Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

PHẠM QUANG LONG - TIẾN VI QUAN, THOÁI VI VĂN SĨ

 PHẠM QUANG LONG - TIẾN VI QUAN, THOÁI VI VĂN SĨ

Lã Nguyên



Phạm Quang Long là một hiện tượng kì lạ. Xuất thân là nhà giáo, được đào tạo hệ thống trong môi trường hàn lâm, ông luôn khiến bạn hữu và những người quen biết không hết ngạc nhiên.
Tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phạm Quang Long được giữ lại trường làm giảng viên, rồi được cử đi học nghiên của sinh tại một trường Đại học danh giá bậc nhất của nước Nga thời các Sa hoàng và sau này là của Liên Xô cũ: Tổng hợp quốc gia Leningrad. Ông thực hiện một đề tài khó “nhằn”: “Nhân vật chính diện trong tác phẩm của N.G. Chernyshevsky”. Tôi nói khó “nhằn”, vì hầu hết nghiên cứu sinh ngành ngữ văn của ta khi ấy đều khôn ngoan mang đề tài Việt Nam sang bảo vệ ở Liên Xô. Họ đọc tài liệu tham khảo nhàn nhã bằng tiếng Việt, viết luận án bằng tiếng Việt, rồi tìm cách nào đó dịch sang tiếng Nga. Nhiều người học ở Nga thành Phó tiến sĩ hẳn hoi mà vẫn không nói, không đọc được tiếng Nga là vì thế. Tôi nghe người ta kể một giai thoại: có anh nghiên cứu sinh người Việt thi tối thiểu vấn đáp môn triết, bắt được câu hỏi “Vật chất và ý thức?”. Lên trả lời, anh không nói tiếng Nga, mà dùng ngôn ngữ cử chỉ, nắm hai nắm tay, một tay giơ trước mặt, một tay giơ sau lưng. Giáo sư nhìn thấy thế cười ngất, khen: - Tốt! Rất tốt! Tôi hiểu rồi, ý anh muốn nói “vật chất có trước, ý thức có sau”. Viết luận án về N.G. Chernyshevsky (1828 – 1889), về phê bình Nga thế kỉ XIX, ngoài yêu cầu giỏi tiếng Nga hiện đại, Phạm Quang Long phải xử lí cả đống tư liệu viết bằng tiếng Nga và bằng thứ văn tự Nga thế kỉ XIX. Tôi có duyên làm bạn với ông đã mấy chục năm nhờ chuyến nghiên cứu sinh rất nhọc nhằn này.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (sau này, được Việt Nam chuyển đổi thành Tiến sĩ), về nước, Phạm Quang Long vừa tiếp tục giảng dạy, vừa đặt chân vào đường quan lộ. Tôi nhớ, thoạt đầu, ông làm Phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học, thời Giáo sư Nguyễn Kim Đính làm Trưởng khoa Ngữ văn, ông làm Phó chủ nhiệm. Khi ĐH Tổng hợp tách thành hai, rồi nhập với ĐH Sư phạm và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ thành ĐHQG Hà Nội, ông làm Chủ nhiệm Khoa Văn, rồi Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Từ Hiệu trưởng, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội. Đường quan lộ của Phạm Quang Long khép lại bằng hai khóa liền làm Giám đốc sở văn hóa Hà Nội. Đó cũng là lúc Hà Nội mở rộng, một đêm ngủ dậy, dân Hà Tây bỗng thấy mình thành người kinh kì; ở các tỉnh – thành, ba sở Văn – Thể - Du cũng nhập lại thành một. Thế là một thời, dưới trướng Phạm Quang Long từng có 14 Phó Giám đốc. Tôi không tưởng tượng nổi ông đã xoay sở thế nào để “quản” 14 vị Phó giám đốc ấy, và tôi đoán, việc thu phục bọn họ, nói cho họ nghe, khiến họ không “thọc gậy bánh xe” chắc còn khó hơn rất nhiều so với việc phụng sự công việc văn hóa của thủ đô. Tôi biết, đường hoạn lộ của ông không phải bao giờ cũng “xuôi chèo mát mái”. Tôi nghe kể, có kẻ tính kế gài bẫy ông, ông không từ quan, chỉ vì không muốn thua bọn họ. Nhưng nhìn chung, Phạm Quang Long từng được đặt vào nhiều vị trí quản lí văn hóa – giáo dục quan trọng và tỏ ra có tài lãnh đạo hơn người.
Phàm đã làm quan, không mấy ai còn muốn làm dân và hình như nhiều người không thể làm dân được nữa. Tôi chứng kiến nhiều ông quan. bà quan về hưu, họ tiếc cái ghế quan tới mức hóa trầm cảm, ngẩn ngơ, rồi ngã bệnh, chẳng được bao lâu thì thành người thiên cổ. Phạm Quang Long không thế! Ông “thoái quan vi sư”, rồi lại “thoái sư vi văn sĩ”. Mà ở xứ mình, làm anh “văn sĩ” cũng có nghĩa là làm “dân”. Phạm Quang Long làm quan đã giỏi, mà làm “dân” cũng tài, cứ nhẹ như không! Những khi đứng ngồi, trò chuyện với ông, tôi không nghĩ từng có lúc ông đã làm quan! Làm quan, hay làm dân, lúc nào ông cũng sống đôn hậu. Mấy chục năm làm bạn với ông, tôi nợ ông nhiều món nợ ân tình. Mà ông không chỉ tốt riêng với tôi đâu! Còn nhớ khi xưa, tôi thường nghe cố Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh không tiếc lời nói về sự tử tế và lòng tốt của Phạm Quang Long, mặc dù Phạm Quang Long không phải là học trò của ông.
Không phải chờ tới lúc “mãn quan”, Phạm Quang Long mới làm văn sĩ. Khi còn làm quan, ông thường viết báo. Nhưng đúng là phải chờ tới khi rời chốn quan trường, sức sáng tạo văn học của Phạm Quang Long mới bung ra hết cỡ. Nghỉ quản lí năm 2013, thì năm 2014, ông có ngay tập kịch bản văn học gồm 8 vở, lấy tên Nợ non sông (Nhà xuất bản Đại học quốc gia). Vở Nợ non sông được Nhà hát cải lương Hà nội dàn dựng, đưa lên sàn diễn. Trong một lần trò chuyện, cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nói với tôi rất nhiều về sự kiện này. Năm 2016, ông cho ra mắt tiểu thuyết Lạc giữa cõi người (Nhà xuất bản Hội nhà văn). Năm 2017, ông có tiểu thuyết Bạn bè một thuở (Nhà xuất bản lao động). Tiếp năm sau đó, 2018, ông xuất bản Cuộc cờ (Nhà xuất bản Hà Nội). Đến năm 2020, ông lại có Chuyện làng (Nhà xuất bản Công an nhân dân) và năm ngoái, 2022, ông trình làng cuốn tiểu thuyết mới tặng tôi: Mùa rươi (Nhà xuất bản văn học). Theo chỗ tôi biết, ông đang gấp rút hoàn thành tiểu thuyết thứ sáu, dự định lấy tên là Trưởng tộc. Trong vòng 9 năm, xuất bản 8 kịch bản văn học và ngần ấy cuốn tiểu thuyết dày dặn, đó là một hiện tượng hi hữu, các nhà văn hiện nay không phải ai cũng sáng tạo sung sức như thế.
Tiểu thuyết của Phạm Quang khai thác chất liệu ở một không gian hẹp, có khi là một cơ quan, thường là một ngôi làng nhỏ nào đó, chủ yếu là làng quê duyên hải ở đồng bằng Bắc bộ mà người ta có thể nhận ra là ngôi làng của chính tác giả. Trong cách xử lí chất liệu của Phạm Quang Long, ngôi làng rất nhà quê ấy, hay cái cơ quan kia không bao giờ đóng kín, bởi mạch truyện luôn dẫn một số nhân vật tung hoành ngang dọc từ Bắc vào Nam, từ quê ra tỉnh. Truyện cơ quan, làng xóm còn có thể trải dài theo lịch sử từ sau Cách mạng tháng Tám, đến kháng chiến chống Pháp, qua Cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa nông thôn tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bác, rồi lại kháng chiến chống Mĩ cho tới ngày thống nhất đất nước. Nhờ thế, trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long, không gian truyện kể thực sự trở thành bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam thời hiện đại với không biết bao nhiêu số phận thăng trầm chìm nổi.
Vẽ ra bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam đương đại, tiểu thuyết của Phạm Quang Long hòa vào dòng chảy lớn của văn học dân tộc thời “Đổi mới”. Ta nhận ra bước ngoặt Đổi mới ấy qua sự thay đổi của thể tài văn học. Trước Đổi mới, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là nền văn học sử thi, văn học truyền thuyết. Truyền thuyết và sử thi quan tâm trước hết tới các vấn đề về lịch sử và dân tộc. Văn học Đổi mới chủ yếu là văn học thế sự. Nó hướng sự chú ý vào các quan hệ thế sự và số phận của con người trong đời sống xã hội thế sự. Cả năm cuốn tiểu thuyết của Phạm Quang Long đều thuộc phạm trù văn học thế sự như vậy. Ở đó, đối tượng quan sát chủ yếu của tác giả là các quan hệ tình làng nghĩa xóm, quan hệ anh em, bạn bầu, đồng đội, đồng chí được hình thành và nổi lên trong đời sống xã hội của chúng ta từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay. Trong các tiểu thuyết của Phạm Quang Long cũng có khôngg ít chuyện tình yêu đôi lứa, ví như Mùa rươi, tác phẩm vừa xuất bản gần đây, được khép lại bằng một đám cưới. Nhưng hầu như không có ngoại lệ, cặp tình nhân nào trong sáng tác của ông cũng chỉ tìm được trái ngọt hạnh phúc sau rất nhiều bầm dập vì sóng gió của đời sống thế sự.
Bước ngoặt thể tài trong văn học kéo theo sự thay đổi cái nhìn và cảm hứng thẩm mĩ của người sáng tác đối với bức tranh thế giới và trạng thái nhân sinh. Trước Đổi mới, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mô tả bức tranh thế giới như “ngày hội toàn dân”. Lao động dựng xây trong hòa bình là ngày hôi: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp áp làng quê/ Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn” (Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có đảng). Chiến tranh cũng là ngày hội: “Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục <…> Súng nhỏ sung to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (Chính Hữu, Đường ra mặt trận). Toàn bộ nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là một bài ca hùng tráng: bài ca ra trận và bài ca dựng xây. Hiện thực trở thành nghệ thuật, “Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”, thơ, ca, nhạc, họa trở thành trạng thái nhân sinh trong cảm hứng lãng mạn bay bổng của nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Từ Đổi mới, nhất là từ sau 1986, người ta thấy trong sáng tác của nhiều tác giả nổi lên một xu hướng cảm hứng khác: cảm hứng về một trạng thái “loạn lạc”.. Thử đọc lại Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh mà xem có đúng vậy không? Trong thơ Nguyễn Duy, chiến tranh không còn là “khúc hát”, “bài ca”, mà là “trận cháy làng”: “Chiến tranh như trận cháy làng/ bà con ta trắng khan tang trên đầu” (Nguyễn Duy, Về làng). Trung Trung Đỉnh viết Lạc rừng, kể lại sự lưu lạc của người lính trong chiến tranh. Miền hoang của Sương Nguyệt Minh cũng tả cảnh chiến tranh để nói chuyện lạc đường ở trong rừng, và khi ra khỏi rừng, người lính chiến trở nên lạc lõng giữa đồng bào của mình. Mà chả cứ chiến tranh mới là loạn lạc! Cả ba cuốn tiểu thuyết lớn của Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn và Đội gạo lên chùa đều lấy bối cảnh loạn lạc để dựng lại bức tranh của nhiều thời đại lịch sử. Trong cái nhìn lịch sử và cảm hứng thẩm mĩ của ông, thời bình cũng loạn lạc. Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu nổi tiếng với Tướng về hưu, chùm cổ tích Những ngọn gió Hua Tát và chùm truyện lịch sử Phẩm tiết, Kiếm sắc, Vàng lửa. Chiến tranh chỉ để lại cái bóng rất mờ nhạt trong sáng tác của ông. Nhưng tác phẩm nào của Nguyễn Huy Thiệp cũng vẽ ra bức tranh về một thế giới “động rừng”, “loạn cờ”, “không có vua”. Sự “lạc loài” của con người giữa một thế giới “động rừng”, “loạn cờ”, “không có vua” là trạng thái nhân sinh trong sáng tác của nhà văn này.
Tiểu thuyết của Phạm Quang Long hòa vào dòng chảy lớn của văn học thời Đổi mới chính là ở cảm hứng về trạng thái “lạc lõng”, “lạc loài”, “loạn lạc” như thế. “Lạc giữa cõi người” không chỉ là nội dung cốt lõi trong tác phẩm cùng tên của Phạm Quang Long. Nó còn là motif chủ đề hiện diện ở toàn bộ sáng tác của ông và được ông xử lí theo cách riêng.
Như đã nói, không gian nghệ thuật trong trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long là bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam thời hiện đại. Ông gọi đó là “cõi người”. Qua mạch truyện và cách cách thể hiện của ông, ta thấy đặc điểm quan trọng nhất của cái “cõi người” ấy là lúc nào nó cũng bị đập ra, xới tung lên để làm lại. Chỉ cần đọc Chuyện làng của Phạm Quang Long, độc giả sẽ nhận ra ngay, gần nửa thế kỉ, nông thôn Việt Nam đã bị đập ra, làm lại như thế nào: Cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa nông thôn ở những năm năm mươi và sáu mươi của thế kỉ trước là những cuộc đập ra, xây lại đại qui mô. Chuyện khoanh bờ, dồn thửa, “xây dựng nông thôn mới” trong Mùa rươi càng chứng tỏ ở nông thôn, công cuộc đập “cõi người” ra mà làm lại xem chừng vẫn chưa có hồi kết. Mà “xây dựng nông thôn mới” thì hình như là quá trình đô thị hóa bằng mọi giá và xi măng hóa đường làng ngõ xóm. Ở đô thị, từ huyện lên đến tỉnh, cơ quan công quyền cũng thường diễn ra chuyện tách ra - nhập vào, phá đi - làm lại: việc xếp đặt nhân sự lúc nào cũng hăm hở như “cuộc cờ”, xóa cuộc này, bày ra cuộc khác, nhiều khi để “cứu bàn cờ”, người ta không ngần ngại “hi sinh" rất nhiểu quân cờ.
Đọc tiểu thuyết của Phạm Quang Long, tôi cảm nhận thấm thía điều này: chúng ta đang sống trong một thế giới mà cái cũ đã bị đập đi, phá bỏ xong xuôi, nhưng cái “mới”, cái đang hình thành thì vẫn chưa rõ diện mạo của nó sẽ như thế nào. Tôi thấy trong sáng tác của ông, mạch tự duy nghệ thuật giàu chất dân gian. Cũng như trong truyện cười dân gian, xung đột truyện kể trong tiểu thuyết của ông chủ yếu là xung đột khôn – dại. “Dại” là tên gọi, được sử dụng để chỉ người tử tế, trong sáng, thật thà, thuần phác, nhân hậu. “Khôn” là những kẻ “miệng nam mô bụng bồ dao găm”. Họ đầy mưu mẹo, lắm khi xảo trá, thậm chí tàn ác. Ngoài “quyền” và “lợi”, mắt kẻ “khôn” không nhìn thấy gì khác. Cho nên, đằng sau xung đột khôn – dại là xung đột lợi ích quanh khối “của chung” và cái “trống làng”. Người “dại” sống nhân hậu, công tâm, vì cái chung, làm gì cũng tính tới tình làng nghĩa xóm. Kẻ “khôn” thì giở đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe để chiếm lấy cái “trống làng” và khối “của chung” theo cái cách mà từ ngàn xưa dân gian đã biết tỏng: “Trống làng ai đánh thì thùng/ Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng”. Trong những cuộc đập ra – làm lại chưa bao giờ có hồi kết ở cái làng quê cổ truyền, kẻ “khôn” đứng trong bóng tối, cố kết lại với nhau, anh “dại” hóa thành thiểu số và thế là bị “lạc giữa cõi người”. Lôgic truyện kể trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long có thể gói gọn một cách giản lược như vậy.
Để khép lại những gì đã viết, tôi muốn nhấn mạnh mấy ý thế này:
Thứ nhất, tiểu thuyết thuộc loại văn chương hư cấu, nhưng hư cấu ra sao, ta vẫn tìm thấy ở đó dấu ấn trải nghiệm đời sống của chính tác giả. Không đứng ở trung tâm các sự kiện, chưa từng bị “lạc giữa cõi người”, vị tất Phạm Quang Long đã phát hiện ra tứ truyện ấy và chắc chắn ông không thể mô tả mọi ngóc ngách của nó kĩ lưỡng như thế. Về phương diện này, tiểu thuyết của Phạm Quang Long mang đậm dấu ấn tự truyện, không phải tự truyện tiểu sử, mà là tự truyện tâm lí.
Thứ hai, có cơ sở để nói: văn là người. Tư duy nghệ thuật của Phạm Quang Long mang đậm chất dân gian, nhưng là ngòi bút nhân hậu, ông không thể biến văn chương thành tòa án trừng phạt lũ “khôn ngoan” và kẻ ác, bắt Lí Thông thành bọ hung, hay đem mụ Cám ra muối mắm. Tiểu thuyết nào của ông cũng kết thúc có hậu trong bầu không khí ấm áp tình người. Nhưng ý nghĩa của tác phẩm thì vẫn toát lên từ khuynh hướng khách quan của nó. Với sự hiện diện của motif “lạc giữa cõi người” ở hầu hết cảc các tác phẩm của Phạm Quang Long, độc giả của ông không thể không ngẫm nghĩ về sự thất thế, cũng có thể nói là sự thất bại của cái tử tế đang diễn ra trong đời sống từng ngày từng giờ ngay trước mắt chúng ta.
Thứ ba, và đó là điều quan trọng nhất, những năm gần đây, trong sáng tác ở ta, thấy nổi lên xu hướng văn học sinh thái. Trong xu hướng văn học sinh thái này, tôi có cơ sở để xem Phạm Quang Long là cây bút đáng kể nhất. Là bởi vì khi chạm vào chủ đề ấy, đa số các nhà văn ở ta chỉ nghĩ tới chuyện sinh thái tự nhiên, ví như chuyện chặt cây, san núi, phá rừng, hay xả thái hóa chất độc hại ra môi trường tự nhiên sông biển. Tiểu thuyết của Phạm Quang Long bầy ra trước mắt độc giả tình trạng sinh thái xã hội, sinh thái tinh thần. Đọc sáng tác của ông, độc giả không thể không nhận ra, rằng tình trạng phá đi - làm lại chưa có hồi kết, tình trạng đô thị hóa bằng mọi giá và sự thất thế của cái tử tế mới thực sự là vấn đề sinh thái cốt tử nhất ở ta bây giờ. Và đó mới là gốc rễ của vấn đề sinh thái tự nhiên.
Thứ tư, điểm cuối cùng, giữa rất nhiều nhân vật được tạo ra trong năm cuốn tiểu thuyết của Phạm Quang Long, tôi thích nhất hình tượng người trần thuật. Bởi tôi luôn bắt gặp ở hình tượng này nụ cười dí dỏm và cặp mắt tinh quái của chính tác giả - cặp mắt có khả năng nhìn thấu mọi sự lươn lẹo, dối trá ở đời./
LN
Đồng Bát, tháng 12.2023.
Tất cả cảm xúc:
Bạn, Thu Nguyen Bich, Đào Quốc Vịnh và 464 người khác
119
2
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Nguyễn Viết Hiện
Bài viết quá hay.tôi cũng nghĩ thế nhưng không phân tích được .Cảm ơn tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét