NHÀ THƠ MỴ DUY THỌ VỚI TẬP “TRĂNG SÁNG TUỔI THƠ”
Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN
Tôi biết các nhà giáo Toán làm thơ và viết về thơ của họ có lẽ cũng nhiều hơn con số 4. Đó là Vương Trọng, Đặng Hấn, Lê Quốc Hán, Nguyễn Ngọc Quế, Mỵ Duy Thọ.
Thầy giáo Toán dạy trường chuyên Lam Sơn Thanh Hóa, năm 2012 in chung tập thơ với đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Quế tập thơ có tên rất chi là Toán : Bình phương nỗi nhớ. Thế rồi, từ 2019 đến nay 2023, liên tiếp in 5 tập thơ riêng gồm : Mãi với sao trời ( 2019), Thời gian (2020), Gửi tình theo gió (2021), Bóng cuộc đời ( 2023) , và tập thơ thiếu nhi Trăng sáng tuổi thơ (2023).
Viết về thiếu nhi thì dễ, nhưng viết hay cho thiếu nhi là một công việc khó. Chính vì thế mà Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi. Rồi tiếp theo, mở trại viết ở Phú Yên cho một số cây bút hội viên và chưa là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Dù không tham gia trại viết, nhà thơ Mỵ Duy Thọ được bạn bè, người thân động viên nên đã tập trung viết thơ cho các em. Và kết quả là “Trăng sáng tuổi thơ” với 77 bài thơ đã được nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Một điều thú vị là tác giả viết về tuổi thơ của bản thân mình, của con cháu mình, của các con vật gần gũi với trẻ em như trống choai, gà con, con cò, chim sâu, chim câu,… các cây quả quanh em như mạ non, cây lúa, quả ổi, các phương tiện học tập để học online như điện thoại di động, ipad,… Rồi chuyện dỗ em, đi học, chuyện chơi cờ, chuyện chơi bi, đá bóng,…
Nhiều bài thơ viết ở ngôi thứ ba kể chuyện, một số bài tác giả nhập vào đối tượng xưng em, ( Nhân vật chính của tập thơ chủ yếu là EM, có ít bài là Bé). Lại có bài tác giả xưng cháu nói với ông, hai ông cháu đối đáp (Phần thưởng của ông), có bài xưng ông với cháu (Ông mong), có bài tác giả lại nhập vào đối tượng khác để kể chuyện và bình luận. Vì thế mà điểm nhìn của các bài thơ không cố định, luân chuyển. Ví dụ các con Kiến nói chuyện với nhau về chúng và về loài người:
- Họ như thần như thánh
Mình bé nhỏ lò dò
- Nhưng so bọn vi khuẩn
Mình lại rất là to
(Trò chuyện của Kiến)
Cây lúa thì tâm sự về nguồn gốc là từ hạt thóc vàng, sợ nhất lũ chuột, và khi thành cây lúa, vừa tự hào, vừa biết ơn con người:
Tôi ra nhiều hạt mẩy
Bông trĩu nặng vòng tay
Đồng vàng vui mùa gặt
Cám ơn người bấy nay
( Tâm sự cây lúa)
Bậc đá thì kể chuyện :
Tôi là một tảng đá
Kê chắc dưới bến ao
Khi bàn chân người đáp
Cảm thấy lòng xôn xao
( Bậc đá)
Cây mạ non cũng xưng tôi như thể và bày tỏ cảm xúc về những người bạn cũ:
Hàng xóm mới tưng bừng
Vẫn nhớ bao bạn cũ
Ôm nhau cùng nằm ngủ
Trong bồ thóc kín bưng
(Cây mạ non)
Tác giả chú trọng giải thích cho các em những câu hỏi “Vì sao” thường gặp ở lứa tuổi thiếu niên hay tò mò. Đó là các bài : Mắt đánh lừa mình thôi, Ăn gì?, Họ gần hay họ xa, Đếm hết dãy tự nhiên, Hạt mưa từ đâu tới, Trăng khuyết, trăng tròn, Nguyệt thực Nhật thực, Vì sao thế nhỉ,…
Những bài thơ này giúp các em nhận thức, giải thích những hiện tượng thường gặp trong đời sống. Thật thú vị khi thầy giáo Toán giảng giải bằng ví dụ sinh động:
Mặt trời như đứng yên
Nó chính là ngọn nến
Trái đất xoay, mình nhin
Tưởng mặt trời đi lên
Giống như ta đi tàu
Ngồi nhìn qua cửa kính
Tưởng hàng cây cột điện
Đang di chuyển về sau
( Mắt đánh lừa mình thôi)
Chức năng nhận thức được thể hiện khá tập trung và nổi bật. Bài thơ “Cộng trừ nhân chia” không quá đặc biệt, nhưng lại giúp các em nhớ khi làm toán. Thường thì học sinh bắt đầu học phép cộng, phép trừ trước. Rồi sau đó mới học phép nhân và phép chia. Nhưng trong khổ thơ đầu, nhà thơ giới thiệu trật tự phép cộng và phép chia:
Mây cộng nhiều hơi nước
Đem đi chia khắp nơi
Bằng những giọt mưa rơi
Cho cây cỏ xanh tươi
Cái đích của bài nhắm tới là nhắc các em khi làm toán:
Nhưng này, các bạn ơi
Trong dãy dài phép tính
Không theo lí ở đời
Nhân, chia lại phải trước
Cộng trừ làm sau thôi
( Cộng trừ nhân chia)
Nhiều bài thơ trong tập nói niềm vui được làm anh, niềm vui được làm chị, niềm vui khi đến trường, niềm vui được bố mẹ, ông bà quan tâm, săn sóc. Và tình cảm với thiên nhiên, với những con vật gà con, gà mái, trống choai,… Đó là một thành công đáng ghi nhận. Viết cho các em phải vui, phải dễ hiểu và gần gũi mới được các em thích đọc.
Tác giả bộc bạch: “Ngày xưa, ngoài việc dạy cho học trò mình giải Toán và thấy cái hay, cái lý thú của tư duy logic, tôi cũng đã thường xuyên đem đến cho các em nhiều suy ngẫm về thiên nhiên, xã hội và dạy các em đạo đức làm người. Bây giờ sẽ qua thơ, tôi muốn ngầm truyền tải những tâm tư tình cảm tốt đẹp với cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn, con người nói chung và vun đắp những đức tính đáng quý, đáng yêu của tuổi thơ. Truyền đến các em cái đẹp diệu kì của thiên nhiên có cây hoa lá chim muông. Còn muốn phần nào giúp các em tìm hiểu về quy luật tự nhiên quanh minh và cả nơi trăng sao vũ trụ xa xôi nữa. Một niềm vui trong đời ở tuổi xế chiều của mình” ( Lời tác giả, tr. 6).
Với 77 bài thơ trong tập, tác giả Mỵ Duy Thọ đã hiện thực hóa những ước muốn của mình. “Niềm vui đem chia khắp / Là niềm vui nhân lên”. Chúc mừng niềm vui nhân lên thành bất tận với nhà thơ viết tập “Trăng sáng tuổi thơ”!
Hà Nội, 29 tháng 4 năm 2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét