Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

“BÚT PHÁP TỰ TRÀO VÀ TRÀO LỘNG GÂY ẤN TƯỢNG LÀM NÊN PHONG CÁCH THƠ LÊ TIẾN VƯỢNG”

 “BÚT PHÁP TỰ TRÀO VÀ TRÀO LỘNG GÂY ẤN TƯỢNG LÀM NÊN PHONG CÁCH THƠ LÊ TIẾN VƯỢNG”

(Nhân đọc tập thơ ‘Lục bát đùa chơi” của nhà thơ Lê Tiến Vượng – NXB Hội NV – 2021)
 
                            NGUYỄN THỊ MAI

 



Không phải ngẫu nhiên mà trong 5 tập thơ xuất bản thì có 4 tập thơ Lê Tiến Vượng trình làng luôn cả thể loại trong cái tên ngoài bìa: Lục bát bên đời (2014), Lục bát khóc cười (2016), Lục bát Phố (2018), Lục bát đùa chơi (2021) và Lục bát thế thời (2021). Như vậy, tác giả đã cho ta biết anh thiên về thể loại thơ Việt truyền thống và dám “mạo hiểm” chơi với loại thơ “đồ cổ” này mà không sợ cũ mèm, nhàm chán, dễ dãi đến nỗi chưa nói xong câu trước đã đoán ra câu sau…
Mạo hiểm và không sợ, bởi vì với 4 tập Lục bát gần 300 bài thơ trong cái vỏ “cũ mèm” ấy là cả một thế giới nội tâm của con người hiện đại sống trong một xã hội hiện đại với những tư duy hiện đại, ngồn ngộn những vấn đề nóng hổi, đầy bi kịch quanh ta hàng ngày thì làm sao mà cũ, mà nhàm, mà chán? Thêm vào đó là cách thể hiện thông minh, ngôn từ tài hoa và góc nhìn sinh động hài hước nên thơ Lê Tiến Vượng khiến ta thích thú, tấm tắc nhiều câu, nhiều bài, gây ấn tượng thực sự trong lòng người đọc.
Với tập “Lục bát đùa chơi”, nhìn chung vẫn là những bài thơ chuẩn vần, chuẩn luật, nhuần nhị và ngôn từ cười ra nước mắt như bao bài lục bát trong các tập thơ trước nhưng sâu đậm hơn ở tính tự trào và trào lộng. Từ đây đã khẳng định rõ Phong cách thơ lục bát Lê Tiến Vượng là bút pháp tự trào và trào lộng giàu tính trữ tình, không lẫn với ai.
Trước hết về tính tự trào. Tự trào là tự giễu, tự cười, tự hoạ những hạn chế của chính mình bằng những lời hài hước, dí dỏm, có duyên để người khác thông cảm và sẻ chia. Thì trong “Lục bát đùa chơi” điều đó khá nhiều và rất rõ trong các bài: Tôi còn, Chưa già, Dạy đời, Lại run, Tự thú, Một thời, Tự sự U 60, bố của con…
Trong các bài thơ này, trước hết Lê Tiến Vượng tự trào về hình hài và thân phận mình:
Chẳng như bố của người ta
Bố của con xấu, lại già mốc meo
Chuẩn men, công chức nhà nghèo
Quanh năm bánh đúc, bánh bèo zênh zang (Bố của con)
Hàm răng chiếc gẫy chiếc sâu
Một đôi con mắt, bạc nhàu héo khô( Tôi còn)
Tự trào về sức khoẻ:
Chưa già đã rất linh tinh
Suốt ngày quên nhớ, giật mình nhớ quên ( Chưa già)
Một thời đầu súng trăng treo
Giờ như con ốc con mèo liếm lông( Một thời)
Tự trào về tính tình:
Chẳng như tôi – kẻ ba hoa
Người đầy tội lỗi, xấu xa cục cằn ( Vợ tôi)
Tự trào về nghề nghiệp:
Cơ quan cứ bảo “dở hơi”
Việc nhà thì nhác, việc đời thì chăm ( Tự thú)
Mày làm nghệ sĩ bao lâu
Mà sao lầm lũi như trâu bỏ chuồng
Người ta cau biếu cả buồng
Mày như sung chát ổi ương lạ đời ( Dạy đời)
Tự trào về tài năng và nhân cách sống của mình:
Tranh bố nửa ngọt, nửa chua
Thơ bố nửa thật, nửa đùa … đọc chơi
Con có ông bố “dở hơi”
Buồn vui chả nói, chỉ cười long lanh
Chẳng tranh, chẳng cướp bao giờ
Cứ vui như tết bốn màu an nhiên ( Bố của con).
Trong nhân cách sống mà Lê Tiến Vượng tự trào, ta hình dung một con người ngay thẳng, sáng tươi, trong sạch, tình nghĩa và bao dung nhân hậu: “Người ta theo đóm ăn tàn/ Bố cùng cô bác lên ngàn… cho đi”. Chỉ một hành động cho đi ( tức là đi làm từ thiện cho trẻ em nghèo miền núi) đã đủ nói lên một nhân cách đẹp. Làm thơ mà không có nhân cách đẹp thì thơ thành giả, thành xáo rỗng. Bởi tâm hồn thơ là tâm hồn đẹp. Thơ thiên về yêu thương thân phận con người. Cái hâm, cái dở hơi mà anh tự trào chính là anh nói hộ thói đời ngày nay. Ngày nay, người ta sống thiên về tự tư tự lợi, vơ vét thật nhiều tiền bạc là người khôn, còn người sống vì người khác, chỉ biết cho đi mà chẳng nghĩ đến bản thân là khác đời, khác người, thậm chí là ngu. Lời thơ Lê Tiến Vượng giễu mình, ai đọc cũng bật cười nhưng không phải là cười cợt, cười nhạo mà là cười cảm thông chia sẻ, cười cay đắng, cười thói đời. Nhiều người cũng thấy mình trong đó nên rất thấm thía và quý trọng nhân cách người thơ Lê Tiến Vượng.
Nếu như với mình, Lê Tiến Vượng vẽ chân dung bằng ngôn ngữ tự trào thì với xã hội và dòng đời đang sống, anh vẽ bằng ngôn ngữ trào lộng. Chất trào lộng ở thơ anh cũng rất đậm biểu cảm trữ tình. Bởi nếu không thơ sẽ thành trào phúng. Cười thật, hài hước thật nhưng không phải thơ hài, thơ vui tếu táo mà là thơ nghiêm túc. Cái giỏi trong bút pháp trào lộng của thơ Lê Tiến Vượng là làm cho người đọc cười mà đau đớn, vui tưng tửng mà ngậm ngùi xa xót. Bởi lời thì tung tảy đùa cợt nhưng nội dung thơ thì rất thật về phận người đau khổ, về những bất công ngang trái,về nhân tình thế thái đảo điên, về sự bon chen tiền bạc quyền chức, về sự tha hoá của con người thời hiện đại hôm nay,
Bài “Về thôi” là một bài thơ giàu tính liên tưởng. Trong đó có cặp quan hệ từ Sông – Bờ, Áo – Bồ dao găm, Lồng son – Chim sáo véo von được dùng theo phép ẩn dụ khiến người đọc buộc phải liên tưởng
Về thôi trả lại dòng sông
Bao năm vùng vẫy mà không thấy bờ
Trả người tấm áo năm xưa
Giờ ta mới biết, một bồ dao găm…
Về thôi! Trả chiếc lồng son
Bao nhiêu chím sáo véo von một thời..
Ấy là những ước mơ lý tưởng của một thời trẻ trung sung sức, tha hồ vùng vẫy tưởng bơi được đến chân trời góc biển nhưng rồi đến một ngày mệt mỏi không thấy ước mơ đâu. Và cũng ngộ ra cuộc đời như con chim sáo chỉ biết hót véo von trong lồng son mà chưa bao giờ thấy bầu trời bao la. Có những con người khoác áo cà sa mà trong lòng dấu mưu toan giết người…Từ những điều đó, tính trào lộng của thơ bật ra: Về thôi trả chỗ ta nằm/ Lắm khi muốn khóc, nghiến răng… lại cười.
Với bút pháp trào lộng, Lê Tiến Vượng vẽ ra cảnh bất công của Công chức với Viên chức:
Công chức em giữ thẻ bài
Khi sai, khi đúng chẳng ai làm gì
Viên chức cái kiếp cu li
Sai đi vài dặm, ngu đi một đời (Công chức – viên chức).
Vẽ cảnh về hưu của kẻ có quyền chức một thời, giờ cô độc hắt hiu đáng thương:
Về hưu tu hú đi tu
Bạn bè chả có, thày u chả còn
Lên Face hết ngó lại dòm
Bấm like thì ngại, bấm còm thì run ( Về hưu)
Anh nói về nhân tình thế thái cuộc đời này có thật trước mắt anh nhưng lại như nghe đâu và mình như xa lạ lắm:
Nghe đâu ở cuối trần gian
Mỗi khi có biến dân oan lại nhiều
Quan thì vừa ác, vừa điêu
Dân thì gian dối lại liều … khổ không! (Nghe đâu)
Trào lộng về nỗi buồn quê hương phải kể đến 2 bài Làng tao. Một “Làng tao” ngày xưa đói nghèo mà con người thuỷ chung nhân hậu, yêu thương đùm bọc nhau. Một “Làng tao” bây giờ là bức tranh nông thôn mới, khang trang, sầm uất, nhà cửa mọc lên cao vút, con người sống đủ nghề như phố xá mà không trồng lúa… nhưng làng là môi trường ô nhiễm, nhiều tệ nạn, con người làm thuê làm mướn và bất nhân với nhau… Bức tranh làng tưng tửng hiện ra qua xưng danh mày tao, nghe phì cười mà rơi nước mắt. “Tao giờ như kẻ bơ vơ/ Gom từng mảnh vỡ, nằm chờ chiêm bao”. Chắc là sự an lành trong hưng thịnh chỉ có trong chiêm bao nên tác giả mới chờ chiêm bao. Đấy là cách nói dí dỏm, hài hước, tuy buồn thật về “làng” nhưng ta sẽ thấy nhẹ nhõm chứ không bi luỵ thê lương.
Ngoài ra, bài “Nỗi buồn trăm năm” trong Lục bát đùa chơi, Lê Tiến Vượng cũng dùng cách nói đùa giỡn tưng tửng mà phê phán sâu sắc:
Tượng đài ngàn tỷ em ơi
Mốc xanh mốc đỏ mồ côi giữa trời
Quanh năm thấp thoáng bóng người
Tường rêu nứt nẻ gạch vôi bụi nhoà
…Vào chùa phải sẵn phong bao
Muốn thiền giờ biết chốn nào bình yên
Xưa đồng chí, nay đồng tiền
Cha múa kiếm con múa quyền mà ghê… (Nỗi buồn trăm năm).
Trong phong cách thơ Lê Tiến Vượng, ta còn thấy anh dùng nhiều điệp từ điệp ngữ, kiểu như:Tôi còn… tôi còn…, Về thôi… Về thôi, Chưa già… chưa già. Phương pháp này nhằm nhấn mạnh hành động, trạng huống, thời gian, không gian… để tập trung vào chủ đề và cốt cho người đọc dễ nhớ và nhớ lâu.
Như vậy, Thơ là người. Người có tâm hồn lạc quan, tin yêu cuộc sống, ngay thẳng, thích hài hước hóm hỉnh thì thơ có chất giọng cũng hài hước hóm hỉnh. Người có tấm lòng yêu thương nhân hậu, nhân văn thì thơ luôn hướng về lẽ phải, và thương yêu con người.
Thơ Lê Tiến Vượng rất ít, rất hiếm tụng ca cuộc sống hiện thực. Nhưng bạn đọc vẫn tìm thấy trong chữ nghĩa cái đẹp của cuộc sống nghĩa tình, của yêu thương chia sẻ. Tôi hình dung cuộc đời này như một khúc gỗ xù xì, mốc meo nứt nẻ. Người thơ Lê Tiến Vượng đang đục đẽo, khoét đi những chỗ xù xì, mốc meo nứt nẻ để ta nhìn thấy phần lõi gỗ quý giá, đẹp đẽ bên trong khúc gỗ. Ấy là cuộc sống. Những câu thơ anh phản ảnh về cái bất công ngang trái, cái dở, cái xấu của thòi đời và xã hội chính là cái vỏ gỗ xù xì, mốc meo nứt nẻ kia.
Xin chúc mừng anh về những tập thơ của mình đã hình thành một phong cách thơ độc đáo, một bút pháp riêng, một thương hiệu không giống ai. Đó chính là giá trị của sáng tạo nghệ thuật.
Thanh Xuân ngày 11 tháng 3 năm 2023
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét