GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH ĐƯỜNG BIÊN CỦA CHỮ
“Muôn nẻo đường tiếp nhận văn chương”
PGS. TS, Nhà văn Vũ Nho
Nhà
nghiên cứu, phê bình văn học trẻ, Tiến sĩ Bùi Như Hải sau nhiều bài
viết đăng ở các báo, tạp chí Trung ương và địa phương đã trình làng cuốn
tiểu luận, phê bình Nẻo vào văn xuôi Việt Nam đương đại
gồm 23 bài viết, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2020. Cuốn sách
xứng đáng đoạt giải B về Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2020 của
Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và giải A về Giải thưởng
Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2020. Trên bìa gấp dưới chân dung,
tác giả có 4 đầu sách sắp in và sẽ in, lại không thấy có sách Đường
biên của chữ, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2021. Nhưng có lẽ, đây
chính là tập Văn chương đương đại Quảng Trị: Sống và viết cùng thời
chăng? Dù thế nào, thì điều đó cũng không quan trọng lắm. Có thể thấy,
một Bùi Như Hải tiếp tục mạch nguồn văn xuôi trong 8 tiểu luận và phê
bình ở phần II của cuốn sách. Và có một Bùi Như Hải say sưa viết phê
bình và tiểu luận thơ qua 13 bài viết ở phần I. Mười ba tiểu luận và phê
bình thơ đều viết về các nhà thơ sống và làm việc ở mảnh đất Quảng Trị,
và cũng có bài viết về người Quảng Trị nhưng sống ở ngoài tỉnh và nước
ngoài. Tám tiểu luận, phê bình ở phần II, thì có đến 4 tác giả là người
Quảng Trị, và 4 tác giả không có hộ khẩu Quảng Trị, là PGS. TS. Nguyễn
Ngọc Thiện, PGS. TS. Tôn Thảo Miên, nhà văn Nguyễn Bình Phương và nhà
thơ
Nguyễn Quang Thiều.
Hầu
hết các bài viết, tác giả đã công bố trên Báo Quảng Trị Cuối tuần, Tạp
chí Cửa Việt, Tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Văn
học,... Tập sách này, có thể coi là một tập sách tiểu luận, phê bình
văn chương đương đại của Quảng Trị, có mở rộng thêm 4 tác giả, nhà
nghiên cứu, nhà văn ngoài tỉnh. Quả thật, đối với người đọc cả nước thì
đọc và biết đến các bài viết về tác phẩm của các nhà văn có tên trong
Hội Nhà văn Việt Nam cũng là công việc bất khả thi. Bản thân người viết
những dòng này cũng là người chịu đọc, nhưng cũng chỉ biết đến mấy cái
tên tác giả nổi trội của Quảng Trị như Xuân Đức, Cao Hạnh, Văn Xương,
Nguyễn Văn Dùng,... Bởi vậy, Bùi Như Hải và cuốn sách này đáng quý trước
hết là, đã giới thiệu với người đọc cả nước một đội ngũ các nhà thơ,
nhà văn Quảng Trị miệt mài làm thơ, viết văn ghi lại cuộc đời mình, ghi
lại cuộc đời những con người kiên trung, bất khuất, bền bỉ chiến đấu và
xây dựng mảnh đất Quảng Trị anh hùng, đảm đang, nghĩa tình. Qua thơ văn
của họ, người đọc biết đến và ấn tượng nhiều hơn với những địa danh Bến
Hải, Hiền Lương, Thành Cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu, sông
Hiếu, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đông Hà,… Đọc cuốn sách này, người đọc cũng sẽ
biết đến những thi nhân đất Quảng như Nguyễn Văn Dùng, Văn Xương,
Nguyễn Văn Trình, Cao Hạnh, Hoàng Tấn Trung, Nguyễn Văn Đắc, Võ Văn Hoa,
Trần Bình, Trương Lan Anh, Hoàng Tấn Linh, Cát Miên, Hoài Quang Phương,
Võ Thị Như Mai,... Họ là những người khác nhau về nghề nghiệp, tuổi
tác, địa vị xã hội, nhưng đều là những người có duyên nợ với văn chương.
Trong các bài viết, Bùi Như Hải trân trọng giới thiệu họ từ tên thật,
quê quán, con đường đến với văn chương. Kèm với đó, là những kỉ niệm
riêng của tác giả với người viết, những câu chuyện “ngoài thơ” để bạn
đọc hiểu hơn người thơ. Hầu như tác giả nào cũng dành những vần thơ tâm
huyết nhất của mình cho quê hương, cho làng, cho con sông, cho những
người thân thiết và bạn bè,… Tuy vậy mỗi nhà thơ lại có cách thể hiện
khác nhau. Tác giả Bùi Như Hải đã cố gắng nêu ra “những nét riêng không
thể lẫn” của họ trong dàn đồng ca thi ca Quảng Trị. Chẳng hạn như: Nhà
thơ Nguyễn Văn Dùng: “Tôi thích thơ lục bát Nguyễn Văn Dùng vì hay trong
cách lập tứ, dụng ngôn, đậm chất dân gian, tươi mới, khúc chiết, không
ẩn dưới những tứ thơ viết bằng mật ngữ, không “vén mây ngoạn trăng”,
không du dương,... Đa số thơ lục bát Nguyễn Văn Dùng có bài, có khổ, có
câu giàu thi ảnh, gợi mở nhiều liên tưởng đẹp, triết mĩ trong diễn
ngôn,...” (tr.41). Thơ tình Nguyễn Văn Trình “nhuốm đầy sắc màu của nỗi
buồn da diết, nhưng đó lại là một nỗi buồn đẹp, một nỗi buồn không lụy,
một nỗi buồn trong trẻo của một tình yêu luôn tận hiến cả trái tim mình
cho người mình yêu,...” (tr.76). Nhà văn Cao Hạnh: “Qua tập thơ Giấc mơ
màu cỏ, bạn đọc sẽ nhận ra độ chín của một tài năng, một Cao Hạnh đầy ân
tình và từng trải. Sự ân tình, chân thành ấy đều xuất phát từ gan ruột,
từ chính xúc cảm rất thực của nhà thơ,...” (tr.90). Nhà thơ Hoàng Tấn
Trung là người “có trái tim nồng cháy với quê hương và có một tâm hồn đa
cảm, nhạy cảm, tinh tế thì mới vẽ nên một bức tranh làng quê về cảnh
sắc bốn mùa, về cuộc sống của người dân rất chân thực, đầy dặn và dung
dị” (tr.101). Nhà thơ Võ Văn Hoa “viết về đề tài tình yêu, có một cái
nhìn, một cách thể hiện riêng khác, nên đã tạo được dấu ấn riêng, phong
cách riêng” (tr.147). Nhà thơ Văn Xương: “Tình yêu trong tập thơ Búp lửa
là một thế giới rộng mở, sinh động, có nhiều cung bậc, trạng thái, cảm
xúc rất khác nhau. Ở đó, có cả sự mãnh liệt và nồng nàn, có cả nhớ
nhung, vui sướng và hạnh phúc tràn đầy, vô cùng tận,...” (tr.46 -
47),...
Có một số bài
viết khá thú vị khi Bùi Như Hải đã đưa vào một số câu chuyện ngoài lề
của các nhà thơ, nhà văn. Ví dụ như trước khi viết về tập thơ Chiêm bái
quê nhà của Trần Bình, tác giả đã thuật câu chuyện ngoài thơ về nhà tài
trợ chính cho buổi ra mắt tập thơ: “Trong lúc kinh tế gia đình đương còn
eo hẹp nhưng người vợ yêu quý của anh vẫn quyết định làm thịt một con
heo to hơn bốn mươi kí sau bao ngày chăm sóc rau cám vất vả để đãi bạn
bè văn nghệ của chồng mình. Chính hành động này của phu nhân Trần Bình
đã tạo ra xúc động mạnh mẽ trong làng văn nghệ của tỉnh Quảng Trị”
(tr.153-154). Thật là một việc làm rất đẹp, rất nhân văn. Người đọc sẽ
càng cảm mến khi đọc những vần thơ của tác giả Trần Bình.
Có
thể, bạn đọc sẽ cảm thấy hình như Bùi Như Hải có phần “ưu ái” khi ngợi
ca những vần thơ của các nhà thơ quê mình. Nhưng mọi người đã ghi nhận ở
đây tấm lòng, sự trân trọng của người viết phê bình. Một người chân
tình, cảm mến bè bạn văn chương như thế, có “hoạt ngôn” một chút, thì
cũng chính là một nhược điểm đáng yêu, đáng được cảm thông.
Phần
thứ hai của cuốn sách, tác giả Bùi Như Hải dành cho phê bình văn xuôi,
vốn là một thế mạnh của anh. Ở đây tác giả đã công phu, nhiệt tình khẳng
định đóng góp của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện trong cuốn sách chuyên khảo
thứ 9 của ông, đó là Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và Lí luận
thực tiễn Nghệ thuật. Ngoài việc phác họa chân dung tác giả như nhan đề
của bài viết, Bùi Như Hải đã chính xác khi nhận định: “Cuốn sách không
chỉ có giá trị to lớn trong việc tổng kết cả về mặt lí thuyết lẫn thực
tiễn của một giai đoạn lịch sử trong việc triển khai, thực hiện đường
lối văn hóa văn nghệ của Đảng ta, mà còn có giá trị để đời của một cây
bút hàn lâm, lí luận mác xít, xứng đáng là thế hệ kế cận, tiếp nối các
nhà nghiên cứu, phê bình mác xít Hải Triều, Đặng Thai Mai, Hà Xuân
Trường, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức,…” (tr.272). Tác giả cũng trân trọng
phân tích, bình giá cuốn tiểu luận, phê bình của PGS.TS Tôn Thảo Miên
Văn học Việt Nam dấu ấn - giao lưu - tác động. Bùi Như Hải đã khẳng định
những đóng góp mới mẻ của tập sách về mặt lí thuyết phong cách và chân
dung một số nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại; về phê
bình kịch bản văn học, hoạt động sân khấu của một vài kịch tác gia thế
kỉ 20; về tác động của văn học Việt Nam hiện đại đến những vấn đề nóng
của xã hội trong bối cảnh hiện nay. Kết luận của anh nêu lên có căn cứ
xác đáng: “Cuốn sách đã đóng góp một cách thiết thực vào đời sống nghiên
cứu và phê bình văn học Việt Nam hôm nay” ( tr.294).
Hai
bài viết về 2 tác giả Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Quang Thiều cho thấy
khả năng cảm nhận vấn đề và đặt ra vấn đề một cách khá nhạy bén của
người viết nghiên cứu, phê bình. Với tác giả Nguyễn Bình Phương, Bùi Như
Hải đi sâu vào phân tích đề tài đạo đức thông qua các cuốn tiểu thuyết
Thoạt kì thủy, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Ngồi, Những đứa trẻ chết
già,... thông qua các nhận vật chính trong các tiểu thuyết đó. Tác giả
kết luận, Nguyễn Bình Phương với một loạt nhân vật đã minh chứng “hiện
tượng lệch chuẩn, xuống cấp về đạo đức, về nhân cách một cách trầm trọng
trong đời sống xã hội đương đại ở nước ta”. (tr.365-267). Với tác giả
Nguyễn Quang Thiều, người viết phê bình chỉ chọn ra Vấn đề sinh thái
trong văn xuôi của Nguyễn Quang Thiều để nghiên cứu, phân tích hai khía
cạnh là Không gian nhà quê thanh bình đáng sống và Không gian nhà quê bị
xâm lấn, tàn phá. Phải chăng bài viết này sẽ được tác giả chuẩn bị cho
cuốn sách Nông thôn trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại sắp in trong
thời gian tới.
Bốn bài
viết còn lại trong phần thứ hai, là viết về tác giả Xuân Đức, Đào Tâm
Thanh, Nguyễn Hoàn và Thúy Sâm. Họ đều là người viết có hộ khẩu Quảng
Trị. Trong số đó bài viết về Xuân Đức công phu, xác định vị thế của nhà
văn quê Quảng Trị trong “dòng chảy văn học Việt Nam đương đại”. Ba bài
viết còn lại khẳng định những đóng góp riêng của ba tác giả. Về lĩnh vực
kí, phóng sự, ghi chép của Đào Tâm Thanh, về tiểu luận phê bình của
Nguyễn Hoàn, và bút kí, ghi chép của Thúy Sâm. Các tác giả đều có những
đóng góp riêng, làm phong phú thêm bức tranh văn chương Quảng Trị mà Bùi
Như Hải yêu quý, trân trọng muốn giới thiệu với không riêng bạn đọc
Quảng Trị, mà còn bạn đọc trên cả nước ta và phần nào các bạn đọc ở cả
nước ngoài.
Tôi đã nêu
một số nhận xét chung nhất về cuốn sách Đường biên của chữ, cuốn tiểu
luận, phê bình thứ hai của tác giả Bùi Như Hải đang độ sung mãn bút lực
và khao khát cống hiến cho mảng nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà.
Hy vọng cuốn sách sẽ được đông đảo bạn đọc gần, xa đón nhận. Xin chúc
cho Tiến sĩ Bùi Như Hải, một đồng nghiệp trẻ của tôi giữ mãi niềm say
mê, miệt mài sáng tạo để cống hiến cho bạn đọc nhiều tác phẩm mới, có
giá trị như trong dự định đã thông báo của mình!
Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét