LỬA THƠ SÁNG TỪ MẮT CHỮ
Nguyễn Thế Kiên kienlucbat
Một lần chúng tôi ngồi trò chuyện cùng Nhà thơ Vũ Quần Phương, ông bảo: “Thơ hay ở cái tư tưởng, rất nhiều bài thơ bây giờ, câu chữ sáng choang, nhưng đọc xong chả thấy đọng lại gì, ấy là do nó không có tư tưởng, nên nó cứ tuột đi.”. Nhận xét trên đây của Vũ tiên sinh cũng nằm trong cái nội hàm câu tổng kết của người xưa: Thi dĩ ngôn chí!
Quả thật, trong cuộc cách tân, cách mạng của thơ hôm nay, câu chữ, thể thức, hình hài của thơ Việt đang được triển khai làm mới khá rầm rộ. Nhưng thực tế thì những mới mẻ kia phần nhiều mới chỉ dừng lại ở cái vỏ chữ của thơ. Cứ mỗi ngày qua đi, thời lượng mà cuộc sống dành cho thơ ngày một ít hơn, bởi thời nay có vô vàn những chia sẻ khác đang ập vào cuộc sống, còn thơ thì cứ loay hoay đập mình ra để xây lại bằng nhiều cách. Rồi sau những phá, những xây của thơ hôm nay, dung nhan thơ hiện ra đôi chỗ thì mờ mịt quá, vài chỗ lại thâm sâu quá, mật mã cài đặt nhiều quá, chả có chìa nào mở nổi xem ý tứ trong ấy là gì. Bởi vậy mà thời này, thơ kén người đọc và người tìm đến với thơ hôm nay cứ vơi dần đi, ấy cũng là lẽ đương nhiên. Trong khi đó thì cuộc sống thời hội nhập quanh ta đang hối hả diễn ra, Tổ quốc, quê hương và những kiếp người trong bể phù sinh hôm nay đang có muôn điều cần thơ chia sẻ…
Vừa mới đây, tôi được đọc tập thơ Mượn lửa mặt trời của Nguyễn Thế Hùng - một Nhà văn chuyên ngành văn xuôi, lại gặp những chân thành, dung dị, lớp lang quen thuộc đang động cựa trở mình qua hơn một trăm trang thơ cùng những con chữ đầy ắp nỗi niềm! Đọc thơ ấy rồi, xin có mấy dòng tri âm đồng vọng.
Ấn phẩm Mượn lửa mặt trời được hình thành từ 3 mạch nguồn cảm xúc chính, là: Tổ quốc, quê hương, Tình yêu lứa đôi và Những trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm về thời thế. Ba mảng cảm xúc này được sắp đặt theo từng nhóm bài rất hợp lý, khiến cho mạch thơ của tác phẩm luôn tự nhiên và thông thoáng. Có thể nói, chính nhờ tư duy và cách tổ chức tác phẩm của một Nhà văn mới lô gic và hiệu quả như vậy, mới làm cho Mượn lửa mặt trời minh định được cái tư tưởng thơ nhân văn và nhất quán!
Mượn lửa mặt trời của Nguyễn Thế Hùng vời vợi những cảm xúc yêu tin, trăn trở chân thực về Tổ quốc, quê hương và những kiếp người. Với thi ca, để làm nên những bài thơ hay, thì điều tối cần thiết là cái hồn thơ, tình thơ nồng đượm, chứ đâu phải ở sự mới lạ của câu chữ, của hình thức thơ:
Đường lên dãy Giăng Mà giăng mắc/ Bao tháng năm bóng áo lính trập trùng/ Những đoàn quân chân đi không bén đất/ Chỉ mong ngày đất nước hết lao lung. (Chợ Phố).
Thơ với Nguyễn Thế Hùng là phương tiện để chuyển tải tình yêu và tư tưởng chính nhân quân tử về với Tổ quốc, Quê hương cùng cuộc đời này:
Đã bao lần giặc lăm le phên dậu/ Núi thâm trầm trận địa lòng dân/ Muốn nước yên hãy nhờ dân giữ nước/ Thế gốc bền là thế dựa vào dân. (Nếu thương dân hãy cho con ra trận).
Thơ với Nguyễn Thế Hùng là tròn trịa một nỗi yêu. Cái yêu từ gan ruột, từ ý thức, từ tinh thần dân tộc, và từ một trái tim đập theo nhịp trường tồn của Tổ quốc, quê hương:
Thôi về thôi họ đã thành mây trắng/ Neo ngàn đời vào núi đá Vị Xuyên/ Mỗi linh hồn vẫn còn giăng thành lũy/ Cho yên bình phên dậu Hà Giang. (Viết ở mặt trận Hà Giang xưa).
Cái chất chữ ấy, nghĩa ấy rõ ràng là của một văn nhân luôn đặt Tổ quốc, quê hương thiêng liêng lên mỗi trang viết. Mỗi cảm xúc, mỗi nguồn cơn của thơ được tác giả nâng tầm thành tư tưởng trong cách nhìn mới, độc đáo và luôn có tính dẫn gợi:
Nếu thực/ có kiếp sau/ Tôi xin được làm một phiến đá/ Mẹ Tổ quốc hãy khắc lên lưng tôi/ lịch sử dân tộc mình/ chôn xuống thật sâu/ khỏa bằng huyệt mộ/ để người chơi cờ/ không xóa đi những ván cờ thế… (Lịch sử).
Đỗ Phủ thi thánh đã từng nói về việc dùng chữ trong thơ: “Ngữ bất kinh nhân tử bất an”(Làm thơ mà dùng chữ không khiến người khác nể sợ, thì chết không nhắm mắt), đọc thơ Nguyễn Thế Hùng, thấy nhiều lắm những câu chữ quen thuộc của đời sống, đã được anh mã hóa thành ngôn ngữ thi ca, để tự chúng nhân bản mình lên mà chở cái ý rộng dài của người viết:
Neo quê còn mỗi mẹ già/ Bốn tao nôi mỏng chia ra ba miền/ Cha giờ hóa nắng Điện Biên/ Hai anh hóa cát Trị Thiên bời bời/ Xòe tay mượn lửa mặt trời/ Đốt mây gom khói gửi người còn xa. (Mẹ già neo lại đất quê).
Thơ Nguyễn Thế Hùng luôn minh định bởi tư tưởng và ngôn ngữ thơ, nên trong thơ ấy, cái ý, cái tình thơ mà người viết hướng đến mới là điều làm trọng:
Ta có kịp về trước lúc mưa chan/ Nơi thời gian thắm quết trầu bậu cửa/ Thắp nén hương đốt một thời nênh nổi/ Đất mẹ neo con từ phía xóm làng. (Chuyến tàu thời gian).
Những câu thơ mà tác giả đã gầy chụm nên từ gan ruột miền Trung trổ lên câu chữ như thế này, cứ bền bỉ, ngân nga bằng sự dung dị mà khéo léo, rồi nhập vào bất cứ trang lòng người Việt nào mà nó tiếp cận:
Bốn đứa con như bốn tao nôi/ no tiếng ru rồi bay đi mỗi ngả/ mẹ thương con đường về vất vả/ nên cứ bảo đừng về, mẹ khỏe chớ lo. (Chớm thu). Những trang tình quê trong Mượn lửa mặt trời, dẫu đã ít nhiều được mã hóa bằng ngôn ngữ thơ, nhưng trong cái vỏ chữ của thi ca vẫn là những ngậm ngùi trần trụi:
Hà Tĩnh gầy như cái cần câu/ một đầu cắm vào bờ thành Vinh/ một đầu cắm vào đèo Ngang đang nghèo/ Dân tôi ước đèo Ngang thành đèo Nghếch/ để gió Lào bớt thổi rát đồi khe. (Mưa trên bến Giang Đình).
Đọc thơ về mẹ, về quê trong tập này, thấy nhiều lắm những bức phù điêu dựng lên từ chữ nghĩa như thế:
Gió hào phóng cứ thức suốt đêm hè/ để lúa lép mãi bay vào mắt mẹ/ cả một đời chỉ quần đen áo cộc/ Mẹ quên mình, quên cái đói Giêng Hai. (Quên).
Văn sỹ Nguyễn Thế Hùng rẽ ngang vào một cuộc lên đồng chữ với thơ, rồi bị thơ nhập nặng lắm, căn số thơ cao lắm, mới hiện ra chữ nghĩa thế này:
Tháng Ba tôi về/ hoa gạo đỏ như bát hương vừa hóa/ cầu gì lên trời xanh, khấn gì ở đất/ đất lành thế sao chim không đậu?/ Đừng thổi nữa gió mùa giáp hạt/ thổi chi nhiều bạc phếch râu cha. (Tháng ba).
Những câu chữ trong ấn phẩm Mượn lửa mặt trờisinh ra từ miền Trung sỏi đá, lại được tôi luyện trong muôn nỗi cuộc người, nên nó không chỉ là chia sẻ, là đồng cảm cùng phận người, phận đất, mà rất nhiều, rất nhiều bài thơ trong tập này chạm đến những điều lớn lao, chạm đến những mặt khuyết, những góc tối của thời thế hôm nay:
Cháu/ tựa vành nôi/ Ngủ trên đôi cánh đại bàng/ Tin rằng Lý Thông đã chết/ lẫm chẫm bước/ Cháu vấp vào cơ chế/ Mẹ/ sấp mặt ngửa mày/ mót niềm tin giáp hạt/ Cha/ tân binh ngơ ngác đời thường/ trước ngổn ngang thời hậu chiến/ Chiều xám buồn/ Bà/ rũ váy/ ra phơi. (Tựa).
Nguyễn Thế Hùng là một Nhà văn đã định hình tên tuổi ở mảng văn xuôi, nhưng đọc thơ của anh người ta không bị cái “chất” rành mạch của văn xuôi ám vào ngôn ngữ thơ. Có như thế thì độc giả mới được gặp một Nguyễn Thế Hùng thi sỹ qua những câu thơ như thế này:
Người gom về cả tướng lẫn vương/ Anh hành khất từ ấy lỡ độ đường/ Tìm nhau từ Tràng Kênh/ Lại gặp sư ông chùa Mỹ Cụ…/… Trời xa chạm ngõ thiên di/ Anh sợ mình đi lạc/ Thêm một lần trong đôi mắt Thủy Nguyên xanh. (Một lần Thủy Nguyên).
Ngạc nhiên ư? Sửng sốt ư? Rằng thì là với thơ, cái duyên chữ cho ai người ấy được, vậy nên khối ông bà nhà văn viết văn xuôi rất búa bổ, nhưng trước một tứ thơ nảy ra trong đầu, là phải lúng túng xoay ngang sửa dọc ngôn ngữ để văn bản hiện lên chữ của thơ. Sinh thời cụ Lê Đạt bảo: “Chữ bầu lên nhà thơ”, thì đây, “chữ” của ông Nhà văn nổi tiếng trên văn đàn trong suốt thập kỷ vừa qua với Lộc trời, với Họ vẫn chưa về hiện lên trong thi ca như thế này: Dẫu biết sẽ chẳng là vàng đá/ em loa kèn tháng Tư/ cắm trong bình nhà người/ đêm ấy dậy hương… (Hoa lãng tử). Cái chất thi nhân ủ men vào chữ mới thành ngôn ngữ của thơ, nó khác hẳn với sự bẻ cổ chữ, quăng chặt trật tự ngữ pháp ra cho xù xù gai góc, tạo diện mạo mới cho ngôn ngữ thơ mà nhiều người thơ đang ngày đêm gò xẻ:
Uống đi mình, uống đi em/ Quờ trăng làm nậm ta đem men về/ ta còn tỉnh giữa cõi mê/ Uống cho trăng cạn mà về chính ta. (Uống cho trăng cạn). Sự sáng tạo của thi ca nằm ở cái tinh tế, cái chuyển động trong lòng chữ, chứ đâu phải ở cái mới lạ của vỏ chữ mà nên: Chân guốc nhỏ lên cầu thang váy ngắn/ hương còn theo qua phía vườn hồng. (Hà Nội sông).
Đọc Mượn lửa mặt trời, ta được tiếp cận từng cung bậc cảm xúc thơ của một Nhà văn đang cặm cụi hành nghề lọc chữ, (Nguyễn Thế Hùng hiện đang gắn bó với tờ Văn nghệ Công an). Ấn phẩm thơ này, chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự tương tác tích cực từ văn giới và độc giả, bởi tác giả của nó là một tên tuổi rất quen thuộc của nền văn học đương đại. Rồi đây, cái đầy cái vơi về nghệ thuật của nó sẽ còn được bàn đến ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhưng trước hết, điều đáng ghi nhận là những trang thơ trong trẻo dung dị, gần gũi của Nhà văn Nguyễn Thế Hùng đã tiếp cận và tương tác được với những buồn vui của non sông, đất nước, cùng những nỗi niềm người trong cuộc sống hôm nay. Với thơ, đấy là một sứ mệnh!
Lĩnh Nam25/11/2020
K.L.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét