Một vài suy nghĩ về bài thơ “Bắt nạt”…
Vanvn- Xung quanh bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 có nhiều tranh biện, tiếp theo ý kiến của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý xin giới thiệu tiếp ý kiến của nhà giáo Nguyễn Thanh Mai để có cách nhìn đa chiều, khách quan…
1. Một bài thơ hồn nhiên và tươi tắn…
Lần đầu gặp bài thơ trong tập “Ra vườn nhặt nắng” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, hẳn bạn và tôi, chúng ta đều không khỏi mỉm cười. Như gặp lại những khúc đồng dao thuở nào của những trò chơi con trẻ. Như đang được đứng giữa “một sân chơi với những câu chữ nhảy nhót vui đùa” (1). Vâng, ngay từ khổ thơ thứ nhất, tôi đã gặp hình ảnh một lũ trẻ đang nhảy lò cò, vừa nhảy vừa hát: “Bắt nạt là xấu lắm…”. Rồi hứng chí bật tung người, rồi xoay xoay, lắc lắc: “Tại sao không học hát/ Nhảy hip hop cho hay?”… Vừa hát vừa chơi, như những lời tự nhiên bật ra thôi, chưa cần phải quan tâm mình đang hát cái gì. Trẻ con là vậy, thích thì chơi, đó là cách tác giả đã chọn giọng điệu hồn nhiên, tinh nghịch của trẻ thơ để cuốn hồn ta, thị giác thính giác khứu giác của ta được băng mình như một khúc ngẫu hứng, “phi” một mạch từ câu đầu đến câu kết, trước khi nhận ra những điều sâu xa của ý nghĩa.
Cũng vì hồn nhiên như đang gắn với một trò chơi nào đó, nên ta sẽ thấy ý thơ cũng “nhảy nhót” những phi lí: “Bất cứ ai trên đời, đều không cần bắt nạt”. Sao lại không cần? Lẽ ra thì phải là “không nên”/“không được” chứ? Nhưng nếu “không nên”/ “không được” thì là khuyên nhủ, mệnh lệnh mất rồi, lộ ra “cái bục giáo huấn” mất rồi. Vì là chơi, nên mới “không cần” – (không cần thiết đâu nhé, bỏ qua đi!). Vì tung tăng, nên đang chuyện bắt nạt lại ào sang “hip hop”, “mù tạt”. Đúng là các bé ở thôn quê có thể xa lạ với những khái niệm này, nhưng cũng nên nhân đó cho các em được biết thêm về những sắc màu mới mẻ chứ?
Cuộc chơi còn vui hơn nữa khi đang chuyện mèo chó, cái cây, bất ngờ chuyển ngay sang các quốc gia, trái đất; đang chuyện lớn của trái đất, một cú nhảy tự do rơi “độp” xuống việc khẩn thiết: “gặp tớ ngay”! Rõ là có dạy đấy nhưng không phải là sự nhồi nhét các giáo lý. Gọi thẳng tên (Bắt nạt là xấu) rồi ru vỗ thân thương: (Đừng/đừng…) đến nghiêm nghị chất vấn (Sao không?); rồi can đảm đứng ra chịu trách nhiệm (Nếu cần… Thì… Cứ đến…)… Bài thơ dẫn người đọc đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi cuối cùng hẳn ai đó sẽ phải bật cười sảng khoái trước câu kết: “Vì bắt nạt rất hôi!”.
Nhiều người băn khoăn cười nhạo chuyện “Bắt nạt rất hôi” mà không nhận ra, đó mới chính là nhân vật “tớ”, một bạn nhỏ. Nói như nhà phê bình Chu Văn Sơn, tác giả đã đem một thứ gọi là “mĩ học ấu nhi” vào thơ để nhìn thế giới bằng con mắt trẻ thơ, ngây ngô mà đầy ý vị. Bạn hãy nghĩ kĩ một chút nhé, mùi của sự bắt nạt đúng là không dễ chịu chút nào, là xấu lắm, là không ai muốn gần, là bị “ghét”, và nhiều ghét thì sao mà “thơm” được! Cứ tung tẩy như thế, ẩn nấp, trốn tìm trong sự chuyển nghĩa như thế khiến trí ta chưa kịp nghĩ thì hồn ta đã bị cuốn vào cuộc chơi này rồi. Cũng vì vậy, việc đưa bài thơ này vào dạy ở chương trình lớp 6, khi các em mới chia tay với trường tiểu học, tâm hồn còn rất đỗi trong trẻo, hồn nhiên là hoàn toàn phù hợp. Để các em được vui mà học, thích mà học chứ không cần phải “bắt” mới học.
2. Trong trẻo, hiền hòa mà rất sâu sắc, nhân văn…
Hồn nhiên mà vẫn sâu sắc, tươi tắn mà vẫn mang đầy ý nghĩa triết lí nhân văn. Đây hoàn toàn không phải là một bài thơ quá trẻ con, “chỉ hợp với tuổi mẫu giáo”. Giữa một thế giới còn đầy rẫy những Thiện – Ác, Chính – Tà, Tốt – Xấu; những kì thị và định kiến, những chuyện “bắt nạt” vẫn đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, thì “giọt sương thơ ấu”của Hoàng Linh lại mang đến cho ta một cái nhìn sâu đằng sau mỗi hiện tượng. Có phải, mỗi chúng ta, với con mắt bình thường, hầu như ai cũng thấy những người bị bắt nạt là đáng thương, đáng trách, thiếu dũng khí? Nhưng Hoàng Linh đã hóa giải mặc cảm ở người bị bắt nạt và khơi dậy tinh thần nhân văn ở mỗi chúng ta khi thấy ở bạn bị bắt nạt một vẻ mới:
Những bạn nào nhút nhát
Thì là giống thỏ non
Trông đáng yêu đấy chứ?
Sao không yêu lại còn…
“Đáng yêu đấy chứ?” là sự cảm thông. “Không yêu lại còn…” là một lời nhắc nhở. Đúng là một thế giới thật trong trẻo hiền hòa, ở đó có vạn vật, cỏ cây, trẻ con, người lớn, cả người bị bắt nạt và người bắt nạt cùng chung sống. Ở đó không có chỗ cho sự đáng khinh vì sự yếu hèn, đáng phỉ nhổ vì sự độc ác. Ngay cả với kẻ chuyên đi bắt nạt người khác, “họ” cũng cần được giúp đỡ để tỉnh ngộ. Khi “vẻ mới của yêu thương được khám phá”, “cõi bờ yêu thương được mở mang”, “đáng yêu lan tỏa đến đâu” thì “đáng chê sẽ hẹp dần đến đó” (2). Đó là “tinh thần khoan dung mới”, yêu được cả cái khó yêu, nhẹ nhàng với cả những điều rất đáng xấu hổ. Vì suy cho cùng, bạn là ta mà ta cũng là bạn, có ai trên đời này nằm ngoài hai chữ “bắt nạt”? Hãy nghĩ kĩ lại, ngẫm kĩ nữa, nữa thêm, xem, điều ta vừa nói với nhau có phải là nhận định thiếu chính xác? Đó chẳng phải là sự tinh tế, sâu sắc của tác giả đó sao?
Trong trẻo, hiền hòa, nhưng không có nghĩa là bỏ qua theo kiểu “dĩ hòa vi quý”. “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” (Nguyễn Đình Chiểu). Vì thương nên mới phải bày tỏ ngay thái độ (bắt nạt là xấu lắm); vì thương nên mới nghĩ cách nào để không cần bắt nạt nữa (nhảy hip hop, học hát); vì thương nên mới nghĩ đến hết thảy vạn vật (mèo chó, cái cây…); vì thương nên sẵn sàng đứng ra che chở, bênh vực (cứ đến gặp tớ ngay). Vì thương nên mới đau đáu nghĩ về tuổi nụ tuổi hoa, (không biết bao nhiêu em đã từng bị bắt nạt ở lớp, ở trường, và ngay ở nhà, trong vòng tay của ông bà, bố mẹ…) mà tác giả viết bài thơ này; các nhà biên soạn sách giáo khoa lựa chọn văn bản này, và người đọc cũng cần có “giọt sương trong trái tim” để đọc hiểu bài thơ này đúng nghĩa. Tinh thần nhân ái đã “rải nắng khắp cả tập thơ” (3), và luôn lấp lánh trong từng câu chữ của bài thơ này khiến người đọc có cảm giác đâu đâu (“trên khắp trái đất tròn”), ta cũng gặp ánh sáng của nó chiếu tới. Và nếu đã cảm nhận được nguồn sáng ấy, nếu đã một lần nghĩ đến mọi đối tượng của bắt nạt, từ bé đến lớn, từ vật vô tri đến con người, từ chuyện cá nhân đến quốc gia, dân tộc…thì hà cớ gì, người lớn mình phải bận lòng nghĩ/ làm chuyện xấu xa?
Nhẹ nhàng nhưng không thỏa hiệp, vì dứt khoát sẽ phải đối mặt. “Đến gặp tớ ngay”. Một bản lĩnh, một tâm thế sẵn sàng chịu trận không khiến nhân vật “tớ” trở thành “anh hùng rơm”, mà xuất phát từ một điều sâu xa: tớ “bị bắt nạt nhiều rồi”, tớ có kinh nghiệm rồi nên sẽ mạnh mẽ hơn, hoặc biết cách nín nhịn hơn, hoặc có khả năng chống chọi hơn, có kĩ năng xử lí vấn đề hơn. Vị tha và nhân hậu như thế, hẳn nhiều người lớn còn phải học em dài dài. Dầu vậy thì đây cũng chỉ là bất đắc dĩ thôi nhé, vì “bị bắt nạt nhiều rồi/vẫn không thích bắt nạt”. Tung tẩy mà vẫn nhất quán một thái độ yêu ghét rõ ràng, sòng phẳng, vẫn nhất thể với câu đầu tiên: “Bắt nạt là xấu lắm”. Đó chẳng phải là một kếu cấu vừa phóng túng, linh hoạt, vừa vô cùng chặt chẽ sao?
Vậy đó, đúng là một cuộc dạo chơi “không có nắng có gió nhưng có rất nhiều tình yêu thương”, ngay cả khi nó động chạm đến vấn đề khó khăn nhất: vấn đề cậy thế, cậy mạnh để bắt nạt kẻ khác, mở rộng ra là bình yên hoặc chiến tranh; chí nhân hay cường bạo…
3.Cùng học với các em để trưởng thành…
Tôi nhớ tác giả bài thơ này từng có một câu đại ý, có những trò chơi không dễ, nhưng chúng ta còn cần tập luyện để lớn lên mạnh mẽ hơn. Thì đây đúng là một cuộc chơi không dễ thực. Ai bảo Nguyễn Thế Hoàng Linh chọn vấn đề nhạy cảm thế? Chọn những cách nói “độc”, “lạ” thế qua con mắt trẻ thơ? Nhưng không sao cả, “chúng ta cần tập luyện để lớn lên”. Và nếu đã từng đọc kĩ, thật kĩ bạn nhé, đọc kĩ hơn nữa bốn câu hỏi trong phần “Hướng dẫn học bài” của Sách giáo viên (SGV), hẳn các đồng nghiệp của tôi sẽ hoàn toàn yên tâm vì đã chọn được một người bạn đồng hành đáng tin cậy. Với tinh thần bám sát Mục đích yêu cầu của bài học, cân đối thời gian (45 phút), là giáo viên Ngữ văn vẫn đang đồng hành cùng học sinh (HS) lớp 6, tôi đã chọn con đường đến với các em sao cho thật nhẹ nhàng, tươi tắn nhất trong khả năng có thể.
Với câu hỏi thứ nhất, về thái độ của “tớ” với người bị bắt nạt và người bắt nạt, đây là cấp độ thấp nhất để HS nhận biết nội dung chính và hiểu chủ đề bài thơ, vừa để các em dần làm quen với một trong những yếu tố cốt lõi của văn bản thơ là nhân vật trữ tình – khái niệm sau này lên lớp trên sẽ học, các học trò của tôi không hề gặp khó khăn, vì tất cả đã gần như có sẵn trong văn bản. Kết nối với chủ đề “Tôi và các bạn” để các em biết cách ứng xử với bạn bè, khi mỗi em đều có nguy cơ bị bắt nạt bởi muôn vàn kẻ mạnh hơn, đây là điều quá cần thiết với các em.
Câu thứ hai hỏi về sự lặp lại cụm từ “đừng bắt nạt” giúp các em nhận diện một trong những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng rộng rãi, có tác dụng nhấn mạnh nội dung và thể hiện thái độ của nhân vật, đồng thời tạo nhạc tính cho bài thơ. Đi từ dấu hiệu hình thức đến nội dung, khởi thủy việc giáo dục nhân cách từ những giá trị thẩm mĩ, bám sát đặc trưng thể loại. Đây là một sự lựa chọn đã được cân nhắc kĩ của những người làm sách.
Câu thứ ba bám sát đặc trưng của thơ trữ tình là giọng điệu, nhưng được “nhẹ hóa” qua câu hỏi về biểu hiện của tiếng cười là bước đầu giúp các em làm quen với ý vị hài hước, dí dỏm, thể hiện cái nhìn bao dung, thân thiện. Đây là câu hỏi nâng cao hơn, nhưng nếu khéo léo từ khâu hướng dẫn các em đọc diễn cảm bài thơ, hẳn trò sẽ không khó để nhận ra.
Như vậy, cả ba câu hỏi trong SGV đều bắt đầu từ nghệ thuật thơ. Điều đó được thể hiện một cách tự nhiên, kín đáo để học sinh lớp 6 tiếp nhận văn bản một cách chân thực, đúng với triết lí dạy Văn để biết sống tử tế, sống hạnh phúc, sống hài hòa với mọi người, hoàn thiện con người nhân văn chứ không phải học để làm nhà phê bình.
Với tinh thần kết nối tri thức với cuộc sống, câu hỏi cuối đã đặt các em vào những tình huống cụ thể, góp phần hình thành cho học sinh phẩm chất và năng lực giải quyết vấn đề, những điều cực kì cần thiết cho các em trong cuộc sống sau này. Hãy hình dung HS của chúng ta sẽ hào hứng như thế nào khi được tự do bày tỏ suy nghĩ về ba “tình huống có vấn đề” như thế? Và tôi tin, sau cuộc thảo luận ấy, những bạn bị bắt nạt sẽ mạnh mẽ, tự tin hơn để bảo vệ bản thân; những bạn bắt nạt sẽ không còn thấy mình “ngầu” như vẫn lầm tưởng….
Vậy đó, nhẹ nhàng mà sâu sắc, những người biên soạn sách đã giúp chúng tôi có được “chìa khóa” để mở những cánh cửa đầu tiên. Tất nhiên là trong quá trình dạy, tùy từng đối tượng học sinh, tôi sẽ có những cách “chế tác” lại sao cho phù hợp. Và nếu đã từng học, từng chơi với học sinh lớp 6, hẳn bạn sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị vô cùng, vì với lứa tuổi chưa qua trẻ con, nhưng cũng không còn quá ngây thơ về cuộc sống, chúng sẽ khiến ta nhiều khi phải giật mình, vì sự hồn nhiên mà cũng tinh ý, tinh tế hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Bằng chứng là, khi tổ chức cho các em theo nhóm thi đọc bài này, đến câu cuối: “Bắt nạt là rất hôi”, các em đã “èn èn” rung người và cười tít mắt đọc nối tiếp lại từ đầu: “Bắt nạt là xấu lắm, đừng bắt nạt bạn ơi”, như một trò chơi không có hồi kết. Tôi hỏi, “Sao các em lại đọc thế?”, các em cười rất hồn nhiên: “Như cái chong chóng hôm nọ lớp mình làm ấy cô ạ, cứ chạy là quay tít!”. Tôi ngẩn người chợt nghĩ, có lẽ, trong tâm hồn mỗi đứa trẻ Việt, kết cấu vòng tròn của những bài đồng dao đã ngấm tự lúc nào chăng? Hay chỉ là sự vô tình? Dẫu sao, nó cũng nhắc tôi một điều tự nhiên mà giản dị vô cùng: Hãy học hỏi trẻ thơ, đừng bao giờ coi thường bất cứ một điều gì dù chúng có vẻ ngoài là “ngây ngô”, “dở tệ”. Vì trong cái tưởng chừng “ngây ngô” của trẻ thơ hàm chứa sự “sáng suốt”… mà nhiều khi “người lớn” (như lời tác giả Hoàng tử bé) cần được trẻ thơ tha thứ…!!!
Trên đây chỉ là vài cảm nhận cá nhân về bài thơ mới được đưa vào chương trình hiện đang gây ra nhiều tranh luận. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các bạn đồng nghiệp.
NGUYỄN THANH MAI
Văn Nghệ Thái Nguyên
___________
(1), (2), (3) Chu Văn Sơn – “Ra vườn nhặt nắng” và giọt sương thơ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét