MÙA CỐM QUÊ TÔI
Hàng
năm cứ vào dịp cuối tháng 9 ta, khi những con chim gáy béo nục quay về
từng đàn, lượn vòng rồi sà xuống những đám ruộng lúa tẻ chỉ còn trơ gốc
rạ, cặm cụi nhặt những hạt thóc rơi. Những bông lúa nếp uốn câu đã vào
chắc, vít cong xuống, tỏa mùi thơm thoang thoảng bay xa, quyện vào trong
nắng sớm.
Mùa cốm bắt đầu!
Từ
sớm tinh sương, khi ông mặt trời còn ngái ngủ, rớt những tia nắng đầu
tiên xuống cánh đồng, người trong làng đã ra ruộng gặt lúa cốm.
Ngày xưa các cụ gặt cốm bằng hái nhắt ( Một loại hái con tự chế kẹp vào ngón tay để cắt nguyên bông lúa)
Mấy
năm nay nhờ áp dụng kỹ thuật gieo cấy 3 vụ : Lúa chiêm vào tháng 5 ta,
thu hoạch xong bà con bảo tồn nguyên gốc rạ, tiếp tục bón phân đạm ( Mỗi
sào 2 kg) và phun thuốc kích chồi. Từ gốc rạ đó lại nảy bông. Tầm hơn
một tháng sau sẽ được gặt. Đó là lúa vụ 3, sản lượng phải đạt trên 80%
của vụ chính. Chúng tôi vẫn nói đùa: Vụ này là vụ ăn không, vì không
phải vất vả đầu tư gì nhiều...
Vậy là đã hai vụ lúa tẻ. Nhà nào nhà ấy xếp chật cả gian nhà, đầy bồ bịch toàn thóc.
Nên vụ mùa bà con cấy 80% diện tích nếp, chủ yếu bán cốm và bán lúa non cho thương lái mua về xay cốm.
Lúa
nếp cốm quê tôi đã thành thương hiệu, được nhiều nơi biết đến với giống
lúa cao hạt tròn. Tiếng Tày gọi là kháy kheo, chính là nếp cái hoa vàng
thượng hạng. Nhiều gia đình bán lúa cốm thu về mười mấy triệu một vụ,
mà lại nhàn tênh:
Họ bán
vo, theo từng đám ruộng tùy diện tích to nhỏ mà ngã giá với nhau. Chủ
ruộng chỉ việc nhận tiền là xong. Thương lái tự bố trí gặt về xay cốm.
Ngày xưa, làng tôi làm cốm theo lối thủ công:
Nếp
gặp về dùng cái bát cào ra, tuốt lấy hạt bỏ rơm, cho vào chảo rang
chín. Sau đó để nguội rồi giã. Cối giã cốm đục bằng thân cây gỗ dài như
chiếc thuyền con, gọi là cối loóng. Có thể một hoặc hai ba người cùng
giã. Giã cốm khá vất vả, nhưng ai cũng vui vì sản phẩm làm ra rất tuyệt
vời. Mỗi năm chỉ có một lần. Các cụ có câu: " Giã gạo thì ốm, giã cốm
thì khỏe". Bốc thử một nắm, thổi phù phù, bay hết trấu rồi cho vào
miệng, cảm nhận vị ngọt thơm đậm đà nơi đầu lưỡi. Hương vị cốm đầu mùa
mới thú vị làm sao.
Tối đến, từng nhà vang lên tiếng giã cốm thậm thình nhộn nhịp cả làng quê.
Nhà
nào có gà thiến, vịt ngon mổ ra, luộc lên lấy nước chan cốm. Đó là món
ăn đặc sản của bà con dân tộc mà mỗi người con của quê hương dù đi đâu
xa vẫn luôn đau đáu ở trong lòng.
Nhà này nhà kia rủ nhau làm cốm, đỡ nhau giã cốm ăn chung, tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn.
Ngày
nay kiểu làm cốm thủ công không còn nữa. Thay vào đó người ta gặt về,
cho vào máy tuốt hạt, rang bằng điện, sau đó xay máy xát như xát gạo.
Khâu cuối cùng là sàng sảy, lọc bỏ hết vỏ trấu. Cốm thành phẩm có màu
xanh đặc trưng thơm dẻo quyến rũ đến đam mê.
Chiều
chiều, ở khu chợ nhỏ làng tôi có vài ba hàng cốm. Các bà các chị cân
cốm cho vào túi bóng để giao cho khách. Có cả công nghệ ép chân không
cho những ai đặt hàng mang đi làm quà ở nơi xa .
Nhưng
lòng tôi vẫn nhớ quay quắt đến hình ảnh hạt cốm thơm được gói trong lá
sen hoặc lá dong xanh, mở ra thơm phức đậm đà dẻo ngọt, nếu ai đã từng
nếm thử một lần, hương vị của nó dễ gì quên được.
Buổi
chiều buông xuống, thứ mùi ngai ngái của khói rơm quyện lẫn mùi hương
cốm lan tỏa bay xa, gợi cho ta một cảm giác quen thuộc, gần gũi mà ấm ấp
chỉ có ở làng quê.
Nhớ đến nao lòng tuổi ấu thơ nghịch ngợm, những chiều tà quần nhau bên đống rơm mỗi khi mùa về bên xóm nhỏ.
Lòng tôi chợt thấy xuyến xao. Miền ký ức xa xưa lại hiện về.
Hương cốm chiều nay đang lan vào trong gió.
Ngày 2/11/2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét