Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

GIẤC MƠ CỦA BÉ THƯƠNG

 


GIẤC MƠ CỦA BÉ THƯƠNG

PHẠM KHẮC MÃ

Còn hơn một tháng nữa mới đến sinh nhật của bé Thương, nhưng Thương đã thấp thỏm chờ đợi một món quà của“người không quen biết”. Mấy lần sinh nhật gần đây Thương mới nhận ra điều đó, bởi trước Thương còn nhỏ, chưa suy nghĩ về ý nghĩa của các món quà. Món quà ấy thường do cậu hoặc mợ Tâm mang kèm cho Thương cùng quà của cậu, mợ; tuy không ai nói ra nhưng Thương cảm nhận đó là của ai đó tặng, quà không sang trọng, không đắt tiền nhưng có một điều gì đó Thương thấy nó gần gũi và ý nghĩa, và trong lòng Thương nghĩ đó là của Ba.

Hiện tại Thương không có Ba…, từ bé Thương được Mẹ dẫn đi học, qua các lớp Tiểu học, rồi năm nay Thương đã gần hết lớp 7 của trường Trung học cơ sở Thị trấn. Thương đã quen với cảm giác trêu chọc của các bạn đồng lứa là “đứa trẻ không bố”. Đã mấy lần Thương hỏi Mẹ về Ba, nhưng Mẹ không trả lời và tìm cách chuyển sang chuyện khác, cũng có lần Mẹ chỉ sang người đàn ông đang cùng sống trong nhà và nói “ba con đó mà”. Thương vẫn gọi người đó là Ba, người đó cũng thương yêu Thương, nhưng Thương biết chắc chắn không phải là Ba, bởi trong tiềm thức của Thương… Ba của Thương to đậm, bồng bế Thương đi ăn sáng hoặc đi chợ khi Ba về nhà, có lần Ba dẫn Thương lên của khẩu, Ba nói chỉ một đoạn phía trước là nước Trung Quốc, Ba không cho Thương chơi đồ chới Trung Quốc…,nhưng rồi Ba không xuất hiện nữa, khi đó Thương chừng 4 đến 5 tuổi. Không thấy Ba về, sau đó có chú Toan đến ở cùng Mẹ, và Mẹ nói Thương gọi là Ba Toan. Ba Toan về cùng nhà cũng là lúc Thương phải ngủ riêng, không được hằng đêm trong vòng ôm của Mẹ nữa, nghe nói Ba Toan quê ở Hà Nội lên buôn bán ở vùng biên này.

Khi kết thúc Tiểu học, Thương được cô giáo trao Hồ sơ học tập và dặn mang về đưa Mẹ để làm thủ tục học Trung học cơ sở, tò mò xem hồ sơ… Thương không thấy có tên Ba trong giấy khai sinh của Thương, và họ của Thương được ghi theo họ của Mẹ…không giống các giấy khai sinh của các bạn khác, từ đó Thương hiểu được nguồn gốc sự trêu chọc của nhóm bạn bè đối với mình.

***

Sinh nhật của Bé Thương trong thời kỳ nạn dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp nên không có các bạn cùng trang lứa. Mẹ tổ chức gọn nhẹ, cũng có bánh sinh nhật, có hoa quả, 13 ngọn nến lung linh, mợ Tâm đưa hai em (con cậu mợ) tới, mọi việc khá nhẹ nhàng vui vẻ, Thương để ý trong chỗ mợ Tâm để quà có một bao gói hình dáng một bức tranh, mà Thương đoán đó là quà của của “người không quen biết”. Để cho mấy anh em ở lại ăn bánh, kẹo, vui chơi … mợ Tâm sang phòng Mẹ nói chuyện; hôm nay không có Ba Toan ở nhà, Mẹ nói với mợ Tâm là “về với bà cả”. Thương mở lớp giấy bọc… đúng như dự đoán, một bức tranh vẽ trên vải, đóng khung vàng rất đẹp, bức tranh vẽ hình một bông hoa hồng tím nhạt trên nền trời xanh biếc, không có tên người tặng. Không hiểu ai đó có biết Thương rất thích vẽ, những sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng mà Thương vô cùng say đắm vẽ những bông hoa hồng, hoa sim, hoa loa kèn…; có những bức tranh Thương vẽ cảnh Ba, Mẹ cùng dắt tay Thương trên vườn hoa Thị trấn, Thương vẽ Mẹ mặc áo dài màu đỏ, tóc xõa vai, còn Ba … Thương không hình dung như thế nào, Thương vẽ một ông gìa béo bự. Thương ôm bức tranh hoa hồng vào lòng thầm ước khi lớn lên sẽ vẽ nhiều tranh và sẽ tìm được đúng hình Ba để vẽ Ba đứng bên Mẹ.

Thương rón rén đến bên phòng Mẹ, cửa khép hờ… Thương nghe rõ tiếng mợ Tâm nói với Mẹ:

-    Sắp đến ngày sinh nhật Bé Thương, anh ý có gọi cho em và gửi quà cho bé Thương, biết Thương thích vẽ, anh mừng là có thể giống bố thích hội họa. Anh gửi bức tranh do chính anh vẽ làm quà cho Thương, anh cũng dặn là không nói cho con bé biết về anh, vì theo nguyện vọng của Hương, anh không tồn tại trong cuộc đời của Thương. Anh cũng đã già yếu, sức khỏe giảm sút, tay vẽ không còn như xưa, nhưng cố gắng vẽ bức tranh tặng con. Anh ý nói “vẫn thường xuyên theo dõi mẹ, con trên trang Facbook của Hương, mặc dù không kết bạn nhưng anh ý vẫn vào đọc không tham gia bình luận, chủ yếu là nhìn hình ảnh Thương lớn và trưởng thành như thế nào thôi”.

Mẹ chậm rãi, vẻ hơi buồn:

-    Ngay từ khi Bé Thương được hơn năm tuổi, biết anh ý không thể chung nhà với chị được, vì anh ý nặng gánh gia đình, anh ý không thể phá vỡ lâu đài hạnh phúc mà cả đời anh ý xây dựng. Bé Thương được sinh ra là theo ý nguyện cá nhân của riêng chị. Vì quý mến, trân trọng anh ý… rồi dẫn đến yêu thương anh ý… tình yêu của chị dành cho anh ý hơn mười năm trời, khi anh ý lên đây công tác, chị hy sinh hết cả tuổi trẻ, danh phận của mình để yêu anh ý nhưng anh ý không muốn có con chung với chị. Anh ý có thể san sẻ tình cảm, vật chất nhưng chuyện có con chung thì …không! Rồi đến ngày anh ý nghỉ hưu, biết anh ý sẽ về nghỉ tại gia đình, trong khi chị vẫn mu muội yêu thương anh ý. Trong một lần gặp gỡ chị đã quyết định bằng mọi giá có con với anh ý, vẫn mong manh hi vọng khi có con chung anh ý sẽ nghĩ lại. Bé Thương ra đời khi anh ấy không còn công tác trên này nữa, biết Thương là con mình, giống nhau từ nước da, tới khuôn mặt… anh ý thương yêu con bé và qua lại một năm đôi ba lần trên này. Khi nghỉ hưu sức khỏe giảm sút, kinh tế eo hẹp, thu nhập gói trong đồng lương hưu hằng tháng…Vì anh ít lên, chị lại có tình cảm với anh Toan, anh ý biết, anh ý là người sống có đức, nhân từ và lòng tự trọng cao. Khi biết rõ tình cảm của chị với anh Toan, anh đã một mực không gặp chị nữa cho tới tận bây giờ.

Mợ Tâm tò mò hỏi:

-    Về trách nhiệm của anh ý với con gái thì sao?

-    Sau khi anh rời khỏi đây, tất cả các thứ có liên quan, anh ý mang ra sông đổ đi và không quay lại… có vẻ như giận chị, nhưng không la mắng, không dùng từ xúc phạm chị… có đôi lần anh viết thư gửi trong E.mail hỏi chị về trách nhiệm với Thương, chị nói “nó không phải là con anh; anh không phải trách nhiệm gì cả”, sau đó chị đổi hòm thư và chặn số liên lạc, coi tất cả đã chôn vùi cùng quá khứ.

-    Nhưng chị sống với anh Toan cũng có hôn thú gì đâu? Anh Toan cũng có gia đình ở Hà Nội…và hai người lại cũng không có con chung nữa?.

-    Số kiếp chị nó vậy! Chị dành tất cả tình cảm cho bé Thương, sau này nó lớn lên mẹ con nương tựa vào nhau mà sống.

-    Em đã được chị căn dặn” “không được liên lạc gì với ông ý nữa, không cho phép ông ý tặng quà; Bé Thương sẽ không có liên quan gì đến ông ý cả”. Nhưng chắc chị hiểu ý Bà…, Bà muốn Bé Thương được hạnh phúc.

Mợ Tâm bùi ngùi cúi mặt lau nước mắt, Thương lầm lũi quay xuống phòng khách, bỏ lại những món quà sinh nhật, em cầm bức tranh về phòng mình. Thương ôm bức tranh trong chăn, em đã hiểu phần nào về câu chuyện liên quan đến cuộc đời của mình, buồn hơn là từ sinh nhật lần sau sẽ không có quà của “người không quen biết nữa”. Rồi ngày mai Mẹ sẽ hỏi Thương về bức tranh và không biết mẹ có đốt nó không? nếu đốt tranh, nó sẽ cháy theo ngọn lửa rồi tan trong đống tro như những tàn tro vàng mã mà Bà Ngoại vẫn đốt trong ngày lễ tết. Bà Ngoại nói đốt để cho người cõi âm nhận, còn “người không quen biết” là Ba vẫn còn sống cơ mà. Miên man trong dòng suy nghĩ, Thương ngủ thiếp đi … giấc ngủ đưa Thương về gặp Ba, Ba cõng Thương bay trong khoảng trời xanh thẳm như nền của bức tranh, phía dưới là thảm hoa hồng tím nhạt, mênh mông một không gian không có chân trời; Thương nghe văng vẳng đâu đó câu nói của Bà Ngoại với Mẹ hôm nào, Bé Thương biết rất rõ Mẹ luôn nghe lời bà Ngoại: “Trẻ con không có tội, cái tội là của người lớn, đã có tội thì phải can đảm gánh chịu và có nghĩa vụ cho con học tập, trẻ con cần được sống trong gia đình đầm ấm, hòa thuận…; Khi nó lớn lên nó có quyền nhận cha nó”.

Giấc ngủ của Bé Thương êm đềm trong vòng tay của cả Ba lẫn Mẹ.

                                                      Tháng 3 năm 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét