PGS.TS. HỮU ĐẠT VIẾT VỀ SÁCH CỦA VŨ NHO Sửa
Tuổi bảy mươi vẫn ham đi tìm cái mới lạ
PGS.TS. Nhà văn Hữu Đạt
Nhà văn Vũ Nho năm nay đã ở tuổi bảy lăm, nhưng tôi vẫn muốn có cái tít bài làm anh trẻ trung đi một chút. Bởi ở cái tuổi ấy, giọng văn anh vẫn trẻ trung, tươi tắn đến nỗi, đọc anh mà chẳng thấy anh gìa đi chút nào. Đó là cảm giác đầu tiên khi tôi đọc cuốn sách “Hồ Xuân Hương Đời & Thơ” anh vừa cho ấn hành tại Nxb Hội Nhà văn (2022).
Tôi và anh Vũ Nho là bạn văn đúng theo câu “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Thực ra, cũng có “kiến hình”, nhưng chỉ qua các phương tiện truyền thông hiện đại, mà chưa bắt tay nhau hay uống với nhau một chén trà. Cùng là Hội viên Hội Nhà văn VN, nói vậy nghe kỳ quá. Nhưng đúng thế. Trước đây, chúng tôi vẫn đọc sách của nhau, vẫn “nghe” đến tên tuổi của nhau nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa hề kiến diện. Ấy vậy mà cũng tặng sách cho nhau mấy lần rồi. Đó là cái duyên, cái nghiệp văn chương. Việc đó cách đây mới hai năm. Khi anh đọc cuốn “Thơ tình và thơ hình họa” của tôi xuất bản ở Nxb Hội Nhà văn, cùng với cuốn “Văn khoa chân dung ký” (tôi cũng tái bản Nxb này), anh đã viết hai bài phê bình rất ấn tượng được nhiều bạn bè ưa thích khi đăng lên báo.
Tôi muốn nói đến chất tươi tắn trong văn của Vũ Nho chính là muốn nói đến cái sức dẻo dai và sự làm việc hết sức nỗ lực của một nhà phê bình, một nhà giáo. Ở tuổi phân giữa của bảy mươi và tám mươi, nhiều người chỉ còn lo đi chữa bệnh hoặc dưỡng già, còn Vũ Nho lại cứ ngồi ghì bên bàn để viết…viết và viết, với tất cả niềm mê say, với lòng yêu nghề nghiệp và bạn bè nữa. Đó là nguyên nhân vì sao anh luôn nhận được những cuốn sách quí gửi tặng từ bạn hữu văn chương đủ các lứa tuổi. Dường như, ai cũng muốn nghe vài lời nhận xét của anh. Và, anh luôn đáp ứng sự chờ đợi đó. Khi anh có điều kiện đọc kỹ thì anh viết hẳn một bài, khi anh ít thời gian chỉ đọc một mảng của cuốn sách mới ra, anh lại dùng luôn cảm xúc và nhận biết mới có của mình để kết hợp với một nguồn ngữ liệu khác có sẵn trong ngăn kéo, tạo ra một bài viết mới có tính liên hoàn. Cách làm việc đó là cách làm việc của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu kiêm nhà phê bình có rất nhiều kinh nghiệm. Nó tạo ra cho Vũ Nho một cách viết linh hoạt, nhanh mà vẫn có chất lượng đáng nể.
Cuốn “Hồ Xuân Hương Đời & Thơ” của Vũ Nho được viết dưới dạng một công trình khảo cứu. Đây là loại công trình đòi hỏi có thái độ lao động chăm chỉ, tỉ mỉ, thận trọng. Nó có hai phần cơ bản: Phần một là khảo sát xem trong kho tư liệu và thực tế đã có bao nhiêu người đã và đang và bàn đến lĩnh vực này. Phần hai là phần đưa ra các ý kiến bình luận và nhận định cá nhân. Cả hai phần này đều rất quan trọng bởi nếu phần một không làm cho thật kỹ thì phần hai có thể dẫn đến những hồ đồ và trùng lặp. Ngược lại, nếu phần một làm rất công phu, nhưng phần hai làm chỉ sơ sài thì công trình ít có cái mới. Như thế, một là nó sẽ kém hấp dẫn, hai là sẽ không mấy giá trị. Với lý lẽ đó, trước hết, tôi đánh giá rất cao công trình khảo cứu của nhà văn Vũ Nho. Anh không chỉ “khảo” một cách rất cẩn thận các ý kiến và kết quả nghiên cứu của người đi trước mà còn có những suy nghĩ sâu sắc về các cứ liệu mà mình thu được. Từ đó anh nêu ra các ý kiến bình luận và nhận định cá nhân theo những tiêu chí riêng, mang tính khoa học. quá trình phẩm bình lại các ý kiến của người đi trước, dù ở mức nào, anh vẫn biểu thị một sự trân trọng hết mực với những người đi trước, bất cứ họ trẻ hay già, nam hay nữ. Đó là cách hành xử của người vừa khiêm nhường, vừa lịch lãm. Văn Vũ Nho thu hút bạn đọc một phần cũng từ tố chất này.
Sự hài hòa trong bút pháp của Vũ Nho xuất phát ngay từ tên họ và tên gọi của chính tác giả. Theo kinh nghiệm tôi học mót được từ các cụ nhà tôi về phong thủy thì cấu trúc tên gọi của mỗi cá nhân cũng linh ứng và ám vào đời người giống như duyên phận. Mỗi khi, con người ta có sự di chuyển trên bản đồ xã hội thì nó sẽ tạo ra một tư thế mới trong bàn cờ tâm linh. Đây là tính bí hiểm của văn hóa phương Đông mà không phải trong chốc lát có thể lý giải được. Tôi còn nhớ, khi thành phố Hồ Chí Minh bị covid nặng nhất, bị phong tỏa ác liệt nhất, có một số bạn đã nhắn tin đến hỏi tôi. Tôi xem lại cấu trúc phong thủy tên gọi của những người có liên quan đến vận mệnh thành phố, rồi trả lời về thời điểm bệnh dịch sẽ chuyển hóa. Tôi nói một cách chắc chắn rằng, trong bốn vị lãnh đạo của thành phố, chỉ cần một, hai người được điều chuyển đi chỗ khác là thành phố sẽ ổn định và trở lại bình thường. Mọi việc diễn ra đúng như dự đoán. Có nhiều bạn bè còn giữ được tin nhắn của tôi. Điều đó tưởng như chuyện đùa, nhưng lại là một bí ẩn của văn hóa phương Đông. Những sự suy đoán của tôi không phải là tùy hứng mà hoàn toàn dựa trên kiến thức về phong thủy tôi học được trong những năm tháng hầu trà các cụ lúc tuổi thơ. Nhiều bí ẩn của văn hóa phương Đông sau này tôi mới ngộ ra dần khi trải nghiệm qua nhiều năm tháng. Bởi thế, khi bàn về cuốn sách của nhà văn Vũ Nho mới xuất bản, tôi cũng sẽ ghé một chút qua địa hạt của văn hóa phương Đông để xem xét phong cách hành văn của tác giả cũng như những cái mới mà anh thu được trước khi trình làng cuốn sách có giá trị này. Tôi nói “giá trị” bởi trước anh đã có không ít các học giả, nhà nghiên cứu từng bàn “nát” về thơ của cuộc đời của vị nữ sĩ có một không hai của Việt Nam và cũng là của thế giới. Nhưng khi đọc anh, bạn đọc có thể nhận ra nhiều cái mới. Mới về tư liệu, mới về cách tổ chức cấu trúc văn bản và cách phân tích, đánh giá tư liệu. Đặc biệt, giọng văn của anh đọc rất dễ chịu, bởi nó hài hòa giữa tình và lý, giữa bàn và luận, giữa nghiên cứu và phê bình. Đúng như cấu trúc phong thủy hiện ra trong tên anh. Anh họ Vũ, tên Nho. Nếu văn anh dữ dội, bạo liệt thì sẽ gây ra những cú sốc, khó đến với bạn đọc. Chữ “Nho” chính là yếu tố giảm tải để tạo ra sự hài hòa trong phong cách viết văn (và có lẽ cả cách ứng xử), tạo ra một phẩm cách mang tính cá nhân khá rõ rệt.
Trước Vũ Nho, cái làm nên sự cuốn hút trong các công trình có liên quan đến Hồ Xuân Hương đều khởi phát từ sự độc đáo trong phong cách thi ca và tính bí ẩn trong đời tư nghệ sĩ. Cứ tưởng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, ấy vậy mà càng nói lại thấy càng chưa biết. Cuộc đời Hồ Xuân Hương lạ đến thế là cùng! Cuộc đời lạ nên thơ Hồ Xuân Hương cũng lạ. Lạ từ cách bộc lộ ý tứ đến cách dùng từ ngữ, cách tạo câu. Xuân Diệu từng gọi Hồ Xuân Hương là “bà Chúa của thơ Nôm”, bởi vì ở lĩnh vực thơ Nôm, dường như bà đã xác lập được một chỗ đứng riêng, nói theo cách nói của văn học, là bà đã tạo ra được một khoảng trời riêng, rất riêng, như chỉ có của riêng mình.
Sách giáo khoa đã đưa thơ Hồ Xuân Hương vào chương trình giảng dạy, nhưng vẫn còn bao ý kiến xa nhau trong cách đánh giá tư liệu, chưa nói là còn khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Như thế, việc thưởng thức nghệ thuật thơ bà chẳng những gặp khó khăn mà việc giảng dạy còn nan giải hơn nữa. Học sinh biết hiểu thế nào đây khi các cụ, các bác, các chú, các cô mỗi người đưa ra một ý kiến, một nhận định về cùng một con người và một hiện tượng thi ca? Một nữ thi sĩ nổi danh đến mức được UNESCO vinh danh mà mọi lời giải đáp về cuộc đời và sự nghiệp của thi sĩ vẫn “ông chẳng bà chuộc” thì sao có sức thuyết phục? Có lẽ đó là nỗi trăn trở thường trực khiến cho Vũ Nho quyết tâm dành nhiều tâm huyết để đi sâu vào công việc khảo cứu, một công việc có lẽ là tỉ mẩn và mệt mỏi bậc nhất mà nếu chỉ một chút thiếu kiên trì là rất dễ bỏ cuộc. Vũ Nho làm việc này trước hết là anh thực hiện trách nhiệm của một nhà giáo, cái nghề đã lựa chọn Vũ Nho ngay từ lúc anh mới tốt nghiệp ra trường.
Nói là tỉ mẩn và mệt mỏi vì, riêng khâu thu thập tư liệu đã phải đọc nhiều, rồi lại phải ghi chép sao cho thật hệ thống, khoa học để sau còn trích dẫn. Trích dẫn vào đâu? Khi nào? Trích dẫn ai trước, rồi đến ai? … Cứ tưởng như là đơn giản, nhưng thực ra nó bề bộn và rích rắc lắm vậy. Chỉ ai đã từng làm công việc này mới thấu hiểu hết cái sự nhọc nhằn, đôi khi ớn đến tận xương sống mà người trong cuộc phải chịu đựng, bởi nó rất vụn vặt, lỉnh kỉnh, giống như cô Tấm phải ngồi bới từng hạt thóc ra khỏi gạo. Vụn vặt vì phải ghi ghi chép chép từng đoạn, từng câu. Lỉnh kỉnh vì phải so sánh cái nọ với cái kia, phải ngắm nghía, định giá sao cho khách quan để khỏi mang tiếng là thiếu vô tư trong nhận định. Ôi! Mệt mỏi lắm thay! Cứ ngồi trong cái đống ngồn ngộn giấy má đã đau lưng mỏi gối lắm rồi, lại còn chắt lọc từng bài, từng chương xem người đi trước nói gì, rồi rút lấy cái tinh túy nhất của họ để đặt lên bàn cân. Ở tầm trung niên, làm được việc này đã là cố gắng lắm. Còn ở tuổi bảy lăm như anh Vũ Nho có thể xem đó là một cố gắng đến vượt bực. Không yêu nghề, không yêu văn thật khó làm nổi một công trình như vậy!
Đứng từ góc độ nhà nghề, tôi đánh giá công trình này như là một mẫu mực của loại công trình khảo cứu. Nó giúp người đọc nhìn nhận được tất cả các vấn đề trong một tổng thể khái quát theo một hệ thống nhất quán từ đầu đến cuối công trình. Chỉ riêng việc tiếp nhận các thành tựu đi trước, Vũ Nho đã thể hiện mình là người có kiến thức sâu rộng về lịch sử và văn học cổ. Nhờ kiến thức ấy, khi bàn về các biến thể chữ nghĩa trong các văn bản khảo dị, anh tỏ ra có lý và thận trọng khi đưa ra những nhận xét mang tính đoán định nhưng vẫn thuyết phục được độc giả. Chẳng hạn, ở trang 59, Vũ Nho đã viện dẫn ý kiến của GS Hoàng Xuân Hãn, khi GS căn cứ vào tài liệu của ông Trần Thanh Mại và Nguyễn Lộc để dựng lại mối tình của Xuân Hương với Tốn Phong: “Nguyễn Lộc cho biết bốn bài thơ Nôm Xuân Hương đáp Tốn Phong nhưng không chú dẫn. Nhưng tôi cũng gắng xét nội dung để đoán cảnh ngộ và tâm tình của Nàng. Hai bài gộp với đầu đề: “Hai bài ngụ ý đến Tôn Phong thị”. Tôi đoán bài đầu làm lúc ban đầu Tốn Phong mới gặp và đã tỏ lời gạ gẫm trong thơ:
“Chồn bước may đâu khéo hẹn hò!
Duyên chi hay chỉ bởi chỉ nợ chi ru?
Sương xoa áo lục nhồi hơi xạ
Gió lọt cành lê lướt mặt hồ
…
Trong trần mấy kẻ tinh con mắt
Biết ngọc mà trao mởi kể cho”
Tuy là đoán, nhưng cách phân tích của GS lại hướng về khẳng định: “Rõ ràng nàng tả chàng trai quần áo bảnh bao đến tán mình tại nhà cạnh Hồ Tây. Nhưng nàng nghĩ rằng phải tinh mắt mới phân biệt ngọc với đá mới có thể trao tình” (tr 60). Vũ Nho biểu thị sự ủng hộ của mình với nhận định của GS Hoàng Xuân Hãn, khi GS viết “ Còn Tốn Phong thì bây giờ si tình đã hết, mà có lẽ gia đình cũng ổn định, chỉ mến kính và thấy tội nghiệp cho Xuân Hương mà làm thơ an ủi Nàng, có lẽ khuyến khích nàng tìm nơi xứng đáng để định thân”bằng cách chú đậm Tôi tin rằng đã có lời khuyến khích như vậy (ở đây, người viết bài (HĐ) đã thêm chữ “thấy”để câu văn rõ nghĩa).
Cách tranh luận của Vũ Nho là thế. Anh không thiên về “Vũ” mà cũng không quá về “Nho”. Văn phê bình của anh không gay gắt chỉ trích mà cũng không tán dương theo người đi trước một cách dễ dàng. Anh có chính kiến riêng, kiên quyết, nhưng không hàm hồ phủ định hay sổ toẹt người khác. Chẳng hạn, đánh giá về lập luận của Đào Thái Tôn về bài “Khóc ông phủ Vĩnh Tương”, Vũ Nho tuy biểu thị sự trân trọng với người đi trước, song vẫn có cách để thể hiện ý kiến rất khác, thậm chí ngược lại của mình. Anh viết: “Phải nói là TS. Đào Thái Tôn chặt chẽ và chính xác, khó lòng bắt bẻ! Thế nhưng, TS. Đào Thái Tôn quên mất một điều rằng Hỗ Xuân Hương còn sống đến khi Tam Đái đổi thành phủ Vĩnh Tường năm 1822. Và một điều rất quan trọng khác, là Hồ Xuân Hương không thể không khóc ông Trần Phúc Hiển, vì đấy là một người có chữ nghĩa, một bạn tình với tên Mai Sơn Phủ, một bạn đời đem đến cho bà những ngày đẹp đẽ thong dong” (tr 42-43).
Trong cuốn sách của mình, Vũ Nho đánh giá rất cao những phát hiện mới trong công trình nghiên cứu của Nghiêm Thị Hằng và coi các tài liệu thu được từ công trình này đặc biệt có ích đối với công việc khảo cứu của bản thân. Đây là tình thần “thực sự cầu thị” rất cần có của một nhà nghiên cứu.
Có thể nói, so với các kết quả nghiên cứu đã có về Hồ Xuân Hương, các phát hiện mới của Vũ Nho được thể hiện khá rõ trong các phân tích, biện giải trình bày trong các chương. Cuối cùng, các kết quả ấy được khái quát tập trung ở hai bảng niên biểu về cuộc đời và tác phẩm của Hồ Xuân Hương (trong các trang 105 -107, 141-143). Điểm đáng chú ý trong công trình khảo cứu này là, các tư liệu được khảo sát không chỉ về mặt lịch sử mà còn được xem xét từ góc độ văn hóa, thậm chí cả văn hóa tâm linh. Do vậy, người đọc có cơ sở để hiểu sâu hơn tính phức tạp của vấn đề và quá trình cần giải quyết các hiện tượng dị bản để đi đến khẳng định giá trị của văn bản gốc. Chính vì thế, dù đánh giá rất cao những phát hiện mới của nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng, Vũ Nho vẫn luôn có ý thức tách biệt rõ cái phần nhận thức trực cảm và nhận thức mang tính khoa học để xác định lại các điểm còn mù mờ trong tư liệu. Chẳng hạn, anh viết: “Với nhà thơ, nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng thì Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm, người được nhắc trong bài thơ của Miên Thẩm, và người được nhắc trong Lưu Hương kí chỉ là một người. Đó là thi sĩ Hồ Xuân Hương, con gái cụ Hồ Phi Diễn, có nguyên danh là Hồ Phi Mai, biểu tự là Hồ Xuân Hương, bút hiệu là Cổ Nguyệt Đường, lấy lẽ hai lần. Lần đầu lấy ông Tổng Cóc, lần sau lấy ông phủ Vĩnh Tường tức Tham Hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiền. Chúng tôi cho rằng, đây là kết luận có tính trực cảm, linh cảm của nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng” (tr 111). Vũ Nho khẳng định: “ Như vậy chứng cớ của việc lấy chồng của bà Hồ Xuân Hương đó là hai bài thơ “Khóc Tổng Cóc” và “Khóc ông phủ Vĩnh Tường”. Không ai có thể thay thế bà, hoặc mạo danh bà để làm hai bài thơ này” (tr 112).
Theo chúng tôi, cách phân tích của Vũ Nho rất đáng tin cậy vì nó dựa trên sự phân tích so sánh đối chiếu văn bản kết hợp với tâm lý sáng tạo văn học. Thiết nghĩ, các đóng góp mới đó của Vũ Nho rất cần được các nhà biên soạn SGK mới tham khảo để việc giảng dạy Hồ Xuân Hương đạt được kết quả ngày một tốt hơn.
Để thay phần kết luận, một lần nữa, chúng tôi khẳng định sự ủng hộ của mình trước những phát hiện mới của Vũ Nho trong công trình “Hồ Xuân Hương Thơ & đời”. Theo chúng tôi, đây là một bước tiến mới trong nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bởi vậy, cuốn sách rất có ý nghĩa không chỉ với những ai quan tâm về lĩnh vực này trong nghiên cứu mà còn là một tài liệu quan trọng để giáo viên các cấp cũng như các nghiên cứu sinh, học viên tìm hiểu, học tập đặng phục vụ trực tiếp cho công việc đang thực hiện.
Hà Nội, một đêm mưa
21/8/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét