Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

CHỦ TRƯƠNG ĐỔI MỚI THƠ CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI

 


Tác phẩm cũ – Góc nhìn mới:

CHỦ TRƯƠNG ĐỔI MỚI THƠ CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI

                                                                        *PGS.TS.Vũ Nho

                    

 Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Ông  sáng tác nhiều thể loại: Thơ, tiểu thuyết, kịch, nhạc. Lĩnh vực nào ông cũng có những tác phẩm xuất sắc. Ông còn viết phê bình, tiểu luận; nghiên cứu triết học...

Có lẽ một trong các lĩnh vực nổi bật nhất của ông là thơ. Ông là người đã khởi xướng cách tân thơ bằng việc làm thơ không vần, gây một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới văn nghệ sĩ ở Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp. Không chỉ nói lí thuyết, nhà thơ còn thể nghiệm bằng những bài thơ của chính mình. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi bàn đến  cách đổi mới thơ thể hiện trong hai bài thơ ĐẤT NƯỚC và NHỚ của ông.

Cảm hứng về dân tộc được thể hiện bằng bút pháp lãng mạn.

 Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi như mọi người đã biết không phải là một bài thơ viết liền mạch. Ban đầu nhà thơ viết bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa vào năm 1948. Nghĩa là ba năm sau ngày cách mạng mùa Thu tháng Tám thắng lợi, hai năm sau ngày lực lượng vũ trang non trẻ của chúng ta rời Hà Nội lên Việt Bắc kháng chiến. Một năm sau, năm 1949, nhà thơ viết bài Đêm mít tinh cũng ở chiến khu Việt Bắc. Rồi nhà thơ tiếp tục suy nghĩ về đất nước và trên chất liệu hai bài thơ đó, bổ sung những chiêm nghiệm về cuộc kháng chiến của dân tộc, năm 1955 nhà thơ mới hoàn thành bài thơ Đất nước. Như vậy, bài thơ được viết và suy ngẫm trong thời gian gần 7, 8 năm. Chắc chắn những câu thơ như:

          Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ

          Nước Việt Nam từ máu lửa

          Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Bài thơ ra đời vừa như là kết quả của một thôi thúc mãnh liệt của cảm xúc người viết, vừa như kết quả của một chiêm nghiệm, suy tư về đất nước. Có thể nói đó là sự tổng hợp của cảm xúc và lí trí, của tình cảm và trí tuệ. Vì thế nó vừa dào dạt, vừa lắng sâu. Có những câu thơ tràn đầy tình cảm lãng mạn:

          Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

          Trán cháy rực nghĩ trời đât mới

          Lòng ta bát ngát ánh bình minh

Có những câu thơ như là chân lí khái quát sự trường tồn của đất nước:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Có những câu thơ như tượng đài về sự quật khởi của đất nước:

          Nước Việt Nam từ máu lửa

          Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Mấy câu thơ tôi vừa dẫn trên tràn đầy hào khí của đất nước đã làm nên Điện Biên chấn động địa cầu. Bài thơ cũng đậm chất trữ tình. Hai câu mở đầu tràn đầy ánh sáng và hương thơm:

          Sáng mát trong như sáng năm xưa

          Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Giả như bớt đi từ “mới” thì cái chất tươi nguyên và hương cốm thơm sẽ giảm đi khá nhiều. Hương cốm là của cốm mới. Cả thiên nhiên như cũng tươi mới: Trời thu thay áo mới. Trong biếc nói cười thiết tha. Có thể hiểu là trời thu trong biếc, nhưng cũng hoàn toàn có thể hiểu rằng tiếng nói cười thiết tha trong biếc.

Những câu thơ đọc lên vừa mềm mại, vừa tràn đầy niềm tự hào, kiêu hãnh về tư thế của con người, của dân tộc có chủ quyền:

          Trời xanh đây là của chúng ta

          Núi rừng đây là của chúng ta

          Những cánh đồng thơm mát

          Những ngả đường bát ngát

          Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

          Những câu thơ thể hiện sự đối lập và sức sống mãnh liệt của dân tộc trước kẻ thù:

          Xiềng xích chúng bay không khóa được

          Trời đầy chim và đất đầy hoa

          Súng đạn chúng bay không bắn được

          Lòng dân ta yêu nước thương nhà

Hào hùng nhưng trữ tình đằm thắm đó là đặc điểm của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Bài thơ đã phản ánh được nét cơ bản đó.

Trong thơ có nhạc và họa

Người xưa nói “Thi trung hữu họa và thi trung hữu nhạc”. Và một khi thơ có họa, kết hợp với thơ có nhạc thì sức gợi của thơ sẽ gồm cả sức gợi của hội họa và âm nhạc, sẽ nhân lên gấp nhiều lần. Chỉ lấy khổ thơ tôi đã dẫn để minh họa cũng thấy rất rõ.

          Trời xanh đây là của chúng ta

          Núi rừng đây là của chúng ta

          Những cánh đồng thơm mát

          Những ngả đường bát ngát

          Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

 Màu xanh trời, màu xanh rừng, xanh núi, màu xanh mơn mởn của cánh đồng thơm mát, màu đất nâu những ngả đường bát ngát, màu đỏ phù sa… đã làm nên bức tranh đa sắc màu tuyệt vời về đất nước. Những từ điệp “đây là”, “đây là” , “của chúng ta”, “của chúng ta” , những, những, những như những nốt nhấn của bản nhạc quê hương ngân nga mãi trong lòng ta.

Hoặc trong hai câu thơ khác:

          Ôi những cánh đồng quê chảy máu

          Dây thép gai đâm nát trời chiều

Viết như thế là tràn đầy màu sắc của hội họa, người đọc như nhìn thấy quê hương với cánh đồng chảy máu, với dây thép gai đồn giặc đâm nát trời chiều. Bầu trời thường có ráng đỏ bầm như máu ứa từ những vết dây thép gai đâm nát…

 Riêng về thơ không vần thì Nguyễn Đình Thi đã cảm nhận đúng và tiên lượng đúng. Hàng loạt các tác giả viết câu thơ dài, câu thơ không vần (nhưng vẫn có nhịp điệu nội tại), mang âm hưởng của lời nói thường sau này chắc chắn là có ảnh hưởng quan niệm thơ và thực tế sáng tác thơ của Nguyễn Đình Thi. 

Từ nỗi nhớ hẹp trong ca dao đến nỗi nhớ rộng của người chiến sĩ

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây

Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Rõ ràng, về cách nhìn sự vật qua tâm trạng nhớ, bằng con mắt nhớ, khổ thơ gợi cho ta liên tưởng ngay đến cách nói của ca dao:

          Khăn thương nhớ ai

          Khăn rơi xuống đất

          Đèn thương nhớ ai

          Mà đèn không tắt

Nhưng tác giả bài Nhớ không hề lặp lại ca dao. Tiếp thu cách nói ấy, người viết đã đổi mới nó, nâng lên tầm vóc mới, tương xứng với tầm hoạt động của người chiến sĩ của cách mạng và kháng chiến.

          Ngôi saongọn lửa không chỉ được nhìn bằng tâm trạng nhớ, là cái cớ để bộc lộ nỗi nhớ. Saolửa mang nỗi nhớ CHÁY SÁNG để tham gia vào cuộc chiến đấu này, để “soi đường” , để “sưởi ấm” cho người chiến sĩ chứ không phải chỉ là người thuần túy tương tư. Như vậy là người yêu, người nhớ và người chiến sĩ gắn bó hài hòa. Người chiến sĩ đem đến cho người đang yêu trong mình, tạo cho anh một tư thế, một tầm vóc lớn, gắn với không gian rộng dài hơn không gian của tình yêu bình thường.

          Trong các bài ca dao tình yêu, không gian nhớ thường bó hẹp trong phạm vi căn nhà. Thời ấy nhớ ai thì “ra ngẩn vào ngơ” hoặc là ra ngõ mà trông, ra đứng ngõ sau, ra đứng bờ ao…Cuộc cách mạng đem đến cho người chiến sĩ một tầm hoạt động rộng lớn: trên đèo mây, giữa ngàn cây. Và nỗi nhớ của anh do đó cũng rộng hơn, lớn hơn, có kích thước vũ trụ hơn. Nỗi nhớ ấy có thể cháy bỏng, gần gũi như ngọn lửa, nhưng cũng có thể lấp lánh, xa vời như ngôi sao.

Từ ngôi sao và ngọn lửa riêng lẻ đến ngôi sao và ngọn lửa cùng chung tượng trưng cho sức mạnh tình yêu

          Trước đây, trong ca dao, nỗi nhớ đã từng được ví với lửa:

                   Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

                   Như đứng đống lửa, như ngồi đống than

Trong ca dao, nhớ đã từng được vọng tới sao:

                   Buồn trông chênh chếch sao mai

                   Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ

Ở bài NHỚ này, hình ảnh ngôi saongọn lửa lần đầu tiên cùng được nhắc trong một bài, để diễn tả một tâm trạng. Sao và Lửa không chỉ là khách thể, là một cái cớ để bộc lộ nội tâm, mà chính Sao và Lửa tham gia vào đời sống nội tâm, dẫn lối soi đường (soi sáng đường), sưởi ấm (sưởi ấmlòng) người chiến sĩ. Vậy là lần đầu tiên, tình yêu riêng tư có chức năng dẫn đường, sức mạnh của tình yêu riêng tư được thừa nhận như sức mạnh của giác ngộ lí tưởng. Nó không chỉ sưởi ấm, mà còn soi đường, vừa là con đường cụ thể cũng là con đường chiến đấu, con đường đi tới lí tưởng.

 Đất nước lần đầu được ví với người yêu say đắm

          Trong khổ thơ thứ nhất đang xét ở trên, diễn tả nỗi nhớ nên đại từ nhân xưng đều có tính phiếm chỉ: ai người chiến sĩ. Nhưng nỗi nhớ đó là nỗi nhớ của trai gái yêu nhau chứ không phải nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ ông bà, cha mẹ, nhớ bạn phương trời hay nỗi nhớ vợ con. Đã là nỗi nhớ của tình yêu gái trai thì phải được nói bằng ngôn ngữ của tình yêu. Cho nên đến khổ thơ thứ hai người chiến sĩ và ai được gọi bằng cách xưng hô muôn thuở của tình yêu - Anh và Em:

                   Anh yêu em như anh yêu đất nước

          Có lẽ chưa bao giờ có một tuyên bố táo bạo và mạnh mẽ như trong câu thơ tưởng chừng rất đỗi hiền lành này. Người yêu- Em được trang trọng đặt ngang hàng với đất nước, được ví với đất nước. Tình yêu riêng (thường được coi là nhỏ bé) đặt ngang hàng với lí tưởng chung. Trong khi các thi sĩ của Việt Nam cũng như của nhiều nước trên thế giới thường ví đất nước như người mẹ (Mẹ-tổ quốc; Đất nước-mẹ hiền) có được mấy ai ví đất nước như người yêu? Nói ra điều ấy ở một xứ sở mà người ta mang nặng tinh thần phong kiến, coi chuyện “yêu đương” là chuyện nhỏ, cần phải quên đi, phải dẹp đi (hoặc giả nếu có được thừa nhận thì trong trái tim, nó cũng chỉ đáng được nhận một phần bé nhỏ, khiêm tốn nhất so với phần dành cho lí tưởng); nói ra điều ấy vào những năm mà tuyển tập thơ Việt Nam không có một bài thơ tình nào thì quả là một cách tân lớn trong nhận thức. Hơn thế nữa, nói ra điều ấy mà không làm cho ai thấy bất bình thường thì thật là một cách tân ngoạn mục.

                   Anh yêu em như anh yêu đất nước

                   Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

Có người đã bình rất hay về câu thơ này, đã chỉ ra sự vô ngần vất vả, vô ngần thương đau, vô ngần tươi thắm của em, và cũng là những em, những người phụ nữ Việt Nam. Sở dĩ người ta không thấy bất bình thường chính là vì người chiến sĩ không chỉ yêu em, mà còn yêu đất nước. Anh có hai người yêu: EM và ĐẤT NƯỚC. Em vất vả đau thương tươi thắm vô ngần. Đất nước cũng vất vả đau thương tươi thắm vô ngần. Em gắn chặt với Đất nước, em hòa trong Đất nước. Anh yêu Em là anh yêu Đất nước, anh nhớ Em cũng là anh nhớ Đất nước, nhớ đến nhiệm vụ giải phóng Đất nước. Những câu thơ bộc lộ hết sức đẹp đẽ sự hài hòa, thống nhất, gắn bó giữa tình yêu và lí tưởng, giữa tình riêng và tình chung, thống nhất đến mức khó mà tách bạch ra được. Vì thế, khi nhớ riêng về em thôi thì tình cảm ấy cũng không hoàn toàn mang tính chất riêng tư vì đó là nỗi nhớ trên đường làm nhiệm vụ với đất nước:

                   Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

                   Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn

Có ba chữ “mỗi” nhưng đã chỉ toàn bộ thời gian 24 trên 24 giờ trong một ngày của một con người. Hành quân, dừng chân, lại hành quân- đó là toàn bộ hoạt động của người chiến sĩ. Chữ “mỗi” như là thừa số chung của vô tận những bước đường, những tối nằm và những bữa ăn. Tất cả những hoạt động đó đều gắn liền với một nỗi nhớ da diết. Bởi vậy mà có thể nói rằng nỗi “nhớ” đã được nhân với vô tận những hoạt động của người chiến sĩ, nói theo ngôn ngữ toán thì “nhớ” được nâng lũy thừa không phải với số mũ “3” (ba lần chữ “mỗi” ), mà là số mũ “n” .

 Cách xưng hô “Chúng ta” đầy kiêu hãnh

                   Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

                   Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

                   Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực

                   Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

Ngọn lửaNgôi sao trong khổ thơ thứ nhất được nhắc lại ở đây với mục đích nhắc lại sự vững bền, trường cửu, nồng nàn của tình yêu (Không bao giờ tắt, bập bùng đỏ rực). “Ai” với “chiến sĩ” , “em” với “anh” đồng nhất vào trong một cách xưng hô mới đầy kiêu hãnh: “Chúng ta” ! Lại một cách xưng hô rất lạ, rất mới mẻ. Thống kê toàn bộ thơ tình của Xuân Diệu trong Tuyển tập Xuân Diệu tập một (Nxb Văn học, Hà Nội, 1983), chúng tôi thấy thi sĩ chỉ có hai lần xưng “chúng tôi” ở hai bài:

          Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ

                                      Trăng

          Chúng tôi ngồi vây phủ vởi trăng thâu

                                      Biệt li êm ái

Chưa một lần thi sĩ viết “chúng ta” . Ngay tác giả Nguyễn Đình Thi trong ba tập thơ: Người chiến sĩ, Dòng sông trong xanh, Tia nắng cũng chỉ viết “chúng ta” cả thảy 4 lần, chưa một lần nào viết “chúng mình” . Phải chăng, khi viết về tình yêu nam nữ đơn thuần, người ta dễ dàng xưng hô “chúng mình” . Còn trong bài thơ Nhớ này, Em và Đất nước hòa quyện trong nhau, tình yêu trai gái khăng khít với tình yêu đất nước; mặt khác, bài thơ như một lời tuyên ngôn về tình yêu và lí tưởng của người chiến sĩ, vì thế phải vang lên kiêu hãnh hai tiếng “Chúng ta” ? Chúng ta gồm chúng tôi và mọi người đứng về phía chúng tôi. Có thể là một suy diễn chăng, nhưng nếu nếu thay “Chúng ta” bằng “chúng tôi” hoặc “chúng mình” thì chắc chắn vẻ đẹp của bài thơ không còn như cũ được nữa.

          Thời đại đã đem đến cho người chiến sĩ, nhà thơ một tầm vóc mới, một cách nhìn mới đối với thơ nói chung và thơ tình nói riêng. Diễn đạt tình yêu do đó cũng đòi hỏi một sự đổi mới, cách tân tương xứng.

Thơ của Nguyễn Đình Thi:

ĐẤT NƯỚC

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa đất trời

Gió thổi rừng tre phất phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Rừng xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn như nhớ mắt người yêu

Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc mía bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc tây thằng chúa đất

Đứa đè cổ đứa lột da

Xiềng xích chúng bay không khoá được

Trời đầy chìm và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà

Khói nhà máy cuộn trong sương núi

Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh

Súng nổ tung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam như máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

1948-1955.

                             NHỚ

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh

Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây

Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Anh yêu em như anh yêu đất nước

Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt

Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực

Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người.

1954                      

 

                                               

                                                         

 

 

           

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét