Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

NHÂN UNESCO VINH DANH HỒ XUÂN HƯƠNG

 

NHÂN UNESCO VINH DANH HỒ XUÂN HƯƠNG

Hồ Xuân Hương và văn chương với người trẻ...

 hxh_top_1

Nhà văn Vinh Huỳnh nhờ giúp các bạn học sinh bằng cách trả lời một số câu hỏi phỏng vấn. Vũ Nho đồng ý nhưng đề nghị phải chuẩn bị đã. Chiều thứ 7, 10 tháng Ba, ba phóng viên Lê Minh Tâm, Vương Hạnh Dung, Tống Phương Thảo từ lớp 11, trường THPT chuyên ngữ tới nhà Vũ Nho với  đồ nghề gọn nhẹ là một máy ảnh có chức năng quay phim. Cuộc trả lời phỏng vấn vui vẻ, thoải mái. Khi kết thúc, các bạn tặng Vũ Nho nội san TUẤT NIÊN rất đẹp và rất chuyên nghiệp. VN cũng tặng mỗi bạn một cuốn VĂN MỚI số 12, có bài viết về cuốn sách "Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều, so sánh và bình luận" của VN.
Dưới đây là các câu hỏi và trả lời. Ghi lại như một kỉ niệm.


TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA CÁC BẠN HỌC SINH (HS) CHUYÊN NGỮ


        HS: - Bác có những cảm nhận cá nhân gì về Hồ Xuân Hương không ạ và theo bác, điều gì đã khiến bà đặc biệt so với những nữ nhà thơ nói riêng và các tác giả văn học trung đại nói chung của dân tộc

Vũ Nho: -  Hồ Xuân Hương ( HXH)  là một nhà thơ nữ xuất sắc không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Nhà thơ Xuân Diệu từng gọi bà là “bà chúa thơ Nôm” là “ Thiên tài, kì nữ”. Nhà thơ Bungari Blaga Đimitrôva đánh giá  Hồ  Xuân Hương “ Là một trong những hiện tượng độc đáo nhất không chỉ ở Việt Nam mà ở trong toàn bộ cái nguồn thơ mà tôi được biết của nền thơ thế giới qua tất cả các thời đại”. 

 

Giáo sư John Balaban dịch thơ HXH xuất bản ở Mĩ, đã bán hơn 20.000 bản viết về bà:

 

                            Ở bên trời Mỹ vẫn mơ

 

                        Nguồn sông còn chảy tình lờ lai rai

 

                           Trăm năm tiếng khéo ngân dài

 

                     Trên sông cổ nguyệt nhớ hoài Xuân Hương.

 

           Ông nhận định : “Công chúng Mỹ đọc thơ Hồ Xuân Hương không chỉ thấy cái hay của một tác phẩm mà còn thấy được chiều sâu của văn hóa Việt Nam”.

 

Điều khiến thơ Hồ Xuân Hương đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới chính là ở chỗ, bà là thơ nữ duy nhất nói “chuyện ấy”, tức là chuyện tình dục. Mà nói trong điều kiện xã hội phong kiến Việt Nam, chứ không phải thời hiện đại. Nói chuyện tình dục, chuyện SEX nhưng lại nói một cách tao nhã, lịch sự. Bà vịnh cái quạt, vịnh quả mít, con ốc nhồi hay cái bánh trôi,…thì không phải chỉ là vịnh vật. Bà nói chuyện đánh đu, trèo đèo, dệt vải,… thì người Việt ai cũng hiểu là không chỉ chuyện đó  mà còn là nói chuyện kia. Thơ Hồ Xuân Hương có tính “song nghĩa”. Nghĩa nổi và nghĩa chìm, cái nghĩa chìm ấy không chìm hẳn mà “lập lờ” nổi bên nghĩa nổi. Phải là một “bà chúa” về ngôn ngữ mới có thể làm như thế!

 

Hồ Xuân Hương khác tất cả các tác giả Trung đại Việt Nam, mà cũng khác tất cả các nhà thơ nữ trên thế giới chính là sự thẳng thắn nói về khát vọng bản năng của con người, không phân biệt đẳng cấp là vua chúa, hiền nhân quân tử, hay bố cu, mẹ hĩm.

 

        HS: -  Theo bác những điểm đặc biệt ấy có ảnh hưởng gì lên nền văn học dân tộc và lên cuộc sống hiện đại của chúng ta ngày nay ạ?

 

Vũ Nho:  - Nhà thơ Xuân Diệu đã viết rất sâu về thơ Hồ Xuân Hương. Bài “ Hồ Xuân Hương bà chúa thơ nôm” được viết và sửa, bổ sung với các mốc thời gian 12/1958, 5/1961, 8/1978, 1/1979 và1/1980. ( trong khoảng 22 năm). Nhà thơ đã khẳng định ảnh hưởng của Hồ Xuân Hương lên văn học của chúng ta, chính là ảnh hưởng của sử dụng ngôn ngữ dân tộc, viết thơ NÔM chứ không phải thơ chữ HÁN, mặc dù bà giỏi chữ Hán. Tác giả viết rất xác đáng : “ Hồ Xuân Hương là nhà thơ dòng Việt.  Thơ Xuân Hương đã làm cho chữ “nôm na” không đồng nghĩa là với “mách qué” nữa, mà nôm na là đồng nghĩa với thuần túy, trong trẻo, tuyệt vời”.

 

Bây giờ các nhà văn Việt Nam mới bắt đầu viết về tình dục, về sex, nhưng cách đến  hơn 2 thế kỉ, Xuân Hương đã rất thành công. Chúng ta thấy giáo dục về giới tính, về tình dục bây giờ mới bắt đầy được nhà trường chú ý, nhưng Hồ Xuân Hương đã đi tiên phong, đã khẳng định vấn đề “tình dục” là vấn đề quan trọng trong đời sống.  Không thể chối bỏ hay không nhìn nhận nó. Bạn đọc thế kỉ XXI khác bạn đọc của thế kỉ XVIII, song có những chuyện còn “xưa hơn trái đất” nhưng không hề CŨ bao giờ

 

         HS: - Khi tiếp cận với những đánh giá về HXH, bác thấy nhận xét nào là xác đáng và sâu sắc nhất và vì sao ạ?

 

Vũ Nho:  - Đây là một câu hỏi quá khó. Mỗi người viết về Hồ Xuân Hương đứng ở một góc độ khác nhau. Và tính xác đáng hay thuyết phục vì thế cũng khác nhau. Tôi chỉ có thể trả lời rằng về góc độ thơ, nhà thơ Xuân Diệu đã có những nhận định khá thuyết phục trong hai bài viết quan trọng là “ Hồ Xuân Hương bà chúa thơ nôm” và “ Tính tư tưởng trong ba bài thơ của Hồ Xuân Hương” ( 1972-1979). Tuy nhiên, vấn đề văn bản thơ Hồ Xuân Hương là một vấn đề phức tạp, gây đau đầu cho các nhà nghiên cứu. Một số bài thơ dù mang tên Xuân Hương nhưng người ta vẫn cho là “tồn nghi”, tức là thiếu chắc chắn. Xuân Diệu không chú ý đến điều này và nhà thơ phân tích cả những bài không chắc chắn của Xuân Hương. ( ví như bải Cảnh Thu nhiều sách cho là của bà huyện Thanh Quan, Xuân Diệu cho là của Hồ Xuân Hương, căn cứ vào giọng điệu). Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn có cả một cuốn sách “ Hồ Xuân Hương tiểu sử văn bản tiến trình huyền thoại dân gian hóa” ( nxb Hội nhà văn 1999). Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy có chuyên luận “ Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực” ( 1999). Tôi cũng có bài nghiên cứu nho nhỏ “ Xuân Hương và cái hồng nhan” ( trong cuốn “33 gương mặt thơ nữ” nxb Hội nhà văn, 2009) trong đó tôi phân biệt Xuân Hương ban ngày và Xuân Hương ban đêm. Ban ngày bà gồng mình lên chống chọi với lề luật phong kiến. Ban đêm bà cô đơn khóc thầm cho thân phận, cho khát vọng hạnh phúc. “ Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om”.  Mỗi người viết về Hồ Xuân Hương đều cố gắng cung cấp một khám phá, một góc nhìn mới về thơ của bà.

 

 

        HS : - Qua đó, theo bác, HXH trong con mắt người yêu văn hiện đại hiện lên như thế nào ạ?

 

Vũ Nho:  - Tôi nghĩ rằng Hồ Xuân Hương là một thi hào dân tộc. Bà nổi tiếng trên thế giới. Có câu Bác Hồ viết “ Dân ta phải biết sử ta”. Mở rộng ra, dân ta phải biết văn ta. Một nhà thơ nổi tiếng như thế mà người yêu văn chương hiện nay không biết đến, hoặc biết lơ mơ thì thật đáng tiếc.  Bà là một  “bà chúa thơ Nôm”, bà là người phụ nữ can đảm. Chúng ta yêu quý, tôn trọng bà, tôn trọng người phụ nữ tài ba, đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền, cho hạnh phúc của con người. Thơ bà đã có trong chương trình THCS và chương trình THPT. Trách nhiệm của mọi người là tìm hiểu, yêu mến và tôn vinh thơ Hồ Xuân Hương như một “đặc sản” của văn chương  dân tộc và nhân loại.

 

 

         HS: - Là cầu nối giữa những giá trị văn học xưa và độc giả hiện nay, những nhà phê bình văn học như bác có đánh giá như thế nào về thái độ của những độc giả trẻ ngày nay với những tác phẩm mang tính cổ điển,nền tảng của dân tộc ta?

 

Vũ Nho: - Thật ra chưa có một điều tra xã hội học nào về thái độ giới trẻ đối với các tác phẩm cổ điển của dân tộc. Ngay trong phạm vi nhà trường cũng chưa có những khảo sát về thái độ của học sinh với các tác phẩm văn học trung đại. Có một thực tế là báo chí và các phương tiện truyền thông hay ca thán về chuyện học sinh thờ ơ, chán học văn chương. Thật ra, học sinh chỉ chán những giờ Văn của giáo viện dạy kém, dạy không hay. Các thầy cô giáo lành nghề luôn biết cách “truyền lửa” cho học sinh trong giờ dạy của mình. Tôi từng làm chuyên viên chỉ đạo trên Bộ GD và ĐT, tôi có may mắn dự nhiều giờ của các thầy cô giỏi. Chính những người thầy tận tụy, yêu nghề luôn đem đến niềm say mê cho học sinh. Cho nên tôi nghĩ cần thận trọng khi đánh giá các bạn trẻ! Các nhà phê bình, nghiên cứu văn học, các thầy cô giáo các cấp học cần cố gắng để cho bạn đọc trẻ yêu mến và trân trọng di sản văn học của cha ông.

 

 

         HS: - Theo bác thì nguyên nhân gì dẫn tới thái độ đó ạ?

 

Vũ Nho:  - Như đã nói, chúng ta không thể kết luận về thái độ của bạn đọc trẻ dựa vào những quan sát lẻ tẻ hay suy luận đầy cảm tính, chủ quan. Nhưng phải thừa nhận là trong thế giới phẳng và công nghệ nghe nhìn phát triển, chúng ta có quá nhiều điều để lựa chọn. Các bạn trẻ cũng vậy. Xem phim, chụp ảnh, tương tác, giao lưu trực tuyến, tham quan,…Những điều đó ảnh hưởng đến văn hóa đọc và ảnh hưởng đến tình yêu văn chương. Nhưng không chỉ có ảnh hưởng tiêu cực. Còn có cả ảnh hưởng tích cực nữa, nếu bạn đọc xem phim về Hồ Xuân Hương, xem vở diễn về Hồ Xuân Hương thăm đèo Ba Dội,…sẽ thích thú tìm đọc thơ bà. Cũng như thế, xem phim, xem  các vở diễn sân khấu về Kiều, nghe lẩy Kiều, ngâm Kiều, bạn đọc trẻ lại hứng thú tìm đọc Nguyễn Du.

 

         HS: - Theo bác, văn học Việt Nam có những sự đồng điệu với cuộc sống hằng ngày của chúng ta không ạ? Và liệu văn học có thể tăng sức ảnh hưởng của nó lên những thế hệ tiếp theo của dân tộc không ạ?

 

Vũ Nho:  - Có lẽ đặt vấn đề “đồng điệu” không thật chính xác lắm. Văn học là Nhân học, là khoa học về con người. Chúng ta sống đời sống bình thường không thể thiếu hiểu biết về con người. Văn học chính là một trong các nguồn kiến thức bách khoa đó. Những vui buồn, những hạnh phúc và khổ đau, những trải nghiệm cuộc đời kết đọng trong các tác phẩm văn chương luôn cần thiết cho mỗi con người. Văn học làm giàu cho tâm hồn mỗi cá nhân. Văn học đã đang và sẽ mãi mãi ảnh hưởng đến cuộc sống của các thế hệ. Không nghi ngờ gì ảnh hưởng của văn học lên cuộc sống của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

 

        HS: - Bác có muốn gửi gắm thêm những suy nghĩ hay lời nhắn gì không ạ?

 

Vũ Nho :  - Ít nhất, tôi cám ơn các bạn, những người trẻ tuổi đã quan tâm đến vấn đề lớn là ảnh hưởng của văn học đến đời sống không chỉ các bạn trẻ hiện nay mà còn các các thế hệ mai sau. Tôi chỉ muốn nói rằng dù khoa học kĩ thuật có phát triển đến đâu chăng nữa, thì văn chương vẫn là một nguồn dưỡng chất làm cho con người sống phong phú hơn, sâu sắc hơn và như thế sẽ HẠNH PHÚC hơn!

 

 

  HS: - Cám ơn bác đã trả lời phỏng vấn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét