Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2021

TIẾNG RU VỚI LỜI BÌNH

 


TIẾNG RU

                                                     Tố Hữu

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

 

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người - đâu phải nhân gian

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

 

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

 

Tre già yêu lấy măng non

Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày

Mai sau con lớn hơn thày

Các con ôm cả hai tay đất tròn.

Nguồn: Gió lộng, NXB Văn học 1961


 

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

“MAI SAU CON LỚN HƠN THÀY/ CÁC CON ÔM CẢ HAI TAY ĐẤT TRÒN”

Bài thơ "Tiếng ru" của Tố Hữu (1920- 2002) được giảng dạy trong nhà trường suốt những năm qua và cả hiện nay, nhiều người thuộc nằm lòng vì lời thơ dễ nhớ , dễ thuộc, ý nghĩa sâu sắc. Từ trước đến nay mọi người cho rằng thi phẩm này nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên về lẽ sống. Điều đó không sai nhưng theo tôi, lớp nghĩa trước hết ở bài thơ là tiếng nói cảm xúc tràn đầy thương yêu của người cha đối với đứa con, qua đó, người cha muốn nhắn gửi tới con mình và lớp trẻ: sống phải có lòng nhân ái, thương yêu mọi người, biết đoàn kết  làm nên sức mạnh sẽ đạt tới thành công.

Dùng thể thơ lục bát truyền thống, có âm điệu êm đềm sâu lắng chuyển tải nội dung  tiếng ru là rất hợp lý. Bài thơ mở đầu nói tới một loạt sự vật, hiện tượng: con ong, con cá, con chim trong mối quan hệ, gắn kết với môi trường sống: "Con ong làm mật, yêu hoa / Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời". Câu thơ rất độc đáo, kéo dài thêm nâng tổng số từ 8 lên tới 10 âm tiết, tác giả rất sáng tạo ngắt nhịp lẻ 3/2 ; 3/2 liên tiếp gây sự chú ý và hấp dẫn người đọc. Từ cơ sở thực tiễn của thiên nhiên, nhà thơ liên hệ tới xã hội và nhắn nhủ tới đứa con: "Con người muốn sống, con ơi/ Phải yêu đồng chí, yêu người anh em". Con người là một tiểu vũ trụ, tổng hòa của mọi mối quan hệ xã hội. Muốn tồn tại và phát triển, mỗi người cần có tình yêu thương, trước hết với những người ruột thịt, những người cùng chung chí hướng và rộng hơn là đồng bào, nhân loại. Nhờ sự giao lưu, quan tâm chia sẻ giúp đỡ nhau, con người mới sống vui, sống khỏe, từ đó sống có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Lời nhắn nhủ càng có sức thuyết phục mạnh hơn khi chủ thể trữ tình nêu dẫn chứng cụ thể và lý giải thấu đáo: "Một ngôi sao chẳng sáng đêm/ Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng/ Một người - đâu phải nhân gian/ Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!". Hàng loạt ẩn dụ nhân hóa liên tiếp nói về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng được tác giả sử dụng đắt giá đã nhấn mạnh hơn vai trò của số đông, sức mạnh của sự đồng lòng. Con người nếu không có sự đoàn kết, không quan tâm giúp đỡ nhau, không có được sức mạnh, sẽ thật nhỏ nhoi, yếu ớt. Một giọt nước không làm nên biển cả, một ngôi sao không đủ làm sáng bầu trời, một thân lúa chín chẳng làm nên mùa gặt. Nếu cứ tách riêng, mỗi cá nhân lẻ loi chỉ như "đốm lửa tàn" leo lét, rất dễ bị dập tắt, không thể đi tới thành công. Tiếp đó, tác giả cắt nghĩa, lý giải mối quan hệ mật thiết giữa núi cao và đất bồisông và biển để nhắn nhủ tới đứa con cách ứng xử: cần khiêm tốn học hỏi không ngừng, phải biết vị tha, nhường nhịn, không khinh thường, chê bai người khác. Khép lại toàn bài là những vần thơ chan chứa tình yêu và niềm tin tưởng của lớp người trước với lớp cháu con, thế hệ trẻ  hôm nay: "Mai sau con lớn hơn thày/ Các con ôm cả hai tay đất tròn". Nhà thơ tin tưởng “con lớn hơn thày”- “thày” là cách gọi chỉ người cha ở một số vùng - lớp người sau nhất định sẽ hơn lớp ông cha nếu biết thực hiện theo lời khuyên nhủ của lớp người trước. Nhờ biết yêu thương và đoàn kết, sẽ có sức mạnh tập thể, nhất định con người sẽ có được thành tựu, đạt tới thành công.

Bài thơ giàu hình ảnh, ngôn ngữ thơ cô đọng, đậm tính triết lý về lẽ sống cao đẹp của người công dân với đất nước. Từ tình yêu thương và quan tâm khuyên dạy đứa con mình, người cha muốn nhắn gửi tới con và đông đảo bạn đọc về giá trị cuộc sống: Chỉ khi con người sống có mục đích cao đẹp, yêu thương con người, biết cống hiến vì lợi ích chung mới mang lại ý nghĩa cao đẹp cho cuộc đời. Khi ấy, con người trở nên có ích cho bản thân,  gia đình và cộng đồng xã hội. 

hoa-sen-phat

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét