Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

BỐN MÙA LÀ CẢ BỐN MÙA VUI!

 


BỐN MÙA LÀ CẢ BỐN MÙA VUI!

             PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

Tác giả Nguyễn Công Thịnh là người có duyên nợ với thơ ca. Khi nghỉ công việc chuyên môn, anh tập trung vào sáng tác thơ.  Chỉ từ năm 2011 đến năm 2019  đã in  4 tập thơ Hương quế ( 2011),  Đường về ( 2013), Những bước anh qua (2015), Hà Nội trong tôi (2019). Bây giờ anh chẩn bị in tập thứ 5 có nhan đề “Bốn mùa”.

            Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, nhưng mùa Xuân thường khơi gợi cảm hứng nhiều nhất.  Tuổi có thể cao, nhưng tâm hồn vẫn trẻ, vẫn vui say. Bởi thế tác giả viết:

            Xuân về rạo rực tâm hồn trẻ

            Sức sống trào dâng yêu quý đời

            Cầm bút tìm thơ câu chữ mới

                                (Xuân về)

 Có thể nói  tình yêu cuộc sống đã khiến người cựu sinh viên học viện Thủy Lợi cầm bút bền bỉ  tiếp tục sáng tạo thơ. Nhà thơ  viết để ca ngợi niềm tự hào của khóa mình, trường mình, nhưng cũng ngậm ngùi vì  một số  bạn đã mãi mãi ra đi:

                        Khóa 6 cựu sinh viên loại nhất

                        Thành đạt giáo sư, Tiến sĩ, nhà quản lí, anh hùng

                        Một phần tư đã về chốn vĩnh hằng

                        Hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp

                                                (Tự hào)

Điểm nổi bật của những người làm thơ cỡ tuổi như tác giả là cân bằng giữa thơ hướng ngoại và hướng nội. Mặc dù TS. Nguyễn Sĩ Đại đã có nhận xét và lời khuyên “Thơ viết về  cái trong mình, nỗi niềm riêng trong sâu thẳm, hoàn cảnh riêng mới có thể đem đến sự hấp dẫn. Tôi thấy khi viết về những cái trong mình, anh Nguyễn Công Thịnh có được nhiều bài thơ, câu thơ đọc xúc động. […] Bởi vậy, tôi mong muốn anh tập trung hơn để viết “cái trong mình” (Đọc Những bước anh qua của Nguyễn Công Thịnh, trang 6, tập Những bước anh qua). Dù có lời khuyên như thế, nhưng tác giả không thể không viết về “những cái ngoài mình”. Dịch Covid tràn lan, đe dọa cuộc sống người dân khắp mọi miền. Nhà thơ lẽ nào không viết, lẽ nào không dùng những vần thơ chung tay chống dịch? Bốn bài về  chống dịch Covid thật kịp thời : Chung tay diệt giặc, Cuộc chiến cam go,  Xuân còn Covid, Giao mùa . Nhà thơ ca ngợi những chiến sĩ áo trắng:

                        Nắng chang chang đầu hè đốt thiêu tra tấn

                        Áo quần bảo hộ mồ hôi ướt sũng cả ngày

                        Lưng phồng rộp da tím tái chân tay

                        Vì nhiệm vụ không một lời ca thán

                                                (Cuộc chiến cam go)

Và không quên kêu gọi  mọi người thực hiện tốt  yêu cầu 5 K chống dịch:

                        Nhà nhà thực hiện 5K

                        Không cho ác quỷ lây ra cộng đồng

                                    (Giao mùa)

Thật ra phân biệt “cái trong mình” và “cái ngoài mình” chỉ có ý nghĩa tương đối chứ không quá rạch ròi. Tất cả đều phải qua sự rung động của trái tim, qua “cái trong mình” mới có thể thành thơ.  Ví dụ như khi viết về “Áo tơi”, một vật gắn liền với kỉ niệm quê hương thì vừa là cái ngoài mình, cũng đồng thời là cái trong mình:

                        Áo tơi che rét đại hàn

                        Che mưa che gió bình an đi về

                        Nắng thiêu như lửa mùa hè

                        Áo tơi dịu mát không hề mồ hôi

                        Những người lao động quê tôi

                        Ngày xưa đều khoác áo tơi đi làm

                                                (Áo tơi)

Chủ đề thơ của tác giả khá đa dạng. Nhà thơ viết về Bóng đá ( Làn sóng Đỏ), về những danh lam thắng cảnh ( Thăm ATK Định Hóa,  Thủ đô kháng chiến,  Nhớ Điện Biên, Thăm Đất Tổ, Xuân tới Tây Nguyên), về hai thế hệ trong ngày Hội trường, về chiếc áo dài Việt Nam, về Trung tâm văn hóa Đống Đa, về những kỉ niệm ấu thơ và quê hương ( Hoa sim, Bạn còn nhớ, Tình quê, Rau nhà,  Nhảy tùm, Rau quê, Đội viên 202, Mùa Đông với tuổi thơ tôi, Dấu chân, Chơi trận giả, Cây vối tuổi thơ…). Bất cứ đề tài nào, nhà thơ cũng gắng in dấu ấn cảm xúc  cá nhân, dù sự thành công không phải đồng đều.

            Những câu thơ chân mộc mà sâu lắng có thể in vào trí nhớ người đọc:

Mộ con cạnh mộ bạn bè

Anh em đồng chí chở che nghĩa tình

Khói nhang vòng tỏa tâm linh

Mẹ cầu phù hộ yên bình cõi dương

            (Mẹ vào nghĩa trang)

Bão nổi bão, lũ chồng lên lũ

Đồng bào miền Trung triền miên chịu khổ

Quá đau lòng hòa nước mắt Trà Leng

             (Nước mắt Trà Leng)

Bây giờ cao cổng tường xây

Đường bê tông hóa ngõ dầy xi măng

Ban ngày hầm hập hơi xăng

Ban đêm bia rượu quán giăng mặt người

            (Từ xã lên phường)

Em ơi việc của nhà nông

Quên sao nghề nghiệp của ông cha mình

Em cười hai đứa lặng thinh

Tròng trành bóng nón trời xanh nghiêng vào

                        (Tát nước cùng em)

Có thể nói, nhà thơ Nguyễn Công Thịnh không quan tâm lắm đến việc cách tân, đến kiểu thơ hiện đại hay hậu hiện đại. Tác giả vẫn viết những thể thơ  thịnh hành, lấy niềm vui, cảm xúc chân thành làm nền tảng.

Nguyễn Công Thịnh viết trong bài “Khai sinh” cuối tập:

            Tám mươi ngồi nghĩ lan man

            Được thua thua được vô vàn niềm vui

Có được, có thua, có  đắng cay cũng có ngọt bùi. Nhưng tựu trung là được “vô vàn niềm vui”. Vì thể có thể coi Bốn mùa là cả bốn mùa vui!    

Viết những dòng này, tôi muốn chia niềm vui của tác giả với mọi người!

                                  Hà Nội,  12 tháng 11 năm 2022

 

           


 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét