CẢM THỨC THỜI GIAN (TIẾP) Sửa
ĐỖ NGỌC YÊN
II. Cảm thức thời gian thực/ vật chất
II.1. Dương Kiều Minh được ghi nhận như một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp trong quá trình cách tân thơ Việt từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước. Các tác phẩm thơ của ông gồm: “Củi lửa” (1), “Dâng mẹ” (2), “Những thời đại thanh xuân” (3), “Tựa cửa” (4), đã in trong “Thơ Dương Kiều Minh” (5), “Tôi ngắm mãi những ngày thu tận” (6), “Khúc chuyển mùa” (7) đã in trong “Thơ Dương Kiều Minh” (. Đây là cuốn sách tập hợp đầy đủ nhất các tác phẩm thơ của ông từ trước đến nay.
Có lẽ Dương Kiều Minh là một trong những người hiếm hoi thuộc thế hệ các
nhà thơ hậu đánh Mỹ đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sáng tạo thi ca, đặc biệt là quá trình đổi mới thi pháp thơ. Còn những công việc khác đối với ông chẳng qua chỉ là áng mây sà buổi mai. Điều quan trọng là, dường như đã biết trước được ý Trời, nên ông đã lĩnh trọn trách nhiệm cao cả ấy với một tinh thần tự giác cao và thỏa nguyện, để rồi ứng xử với nó một cách hết sức tự nhiên, nghiêm túc và có văn hóa khi ông cầm bút viết nên những dòng thơ như thế này:
“Mẹ ạ!
Giấc mơ con đã đủ đầy cơn gió lành đồng nội
Mương nước ngập tràn, cánh đồng đổ ải
Những đám mây đã đợi con thênh thang trời rộng
Những đám mây đã chở con qua dâu bể cuộc đời
Con nhận thấy giấc mơ dịu dàng vừa đậu xuống
Có người bảo, dường như Dương Kiều Minh đã mơ hồ linh nghiệm thấy đây là một sứ mệnh mà ông Trời đã phó thác cho mình để mang theo suốt đời và làm cái để chơi với người. Căn số và Âm vận ấy không phải ai muốn cũng có thể, khi ông Trời chưa phú cho. Nhiều người vẫn bảo rằng thơ cũng như tình yêu. Ấy là duyên số. Đã là duyên số, thì muốn dứt cũng chẳng ra, muốn vơ cũng chẳng vào. Chả thế mà có người hễ đặt bút là thành thơ, nói cũng nên thơ, còn có người hì hụi cả đời làm thơ mà chẳng thành, thậm chí còn gieo họa cho nhân quần.
II.2. Tôi chọn ngẫu nhiên 52 bài thơ, ứng với số tuổi thọ của Dương Kiều Minh, thuộc tất cả các tập đã và chưa xuất bản của ông để đọc. Cảm nhận đầu tiên và cũng là ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THI PHÁP THƠ của ông ở tất cả các thi phẩm mà tôi đã đọc.
Có 4/52 bài tác giả nhắc tới thời gian một lần:
“Bông loa kèn nở ngang tàng mùa hạ...(10);
Tiếng đầu tiên mẹ gọi giữa trưa nồng (11);
Dâng rực tím vòm bằng lăng nước
em về dãy phố mùa hè (12);
Điềm non nước
hung khí này tụ phát
nửa đêm (13) choàng thức”...
Và có 1/52 bài nhiều nhất, 45 lần Dương Kiều Minh nhắc tới thời gian:
“Tôi tế vọng vầng trăng đầu hạ
vừa cơn mưa mùng 8 tháng tư
để lại nền trời cao trong vời vợi”
...
“Việc vừa hôm qua đã như hoá thạch
mọi chuyện tựa hồ số phận định đoạt
mọi chuyện tựa hồ xoay chuyển gió trời”
...
“Lòng mình gửi cùng thôn dã
rơm rạ theo ta
ngày qua ngày xiết xiết
hơi lạnh đầy đầy vẻ thu chừng mãn
bông hoa không tuổi tên nằm nép bờ quê
con thuyền phơi mờ nắng hanh sau mùa lũ
em gái quê rút rơm tất tả bữa chiều
đường làng um tùm cây dương xỉ
mẹ vừa đám hỏi trở về ngậm miếng trầu cay”
...
“Hẹn với nhà sư, nhà sư nhỡ hẹn
tuần đông chí
đóng cửa ở nhà
trang sách đọc dở, hôm sau
bụi phủ trắng
Sương móc đẽo gọt mòn mỏi
ngã bệnh nằm bệt
dời núi sáu năm cước khí vẫn theo mình
Đời người thấm thoắt
đời người hiu hắt
Người nhà báo tin việc xây cất mộ
nhớ mẹ cha nằm quạnh quẽ cánh đồng quê cũ
nhớ tuổi thơ dạn dày giá rét
người thân, người thân tản mát bên trời
Bái vọng sườn tây nghiêng tuần trăng khuyết
cố gượng sa sầm chiều lạnh
trang giấy chẳng giúp gì
nỗi lòng cuồn cuộn tựa gió không biết từ đâu
tràn lan trên đất”
...
“Mơ trở về cánh đồng vụ cấy trồng áp Tết
đụn khói và lũ trẻ
lo toan cuối năm dồn gương mặt”
...
“mùa xuân mương nước
mùa xuân đất ải
mùa xuân những đống tro trên bãi cỏ ngái nồng mùi khói
Tôi vừa qua giấc mơ theo cậu bé gặp lại mùa xuân của mình”
...
“Cuối chiều đốt trầm gây lại niềm thanh tĩnh
đỉnh hương nghi ngút niềm trần tục
Mối tâm sự ngày một dày đặc rậm rạp
đang ở giữa mùa xuân lòng ngổn ngang bề bộn
Đời người chẳng mấy
gió thổi phất bức rèm mỏng mảnh
ôm hận thời nào cũng có
tóc bạc chẳng chừa ai”
...
“Mang mối cảm hoài người xưa đang bay dần về phía cửa sổ
dằng dặc nỗi niềm kéo dọc thế gian”
...
“Lặng lẽ theo lối mòn ghập ghềnh thung lũng
qua nghĩa địa dân bản, qua nghĩa địa công trường
buồn nẫu ruột bên đường bụi hoa hoang dại mùa xuân nở trắng
đám trinh nữ trải dài
vắng lặng hanh hao ngày xuân ra tết Xứ sở ngang qua đời tôi
mỗi lần hiện trong mơ, lòng không yên ổn
sáng dậy đầm nước mắt”
“Nhớ giao thừa đón xuân mới tới
tôi ngước lễ tế trời
đêm mịt mùng xóm bản”
...
“Sông Nhuệ cuối đông sương khói lan tràn khắp
những chóp nhà, đụn cây, dòng người tuôn không dứt
Sách vở chất chồng
người như người bạn cũ rũ lớp bụi thời gian, trở lại
ngọn lửa lộ dưới màu ố vàng
Ôi những gì quên lãng những gì chợt thấy
bạn cũ
lối xưa
gió lật những quả đồi xơ xớp
Ngọn lửa, vâng, ngọn lửa
niềm tin hiện đỉnh núi ban mai nào đấy
có lẽ lòng mình đã thời gian bụi phủ
Ô con thuyền không mui từ bao giờ lặng lẽ
sông Nhuệ cuối đông nặng chở điều gì”
...
“Giấc mộng còn đây, người anh hùng về đâu
khoảng trời nguyên xưa mây chất chồng chiều xuống
Đêm mênh mông san sát bầu tâm sự
tiếng chim khuya nhắc mình thời vận
thời vận
thời vận
thời vận”...(14)
(CÒN NỮA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét