PHÚT LÂM CHUNG CỦA NGƯỜI THỢ MỎ
Trần Nhuận Minh
Người vẫy các con xúm lại quanh giường
tôi chợt hiểu đã đến giờ nghiêm trọng
người đã sắp giã từ cuộc sống
người giơ bàn tay, giơ một bàn tay
tôi cố đoán những điều người trăng trối
giọt nước mắt bỗng lăn ra nóng hổi
bàn tay người mở như cái lắc lê
hằn vết sẹo từ thời mất nước
những nốt chai sần trắng đục
người muộn mằn mới gặp mẹ tôi
chúng tôi lần lượt ra đời dưới bàn tay quai búa
đứa đi học đứa mới vào làm thợ
- - Cha chết đến nơi rồi, không dạy được các con –
- tiếng người cứ nửa chừng lại đứt –
các con hãy làm, hãy làm hết sức
bàn tay sẽ dạy các con khôn…
Ngón tay người run run
dần chụm lại như một bông hoa héo
chúng tôi nâng tay người trong tay chúng tôi
- Xin người cứ yên tâm vĩnh biệt cõi đời
chúng tôi biết mình có bàn tay tươi trẻ
mang sức lớn và tầm trí tuệ
của giai cấp công nhân in lên mọi công trình!
Nguồn: VHVN thế kỷ XX – Thơ ca 1945-1975 Quyển bốn tập X
(trang1039 –NXB Văn học 2010)
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
"XIN NGƯỜI CỨ YÊN TÂM VĨNH BIỆT CÕI ĐỜI"
Bài thơ "Phút lâm chung của người thợ mỏ" là một sáng tác rất độc đáo của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Thi phẩm tái hiện những phút giây cuối đời cùng lời trăng trối của người cha thợ mỏ với các con trong thời khắc ly biệt tử sinh khiến người đọc rưng rưng xúc động. Sáng tác này tạo ấn tượng khó quên ngay từ thi đề và cảm hứng thơ bởi rất hiếm thi sĩ viết về giờ phút sắp vĩnh biệt cuộc sống của một con người. Nhân vật chính trong thi phẩm là người thợ già với thể trạng yếu như ngọn đèn dầu trước gió: "Người vẫy các con xúm lại quanh giường/ tôi chợt hiểu đã đến giờ nghiêm trọng/ người đã sắp giã từ cuộc sống". Hóa thân vào vai người con, bằng bút pháp tự sự, tác giả tái hiện rất cụ thể thời khắc người cha đang chuẩn bị về với thế giới vĩnh hằng, để lại bao thương xót cho người ở lại: "Người giơ bàn tay, giơ một bàn tay/ tôi cố đoán những điều người trăng trối/ giọt nước mắt bỗng lăn ra nóng hổi". Như một nhà quay phim cận cảnh, tác giả ghi lại chi tiết từng diễn biến cử chỉ của người cha: "Bàn tay người mở như cái lắc lê/ hằn vết sẹo từ thời mất nước/ những nốt chai sần trắng đục". Hình ảnh "bàn tay" điệp đi điệp lại (5 lần) rất ám ảnh nhờ được so sánh kép trước tiên là với cái lắc lê - dụng cụ quen thuộc gắn bó thiết thân với người công nhân. Bàn tay "lắc- lê" ấy gợi nhớ về chủ nhân của nó là người công nhân từng làm công việc vất vả. Đôi bàn tay ấy "chai sần" với những vết sẹo từ thời mất nước đã cho biết về một cuộc đời lao động cơ cực lầm than. Đó không chỉ là cảnh ngộ của riêng người cha mà còn là thân phận của bao công nhân khác trong việc chèo chống mưu sinh cho gia đình. Nhân vật trữ tình không quên nói về hoàn cảnh của cha: "Người muộn mằn mới gặp mẹ tôi/ chúng tôi lần lượt ra đời dưới bàn tay quai búa". Dưới bàn tay thành thục“quai búa" của cha, những đứa con lần lượt lớn lên“đứa đi học đứa mới vào làm thợ”. Đứa con nhỏ đang cắp sách đến trường, đứa con lớn đã theo nghề thợ của cha, một sự nối nghiệp khá phổ biến trong thực tiễn cuộc sống. Lúc này, thi sĩ hướng bạn đọc vào tâm điểm của bài thơ cùng với lời run rẩy đứt quãng của chủ thể trữ tình: "Cha chết đến nơi rồi, không dạy được các con – / tiếng người cứ nửa chừng lại đứt". Lời nói cuối cùng của người cha lúc này có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng bởi đó là lời nói nói được chắt lọc từ kinh nghiệm sống với vô vàn những khó khăn thử thách của cả một đời người. Chính vào giây phút hệ trọng này, người cha đã dặn lại: "– các con hãy làm, hãy làm hết sức / bàn tay sẽ dạy các con khôn…" Nội dung lời trăng trối của cha đã hướng các con tới lao động, nhấn mạnh vai trò tối quan trọng của đôi bàn tay lao động. Lao động sẽ đào tạo nên con người. Chỉ có nỗ lực và chăm chỉ làm việc bằng chính sức lực của đôi bàn tay mình, cuộc đời - trường học lớn nhất – sẽ dạy cho các con lớn khôn, trưởng thành. Vào đúng lúc đó “Ngón tay người run run/ dần chụm lại như một bông hoa héo/ chúng tôi nâng tay người trong tay chúng tôi”.Lúc này bàn tay người cha thõng xuống được tác giả so sánh như bông hoa héo không còn nhựa sống, một sự so sánh rất chính xác và gợi cảm.Những người con ghi tâm khắc cốt lời cha và thầm hứa: "- Xin người cứ yên tâm vĩnh biệt cõi đời/ chúng tôi biết mình có bàn tay tươi trẻ/ mang sức lớn và tầm trí tuệ/ của giai cấp công nhân in lên mọi công trình!". Lời nói ấy của các con đã làm cha già an lòng, người đã trút hơi thở cuối cùng và ra đi thanh thản. Lời thầm thì cùng cha khi ấy cũng là tấm lòng tha thiết thể hiện khát vọng nối nghiệp cha, bằng cả tuổi trẻ, sức lực và tầm cao trí tuệ. Người con nguyện tiếp bước con đường cha đã đi. Không dừng ở đó, lời hứa ấy còn là tình yêu và trách nhiệm của lớp người sau với lớp người trước, quyết tâm kế thừa và phát huy truyền thống người thợ, thể hiện trách nhiệm cao của những công dân trẻ đối với đất nước, với xã hội. Bài thơ thêm một lần nữa nhắc chúng ta: Cái quý nhất của mỗi người là tình thân, là gia đình, mỗi người con hãy thấu hiểu cha mẹ, ở bên cha mẹ vào những giây phút quan trọng nhất. Thi phẩm còn giúp người đọc hiểu thêm phong cách thơ của Trần Nhuận Minh: cô đọng mà trầm tĩnh, khách quan,"ông chỉ đưa ra các sự việc để bạn đọc tự nhận ra điều mà mình cần biết. Ông nói đó là thi pháp mà ông học được ở những nhà thơ lớn" (Trần Đăng Khoa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét