TỪ NHÀ SỐ 4 TRÔNG RA
Nguyễn Hữu Quý
Từ nhà số 4 trông ra
Thấy cô thôn nữ chở hoa bên đường
Nụ hồng lóng lánh giọt sương
Cánh sen thấp thoáng, sắc hương nội đồng
Từ nhà số 4 tôi trông
Thấy anh bán chậu ngồi mong khách vào
Sứ sành chen chúc thấp cao
Lanh canh đôn bát, lêu lao lọ bình
Từ nhà số 4 tôi nhìn
Thấy ông vé số lim dim vỉa hè
Đời hay canh bạc dãi dề
Cho bao nhiêu kẻ đam mê tìm tòi?
Từ nhà số 4 tôi coi
Thấy người hát dạo đánh rơi khúc đàn
Chuông lắc, gậy chống tần ngần
Bác mù bán chổi đi ngang bốn mùa
Từ nhà số 4 trông ra…
(Trích trong “Thơ giải thưởng báo “Người Hà Nội” 2005-2006)
LỜI BÌNH CỦA THANH ỨNG
Đây là nhà số 4, phố Lý Nam Đế Hà Nội, trụ sở toà soạn tạp chí “Văn nghệ Quân đội”. Trước đây người ta gọi phố này là phố “nhà binh” – nghĩa là hầu hết là nhà của các cơ quan quân đội hoặc của sĩ quan. Phố khá yên tĩnh và nghiêm. Từ thời kỳ đổi mới, mở cửa, như nhiều phố phường khác của Hà Nội, phố Lý Nam Đế cũng tấp nập, rộn ràng bán mua. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý làm việc ở nhà số 4 Lý Nam Đế, ngày ngày, “Từ nhà số 4 trông ra” anh cảm nhận về cuộc sống, về con người và từ đó cảm nhận thế cuộc. Bốn khổ thơ đều bắt đầu bằng điệp ngữ “Từ nhà số 4…”: Khổ thứ nhất là “trông ra”…, khổ thứ hai là “tôi trông”…, khổ thứ ba là “tôi nhìn”…, khổ thứ tư là “tôi coi”…, và câu kết thúc lại là “Từ nhà số 4 trông ra”. Kiểu kết thúc “hoàn đầu” như thế gợi cho người đọc sự lặp đi lặp lại những gì vẫn diễn ra thường ngày. Nếu con mắt thường sẽ thấy nhàm chán. Nhưng với con nhìn và cảm nhận của nhà thơ thì: ẩn trong sự bán mua đó là ý nghĩ sâu xa về cuộc sống đang diễn ra hàng ngày ở quanh ta. Đó là vẻ đẹp của hoa và người bán hoa: “Nụ hồng lóng lánh giọt sương / Cánh sen thấp thoáng sắc hương nội đồng”. Hai dòng lục bát này tả hoa nhưng cũng chính là tả người bán hoa: đẹp và trong khiết. Vẻ đẹp đó mang hương vị đồng quê từ ngoài về Hà Nội làm cho thành phố có không khí của một buổi sáng tinh sương, thanh sạch. Nhà thơ còn “thấy anh bán chậu”, “thấy ông vé số”, “thấy người hát dạo”, “bác mù bán chổi”. Những nhân vật anh chọn đưa vào thơ đều là những thường dân, những người lao động nghèo, tàn tật. Có thể họ cũng từ một vùng quê nào đó của nước ta về Hà Nội kiếm sống. Họ như đang mải miết chịu đựng dấn thân vào cuộc mưu sinh. Trong tâm hồn họ chứa chất bao điều người đọc phải suy ngẫm: anh bán chậu “Sứ sành chen chúc thấp cao / Lanh canh đôn bát, lêu lao lọ bình”; “Ông vé số lim dim” ngẫm ngợi về cuộc đời: “Đời hay canh bạc dãi dề / Cho bao nhiêu kẻ đam mê tìm tòi”. Với người hát dạo, nhà thơ đã dành cho họ một sự sẻ chia đồng cảm: “Thấy người hát dạo đánh rơi khúc đàn / Chuông lắc gậy chống tần ngần”. Một tâm trạng buồn thương của một nghệ sĩ lang thang đang chầm chậm rải bước chân trên đường phố kiếm ăn độ ngày. Câu cuối khổ tám chữ mà choán hết cả khổ thơ, cả bài thơ “Bác mù bán chổi đi ngang bốn mùa”. “Đi ngang bốn mùa”: Bốn mùa là cả một năm, có nắng, mưa, nóng, lạnh, vất vả, nhọc nhằn. Con người trong đó vượt lên tất cả. Không phải là “đi theo”, “đi qua”, “đi hết”… mà là “đi ngang” thật ngạo nghễ song cũng thật đáng thương. Hình như thiên nhiên, thời tiết không hề có tác động đến nhân vật trong bài thơ. Hình ảnh “Bác mù bán chổi” ám ảnh chính nhà thơ và ám ảnh người đọc. Từ trong đáy lòng, tác giả còn muốn nói nhiều với chúng ta về hình ảnh người bán chổi trên một con phố có nhiều kẻ bán mua qua lại… không chỉ là chỗ “Từ nhà số 4 trông ra”… mà ở nhiều nơi khác nữa.
Ý nghĩa nhân văn rộng lớn của bài thơ vượt ra những câu chữ, những dòng thơ ta đọc được qua mắt thường, nó giúp ta lắng sâu tâm hồn vào tầm ý nghĩa mới về con người, về cuộc đời ta đang sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét