LẶNG NGỒI NHẤM GIỌT THỜI GIAN
( Cảm nhận tập Lục bát Gót mềm vương cọng cỏ mê của Nguyễn Thị Bình, Nhà xuất bản Văn học, 2021)
PGS.TS. Vũ Nho
Bạn đọc biết đến Nguyễn Thị Bình, Hội viên Hội văn học nghệ thuật Ninh Bình, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, như là một tác giả của những tập tiểu luận phê bình chững chạc, nhiều khám phá. Nhưng sau hai tập tiểu luận dày dặn nối tiếp xuất hiện Nỗi niềm giăng mắc năm 2011, Dòng sông thao thiết 2013, năm 2014, tác giả đột nhiên cho ra mắt tập thơ Giọt thời gian. Tiếp theo, lại quay lại với tiểu luận phê bình Mạch nguồn tri âm (2018). Và sau đó cho ra mắt hai tập thơ liền Chạm vào nỗi nhớ”(2019) và mới nhất, năm 2021 là tập thơ toàn lục bát có tên Gót mềm vương cọng cỏ mê. Một nhan đề khá dễ thương và gợi cảm.
Điều độc đáo của tập thơ này chính là toàn một loại thơ lục bát, một thể thơ dễ làm nhưng rất khó hay, ai ai cũng biết. Hẳn nhiên, tác giả phải tự tin lắm vào thơ mình mới dám in riêng một tập lục bát như là đặc sản. Bởi vì chính tác giả cũng là người viết tiểu luận phê bình, từng viết nhiều về thơ của mọi người, nên cũng tự làm người thẩm bình, biên tập thơ mình. Dẫu rằng làm việc này không đơn giản, vì tôi nhớ nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng viết “Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương”. Tránh sao được sự chủ quan, có thể là rất chủ quan cùng sự nương nhẹ.
Nhưng thật may, 68 bài lục bát tác giả tự chọn tuy chất lượng và ấn tượng khác nhau, nhưng đều là những bài thơ không non lép, trong đó có một số bài vượt trội có thể neo vào vùng nhớ của người đọc.
Chắc không phải ngẫu nhiên mà tác giả chọn bài thơ Giọt thời gian, vốn trùng với tên gọi của tập thơ đầu tay đặt lên đầu tập. Thời gian của cuộc sống, thời gian của đời người như giọt nước của đồng hồ cổ, cứ chậm rãi, đều đặn rơi. Thời gian chứa đựng buồn, vui, thương, ghét, hờn giận, âu lo, chua chát, ngọt bùi,… Tất cả hòa trộn làm nên dòng chảy liên tục của đời người.
Hãy cùng trở lại một giọt vui trong trẻo sớm mai ngày đầu xuân nhiều mơ ước:
Cùng em trẩy hội mùa xuân
Ban mai tinh khiết trong ngần cỏ hoa
Hương tình níu bước chân xa
Quyện vào ríu rít ríu ra lòng người
(Hẹn em hội làng)
Hãy cùng chia niềm vui hào phóng với người đang yêu khi tặng nhau những món quà tinh thần vô giá:
Tặng em hương bưởi vườn nhà
Thơm vào trang sách thơm ra lòng người
Tặng em cả sắc xuân tươi
Sóng sa sóng sánh nét cười giêng hai
(Quà của giêng hai)
Và cùng sẻ chia những nỗi buồn thăm thẳm của người mẹ có con đi đánh giặc, mòn mỏi đợi chờ trong các bài thơ như Ước mong của mẹ, Ngày con trở về, Vá áo đợi con, Dáng mẹ đêm đêm:
Lặng thầm dáng mẹ mong manh
Ngày lam lũ trọn đêm dành nhớ con
[…]
Chập chờn mây gió lao xao
Hắt hiu dáng mẹ đổ vào cô liêu
(Dáng mẹ đêm đêm)
Nhiều nhất là những tự khúc cho mình với bao nhiêu là cung bậc nhớ nhung, hoài niệm, ước ao, tự mình an ủi, vỗ về trái tim đa cảm, đa mang. Có rất nhiều những câu thơ kèm với câu hỏi. Hỏi chỉ để mà hỏi, mà trăn trở chứ không phải để tìm câu trả lời rốt ráo:
Biết đâu dại để mà khôn?
Bên kia con dốc vẫn bồn chồn lo
Bão giông thường đến bất ngờ
Làm sao lấy thước mà đo lòng người?
(Tự khúc cho mình)
Một tình yêu trong trẻo đầu đời. Nhưng do hoàn cảnh mà mãi mãi chia xa, chỉ để lại những ngẩn ngơ, tiếc nuối, những thảng thốt, băn khoăn:
Thoắt rồi năm tháng qua mau
Mỗi người mỗi ngả vì đâu…hững hờ?
(Hương tháng ba)
Buồn vui cũng một chữ tình
Giấc mơ hạnh phúc rập rình…vỡ đôi
Mỗi người một phía chơi vơi
Cánh chim ngơ ngác cuối trời mù sương
(Dại khờ)
Rất nhiều những “Giá”, những “Nếu”, những câu hỏi trong những dòng thơ, của những bài thơ tâm trạng:
Giá đời đừng lắm khúc quanh
Biết đâu may mắn đã dành riêng em?
(Nỗi nhớ ngàn đời cứ xanh)
Giá mà hiểu được lòng nhau
Thì đâu nên nỗi đắm câu thơ gầy?
(Giá mà)
Bài Chợ trưa người viết hóa thân vào tâm trạng nhân vật trữ tình là một người trai, có nhiều câu hỏi:
- Còn không? Ngày ấy nụ cười
- Còn không? Ơi cái dịu dàng
- Cái ngày xưa ấy ở đâu?
- Dấu xưa người cũ đâu rồi?
(Chợ trưa)
Mất mát, tổn thương, nhưng nhân vật trữ tình không oán trách trời, không oán trách đời, cũng không trách móc người. Một tinh thần vị tha, nhân hậu khi nhận thức rằng có lẽ đó là sự vô thường của cuộc đời:
Mỗi ngày
thêm một rụng rơi
Ngoài kia mùa vẫn xanh rời rợi xanh
Mỗi ngày
là mỗi mong manh
Bao nhiêu vun đắp hóa thành bụi tro
Mỗi ngày
sóng lại xa bờ
Dẫu bồi lở cũng hững hờ…tại ai?
(Mỗi ngày)
Trong câu hỏi “tại ai?” có thể là tại trời, tại người ấy, tại mình, tại mọi người…
Bắt gặp không ít những nỗi buồn trong thơ, trong cuộc sống:
Niềm vui đến chóng đi nhanh
Nỗi buồn trụ lại, chòng chành…lây lan
(Buồn vui từ một chữ Anh)
Trong mơ gặp đóa trăng rằm
Giật mình buồn lại buồn thăm thẳm buồn
(Bão giông cuối chiều)
Buồn nhưng không ủy mị, không tuyệt vọng. Đó là nỗi buồn thanh lọc tâm hồn.
Vẫn nghe “Tiếng ve khắc khoải nỗi đau một thời” (Khắc khoải tiếng ve), nhưng người viết đã bình tâm trở lại, để nâng niu hạnh phúc đang có trong hiện tại. Một thái độ tỉnh táo và minh triết:
Bao nhiêu cái mộng cái mơ
Góp gom nhuộm thắm vần thơ tặng mình
(Nhuộm)
Sắp lại câu chữ ngổn ngang
Thành bài thơ rất dịu dàng tặng anh
(Nối vần thơ xuân)
Có thể nói, hình như tư thế và tư cách của giảng viên Văn học Đại học Hoa Lư, tư thế của nhà nghiên cứu, nhà giáo đã không cho phép nhà thơ tung tẩy, bung phá mạnh mẽ. Vì vậy những vần thơ tình và thất tình, những câu thơ thế sự vẫn trong khuôn thước, vẫn có vẻ kín đáo, có phần hơi bóng gió xa xôi đầy ẩn ý. Đó là chỗ mạnh, hay là chỗ chưa mạnh? Chỉ biết rằng nó tạo ra một giọng điệu riêng của Nguyễn Thị Bình trong những cây bút thơ của Miền lục bát Cố đô và rộng ra là cả nước.
Khi cuộc sống ào ạt “Một ngày bằng mấy trăm năm”, người ta bắt đầu nói về sống chậm. Và người ta hay nói đến sống chậm. Những ngày chống dịch Covid người ta càng có thời gian để sống chậm, để thưởng thức cuộc sống, để chiêm ngưỡng và suy nghiệm về cuộc sống nhiều niềm vui nhưng cũng không ít khổ đau, bất trắc. Vậy thì cái tư thế Lặng ngồi nhấm giọt thời gian là cái tư thế sống chậm rất đáng được sẻ chia, đồng cảm, đồng điệu vậy.
Hà Nội, 3 tháng Bảy năm 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét