Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

RƠM

 


RƠM

Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung

 


Theo lời bà, tôi sinh ra đúng vào mùa gặt tháng Năm. Nhằm ngày tết Đoan Ngọ. Mẹ đang đồ xôi nếp thì tôi quẫy đạp dứt khoát đòi ra. Mẹ dập lửa, toan lên phòng thì tôi đã nóng vội toài ra, nhào vào đám rơm chiêm bông xốp đang phơi dưới sân, giữa cái nắng chang chang.

Nghe tiếng mẹ kêu, bà nội tôi từ vườn chạy về. Người vội vàng đón lấy một mảnh sinh linh bé tẹo, bùng nhùng, hon hỏn vừa rớt ra từ thân thể của mẹ, trên trán còn dính vài hạt lúa lép. Rồi tiện cái liềm cắt cỏ, hồi chiều qua, ai đó móc vào "óc" quang trành gánh rơm vứt chỏng chơ gần đó, bà cắt một nhát, gọn gàng cái dây lòng thòng màu hồng nối tôi với lòng mẹ và thắt tạm nó bằng một sợi rơm.

Mẹ tôi lẩy bẩy, nhễ nhại, nhợt nhạt, kiệt sức sau cơn đau xé ruột gan, giờ nhão ra như một trái chuối đã bị ai đó khoét hết ruột, ôm riết lấy tôi cùng với đôi sợi rơm, lết vào nhà trong.

Tôi đã xuất hiện, trên thế gian này, hệt như một cảnh dàn dựng của một thước phim bi hài về hình ảnh những mảnh đời khốn khó.

Bà tôi bảo: Con bé này sinh ra ở đống rơm khô, trên mình lại dính toàn lúa lép, nên chắc giàu sang chả đến lượt! Dưng mà được cái, rạ rơm là thức ấm áp và hiền lành, chả biết hại ai mà chỉ biết làm ra lửa...

Tôi cứ thế lớn lên cùng những cọng rơm, cùng lời "tiên tri" của bà và cùng những câu ca dao, tục ngữ về rạ rơm tôi nhặt được từ trong xóm, ngoài làng:

" Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén"

" No cơm tấm, ấm ổ rơm"...

Có lần, bên cha mẹ, tôi hỏi về nghĩa của câu: "Bò chết chẳng khỏi rơm" là sao? Mẹ tôi ôn tồn bảo:

- Làm thân con bò, sống ăn rơm, đến khi giết thịt thì cũng phải thui bằng rơm mới xong"!

Châm xong mồi thuốc lào, cha từ từ nhả khỏi, mà rằng:

- Ở đời, ai cũng phải có lúc cậy nhờ, cầu cạnh người khác con à...

Và, thật dễ hiểu, khi vì sao, trọn cuộc đời này, tôi luôn tự coi mình là một "thành viên" của rạ, của rơm!

Quê tôi, tháng Năm, tháng Mười là mùa của rơm rạ. Sau vụ gặt, rơm rải phơi đầy sân, đầy ngõ, đầy đường, bồng bềnh đón nắng trời, gió biển, phơ phất như hoa lau, hoa mây và phưng phức mùi ấm no. Bọn trẻ nghịch ngợm chơi trò trốn tìm thường chui vào nằm gọn trong lùm rơm mà rúc ra rúc rích. Con Mướp và con Vàng cũng học theo và thi nhau "trốn tìm" cùng lũ nhóc. Chị gà mái và lũ con gặp buổi mùa màng, no say, chả thèm giãi thóc, chúng đua nhau nhảy tưng tửng trên đám rơm tươi mà ca mãi bài ca lích... tích... của họ hàng nhà gà, để mặc cho bà mẹ chúng mắt lim dim đứng bên vại nước, ngó nghiêng canh chừng an ninh cho "lũ trẻ" vì những con diều hâu.

Chú Dần tôi là người có biệt tài về nghệ thuật đánh đống rơm. Cây rơm nhà tôi cao lừng lững như một "trái núi" thu nhỏ. Mỗi lần rút rơm, cho trâu bò ăn, chú rút rất cẩn thận, sạch sẽ " không một cái rơm ngang". Sườn đống phẳng phiu, ngăn nắp giống như một bức tranh vậy.

Những buổi chiều muộn, nhất là những đêm trăng, đống rơm là thế giới kỳ diệu của lũ trẻ con và cả của những đôi lứa yêu nhau.

Không hiểu sao, tôi cứ có cảm giác: Mùa đông ngày xưa, lạnh hơn bây giờ. Ban ngày, những chiếc bùi nhùi rơm vừa được dùng để giữ lửa, vừa đem ra đồng để sưởi ấm. Giờ giải lao, cánh phụ nữ thường huơ tay cho đỡ cóng, cánh nam giới có tý lửa để bắn điếu thuốc lào cho...cao sĩ diện.

Chiều tối, sau suốt một ngày chân trần, áo mỏng vật lộn cùng giá rét, gió mưa, trong lúc chờ mẹ làm xong món đồ ăn cuối cùng, cha sai tôi rút một mớ rơm khô, vào kế bên mẹ để sưởi ấm. Ánh lửa reo nồng nàn, tiếng hạt thóc sót, dính vào rơm nổ lép bép, bóng cha mẹ trên vách, cao lớn và nhẫn nại! Tôi vừa cời than rơm, vừa len lén nhặt, rồi thú vị, nhâm nhi ngon lành, những hạt nẻ bung ra từ bếp lửa than rơm. Mùi thơm của cơm mới, của món cá kho tương, của dưa muối... cộng với mùi thơm của rơm, rạ những chiều đông ấy, đã ngấm vào sâu thẳm trong tôi, mà trở thành máu thịt!

Những đêm đông, mưa phùn, giọt nước giá lạnh, cô đơn, nhỏ từ tàu cau, xuống tàu chuối nghe não lòng. Gió bấc luồn qua khe hở lỗ chỗ của tấm vách đất, mỏng dính, được trát bằng rơm băm nhỏ, trộn lẫn với đất bùn, lạnh thấu xương. Cả nhà tôi chỉ có một cái chăn bông cũ màu nâu đã rách sờn xung quanh, một cái chăn chiên cũng cũ và vài đôi chiếu cói. Việc chống rét hữu hiệu nhất chỉ có là ổ rơm. Làng tôi, không nhà nào là không trải ổ rơm. Nhà ít người một cái, nhiều người vài ba cái. Ngày ấy, để làm được một chiếc ổ rơm tiện ích, bà tôi phải chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu vụ gặt. Rơm tẻ phải được lựa từ ruộng lúa đồng cao, phơi được nắng, thơm tho, bó lại, cất riêng nơi hiên nhà. Bà tôi dặn: Rơm nếp, rơm tám tuy cho mùi thơm nhưng không được dùng làm ổ vì hay sinh rệp ( quê tôi gọi là con mát)!

Chiếc giường khuôn ổ "gia truyền" ghép bằng gỗ xoan đen bóng được để lại từ đời các cụ. Gọi là "giường" nhưng thực chất nó chỉ bốn mảnh gỗ "vai" giường to bản, dày, thô, được ghép lại thành một cái khuôn hình vuông. Không có chân giường và cũng chả cần thành giường. Mớ rạ sạch, óng chuốt, được "đánh tranh" thành vài lớp thảm, trải xuống chỗ giáp đất, trong khuôn giường, rồi mới trải rơm và chiếu lên. Nhìn chiếc ổ rơm vừa trải xong, phẳng phiu thơm tho và sạch sẽ, bọn trẻ con đứa nào cũng muốn... nằm thử và...phá thử!

Tôi vẫn còn nhớ nguyên, cái cảm giác, được gieo mình xuống ổ. Trên lớp rơm dày, xốp bập bềnh, bồng bông, ta lăn thân đến đâu, dưới lưng ta lún thật sâu đến đó. Úp mặt, áp tai vào "đệm" mà nghe tiếng lạo sạo chuyển mình của những sợi rơm thơm, bé nhỏ, gầy gò, gọi cho ta niềm thương về những bông hoa lúa. Ơi những bông hoa giời cho xứ nhiệt đới, gió mùa của chúng ta; Những "bông hoa" trỗ toát từ đòng lúa, nó trong vắt, mơ màng hồn sương, hồn hoa, rồi vàng suộm, căng tròn hồn quả, hồn hạt. Những bông lúa đã tận hiến, làm nên sự sống của con người, gia súc, cầm thú, chim muông... giờ lại thành chiếc kén ổ rơm ấm áp, mà ôm ấp ta, vỗ về ta, đưa ta vào giấc ngủ, để ta mơ về những giọt mồ hôi của cha mẹ, những lời "ru rín ru ra" của bà với bao nhiêu là cánh vạc cánh cò, con sáo sang sông; Để ta suy ngẫm về cái nghĩa, cái tình của Người Việt trong hồn rạ, hồn rơm:

- " Nhà anh chẳng chiếu chẳng giường

Chỉ ấm ổ rạ, nàng thương chăng là?

- Yêu nhau chẳng quản cửa nhà

Tổ chim cũng lấy, chuồng gà cũng theo"...

Thế đấy!

Thế mà, từ khá lâu, làng quê ta, đã vắng bóng những cây rơm.

Nào đâu, những cây rơm chiêm, rơm mùa của cha mẹ, của chú Dần, của bà con thôn Rãng, của làng quê Việt Nam, một thời gắn bó

Những mớ rơm mộc mạc, gầy gò quanh năm làm ấm cật, no lòng, chắc dạ những "người bạn nhà nông", làm sâu những sá cày, góp phần làm đầy thêm bát cơm gạo tẻ của những kiếp cần lao! Những cây rơm chiêm, rơm mùa, khi óng vàng, lúc cũ kỹ còn là vật tượng trưng để đánh giá khả năng kinh tế của mỗi gia đình, là khởi nguồn của những lời ca dân dã, những loại hình nghệ thuật độc đáo như tranh, ảnh nhạc hoạ, đặc biệt là thi ca trong niềm tự hào của nền văn minh lúa nước Sông Hồng. Và khi thể hiện cảm xúc ân tình, đến ứa nước mắt, về tấm lòng vàng của một bà mẹ Việt, về những sợi rơm vàng thảo, vàng hiền Việt, Nhà thơ tài hoa Nguyễn Duy đã viết:

" Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no

Riêng cái ấm nồng say như lửa

Cái mộc mạc lên hương của lúa

Đâu dễ chia cho tất cả mọi người"

( "Hơi ấm ổ rơm" - Nguyễn Duy)

Bây giờ, mỗi độ xuân về quê, tôi lại bần thần, bơ vơ bên ngõ vắng tím trời hoa xoan nở, lại đứng bên bờ ao, trên nền của cây rơm ngày xưa, nơi gần cái chuồng bò của cha và chú tôi mà hoài niệm. Rồi vô thức, tôi lẩm nhẩm đọc cho chính tôi nghe, cho không gian yêu dấu, thân thương của tôi nghe, những câu thơ tuyệt hay của Cố Nhà thơ tài hoa Phạm Quốc Ca mà tôi rất tâm đắc:

" Nhớ hun hút những ngày gió bấc

Mưa bay mờ mịt cánh đồng

Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá

Con bò gầy rút từng sợi mùa đông".

Hà Nội 28-2-2023

Tâm Dung

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét