ở Thao Giang. Trong chính sử những dòng viết về nhân vật này
thật ngắn ngủi. sách “Đại Việt sử lược” (viết vào thời nhà Trần) chép:
Tháng 11 năm 1095, vua Lý
Nhân Tông xem đánh cá ở Dâm Đàm. Lúc bấy giờ vua ngự trong chiếc thuyền nhỏ,
thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy
mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà
tối tăm mù mịt.
Một lát, nhà vua nghe tiếng
mái chèo sắp đến gần, có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói
sương theo mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với
đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt
Thao Giang (nay là Phú Thọ). Trước kia, trong nhà Lê Văn Thịnh có tên đầy tớ là
người Đại lý (tức Vân Nam, Trung Quốc), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học
được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản.
Cùng với thời gian người ta dần dần nhận ra rằng chuyện người hóa hổ chỉ là chuyện thêu dệt
trong tình hình dân trí chưa cao, còn mê tín. Đó chẳng qua là một âm mưu chính
trị nhằm gạt bỏ một người có nhiều quyết sách có lợi cho quốc gia, nhưng lại đụng
chạm đến đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp quý tộc triều Lý. Cũng có nhận xét cho
rằng chẳng qua vua Lý bị áp lực về chuyện không có con trai, đột ngột hoảng loạn
trên hồ vì khói sương mù mịt, khi thấy thuyền Lê Văn Thịnh đến cứu giá liền
nghi ngay cho Lê Văn Thịnh định hại mình. Việc “hóa hổ” chỉ là chuyện thêu dệt.
Càng ngày, người ta càng khẳng định
Lê Văn Thịnh là một danh nhân văn hóa, một
người có công lớn trong triều Lý, một người
có tài ngoại giao đã đòi lại toàn bộ đất đai mà nhà Tống đã chiếm đóng.
Vấn đề của nhân vật Lê Văn Thịnh lại bùng lên sau bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước”
của nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt. Trong đó, hình ảnh Lê Văn Thịnh trong vở chèo “ Lí Nhân Tông học làm vua” đã được trình
bày méo mó, không đúng với bản chất lịch
sử. Lời giáo đầu về nhân vật Lê Văn Thịnh rất nặng nề:
“Trạng Lê Văn Thịnh giỏi văn
Bở tham sinh ác, bất nhân hại người”
( Tào Mạt – tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà xuất
bản Sân Khấu, 2003, trang 407)
Trong vở chèo,
Lê Văn Thịnh được xây dựng là người kiêu ngạo,
xiểm nịnh, vô ơn, vô lễ với thái úy Lí Thường Kiệt; sử dụng Tên Đại Lý để
âm mưu sát hại nhà vua, có hành động ác hiểm giết người Hề hoạn.
Rõ ràng nhà
viết kịch đã dựa vào những dòng ngắn ngủi,
không đáng tin cậy của chính sử để “thêu dệt” ra một Lê Văn Thịnh khác, làm cho ông chịu thêm một án
oan mới!
Tại hội thảo khoa học được tổ chức
cuối năm 2015 (kỷ niệm 940 nămThái sư Lê
Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi), các nhà nghiên cứu, khoa học một lần nữa nhận định:
Thái sư Lê Văn Thịnh - vị thủ khoa của khoa thi chọn hiền tài đầu tiên của Việt
Nam thời Lý (1075) đã mở đầu cho sự nghiệp khoa cử hơn 900 năm ở nước ta và có
nhiều cống hiến lớn lao cho dân tộc. Ông vừa là vị quan khoa bảng thời Lý vừa
là một nhà giáo mẫu mực, đức độ của nước Đại Việt. Lịch sử cũng ghi nhận ông là
một nhà ngoại giao xuất chúng, một danh nhân văn hóa kiệt xuất và là Thái sư có
tài kinh bang tế thế, một nhà cải cách chính trị, kinh tế đại tài đưa đất nước
phát triển cường thịnh.
Dù
sao, danh tiếng của Lê Văn Thịnh đã được chiêu tuyết. Vua Lý đã ân xá cho ông.Trên quê hương ông đã
có đường mang tên Lê Văn Thịnh, lăng mộ, đền thờ của ông được chỉnh trang, tu sửa.
Tuy vậy ở Hà Nội, vẫn chưa có đường mang tên ông. Và nhân vật Mục Thận, một công
cụ của thế lực gạt bỏ Lê Văn Thịnh thì vẫn được thờ là thành hoàng của làng Võng Thị và
Trích Sài.
Viết
tiểu thuyết lịch sử “Lê Văn Thịnh Vụ án : Thái sư hóa hổ”, tác giả Ngô Ngọc Liễn muốn
góp một phần tiếng nói để trả lại sự công bằng cho một nhân vật là danh nhân văn
hóa, là người có công lao xây dựng đất
nước, và đặc biệt là một nhà ngoaị giao xuất sắc đã kiên trì đòi lại đất đai mà
nhà Tống đã chiếm.
Có
thể nói với cuốn tiểu thuyết này, tác giả Ngô Ngọc Liễn đã có một cách làm khác
và mới hơn so với tiểu thuyết “ Mẫu Ỷ Lan”. Chính các dòng ngắn ngủi về nhân vật Lê Văn Thịnh vừa là cái khó, cái thách thức,
nhưng lại cũng là điều kiện thuận lợi để ngòi bút văn chương của tác giả hình dung ra nhân vật với thời thơ ấu, thời hàn
vi dạy học và con đường đỗ đạt, làm quan. Trong tiểu thuyết “ Mẫu Ỷ Lan”, tác
giả luôn lấy lịch sử được chép trong “Đại Việt sử kí toàn thư” là cứ liệu để
soi chiếu trong các chương sách. Vì vậy mà
gây ấn tượng là tác giả không
“thoát sử” , làm cho nhân vật dẫu sao cũng bị khuôn trong chính sử, dù cho người
viết có quan điểm khác với chính sử. (Tiêu biểu là việc đánh giá Ỷ Lan bức hại hoàng
hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ).
Dù
có đưa “ Vụ án : Thái sư hóa hổ” làm
nhan đề cùng với tên tuổi nhân vật Lê Văn Thịnh, nhưng tác giả đã không quá chú
ý lí giải “vụ án”, mà tập trung xây dựng Lê Văn Thịnh là một người thông minh,
học giỏi nổi tiếng. Đồng thời tác giả cũng xây dựng nhân vật thành người vô tình đã làm cho 2
giai nhân, một ở thôn quê, một là tiểu thư khuê các ở kinh thành phải nương nhờ
cửa Phật. Có thể nói nhân vật Lê Văn Thịnh đã trở nên sống động, đầy đặn với tuổi
thơ, tuổi thành niên và việc dạy học, đỗ đạt, vinh quy buồn, cùng những nỗ lực
chấn hưng đạo Phật, củng cố và phát triển đất nước.
Tại
sao Lê Văn Thịnh lại “hóa hổ” làm hại vua Lý? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.
Và chính vì thế mà vụ án thể hiện sự đáng ngờ vực.
Hàng
loạt nghi vấn được đặt ra. Làm
đến chức Thái sư, đứng đầu triều đình sao ông lại còn muốn giết vua? Tại sao
mưu phản nhưng lại chỉ làm có một
mình? Nếu đã âm mưu phản thì sao lại dễ dàng bị vài tên lính hộ giá tr
ên thuyền nhỏ bắt? Lại nữa, giả như hại được vua, nhưng cướp ngôi đâu có dễ? Tác
giả đã đặt sự băn khoăn này vào suy nghĩ của vua Càn Đức khi trình Mẫu hậu Ỷ
Lan :
“ - Đây cũng là điều con trăn trở nhất, con vẫn tin dùng các kế sách của Thái sư, cũng không
phê phán, quở trách sai lầm nào. Lê Văn Thịnh là người thâm trầm, thấu đáo, thừa
biết mưu chuyện đại nghịch sẽ mắc tội đại hình, vả lại đất nước đang bình ổn
phát triển, hoàng triều đang được dân chúng tôn sùng, ngoại bang kính nể, dù có
lợi dụng được sơ hở làm liều thì Mẫu Hậu còn minh mẫn lại được triều đình, nhân
dân bái phục, sao có thể tính được chuyện thoán ngôi” (tr.169)
Đây cũng chính là điều
cơ bản để nhà vua không kết tội đại hình,
mà chỉ bắt đi đày lên xứ Thao Giang.
Cùng với nhân vật
vua Càn Đức, tác giả tiếp tục khắc họa thành công nhân vật Ỷ Lan, một phụ nữ thông
minh, quyết đoán, người đưa ra những quyết sách đúng đắn nhằm chấn hưng đạo Phật,
phát triển Nho học.
Trong
tiểu thuyết này, tác giả đã xây dựng một nhân vật hư cấu là Hân Quận Công. Nhân
vật này đại diện cho cả ba thế lực chống đối những cải cách và chính sách của Lê
Văn Thịnh. Đó là quý tộc đại thần, quan
cử tuyển, và tăng ni. Bản thân Hân Quận Công là quý tộc đại thần. Con trai của
nhân vật là quan cử tuyển, buộc phải thi để lên bậc tứ phẩm. Con gái út của Hân
Quận Công là quận chúa, sau khi bị từ chối hôn nhân đã xuống tóc đi tu, và vẫn
hận thù Lê Văn Thịnh. Cả ba thế lực đó đều tập trung trong nhà Hân Quận Công. Và
tác giả đã hé lộ chuyện họ cố ý hại Lê Văn Thịnh qua câu chuyện của dì Vân kể lại
với Ỷ Lan khi người về thăm làng Sủi (
tr. 168).
Một điều đáng lưu ý là tác giả Ngô Ngọc Liễn
đã mạnh dạn để cho Lê Văn Thịnh của mình
đòi được hai châu Vật Dương và Vật Ác
thông qua chi tiết gặp gỡ con gái tộc trưởng Vật Dương. Thực chất thì
“Lý đã kiên-nhẫn
xin đất Vật-ác và Vật-dương cả thảy sáu lần, mà hai lần bị Tống Thần-tông từ,
bốn lần bị Thái-hoàng-thái-hậu họ Cao gạt. Từ đó, vua Lý phải thôi hẳn, không
thể nhắc đến việc hai động nữa”. “Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ lấy được 6 huyện và 2 động phía bắc, còn
2 động Vật Dương và Vật Ác chưa lấy được. Phải thừa nhận rằng việc lấy lại 2
động Vật Dương và Vật Ác là rất khó. Lý triều e rằng thời điểm năm 1084 không
ai làm tốt hơn Lê Văn Thịnh. Nhưng dù sao công việc ấy cũng quá sức với Thái
sư. Nhưng người Việt tự thưởng không phải bởi Thái sư lấy được 6 huyện và 2
động mà là vì Thái sư nói rằng: dùng đồ ăn trộm do người khác dâng là sai”. (Đặng Thanh Bình
- Bàn về vụ án hồ Dâm Đàm – Nghiên cứu Lịch Sử, Tháng
Bảy 25, 2017).
Về
cái chết bất ngờ, bí ẩn của Lê Văn Thịnh khi được ân xá, có nhiều tài liệu khác
nhau. Tác giả Phạm Kim Thanh viết : “Ông được vua tha tội chết và bị đày
lên Thao Giang. Ở nơi lam chướng, cô đơn với bao tâm tư giấu kín trong lòng,
ông vẫn làm tròn bổn phận, cho đến ngày đổ bệnh. Ông lần tìm về quê hương.
Nhưng ác nghiệt thay, về đến làng Điềng, ông ốm nặng. Tích xưa được dân Đình Tổ
kể lại: ông được một lão nông mời ăn bát cháo thái (khác với cháo hoa, cháo
thái được làm từ gạo ngâm, xay lấy bột, nấu bột dẻo quánh, cho lên phên tre
phơi, rồi thái nhỏ thành sợi, sau đó lấy nước dùng, như nước luộc gà, nấu sợi
cháo chín, trong suốt, nên gọi là cháo thái). Lão nông lại hỏi ông có thèm ăn
thứ gì nữa không? Ông trả lời muốn ăn một khúc cá nướng. Lão nông nướng con cá
mè hoa, đem biếu Lê Văn Thịnh. Ông nằm nghỉ và mất tại đó. Dân làng Điềng đưa
Ngài ra một gò nổi bên bờ sông Dâu. Xác Ngài được mối đùn kín, dân làng thấy lạ
liền chôn cất và lập đình thờ, tôn Ngài làm Thành hoàng làng. Cũng từ đó, đình
làng Điềng đổi tên thành Đình Tổ - đình thờ vị Tổ của nền khoa bảng nước Nam và
làng Điềng rất vinh dự, tự hào được đổi tên thành làng Đình Tổ. Hàng năm, dân
làng lấy ngày 12 tháng 8 âm lịch làm ngày lễ hội Làng và tế lễ Ngài. Lễ hội có
tục lệ “Nướng cá tế thần” và nấu cháo thái dâng cúng Thành hoàng và ông bà tổ
tiên”. ( BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA
28/09/2017, Thăm viếng nơi Thái sư
Lê Văn Thịnh mất ở Đình Tổ Thuận Thành, Bắc Ninh).
Trên
tạp chí NG ÀY NAY, tác giả vô danh viết : “Còn theo sách Thần phả tại
Đền Thượng, vùng Bảo Tháp gần quê hương ông thì ghi lại chuyện ông mất như sau:
“Vào phiên chợ Đình Tổ, ngày hai bốn tháng chạp, Lê Văn Thịnh được phép lên
đường từ trại Thao Giang về thăm quê. Do sức yếu nên khi đến đây, ông bị ngã
vào quầy kim dao rồi mất. Nhân dân lo sợ, đặt ông lên thuyền nan rồi đẩy ra hồ
ven sông Dâu, để thi hài trên đám bèo rồi úp thuyền lên. Ngày hôm sau mối đùn
chỗ ấy lên thành mộ. Với quan niệm chết vào giờ thần linh, nhân dân Đình Tổ đã
tôn ông lên làm thành hoàng làng”. (Sự thật kỳ
án có 1-0-2: Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ vồ vua Lý Nhân Tông Thứ
Năm, 28/05/2015).
Tác
giả Ngô Ngọc Liễn đã có một lí giải khá
hợp lí về chuyện thế lực thù địch vẫn theo sát Lê Văn Thịnh và tìm cách ám hại
chứ không phải vì ông sức tàn lực kiệt mà chết. Chúng tôi cho rằng đó là một phát
hiện, thể hiện các đánh giá nhất quán về một âm mưu gạt bỏ và trừ khử Lê Văn Thịnh,
người đã có những chính sách đụng chạm đến hoàng thân quốc thích, đến thế lực
nhà chùa.
Nhà
văn hóa Hữu Ngọc đã công tâm đánh giá “cuốn
tiểu thuyết lịch sử này có nhiều đóng góp mới”, “ không chỉ nhuần nhuyễn thu hút người đọc thấy được tổ chức thi cử, vinh
quy…thời xưa mà các số liệu, thời gian, địa danh…được nêu đảm bảo, tin cậy được
như một công trình nghiên cứu” ( Hữu Ngọc – bìa 4 cuốn sách Lê Văn Thịnh -
Vụ án thái sư hóa hổ).
Cuốn
tiểu thuyết là một hồ sơ mới về nhân vật lịch sử Lê Văn Thịnh, rọi một ánh sáng
khác vào nhân vật này. Nó góp phần giúp hậu thế có cái nhìn nhi ều chiều,
đúng đắn, khoa học và công bằng về một nhân vật
lịch sử có nhiều khoảng mờ, gây tranh cãi trong suốt nhiều thế kỉ qua.
Hà Nội, 21 tháng
6 năm 2019
Đã in trên báo Văn Nghệ, Hội nhà văn Việt Nam, ngày 29/6/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét