Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

TRĂNG NGÂU MÙA COVID

TRĂNG NGÂU MÙA COVID

 


                  Tản văn của  Phạm Tâm Dung

 

            Tôi có người bạn văn, sau rằm tháng Bảy, anh liên tiếp chia sẻ những bức ảnh về  trăng tuyệt đẹp, đậu chênh vênh trên nóc của những tòa nhà cao tầng, nơi thật gần với tòa nhà HH Linh Đàm đang có mấy chục “ca F0” và đang phong tỏa. Sự tương phản của vẻ đẹp thanh bình giời ban và nỗi buồn đau của dân tình đã đem lại niềm xót xa không sao tả  xiết.

            Lại một rằm tháng Bảy không có mưa Ngâu! Đêm nay, tôi cũng giống như tác giả của những tấm ảnh đó, và cũng giống như bao người trên thế gian này, không ngủ.

 

Tôi không ngủ, không phải vì nhớ “mùa ngâu”. Nhớ những đêm mưa dài liên miên rả rích, có lúc như khóc, như than, như hờn, như giận, lại lúc nức nở, tủi thân, tủi phận của vợ chồng ai.

Tôi không ngủ không phải vì mưa ngâu khiến tôi nhớ lại những đêm còn thơ ấu, chợt thức dậy khi nghe tiếng quang gánh ngoài hiên đụng chạm vào nhau tầm đầu canh tư, ấy là lúc mẹ tôi lập cập lao mình trong gió mưa để đi cất hàng cho kịp phiên chợ sớm.

Tôi không ngủ cũng không phải như thời son trẻ, thèm nghe mưa ngâu mà thả lòng bềnh bồng với nỗi nhớ đầy vơi người đàn ông của mình trong cảnh cách xa...

            Ôi những đêm mưa ngâu tháng Bảy - Những đêm mưa trong kỳ lễ Vu Lan! Theo các cụ, đó là khi nhà giời mở ang nước, thả cho nó trôi xuống trần gian để cho người âm lấy nước chở mã. Ông bà ta, những ngày này, được con cháu mời về thụ hưởng cỗ bàn. Nhà nào ăn nên làm ra thì voi ngựa, nhà lầu, tàu thuyền, ô tô, xe máy, mũ cao áo gấm, đồng hồ, ti vi... Nhà nào nghèo sắm vài bộ áo quần, hương hoa... cho mẹ cha đỡ tủi.

Và những kẻ chúng sinh bơ vơ không nơi nương tựa, những kiếp tội tình đoạ đày quanh năm nơi ngục tối được xá tội mà trở về nhân gian hưởng chút bố thí của người đời, cũng kiếm được bữa no và vài đồng chinh lẻ... “đi đò”.  Những linh hồn không được thờ cúng, lang thang vạ vật đó được nhắc đến trong “ Văn tế thập loại chúng sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du với tiết mưa dầm lạnh lẽo:

          Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Dịp đường lê lác đác mưa sa

Lòng nào lòng chẳng thiết tha

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

 

Năm nay, rằm tháng Bảy không mưa, trời cứ nắng chang chang oi nồng như thể bức tử mùa Vu Lan. Không có mưa, lấy đâu ra nước sông để “người giàu” chở mã! Lấy đâu ra nước sông cho “kẻ khó” đi đò! Vả lại, mùa ngâu này, con cháu nhà nào ở yên nhà nấy! Ai dám chợ búa mà mua sắm cỗ bàn! Ai dám cho gọi con đàn cháu đống về mà làm lễ trình thưa cùng ông bà, tiên tổ!

             Trên các mạng xã hội, ngày cũng như đêm, liên tiếp các thông tin về bệnh dịch. Những ngày dịch mới bắt đầu, người ta còn có sức mà chú ý đến tình hình dịch thế giới, còn bàn tán chia sẻ về nước này bao nhiêu ca, nước nọ bao nhiêu ca. Bây giờ giặc dịch đã đến tận nhà. Bắc Ninh, Bắc Giang, Sài Gòn, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội và gần hết sáu ba tỉnh thành. Giặc dịch như đám cháy, dập chỗ nọ, bùng chỗ kia. Sài Gòn, Bình Dương... đang ở rốn chảo lửa! Cả nước đang trong chảo lửa!

       Ai khóc cho hàng ngàn sinh linh đang quằn quại bởi cơn khó thở trong các phòng cấp cứu với đủ thứ máy móc và sự hết lòng của thầy thuốc mà sự sống chỉ mong manh trong tích tắc thời gian! Ai hay có người  tự mình trong căn nhà hoang lạnh với xung quanh toàn kẻ ốm đau... như mình! Rồi biết bao chuyến xe cấp cưú hối hả lao đi trong đêm mưa gió, bão bùng với những tiếng hú kinh hoàng, xé nát cả không gian cô tịch! Những công nhân nhà  tang lễ mệt lả bên những cỗ quan tài xếp hàng chờ đến lượt mà không một tiếng khóc than thương xót của người thân đưa tiễn!

          Ai khóc cho hàng trăm đứa trẻ không cha mẹ sống lắt lay trong nỗi kinh hoàng phận mồ côi đói rách! Ai khóc cho những thân phận nghèo khó, di cư, mong dựa vào miền đất hứa, nơi Sài Gòn hoa lệ mà làm cuộc “đổi đời”, nay phải bồng bế con thơ mà dầm dãi nắng sương, trốn chạy, hơn cả chạy giặc còn thời chiến tranh xâm lược.

         Ai đã xót  thương cho nỗi nhớ mẹ cha của những em bé thơ ngây - núm ruột của người cha, người mẹ là chiến binh, thầy thuốc, nhà khoa học, người tình nguyện, nhà chức trách... ngày đêm quên mình, hy sinh lao vào vùng dịch để cứu dân lành! Ai đã xót cho những bậc cha mẹ, những người vợ, người chồng, người thân tiễn nhau ra tuyến lửa, đêm ngày cầu nguyện cho vạn sự an lành! Ai đã thương cho bao con trẻ, những mầm non xinh tươi của nhân loại đã bao ngày xa thầy, xa bạn, xa mái trường thân yêu, quẩn quanh với bốn bức tường vô tri, hay chiếc điện thoại với trò chơi hại mắt và vô bổ! Và ai đã thương cho mối tình dang dở, cho nỗi nhớ vơi đầy trong vời vợi cách xa của mỗi lứa đôi! Ai đã thương cho các bậc cha mẹ, quanh năm lam lũ khó nhọc, chỉ mong con cháu về thăm vào dịp nghỉ hè hay lễ Tết, chỉ lo mùa dịch thiếu con cháu, thiếu rau ăn... Ai đã đau cho những thành phố lớn, những trung tâm văn hóa thương mại, những niềm tự hào của người dân xứ sở, ngày đêm nhộn nhịp xe cộ, áo quần...nay đóng cửa cài then như các ngõ nhỏ làng quê vào đêm đông băng giá! Ai đã đau cho những nhà chức trách, ngày đêm gồng mình suy ngẫm đến mất ăn, mất ngủ, bạc tóc mà không ngăn nổi cơn Covid Vũ Hán khốn nạn nhường kia! Những chuyên cơ hối hả ngày đêm chở những chiến sĩ, bác sĩ, tình nguyện viên...tăng cường cho hoả tuyến. Biết sao được, khi kẻ nào đó đang rắp tâm giết hại dã man đồng loại! Biết sao được khi cả thế giới này từ nước tiến bộ, văn minh đến xứ nghèo khó, lạc hậu, chẳng đâu tránh được loài Covit xấu xa!

       Ôi! Đồng bào tôi, nhân dân tôi, đất nước tôi!

         Một ngày của đất giời chỉ có hai bốn tiếng. Khi ta bận rộn hay khi ta vui, ngày vụt trôi nhanh tựa  bóng vó câu qua cửa sổ, tựa tên bắn, mà sao những ngày sống cách ly nó dài  dài đằng đẵng khủng khiếp đến thế. Cảnh im lặng nhiều khi đến rợn người. Một tiếng chuông điện thoại, cũng làm ta giật mình lo lắng:

- Bên ấy sao rồi? Vẫn phong tỏa nghiêm à?

- Cái gì! Lại thêm ... nữa à?

- Có còn rau ăn không?

- Con bé lại bay vào Sài Gòn rồi à? Lạy Phật...!

Tiếng chuông gọi cửa của bác tổ trưởng dân phố gọi giao phiếu đi chợ, gọi đi đăng ký tiêm vắc xin. Bao nhiêu là hy vọng của loài người đều đặt vào mũi kim nhỏ bé mỏng manh này đây. Cũng như bao nhiêu thất vọng đều  vì cái con vi rút Vũ Hán còn bé hơn nhiều chưa ngăn chặn được.

                  Nay là đêm mười tám, trăng vẫn còn sáng lắm. Càng về gần sáng, trăng càng sáng tươi hơn. Ngày mai chắc vẫn nóng và lại thêm một ngày nữa, khó khăn... Hy vọng, đây là đỉnh điểm của trận lũ Covid quái ác này. Để rồi ngày kia, ngày kia nữa... cơn lũ sẽ rút dần và bình an trở lại. Để con thơ lại tung tăng cắp sách đến trường. Để những lứa đôi về lại với lứa đôi. Và chắc chắn rằng, khi đó chị Hằng xinh đẹp như trong tấm ảnh của bạn tôi sẽ là một nhân vật trữ tình đằm thắm nhất, tuyệt vời nhất cho các bé thơ, cho mọi người và cho… nghệ thuật, thi ca!

          Hy vọng!

          Không thể chiến thắng dịch bệnh mà  không có  Hy vọng và không có Niềm tin!

          Toàn hệ thống chính trị, toàn bộ các chiến sĩ, áo trắng, áo xanh, ão vàng và những người dân đủ mọi sắc áo đang ngày đêm thắp sáng Niềm tin và Hy vọng đó!

 

                                                         Đêm 24 - 8 - 2021

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét