Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

THÚY TOÀN – CÂY THƠ DỊCH

 THÚY TOÀN – CÂY THƠ DỊCH


                                                                 Nhà văn Vũ Nho

Vũ Nho

Trong số rất nhiều người tham gia vào việc dịch, mấy ai dành cả đời cho dịch thuật, mà chủ yếu là dịch thơ như dịch giả Thúy Toàn? Có những người dịch là nghề tay trái, là chơi, là để cho vui, còn với Thúy Toàn, đó là nghề, là nghiệp là cứu cánh. Khi tôi nêu nhận xét này, anh không phản đối, nhưng lại đưa ra một danh sách các cao thủ dịch tiếng Nga : Phạm Mạnh Hùng, Hoàng Ngọc Hiến, Đoàn Tử

Huyến, Phan Hồng Giang, Đức Mẫn, Thái Bá Tân, Bằng Việt,

- Song không có mấy người dịch nhiều thơ và dịch nhiều chất thơ như anh.

Đúng vậy không?


Thúy Toàn chỉ cười cười. Phải nói là anh có nụ cười rất hồn hậu, tươi tắn. Rồi anh gật gù bảo:

- Mỗi người có một cái mạnh riêng, các anh ấy dịch mình thấy tuyệt lắm!

Tôi hình dung máu văn chương có trong nhà dịch thuật Thúy Toàn từ khi anh chào đời ở làng Phù Lưu, phủ Từ Sơn vùng Kinh Bắc. Làng anh, một làng nổi tiếng từng đi vào truyện ngắn “Làng” của Kim Lân. Cái ông Hai hay khoe về làng mình ở trong truyện ngày ấy, bây giờ có quyền tự hào mà khoe thêm rằng làng ông là đất văn nghệ. Các nhà báo, nhà văn, họa sĩ, kịch sĩ đàn anh : Hoàng Tích Chu, Hoàng Tích Chỉ, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh, nghệ sĩ Đăng Bảy, nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhạc sĩ Hồ Bắc, nhà thơ Hoàng Hưng đều sinh trưởng ở đây. Thi sĩ Hoàng Cầm cũng rất gắn bó với mảnh đất này. Rồi chú thiếu niên Thúy Toàn rời làng đi xa lại được nuôi dưỡng trong môi trường văn nghệ. Anh đã từng ôm mộng làm văn khi cùng với Ma Văn Kháng ở thiếu sinh quân. Anh thử bút trong thơ, truyện ngắn, dịch thuật khi du học ở Trung Quốc rồi Liên Xô. Thúy Toàn sớm cộng tác với báo Văn Học, được các nhà thơ đàn anh để ý và quý mến, đặc biệt là Chế Lan Viên.

- Anh đi vào dịch thuật ngẫu nhiên hay có chủ ý từ trước? – Tôi hỏi.

- Bảo rằng có chủ ý thì không phải, nhưng ngẫu nhiên thì cũng không đúng. Nó như một cái số, cái nghiệp. Nó vận vào mình lúc nào không biết.

- Vì sao anh lại chọn dịch thơ A.Pushkin trước tiên?

- Đó là nhà thơ vĩ đại, là “tập đại thành” của văn học Nga, cũng tựa như Nguyễn Du ở Việt Nam ta. Nhưng còn một lí do khác là khi đó mình đang yêu. Pushkin có rất nhiều thơ tình. Mình dịch thơ ông ấy, qua ông ấy mà “tỏ tình” với người mình yêu.

- Có hiệu quả không?

Chúng tôi cùng cười.

Cô bạn học Chu Nga thuở ấy đã xiêu lòng, đã mê chàng Thúy Toàn qua thơ Pushkin. Cô nắn nót chép hộ chàng một tập bản dịch toàn thơ Pushkin, khích lệ chàng gửi thẳng về nhà xuất bản Văn Học ngay từ năm 1957, để rồi chín năm sau, sản phẩm mang hương sắc mối tình trong trẻo ấy đến tay bạn đọc Việt Nam.

Biết tiếng Nga giỏi, có thể đọc thẳng từ nguyên bản, nhưng chưa đủ để dịch được thơ. Yêu, có thể đem đến cái say trong làm việc nhưng cũng chưa đảm bảo để dịch được. Phẩm chất tối thượng của người dịch thơ, theo tôi, mtrước hết anh phải là một thi sĩ, hay chí ít là có máu thi sĩ. Năm 1959, Thúy Toàn đã có thơ đăng báo Văn Học. Anh lại rất mê ca dao, thơ cổ điển, đặc biệt là thơ lục bát của Nguyễn Du và thơ Tố Hữu. May mắn sao, cây thơ dịch lại đang yêu và được yêu. Thành ra “dịch” thơ tình của người, cũng là một cách “làm” thơ tình của mình. Đây là Pushkin yêu, Pushkin bày tỏ nhưng cũng là một phần tỏ bày của người dịch:

Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm

Tôi rất tâm đắc với anh Phạm Mạnh Hùng, một cây dịch cự phách có

lần đã viết rằng dịch cũng phải uyên bác. Thúy Toàn là một người uyên bác.

Có nhiều người đọc sách Nga làu làu, nhưng đọc thơ thì chịu.

Đọc thơ rất khó vì thơ có những quy luật sáng tạo riêng. Đằng sau tất

cả những phức tạp, rắc rối về hình ảnh, nhịp điệu, từ vựng, ngữ pháp, các biện pháp tu từ, còn là cái khó của nền văn hóa Nga khác lạ với của Việt Nam. Trong số những tập thơ dịch công phu của anh, tôi muốn nhắc đến “ Khúc ca về cuộc hành binh Igo”. Đây là tập đòi hỏi nhiều bút lực của người dịch. Thúy Toàn phải tự học thêm rất nhiều về tiếng Nga cổ. Anh đã sưu tầm trên hai mươi bản dịch ra tiếng Nga hiện đại để so sánh, đối chiếu nhằm thấu hiểu triệt để câu thơ nguyên bản. Một tinh thần nghiêm túc như thế, cộng với sự uyên bác, lịch lãm cho phép anh có thể “nhập” vào bất kì một nhà thơ nào để rồi có thể bắc một nhịp cầu thơ cho họ tới Việt Nam.

Thúy Toàn rất để ý, chăm chút đến nhạc điệu của câu thơ dịch. Những âm hưởng ca dao, thơ cổ điển, và thơ mới Việt Nam làm cho bản dịch của anh luôn có sự mượt mà, tươi tắn. Ai có thể đọc thơ Nga từ nguyên bản không thể không khâm phục anh. Ví như bài “Buổi sáng mùa Đông” của Pushkin.

Đây không chỉ là câu chữ dịch. Nó là phong cảnh Nga thấm đẫm tâm hồn dịch giả được tái sinh, được bay bổng trong tiếng Việt ta đa thanh, lộng lẫy:

Nắng sớm rọi tuyết tưng bừng rực rỡ

Trải mênh mông những tấm thảm tuyệt vời

Dưới trong xanh thăm thẳm của vòm trời

Rừng quanh quạnh riêng mình in vệt thắm

Tùng xanh lá hiện qua lần nhũ mỏng

Sông nhỏ trôi lấp lánh dưới lần băng

Những người am hiểu công việc dịch thuật đều nhất trí rằng dịch thơ dễ làm mất đi những gì trong nguyên bản, dễ “phản” lại nguyên bản. Dịch “thoát” quá thì thành ra xa rời và rơi vào “phóng tác”; dịch “sát” quá thì dễ gượng gạo, khô cứng và làm mất hồn thơ. Nhờ nắm vững ngôn ngữ, nhờ hiểu được cái thần của từng bài thơ cặn kẽ đến từng từ ngữ, hình ảnh và nhờ sẵn có một thi sĩ trong mình, nên độ “dung sai” trong bản dịch của Thúy Toàn thường là rất nhỏ. Những bản dịch thơ của anh được chọn tuyển vào sách giáo khoa Trung học phổ thông là xứng đáng. Tuy nhiên, việc làm rõ thêm một số từ

ngữ, hình ảnh để bạn đọc thấy hết được cái hay của nguyên bản là một việc làm tự nhiên, cần thiết. Với bất kì dịch giả nào cũng vậy thôi.

Tôi từng chép bản dịch của Thúy Toàn vào sổ tay văn học của mình.

Bây giờ tôi cũng gặp rất nhiều em học sinh nắn nót chép những câu thơ dịch của anh. Những bạn bè của tôi và cả tôi nữa, giờ đây có thể đọc thơ Nga từ nguyên bản. Nhưng chúng tôi vẫn thích thú đọc bản dịch của Thúy Toàn.

Đấy là thơ, là sáng tạo mang dấu ấn Thúy Toàn độc đáo.

Một chút tên tôi đối với nàng

Sẽ chìm như tiếng sóng buồn lan

Âm thầm mòn mỏi bên bờ vắng

Như tiếng đêm thâu lạc giữa ngàn

Hơi thơ cổ điển đã tỏ ra thật hợp với tâm trạng của nhân vật trữ tình. Phải chăng, hồn của những bài thơ thuật hứng, thuật hoài, thuật cảm,… đã nhập vào những câu thơ dịch để chúng có thể dễ dàng đến thẳng trái tim bạn đọc.

Mệt mài, nghiên túc, say sưa, Thúy Toàn đã có trên sau mươi đầu sách dịch khác nhau, trong số đó có hàng chục cuốn thơ. Anh được giải thưởng quốc tế của các Hội Hữu nghị Liên xô năm 1989 vì đã dịch các tác phẩm văn học Nga. Các nhà thơ Nga nổi tiếng như Pushkin, Blog, Lermotov, Esenhin,… và các nhà thơ xô viết khác đều qua nhịp cầu dịch thuật của anh mà đến Việt Nam. Tập thơ dịch gần đây nhất “ Tôi phải nói về nước Nga” là tiếng nói thủy chung, ân tình, là chính kiến và cũng là tâm niệm của anh về nước Nga mà Việt Nam ta gắn bó. Sự tập hợp thơ của nhiều thế hệ nhà thơ Nga viết về nước Nga là một việc công phu, một “khát vọng cao cả của suy  tư” ( Pushkin) mà chỉ có người dịch như Thúy Toàn mới có thể làm được.

Rồi sẽ có những nhà dịch thuật tài ba dịch lại một số bản dịch của

Thúy Toàn. Nhưng những bản dịch thành công nhất của anh, đặc biệt là công lao bền bỉ khai mở con đường đưa thơ Nga và thơ nước ngoài đến Việt Nam của dịch giả Thúy Toàn sẽ được lịch sử văn học nước nhà ghi nhận./.

In trong cuốn “Vũ Nho – Đi giữa miền thơ”, nhà xuất bản Văn

Học, Hà Nội, 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét