Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI NỔI TIẾNG Ở ĐỀN KIẾP BẠC

 

VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI NỔI TIẾNG Ở ĐỀN KIẾP BẠC

Ảnh: Nguyễn Xuân Diện - Năm Nhân Dần (24.4.2022)

VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI NỔI TIẾNG Ở ĐỀN KIẾP BẠC

Lời dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Đây là đôi câu đối rất nổi tiếng, trước hết vì nó rất hay mà lại rất ngắn. Tác giả của đôi câu đối là Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm là một người hay chữ bậc nhất hồi đầu thế kỷ XX. Nổi tiếng nữa là vì có một dị bản khác là "thung thanh" gây ra cuộc tranh cãi liên miên trên khắp các mặt báo trong hơn nửa thế kỷ qua. Vậy "thu thanh"(Tiếng mùa thu, cũng là tiếng binh đao) hay là "thung thanh"(Tiếng đóng cọc).

萬 劫 有 山皆 劍 氣
六 頭 無 水不 秋 聲 

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh

Dịch nghĩa:

Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi kiếm
Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh.

*************
Xin giới thiệu 
bài Tổng thuật rất hay, rất đầy đủ và khách quan của Nguyễn Hồng Lam:

MỘT CHỮ, NỬA THẾ KỶ TRANH CÃI
Thứ Năm, 24/05/2012, 08:00

Trong tâm thức người Việt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành bậc hiển thánh, được lập đền thờ nhiều nơi. Sớm nhất phải kế đến đền Kiếp Bạc ở xã Vạn Kiếp, nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương, nơi gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng giang lừng lẫy. Đền được xây dựng từ năm 1300, ngay sau khi Trần Hưng Đạo tạ thế.

Đến những năm đầu thế kỷ XX, hai bên cổng đền có khắc thêm đôi câu đối:

萬 劫 有 山皆 劍 氣
六 頭 無 水不 秋聲 

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh

Dịch nghĩa:

Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi gươm kiếm
Lục Đầu không con nước nào không vang tiếng đao binh

Đôi câu đối này cũng đồng thời được khắc trước đền thờ Trần Hưng Đạo tại số 36, đường Võ Thị Sáu, Q.I, TP Hồ Chí Minh. Tác giả của đôi câu đối là Tam nguyên Vũ Phạm Hàm, đậu Thám Hoa nhưng thực chất là Thủ khoa (Đình Nguyên), giành học vị đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ khoa thi Đình đời vua Thành Thái năm thứ tư (năm 1892, khoa thi này không lấy Trạng Nguyên và Bảng Nhãn). Đỗ đồng khoa, xếp danh liền sau Vũ Phạm Hàm là Nguyễn Thượng Hiền, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và Chu Mạnh Trinh đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân.

Từ khi ra đời đến nay, đôi câu đối của bậc đại khoa vẫn được đánh giá là "ngắn gọn, cô đọng, nhưng đã thể hiện được khí phách oai hùng của những trận chiến chống quân Nguyên xâm lược, còn vang vọng mãi đến tận hôm nay làm cho chúng ta thêm tự hào và phấn chấn".

Thế nhưng, trong hơn nửa thế kỷ, kéo dài cho đến tận hôm nay, chữ "thu thanh" trong vế đối thứ hai vẫn là nguyên nhân cho nhiều cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc đã đề nghị đổi chữ "thu thanh" thành "trang thanh" (tiếng đóng cọc), nhằm đối "chỉnh hơn" với chữ "kiếm khí" (hơi gươm kiếm) của vế thứ nhất. Chữ "trang thanh", về mặt nghĩa còn dụng ý nhắc lại dư âm trận chiến đóng cọc gỗ tiêu diệt đạo đại thủy binh Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Đại Vương. Tiếp đó, trong bài viết đăng trên tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1987, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân cũng dè dặt hoài nghi chữ "thu thanh" và đưa ra đề nghị "đính chính" bằng chữ "thung thanh", cũng có nghĩa là "âm vang cây cọc". Ông cho rằng đôi câu đối, khi được khắc lên cổng đền đã bị ghi nhầm chữ "thung" ra chữ "thu". Lập luận chính của Nguyễn Quảng Tuân là: "Chữ "kiếm" đối với chữ "thung" chỉnh hơn là với chữ "thu", vì "kiếm" và "thung" đều là vật "cụ thể", còn "thu" chỉ là "trừu tượng" mà thôi". Ngoài ra, về âm đọc, chữ này được đọc bằng hai âm, đọc "thung" thì có nghĩa là đánh đập, đọc là "chang" thì có có nghĩa là cái cọc. Do đó, trong bài viết, Nguyễn Quảng Tuân đề xuất chọn cách đọc thành "chang thanh", sửa đôi câu đối thành:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất chang thanh

Bức xúc và gay gắt hơn, giữa năm 1995, trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà nghiên cứu Hoàng Hữu Xứng đã thẳng thắn đề nghị "đục bỏ đôi câu đối của Vũ Phạm Hàm trên cổng đền Kiếp Bạc, ngõ hầu tránh được một sai lầm đáng tiếc". Lập luận mà ông đưa ra là "đoán rằng Thám Hoa Vũ Phạm Hàm thì không sai, nhưng khi đọc cho thợ ngõa đắp chữ lên cổng đền, người thợ có thể đã nghe sai". Chữ dùng đúng, theo ông chỉ là một trong hai, hoặc là "thung thanh", hoặc là "trang thanh", đều hàm nghĩa "âm vang cọc gỗ". Do gần giống về mặt âm, có thể người thợ đắp chữ đã nghe nhầm nên đắp chữ "trang", hoặc chữ "thung" thành chữ "thu", vừa không chỉnh đối, vừa rất… lạc nghĩa. Lập luận "nghe nhầm" này, trước đó đã được đưa ra bởi một bậc thức giả khác là Giản Chi. Ông cho rằng: "Nếu là "thu thanh" thì sông nào chẳng có "tiếng thu" khi gặp gió lớn sóng to. Nếu là "thung thanh" thì chỉ có sông Bạch Đằng (Lục Đầu) mới có tiếng đóng cọc mà thôi" (chỉ sự kiện Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán năm 939 và Trần Hưng Đạo đại phá Nguyên Mông năm 1288). Vả chăng, hai chữ "thung thanh" cũng không hoàn toàn do những người có ý kiến bài xích chữ "thu thanh" sau này tự nghĩ ra. Nó đã đã được tìm thấy trong bài văn tế bằng chữ Hán vẫn thường đọc ở các đền thờ Trần Hưng Đạo vào ngày 20 tháng 8 Âm lịch hằng năm:

Sinh tiền bất hủ chi tâm, giang thung thu ngật,
Tử hậu lẫm như chi khí, hạp kiếm lôi minh.

Dịch nghĩa:

Khi còn sống, trái tim bất hủ, cọc giữa dòng sừng sững dưới trời thu.
Lúc đã mất rồi, lẫm liệt khí thiêng, kiếm trong tráp khua vang như sấm dậy.

Nhưng ý kiến chọn chữ "trang", chữ "thung" thay cho chữ "thu" lại được rất nhiều người ủng hộ, trong đó có học giả An Chi với bài trả lời, giải thích cho độc giả in trên Tạp chí Kiến thức thức ngày nay vào cùng năm 1995, được in lại trong sách "Chuyện Đông chuyện Tây" tái bản nhiều lần.

Xem ra, phái ủng hộ "thung thanh" (hoặc "trang thanh") và "chê" chữ "thu thanh", hơn nửa thế kỷ qua quy tụ toàn những bậc thức giả tên tuổi lẫy lừng. Trong khi đó, phái cương quyết giữ lại chữ "thu thanh", tuy cũng quy tụ không ít tên tuổi, song tiếng nói bảo vệ và phản bác đều có vẻ yếu ớt, mơ hồ và ít thuyết phục hơn. Những phát biểu này thường đơn lẻ và chỉ dừng lại ở mức "bàn", chưa thật sự đưa ra được nhiều lập luận thuyết phục một cách có hệ thống. PGS - TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đánh giá rằng nếu dùng chữ "thung thanh" thay cho chữ "thu thanh" thì đó "không còn là chữ nghĩa của bậc đại khoa" như cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm nữa. Tác giả Nguyễn Khắc Bảo, trong Thông báo Hán Nôm năm 1998 cho rằng từ "thu thanh" trong câu đối thì "thu" là mùa thu, với nghĩa hàm súc là để chỉ chiến tranh và đau thương tang tóc. Hiểu theo nghĩa này, "thu thanh" có thể hiểu là "tiếng đau thương, tang tóc", hoặc "tiếng binh đao" đối với "hơi gươm kiếm" ở vế trên tỏ ra khá chuẩn cả về chữ lẫn nghĩa.

Thực tế, chữ "thu thanh" hiểu theo nghĩa này cũng đã từng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, khá hiếm hoi, dường như chúng tôi thấy chỉ có hai người, nhà Hán học Tảo Trang Vũ Tuân Sán trong bài "Lại bàn về "thu thanh" hay "trang thanh" (Tạp chí Hán Nôm số 2/13-1992) và PGS Sử học Tạ Ngọc trong bài "Kiếm khí - Thu thanh" trên Tuần báo Văn nghệ số 387 ra ngày 17-9-2000 là có đề cập thẳng vấn đề cốt lõi: "Tiếng thu là tiếng gió tây làm rụng lá vàng, ý nghĩa đặc biệt của nó được ghi ở bài phú nổi tiếng: "Thu thanh phú" (Phú tiếng thu) của Âu Dương Tu đời Tống".

Năm 1995, trong bài "Trao đổi với nhà nghiên cứu Hoàng Hữu Xứng" đăng trên Báo Văn nghệ, chúng tôi cũng đã đề cập đến và giải thích khá kỹ lưỡng điển cố "thu thanh" rút từ "Thu thanh phú" của Âu Dương Tu (1007-1072).

Chúng tôi cho rằng, dù sắc bén đến mấy, tác giả Hoàng Hữu Xứng (người gay gắt và bức xúc hơn cả) vẫn chưa chính xác khi dùng chữ "đoán rằng" trong một lập luận nghiên cứu. Việc "nghe nhầm", hiểu sai ý Vũ Phạm Hàm của người thợ ngõa mà dẫn đến đắp sai đôi câu đối, theo chúng tôi hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, rất có thể, người thợ không nhất thiết phải biết chữ. Họ chỉ việc ngõa chữ theo văn bản đã được Vũ Phạm Hàm hay bậc túc nho văn hay chữ đẹp nào đó viết chữ sẵn, không cần biết mình đang khắc, ngõa chữ gì. Mặt khác, nôm na thì công trình nào cũng phải có nghiệm thu. Nếu người thợ khắc, ngõa chữ có nghe nhầm chữ "thung" thành chữ "thu" thì hẳn sau đó, khi nghiệm thu, sai sót này đã được phát hiện và sửa chữa. Sai sót đó không có lý do để tồn tại thêm hơn 100 năm. Như vậy, nếu chữ "thu thanh" đã tồn tại trên đôi câu đối trước đền Kiếp Bạc, trước án thờ đền Trần Hưng Đạo ở TP Hồ Chí Minh, thì đích thực đó là chữ của Thám hoa Vũ Phạm Hàm với đầy đủ sự chính xác của nó.

Trong phần đầu bài "Thu thanh phú", Âu Dương Tu mô tả:

"Dị tai! Sơ tích lịch dĩ tiêu táp, hốt bôn đằng nhi phanh vi; như ba đào dạ kinh, phong vũ sậu chí; kỳ xúc ư vật dã, thung thung tranh tranh, kim thiết giai minh; hựu như phó địch chi binh, hàm mai tật tẩu, bất văn hiệu lệnh, đãn văn nhân mã chi hành thanh".

Trần Trọng San dịch:

"Lạ thay! Lúc đầu rì rầm, vi vu, rồi chợt sầm sập, mạnh mẽ, như sóng nước kinh động ban đêm, gió mưa thổi đến thình lình, chạm vào vật leng keng, loảng xoảng, tiếng vàng, tiếng sắt kêu vang, lại như đoàn quân tiến đến hàng ngũ địch, ngậm tăm chạy mau, không nghe thấy hiệu lệnh, chỉ nghe thấy tiếng người, ngựa đi".

Nghe những âm thanh đó, Âu Dương Tu chợt hiểu ra: "Dư viết: "Y hy! Bi tai! Thử thu thanh dã, hồ vi hồ lai tai! Tôi (Âu Dương Tu) nói rằng: "Than ôi! Thương thay! Đó là tiếng thu, sao lại vọng đến đây". Ở đoạn giữa bài Phú, Âu Dương Tu giải thích: "Phù thu, hình quan dã, ư thì vi âm; hựu binh tượng dã, ư hành vi kim. Thị vị thiên địa chi nghĩa khí, thường dĩ túc sát nhi vi tâm". Trần Trọng San dịch: "Thu là hình quan, nói về bốn mùa là âm; lại là binh tượng, nói về năm hành là kim. Đó là cái nghĩa khí của trời đất, thường lấy sự giết hại làm lòng".

Chúng tôi nghĩ rằng, vậy là đã rõ, chữ "thu thanh" không chỉ hiểu đơn thuần là "tiếng mùa thu", nhẹ và lạc nghĩa rất xa so với "hơi gươm kiếm". Trong cách luận của Âu Dương Tu thì "thu binh thỉ dã" (mùa thu tức là mùa binh vậy), chữ "thu thanh" điển cố rút từ "Thu thanh phú" cần được hiểu là "tiếng đao binh", đối rất sát với chữ "kiếm khí" (hơi gươm kiếm). Với một bậc đại khoa như Vũ Phạm Hàm, việc sử dụng nhuần nhuyễn một điển cố như chữ "thu thanh", hẳn nhiên không phải là quá khó, cũng không hề là việc xa lạ.

"Hơi gươm kiếm" đối với "tiếng đao binh", chữ nghĩa quá tuyệt vời. Một đôi câu đối đã tồn tại hơn trăm năm, đã góp phần tạo thêm một nét cảm thức dân tộc, thiết nghĩ không nhất thiết phải tốn giấy mực tranh luận, lại càng không nên vì sự suy diễn, phỏng đoán mà thay đổi hay đục bỏ. Đó cũng là cách "ngõ hầu tránh một sai lầm đáng tiếc" cho hậu thế vậy!

Nguyễn Hồng Lam

Nguồn: https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Mot-chu-nua-the-ky-tranh-cai-i330693/?fbclid=IwAR1ZR-tNYnHYhILHsg9A9B0cawoObJlNj4N8rQJZLebQ8lZuSj-XAf7wx50 

Hai tấm hình do người Pháp chụp cổng đền Kiếp Bạc đầu thế kỷ XX:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét