QUÊ HƯƠNG VỚI LỜI BÌNH Sửa
QUÊ HƯƠNG
Tế Hanh
Làng tôi vốn làm nghề chai lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày song
Khi trời trong,gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ bang mình như tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chai lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.
1939
Lời bình của Trần Trung
NỒNG ĐƯỢM TÌNH SÔNG NƯỚC
Thuộc lớp nhà thơ cuối của phong trào Thơ Mới-Thơ lãng mạn Việt Nam 1932-
1945, Tế Hanh đã trình làng trước thiên hạ một bài thơ tự thuở “Hoa niên”, năm
1939, lúc thi nhân mới mười tám tuổi.
Chân thành và phóng khoáng với miền quê nhà sông biển,, như mối tình đầu đến
với thơ ca, Quê hương là thi phẩm sáng giá, mở đầu và khơi nguồn cho mạch xúc
cảm về quê nhà cho một loạt những bài thơ sau đó của Tế Hanh. Đó là Lời con
đường quê; Chiếc rổ may; Những ngày nghỉ học; Nhớ con sông quê hương…
Tự thuở ấu thơ, hương vị nồng đượm của quê biển Quảng Ngãi, của thiên nhiên
phóng khoáng tràn trề sinh lực, của những người dân chài lưới đã lan thấm vào
tâm hồn thơ trẻ của Tế Hanh. Chân thực hồn nhiên như gió biển mặn mòi. Như
cánh buồm quê no gió gọi ra khơi. Và, cả độ nồng đượm, lắng sâu nghĩa tình của
những con người sống hồn hậu giữa đất trời thiên nhiên.
Một cách mở, một giọng mở chân thành như lời kể mà như ùa cả vào không
gian, đất trời sông nước :
Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Bến sông xa bể, con thuyền với cánh buồm trương, dũng mãnh lao ra khơi như
con tuấn mã, phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang. Ngôn từ và hình ảnh
của Tế Hanh vừa giản dị lại vừa phóng túng tự nhiên. Điều đó đã tạo nên độ căng
đầy của hiên thực miêu tả và cả độ nồng nàn của cảm xúc. Đấy cũng là cách nhìn,
cách cảm của nhà thơ. Trong bức tranh quê sống động, căng tràn, hình như sự
mưu sinh của con người ngỡ như phải lùi lại-lùi lại để nhường chỗ cho vẻ đẹp
sống động, tràn đầy của công việc; cho sức cường tráng đến lãng mạn của con
người- Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá :
Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Con người quê biển như tạc trong không gian bao la vẻ đẹp đầy dũng mãnh tựa
như những thủy binh xung trận. Đặc biệt hơn, nhà thơ còn trộn hòa con người và
sự sống trong hình ảnh thơ giầu vóc dáng liên tưởng và sức khái hoá; một hình
ảnh vừa tả thực, vừa tượng trưng thật sâu và cũng thật gợi-Cánh buồm trương, to
như mảnh hồn làng.
Hóa ra, thi nhân đâu chỉ diễn tả tâm tình với quê hương mình mà người thơ
còn”đọc” ra tính chất đọng lắng của cảnh quê trong Cánh buồm trương; lại vừa
thấu hiểu sức chứa của hồn quê, hồn làng. Sức chứa đó, sự trôi chảy của thời gian
đâu dễ nhạt phai.
Tình quê ấy, mãi vấn vương và kết đọng bởi sự sống, sức sống quê nhà. Từ cảnh
Ồn ào trên bến đỗ,cảnh Dân làng tấp nập đón ghe về, cho đến sắc màu da của
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng và cả sắc Cá tươi ngon thân bạc trắng. Vị quê
đọng lắng và giao hòa cùng tình quê- Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/Nghe
chất muối thấm dần trong thớ vỏ. Lời thơ của Tế hanh quyện lại và giao hòa giữa
điệu kể giản dị đồng thời như cũng ngân rung trong nỗi xúc động như tiếng lòng
của người trong cuộc:
Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
Rạo rực đắm mình, đắm hồn trong cảnh sắc và con người quê hương với thực tại
của một thời, nhà thơ chợt chạnh buồn, chạnh nhớ trong tâm trạng của người
con xa quê. Lời thơ cuối bài như thổn thức, thao thiết lạ :
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh,cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá
Mới hay, sự bắt rễ lâu bền trong tâm trí nhà thơ về quê hương, xứ sở cũng chính
là tình cảm thiết tha, đượm nồng và thủy chung của chàng thi sĩ suốt một đời
khắc ghi trong dạ và hướng vọng về cùng quê hương, nguồn cội.
HÀ NỘI, ngày tháng cuối năm-12/2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét