MỘT SỐ KỶ NIỆM VỀ PHÓ GIÁO SƯ VIỆN SỸ TÔN THẤT BÁCH
Đến ngày 26/03/2024, PGS VS Tôn Thất Bách (1946 - 2004) đã về cõi vĩnh hằng tròn 20 năm. Xin gửi đến bạn đọc một số kỷ niệm (trích trong cuốn sách Tôn Thất Thất Bách cuộc đời và sự nghiệp, NXB Y học 2008), như một nén tâm nhang tưởng nhớ Ông.
Đinh Hữu Dung
Chúng ta có Cái Tâm
Đầu năm 1994 tôi được Phòng Tổ chức cán bộ cho biết Ban giám hiệu dự
định cử tôi làm Trưởng Phòng Đào tạo Đaị học. Tôi cảm ơn nhưng từ chối không nhận vì muốn tập trung thời gian cho công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thế nhưng tôi đã thay đổi “lập trường” sau lần gặp anh Bách, chỉ diễn ra trong vòng mươi lăm phút!
Anh Bách mời tôi lên phòng Hiệu trưởng. Sau màn chào hỏi ngắn gọn, anh đi ngay vào vấn đề (phong cách làm việc của anh vẫn thế): “Anh muốn Dung giúp anh, mà cũng là giúp Nhà trường cùng chị Đức lo toan mảng đào tạo đại học. Anh biết mảng này vất vả lắm nhưng…đồng ý nhé!” (Lúc đó Giáo sư Phạm Thị Minh Đức đang là Phó hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo đại học). Vài câu ngắn gọn như thế mà lời anh sao thẳng thắn chân tình! Tôi không thể từ chối trước cách đặt vấn đề của anh, nhưng nói với anh rằng tôi đã được đào tạo để làm “việc nhỏ” (Vi sinh Y học) còn cái “chuyên khoa” mới này tôi chưa được đào tạo gì lại phải làm ngay, lo không hoàn thành được nhiệm vụ. Anh cười to và bảo rằng “Anh cũng có
được đào tạo gì về quản lý đâu mà bây giờ phải làm Hiệu trưởng. Chúng ta có Cái Tâm với Trường, với sinh viên, anh tin sẽ làm được”.
Sau cuộc gặp gỡ ấy tôi đã nhận quyết định cử làm Trưởng Phòng Đào tạo Đại học do anh ký, trong thời gian chờ quyết định bổ nhiệm chính thức của Bộ Ytế. Tôi đã làm nhiệm vụ Trưởng phòng chỉ với quyết định cử tạm thời ấy, trọn vẹn một nhiệm kỳ 4 năm từ đầu năm 1994 đến đầu năm 1998, lúc được Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng.
Anh Bách mời thưởng thức đặc sản
Một trưa mùa hè nóng bức, anh Bách tươi cười gọi tôi “Dung vào đây giảikhát đặc sản”.
Tôi không nghĩ anh mời uống nước ngọt. Loại nước ngọt nào đi chăng nữa thì chắc chắn cũng không được anh xếp vào hàng đặc sản. Cũng không nghĩ anh mời uống bia vì anh rất ghét bia rượu trong giờ làm việc. Xin mở ngoặc kể thêm một chuyện “minh hoạ” cho điều này. Có lần vào đầu giờ làm việc buổi chiều, một lãnh đạo phòng mặt đỏ tươi, cười méo mó sang “khoe” với tôi vừa bị anh Bách
đuổi ra, hẹn bao giờ hết đỏ mặt thì hãy đến gặp anh! Hoá ra anh lãnh đạo phòng này vừa được bạn mời vui vẻ lúc nghỉ trưa, mà anh lại thuộc nhóm người uống bia rượu rất có “hiệu quả”!
Anh Bách bỏ mấy viên đá vào cốc, rồi cầm bình rót vào một thứ nước xẫm đen mời tôi uống và hỏi “Đố Dung biết loại nước gì?”. Cầm cốc lên uống một ngụm, tôi cười và nói: “Anh coi thường em quá! Em đã được thưởng thức loại đặc sản này từ thuở còn là con nít!” Lúc đầu anh tưởng tôi bịa. Tôi nhắc anh rằng tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng đồng chiêm, ở đó xung quanh những cái ao có nhiều
cây và thường có một vài cây vối. Tôi “giảng giải” với anh, quê tôi thưởng thức những ba bốn loại nước vối khác nhau. Nước lá vối tươi xanh ngăn ngắt nhưng người không quen hơi khó uống. Lá vối ủ vàng rồi phơi khô uống dần, đây là loại được dùng phổ biến nhất vì dự trữ được, dễ uống và rất “lành” (uống nóng uống nguội đều được, “hâm” đi “hâm” lại vô tư!). “Sang” nhất là nước nụ vối, nhưng
phải là nụ vối ủ đúng cách rồi phơi khô vì nụ vối tươi không khác lá vối tươi là bao. Anh lắng nghe một cách thích thú.
Kết thúc “bài giảng” tôi uống một hơi hết cốc nước đặc sản anh mời. Cốc nước nụ vối hôm ấy sao mà “ngon” lạ lùng, bởi tôi đang khát, bởi tình anh, tình quê hoà quyện…
Cuộc quyên góp trên nhà sàn tại xã Hợp Thành
Cuối năm 2002, trong chương trình tiến tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Y hà Nội, Nhà rường tổ chức các đoàn về thăm và đặt bia lưu niệm tại Chiêm Hoá Tuyên Quang và Phú Lương Thái Nguyên, cảm ơn nhân dân địa phương đã đùm bọc Nhà trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Anh Bách thân chinh dẫn đầu cả hai đoàn. Tôi xin được tham gia đoàn về huyện Phú Lương.
Cán bộ và nhân dân địa phương nồng nhiệt chào đón. Trong đoàn ai cũng vui mừng cảm động như những người con đi xa lâu ngày nay về thăm quê. Tôi còn có thêm cảm xúc riêng của một người có hai năm đầu tiên trong cuộc đời sinh viên đã sống và học tập dứơi Mái Trường Xanh trên đất xã Hợp Thành, huyện Phú Lương. Cũng vì thốt ra điều này mà trong cuộc liên hoan với địa phương trên nhà
sàn buổi trưa hôm đó, tôi đã “được” anh Hùng Bí thư huyện uỷ Phú Lương mời thêm một ly rượu! Cũng may có món xúp khoai môn rất ngon đã cứu nguy …
Dự liên hoan về phía địa phương ngoài cán bộ huyện, xã còn có cả một số
thầy cô giáo. Anh Bách hỏi han rất kỹ tình hình dạy học ở đây. Trong không khí đầm ấm thân tình, một cô giáo mầm non đã bộc bạch những khó khăn thiếu thốn tại lớp mẫu giáo cô đang phụ trách. Nghe chuyện cô, không khí đang sôi nổi lắng hẳn xuống. Anh Bách lên tiếng, hứa hẹn Trường Đại học Y Hà Nội sẽ giúp đỡ thêm cơ sở vật chất cho trường, trạm của xã, rồi anh phát động cuộc quyên góp tại
chỗ ủng hộ lớp mẫu giáo. Sáng kiến của anh Bách thật đúng lúc, thật hợp lòng mọi người. Không khí trên nhà sàn lại bừng lên sôi nổi. Anh Bách rút ví lấy tiền ủnghộ. Tất cả mọi người ào ào làm theo, ai cũng cảm thấy rất vui được làm công việc này. Ngay sau đó anh Bách chỉ định nhóm kiểm kê tại chỗ gồm đại diện địa phương, đại diện Nhà trường và cô phụ trách lớp mẫu giáo. Anh Bách lưu ý với
cán bộ xã, đây là quà của đoàn tặng riêng lớp mẫu giáo, địa phương sắm sửa cho lớp theo ý kiến đề xuất của cô phụ trách lớp.
Món quà này chắc chắn chỉ cải thiện được phần nào điều kiện sinh hoạt, học tập của các cháu, nhưng hôm ấy tôi đã nhìn thấy đôi mắt cô giáo long lanh sáng rưng rưng…
Đơn giản vì anh Bách phải luôn yêu đời
Trong hơn mười năm làm Hiệu trưởng thì gần mười năm anh Bách làm việc ở một phòng xép khoảng mười mét vuông, đủ kê hai cái bàn sát nhau và mấy cái ghế (khoảng giữa của bàn phía trong là nơi làm việc, đầu bàn phía gần cửa ra vào là nơi tiếp khách, những phần còn lại chất đầy tài liệu), ngoài cửa ra vào chỉ có một cửa sổ ở góc phòng.
Anh Bách đã đốt thuốc lá liên tục trong cái “hộp” ấy!
Vào phòng anh Bách “ấn tượng” nhất là ta được “đắm chìm” trong bầu- không-khí-thuốc-lá, không chỉ với những người không hút thuốc như tôi, mà ngay cả với một số “smoker” có hạng! Hình như trong bầu không khí ấy anh Bách làm việc hiệu quả hơn!?
Vào mùa hè năm 2001 anh Bách tuyên bố sẽ cai thuốc lá. Tôi nghĩ lý do chính không phải anh quan tâm đến sức khoẻ của mình hơn. Thời gian này Bộ Y tế bắt đầu cuộc vận động không hút thuốc ở nơi làm việc. Và có thể câu chuyện trong chuyến đi công tác ở Thụy Sĩ cũng có tác động không nhỏ. Tôi đã được nghe anh kể lần đi Thuỵ Sĩ, một hôm cuộc họp kéo dài, anh không thể “nhịn” hút thêm được nữa! Anh xin lỗi ông chủ toạ rằng mình có một “tật xấu”, không thể tập trung họp tiếp nếu ông không cho phép nghỉ giải lao ít phút để anh hút thuốc. Ông chủ toạ vui vẻ đồng ý. Anh bước ra sân, một mình đứng hút thuốc dưới tuyết rơi! Trong thời gian cai thuốc, bản tính vui vẻ thường ngày của anh bị giảm đi rõ rệt. Rồi một hôm trong trạng thái mệt mỏi anh nói với tôi “ông Dung ơi, bỏ thuốc chán đời lắm!” Thế rồi anh Bách đã không thể “dứt tình” với thuốc lá! Đơn giản vì
anh cảm thấy không thể kéo dài thêm thời gian làm việc một cách trì trệ, và đơn giản vì anh Bách phải luôn yêu đời!
Đinh Hữu Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét