Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

TẢN MẠN VỀ HAI THI TÀI LỤC BÁT NGUYỄN DU VÀ NGUYỄN BÍNH

 


 

TẢN MẠN VỀ HAI THI TÀI LỤC BÁT NGUYỄN DU VÀ

NGUYỄN BÍNH

                                                                                               PHẠM CÔNG TRỨ                         

Ai cũng biết Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc. Văn chương của ông, cụ thể là Truyện Kiều, đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam. Trong số đó, theo người viết bài này, thì người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Nguyễn Bính. Hai thi tài lục bát họ Nguyễn, một đại diện cho lục bát cổ điển, một đại diện cho lục bát lãng mạn đã làm cho thể thơ thuần Việt này xứng đáng với vị thế và sứ mệnh “chuyên chở tâm hồn Việt”.

“Giỗ Nguyễn Du mà Nguyễn Bính không vào được a?”

Cứ trộm nghĩ, Nguyễn Du và Nguyễn Bính, dù là cách nhau nhiều thế hệ, lại khác nhau về hoàn cảnh xuất thân, về học vấn và tài năng, nhưng giữa họ vẫn như có ít nhiều cái duyên hạnh ngộ.

Tên đầy đủ bố mẹ đặt cho Nguyễn Bính là Nguyễn Trọng Bính. Không rõ ông đã rút gọn thành Nguyễn Bính, và lấy làm bút danh suốt đời của mình tự bao giờ, song theo tôi việc này không ngẫu nhiên mà hàm chứa nhiều ẩn ý. Ai đã đọc hồi ký “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài, hẳn thấy có đoạn:“Nhà hát lớn có kỷ niệm Nguyễn Du. Nếu tối ấy không có ban tổ chức Hoàng Châu Ký ra can thiệp, còn lôi thôi nhiều. Đã muộn, ở cuộc rượu nào vừa đứng lên, Nguyễn Bính ngồi xích lô đến Nhà Hát Lớn. Những người giữ cửa không cho vào. Thế là Nguyễn Bính làm toáng lên:

- Không phải giấy má gì cả! Giỗ Nguyễn Du mà Nguyễn Bính không vào được a!

Người ta phải lập lại trật tự với người say rượu. Rồi Nguyễn Bính cũng vào được. Chắc được vào rồi cũng ngủ mà thôi”.

Mẩu hồi ức này của Tô Hoài, cho thấy Nguyễn Bính luôn ý thức rằng mình là “hậu duệ” của Nguyễn Du. Cái cụm từ “giỗ Nguyễn Du” thay vì “kỷ niệm Nguyễn Du” đã nói lên điều đó. Kỷ niệm, tưởng niệm, là những cụm từ du nhập từ phương Tây, mang tính chất lễ nghi trang trọng của một tổ chức dành cho ngày sinh của các danh nhân, người nổi tiếng. Cúng giỗ, theo nghĩa nguyên thủy, được người Việt thực hiện trong phạm vi ruột rà thân thích, và chỉ dành cho ngày mất. Nói “giỗ Nguyễn Du”, vô tình hay hữu ý, Nguyễn Bính đã tự nhận mình là hậu duệ của Nguyễn Du, là “người trong cuộc”. Và, như vậy, ông có mặt là lẽ đương nhiên “không phải giấy má gì cả”, dù rằng như phỏng đoán có phần hài hước của tác giả Cát bụi chân ai thì Chắc được vào rồi cũng ngủ mà thôi” (!).

Hai cái tên Nguyễn Du và Nguyễn Bính, nếu đặt cạnh nhau, ngẫm ra cũng khá thú vị. Chữ “Du” như đã hàm ẩn trong nó cái sự sang trọng, quý tộc, còn chữ “Bính” bẩm sinh như đã có cái chất dân dã, quê mùa - “quê mùa như Nguyễn Bính” (Hoài Thanh). Ấy là nói về cái đại thể, chứ Nguyễn Bính cũng đâu hẳn quê mùa. Thì chính Hoài Thanh cũng đã tráchKể, một phần cũng là lỗi thi nhân. Ai bảo người không nhà quê hẳn?”; “Thế mà chính người cũng đã “đi tỉnh” nhiều lắm. Dấu thị thành chẳng những người mang trên quần áo, nó còn in vào tận trong hồn”.

Nếu vi von hình ảnh, thì Nguyễn Du mang cốt cách của nàng Kiều tài sắc vẹn toàn, đã “nghiêng nước nghiêng thành” lại giỏi cả “cầm kỳ thi họa”, còn Nguyễn Bính là cô gái của “hoa chanh nở giữa vườn chanh”, mang cái duyên dân dã, hồn nhiên, quê kiểng. Nàng Kiều con Viên ngoại họ Vương, căn cước ở tận Bắc Kinh (Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về). Còn cô gái quê mon men ra tỉnh thì “nhà nàng ở cạnh nhà tôi”, là con đẻ của ruộng đồng nước Việt, nơi thôn Vân, ngõ Trạm, làng Thiện Vịnh, xứ Sơn-Nam-Hạ xưa.

Ai cũng hiểu, độ “lớn” của tác phẩm là do tài năng của nhà văn quyết định. Mà tài năng lại phần nhiều được cấu thành từ vốn văn hóa và vốn sống của mỗi tác giả. Trong thơ, ở Nguyễn Du tính bác học nhiều hơn tính dân gian. Là dân gian đã được bàn tay bậc thầy chưng cất, nhào nặn mà thành ra tinh hoa, tinh túy, kết tinh ở kiệt tác truyện kiều. Còn ở Nguyễn Bính, dân gian lấn át tính bác học. Tác phẩm của ông còn như hằn rõ cái vệt vân tay của một nghệ nhân tài hoa lấm lem bùn đất ruộng vườn. Cũng phải thôi, cậu ấm quý tử Nguyễn Du con Tể tướng Nguyễn Nghiễm, em Nguyễn Khản cũng từng là Nhập thị Tham tụng (ngang Tể tư­ớng), sinh ra ở kinh thành Thăng Long, được nuôi dưỡng, dậy dỗ bài bản từ tấm bé. Ông chẳng những lầu thuộc “tứ thư ngũ kinh”, mà còn thông tỏ cả “tam giáo”, dù chốn trường ốc ông không mấy đỗ đạt cao. Trong những lần sang Trung Hoa, ông còn dụng công tìm đến những địa chỉ văn hóa nổi tiếng để mong làm giàu thêm cái vốn tinh thần của mình. Chỉ từ khi gia thế sa sút lại gặp thời loạn ly, trải qua “mười năm gió bụi” (thập tải phong trần) cáí chất dân dã mới ngấm dần vào ông.

Nguyễn Bính “con nhà nho cũ”, sinh bất phùng thời, gốc nông dân, mồ côi mẹ khi mới ba tháng tuổi, sống sót là nhờ bú mớm, chăm bẵm của bà con phía bên ngoại. Lớn lên được anh mẹ, là nhà nho danh tiếng lỡ vận Bùi Trình Khiêm kèm cặp cả quốc ngữ lẫn nho học. Mười ba tuổi ra thành phố được anh ruột, nhà văn nhà giáo Trúc Đường (Nguyễn Mạnh Phác), rèn cặp thêm ít nhiều văn hóa Pháp. Học vấn của Nguyễn Bính chỉ ở cấp tiểu học. Với vốn chữ nghĩa ban đầu ít ỏi như vậy, nhưng nhờ tố chất thông minh bẩm sinh, ông đã tự tin mà đi “dan díu với kinh thành”, dám quăng thân vào “trường văn trận bút” giữa thời bùng nổ của Thơ Mới, đang được trấn giữ bởi các bậc trưởng lão, lắm chữ nghĩa, giầu mẹo mực. Con người nhôm nham, chân tay thô nhám, quềnh quàng, tóc tai bờm xờm trong bộ quần áo Tây trắng đã tã, cùng với chiếc hộp bánh bích quy cắp nách trong đựng thơ tình, là chân dung của tác giả “chân quê” thời mới ra phố, nhìn dưới mắt Tô Hoài.

Đúng là trong rủi có may, trong họa có phúc. Không có sự sa sút của gia tộc, sự biến thiên thời thế, sự bầm dập với đời thì không có Nguyễn Du, hoặc là có Nguyễn Du của văn chương thuần Hán. Cuộc “bể dâu”, như một định mệnh, đã buộc Nguyễn Du gác lại cái học khoa cử để “Thôn ca sơ học tang ma ngữ”. Truyện Kiều, mà ông xem là “lời quê chắp nhặt dông dài”, “Văn tế thập loại chúng sinh” - khúc bi ca về sự vô thường kiếp người, được tựu thành trên sự trộn lẫn, tích hợp giữa điển tích, điển cố Trung Hoa với dân ca quan họ xứ Kinh-Bắc quê mẹ, hát chèo vùng Sơn-Nam-Hạ quê vợ, hát dặm của gốc quê Nghệ-Tĩnh.

Theo chiều ngược lại, không vì hoàn cảnh éo le cùng nỗi khổ sinh kế, phải sớm đi dan díu với kinh thành, rung lắc cùng sòng đời, chìm nổi cùng “mười hai bến nước”, thì không có Nguyễn Bính. Hoặc là có Nguyễn Bính của văn chương bình dân, lẫn vào với ca dao, tục ngữ cùng với truyện Nôm khuyết danh. “Lỡ bước sang ngang”, “Mười hai bến nước”, “Truyện tỳ bà”… là kết tinh của sự hòa trộn chất dân gian quê kiểng của hát chèo, hát văn, cùng tinh hoa của ca dao, phương ngữ, tục ngữ và bầu không khí lãng mạn đậm chất thị thành du nhập từ phương Tây.

Trường đời chính là “lò cừ” vĩ đại đào luyện nên hai nhà lục bát trứ danh này. Với Nguyễn Du thì là “Trải qua một cuộc biển dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, còn với Nguyễn Bính thì “Song le trường học thiên nhiên sẽ/ Đào luyện nhà thơ nên một người?”. Là một nhà nhân đạo lớn, một ngòi bút hiện thực giàu nhân bản, Nguyễn Du đã lấy nàng Kiều, nàng Tiểu Thanh, cô Cầm, những “khách má hồng”, cùng “thập loại chúng sinh”, để ký thác tư tưởng của ông về sự gét nhau của “tài mệnh”, về sự “vô thường” của kiếp người. Là một nhà thơ lãng mạn, song là con đẻ của thôn Vân, xóm Trạm, Nguyễn Bính cũng lấy những “em”, những “nàng”, những “chị” để chuyển tải tư tưởng “thầy u mình với chúng mình chân quê”, “lỡ bước sang ngang”, đầy tính nhân văn của mình. Nỗi buồn bản thân đan cài với nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn thời đại làm nên vẻ đẹp, tạo sức hút riêng, bàng bạc khắp các thi phẩm của hai thi tài này.

Thực tế, sau truyện kiều, thơ Nguyễn Bính được tìm đọc nhiều nhất. Người ta, nhất là tầng lớp bình dân, nhớ truyện Kiều, thuộc lỡ bước sang ngang vì nhiều lẽ, nhưng trước hết là họ, nhất là phái nữ, tìm thấy trong thơ của hai ông bóng dáng mình, cũng như sự sẻ chia, cảm thông, an ủi cho số phận mình. Sau nữa, thể thơ lục bát mà các ông chọn để chuyển tải tư tưởng, giãi bày tâm sự là sản phẩm đích thực của cư dân nông nghiệp, là “điệu tâm hồn” của người Việt, dễ nhớ, dễ thuộc, nên dễ đi vào lòng người. Cũng là lục bát, song nếu nghệ thuật không đạt đến độ tinh xảo, vi diệu  như lục bát của hai thi tài này thì cũng chẳng thể quyến rũ được người đời đến vậy.

Theo Hoàng Tấn, một trong những người bạn thân nhất của Nguyễn Bính, thì “Riêng về thơ, Bính tự cao tự đại quá quắt”, “Những câu thơ của ai được Bính khen hay, “khuyên son” là một điều hãn hữu”. Vẫn theo Hồi ký của Hoàng Tấn “Người mà Bính phục tài, tôn lên làm bực thày và “nguyện suốt đời làm một người học trò nhỏ” là thi hào Nguyễn Du. Chẳng có thế mà Truyện Kiều, Bính thuộc làu và lấy làm sách gối đầu giường”.

Trong “Bài thơ quê hương”, gần như một thi phẩm cuối cùng tổng kết tình tự quê hương, tình tự dân tộc của mình, Nguyễn Bính đã khẳng định: “Có Nguyễn Trãi có Bình Ngô đại cáo/ Có Nguyễn Du và có một Truyện Kiều”. Vâng, chỉ có một Truyện Kiều của Tố Như. Hai ông họ Nguyễn này, một đại biểu cho khí phách Việt, một đại biểu cho tâm hồn Việt. Hai ông, cùng với bao nhân vật hữu danh và vô danh khác, đã làm rạng rỡ cái “Duy ngã Đại Việt chi quốc/ Thực vi văn hiến chi bang” như tuyên bố trong Bình Ngô đại cáo, từ giữa thế kỷ XV. Nguồn mạch dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại mới đã là cơ sở để Nguyễn Bính viết những câu mộc mạc mà đầy nặng ân tình “Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ/ Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào/ Và “Truyện Kiều” mới có chân giá trị/ Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào”.

Cùng với độ lùi thời gian, văn tài của Nguyễn Du chẳng những không bị mai một mà ngày càng tỏa sáng. Dịp kỷ niệm hai trăm năm ngày ông mất (1820-2020) hàng trăm công trình, bài viết trên các bình diện văn học, ngôn ngữ, triết học, văn hóa  là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của kiệt tác Truyện Kiều. Văn tài của Nguyễn Bính cũng ngày càng sáng giá trong thời cách mạng 4.0 và kỷ nguyên kỹ thuật số. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Bính (1918-2018) đã là dịp để bạn đọc tìm hiểu, tri ân nhà thơ “chân quê” của mình, đồng thời cũng là dịp để giới nghiên cứu, phê bình làm sáng tỏ thêm giá trị thơ Nguyễn Bính dưới góc nhìn mới của thi pháp học, phong cách học, ký hiệu học, phân tâm học, phê bình sinh thái, nữ quyền... Đi với nhân dân lại cắm sâu vào nguồn mạch dân tộc nên thi nghiệp của các ông hầu như nằm ngoài quy luật nghiệt ngã của thời gian, là sự quên lãng.

Bài thơ cuối cùng của Nguyễn Bính viết một đêm cuối năm 1965 đăng báo Tết Bính Ngọ (1966) là “Vịnh cụ Tiên Điền”, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Đây là một bài “tập Kiều” 18 câu, cùng dòng chữ “Kính tặng Nguyễn Du và Truyện Kiều” với cặp câu kết “Lòng thơ lai láng bồi hồi/ Tưởng người nên lại thấy người về đây”, mà người ta cho là “sái”, là “mỗi lời là một vận vào khó nghe”. Nhưng Nguyễn Bính, kẻ nộp bài, vẫn giữ nguyên thế, “Một câu một chữ không sửa!. Ông đã ra đi vào sáng 29 (lấy làm ba mươi) Tết năm ấy, ở tuổi 49, để lại:“Năm mới tháng giêng mồng một tết/ Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”. Cha đẻ Truyện Kiều, hai trăm năm trước ra đi ở tuổi 54, để lại cho hậu thế lời trăng trối “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Thơ của hai thi tài này đều mang nặng thiên tính nữ, cùng chung nỗi đau của “phận đàn bà” trong xã hội cũ. Tôi cứ lẩn thẩn rằng, trước khi xuôi tay, nhắm mắt vĩnh biệt đời để đi vào thế giới bên kia, hẳn Nguyễn Du sẽ gọi tên Thúy Kiều, Tiểu Thanh, cô Cầm – những nhân vật mà ông đã ký thác tâm sự và đã làm ra tên tuổi ông. Còn Nguyễn Bính lẽ nào không gọi tên những Nhi, Oanh, Tú Uyên, Hương… những “cố nhân” của ba bốn tao ân ái, vừa làm khổ ông, vừa vinh danh ông. 

Có một câu trong Truyện Kiều, như Nguyễn Du viết dành cho Nguyễn Bính, là “Bể trần chìm nổi thuyền quyên/ Hữu tài, thương nỗi vô duyên lạ đời”. Hữu tài thì đã hẳn rồi, những nghệ danh mà dân gian phong tặng như thi sĩ “chân quê”, “ông vua thơ tình”, “thi sĩ của giang hồ”…đã nói lên điều đó. Còn vô duyên, ấy là mẹ mất sớm, sống trôi nổi, chưa bao giờ có một mái nhà riêng đúng nghĩa. Bốn lần cưới vợ, hoặc sống như vợ chồng, bốn đứa con, mà khi chết thì không có người thân nào bên cạnh. Với những trắc trở mang tính số phận như vậy, lẽ thường thì người ta sẽ oán hận đời, hoặc sống buông xuôi. Song, kỳ diệu thay, vượt lên số phận Nguyễn Bính vẫn là “thi sĩ của thương yêu” mang cái hồn thơ thiết tha, sâu đậm nhất của làng quê Việt - nơi lưu giữ “tâm hồn Việt”.

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư”, ấy là câu Nguyễn Du tự thán. “Càng tài sắc lắm càng oan nghiệt/ Bảy nổi ba chìm với nước non”, cũng là câu Nguyễn Bính tự than. Không phải thơ Nguyễn Bính không có “khúc vui”, song “ngày vui ngắn chẳng tầy gang”, mà ngẫm kỹ ra cũng chẳng khác gì cái tâm thế của cô Kiều lúc canh tàn rượu tỉnh “vui là vui gượng kẻo mà”. Còn “Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại/ Men nồng rượu nếp nước hoa cam” mới là âm hưởng chủ đạo làm nên thi nghiệp của người thơ mang phận sang ngang lỡ bước.

Tản mạn những dòng như vậy để thấy rằng, Nguyễn Bính, dù không đạt tới tầm cao tư tưởng và chiều sâu văn hóa Nguyễn Du, song vẫn là người xứng đáng kế tục ông, mang vào trong tác phẩm mình cái tâm sự sâu kín của Nguyễn Du. Có thể khẳng định rằng, sau ca dao, dân ca, người thầy dân gian vĩ đại ảnh hưởng đến Nguyễn Bính, thì người thầy tinh thần trực tiếp chính là Đại thi hào Nguyễn Du.

Theo chúng tôi, Nguyễn Bính đã kế thừa và nối tiếp Nguyễn Du chủ yếu và cụ thể trên hai khía cạnh: Một là, xót thương cho số phận con người, trước hết là thân phận của người phụ nữ ở thời đại cũ; Hai là, kế tục và làm mới thể thơ lục bát, cũng như về học tập ca dao, tục ngữ, vận dụng điển cố, điển tích. Sự tiếp thu cũng như  sự “cơi nới” của Nguyễn Bính có thể thấy rõ qua nghiên cứu đối sánh giữa “Lỡ bước sang ngang” và “Đoạn trường tân thanh” và giữa “Khúc tỳ bà” và “Khúc đoạn trường”. Song, đây là đề tài của một bài viết khác.

Người tiếp nhận “y bát’ của Nguyễn Du

“Y bát” là cụm từ vốn thuộc văn hóa Phật giáo được nhà văn tài danh quá cố Nguyễn Huy Thiệp “mượn” để luận về sự “truyền ngôi” của nghệ thuật lục bát xứ ta. Theo Nguyễn Huy Thiệp, lục bát của Nguyễn Du truyền cho Nguyễn Bính, rồi Nguyễn Bính truyền cho Đồng Đức Bốn. Nói Nguyễn Du truyền cho Nguyễn Bính thì làng văn đều như “chúng khẩu đồng từ”, tâm phục khẩu phục, còn như chuyện Nguyễn Bính có truyền cho họ Đồng hay không, lời phán của Nguyễn Huy Thiệp có thiêng không, thì hãy đợi đã. Đã chẳng từng có nhà thơ tên tuổi tự phải lòng mình, trong giây phút phấn hứng đã phóng bút viết “Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin lại so dây cùng người”, thì đến nay thực tế cũng như đã có câu trả lời đó sao!

Nói truyền y bát cũng là một cách ví von hình ảnh như cụm từ “hậu duệ” và ý nghĩa cũng rất tương đối. Đã là đệ tử được sư phụ truyền cho y bát thì phải ít nhiều mang dòng máu, hay có gen của tiền nhân. Đến lượt mình, như một quy luật, cái người kế thừa đó lại góp thêm vào những cái mới là sáng tạo của riêng mình, mang dấu ấn của thời đại mình. Nếu con không hơn cha, thì chí ít cũng phải có cái gì đấy khác cha, dù chỉ là một chút, thì mới là nhà… có phúc. Và, Nguyễn Bính, dù là “lục bát ngộ năng” hay “lục bát trí năng”, (theo tiêu chí của Nguyễn Huy Thiệp) thì xét trên các bình diện thân phận, tài năng, bản lĩnh, hầu như hội đủ cái “duyên” (nói theo ngôn ngữ nhà Phật), để được sư phụ Nguyễn Du “trao y bát”.

Nguyễn Bính cũng như Nguyễn Du, không chỉ có lục bát. Thơ chữ Hán Nguyễn Du chứa đựng những tâm sự riêng ông, có mặt còn sâu sắc, ám ảnh hơn cả Truyện Kiều. Thơ bảy chữ Nguyễn Bính có nhiều bài hay không thua kém gì lục bát. Song, rõ ràng Nguyễn Bính thành danh bằng lục bát và lục bát cũng khiến ông gần Nguyễn Du hơn cả. Nếu như lục bát Nguyễn Du là lục bát cổ điển của một nhà nho tài tử thời trung đại, thì lục bát Nguyễn Bính là lục bát hiện đại, đậm chất dân gian được lãng mạn hóa bởi một nhà Thơ Mới. Với Truyện Kiều, lục bát Nguyễn Du đã được xem là một tòa lâu đài lộng lẫy, kèo cột bằng ngọc bích, tường mái dát toàn vàng ròng. Lục bát Nguyễn Bính tuy không có cái lộng lẫy sang trọng như thế, song bù lại nó lại có sự quyến rũ riêng, ấy là cái chất dân gian Việt, gần gũi thân quen nên dễ đi vào lòng người.

Như đã nói, viết lỡ bước sang ngang, nhất là khi soạn truyện tỳ bà, Nguyễn Bính đã tiếp thu Nguyễn Du trên nhiều phương diện. Từ lựa chọn cốt truyện, chủ đề tư tưởng, đến vận dụng các thủ pháp khắc họa tính cách nhân vật, trong tả tình, tả cảnh, và nhất là nghệ thuật tự sự, dẫn chuyện, chuyển đoạn... Để viết truyện Kiều, Nguyễn Du, bằng bàn tay tài hoa bậc thầy, đã kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với truyện Kiều tiếng Việt đã trở lên phong phú, linh diệu, có thể diễn tả được mọi cung bậc vui buồn của người Việt. Trong Truyện Kiều những điển cố, điển tích Trung Hoa xuất hiện dày đặc, thì ở truyện tỳ bà chúng được vận dụng ở mức vừa phải để nhường chỗ cho những chất liệu chắt lọc từ văn học dân gian. Chẳng hạn, nỗi mong nhớ chồng của Ngũ Nương, được Nguyễn Bính dân gian hóa, Việt hóa đến độ nhuần nhuyễn: “Hỡi ơi! Đôi mắt đã mòn/ Nhớ ai bằng gái còn son nhớ chồng?”; “Chờ mong như suốt đêm qua/ Chàng ơi! Một tháng là ba mươi ngày”.

 truyện tỳ bà, không hiếm những đoạn vừa có cái mộc mạc, dân dã của ca dao, vừa có cái chau chuốt, sang trọng của văn chương truyện Kiều, như đoạn Nguyễn Bính tả tiếng đàn của Ngũ Nương, mà chàng nho sinh họ Thái ngang qua xóm Hiền lương trộm nghe được:“Tiếng đâu thắm ngọc tươi hoa/ Tiếng đâu nắng xế, trăng tà, mưa khuya/ Tiếng đâu chắp nối chia lìa/ Ngựa lên ải quạnh, chim về rừng xa/ Tiếng đâu, ôi! Tiếng tỳ bà/ Dừng chân Chung Tử để mà vấn vương… Đàn không là rượu mà say/ Đàn không cay đắng mà cay đắng lòng”.

Đây là đoạn tả tâm trạng dùng dằng đi thì cũng dở, ở không xong của Thái sinh khi bị bóng dáng người đẹp Ngũ Nương hớp mất hồn:Nhà ai bặt tiếng tỳ bà/ Trong vườn thấp thoáng bóng hoa: bóng nguời/ Bóng người? không, bóng hoa tươi/ Bóng hoa? không, cả bóng người bóng hoa/ Liễu điều thua vẻ thướt tha/ Đây là đâu? Phải đây là Đào Nguyên?/ Cõi trần mà có người tiên/ Nõn nà như huệ, dịu hiền như lan/... Ngàn thu sóng vỗ vào bờ/ Ngàn thu tài tử vẫn chờ giai nhân”. Còn đây là tiếng đàn tỳ bà của Ngũ Nương chiều lòng chàng si họ Thái: “Một đàn năm ngón tay tiên/ Một đàn chim mộng triền miên bay về/ Đàn như tỉnh, đàn như mê/ Đàn se vời vợi, đàn về đăm đăm/ Tri âm đàn gọi tri âm/ Đàn ngời ánh ngọc, đàn ngâm giọng vàng/ Phải đây là lúc hợp hoan?/ Một bàn tay bốn dây đàn nở hoa/ Ngổn ngang nhưng vẫn khoan hoà/ Người nghe lẳng lặng để mà đắm say”. Điệu đàn của giai nhân họ Triệu, nửa có cái hồn nhiên, dân dã của tay đàn Thạch Sanh, nửa có cái chau chuốt, kiêu sang của ngón nghề Thúy Kiều.

Nguyễn Du, người được xem là táo bạo nhất trong số các nhà nho-thi sĩ đương thời, đã để Kiều khỏa thân một lần duy nhất, mà cũng chỉ ở mức lấp ló khêu gợi của bút pháp “tượng trưng”, ước lệ, vốn là thi pháp đặc trưng của văn học trung đại, trong diễn tả sex: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Cái đêm Mã Giám Sinh “phá trinh” Kiều, ông cũng vận dụng thủ pháp ẩn dụ, vừa đủ để người đọc hình dung ra cái sự chua xót, bẽ bàng của “Tiếc thay một đóa trà my/ Con ong đã tỏ đường đi lối về/ Một cơn mưa gió nặng nề/ Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương”.

truyện tỳ bà, nhà thơ lãng mạn Nguyễn Bính đã bứt thoát khỏi những ràng buộc của quy phạm cổ điển, mạnh dạn pha trộn giữa ước lệ và tả thực trong miêu tả sự ân ái. Bằng bút pháp kết hợp thực ảo này, sex được nhìn cận cảnh hơn, được đẩy lên mức cao hơn mà vẫn thỏa mãn được mĩ cảm.

Để tránh sự dung tục của cảnh lõa thể, Nguyễn Du đã thu xếp để Kiều thấp thoáng sau tấm màn the (một thứ “khăn voan” của Á-đông) và còn tẩm ướp nàng bằng thứ hương hoa quý phái của “Buồng the được buổi thong dong/ Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa”. Đêm động phòng giữa “tài tử làng”, là Thái sinh và “giai nhân xóm” Ngũ Nương cũng được Nguyễn Bính “sắp đặt” khá gợi cảm: “Bên ngoài mưa gió mùa đông/ Lò hương đã nguội sáp hồng thì vơi/ Màn the đôi cánh buông rồi/ Chăn hương gối phấn một trời phấn hương”. Bữa tiệc ái ân diễn ra có lớp lang theo cái sự lần mò, khám phá của  của gã trai tân họ Thái lần đầu làm “chuyện ấy” “Mắt ngà men rượu yêu đương/ Thái sinh dần rõ Ngũ nương nõn nà/ Tóc nhung viền suốt thân ngà/ Nhuỵ hồng e ấp tinh hoa đầu mùa/ Rùng mình như nếm mơ chua/ Cái tái tê muốn vỡ bờ hợp hoan/ Nồng sôi ý phượng tình loan/ Hỡi ơi! Bó thắt đôi làn cánh tay/ Thèm mà nín, khát mà say/ Xốn xang nhựa mạnh tuôn đầy búp tơ…”.

Một lần nữa, sex còn được Nguyễn Bính diễn tả trong đêm hợp hôn giữa Thái sinh bây giờ là Trạng nguyên tân khoa cùng nàng Ngọc Nương (con gái quan Ngưu Thái sư đương triều). Đây là sự động phòng của những kẻ quyền quý nên nó có cái sang chảnh của“Lệnh truyền đệm trải màn buông/ Xong rồi chín ả tìm đường lui đi/ Ngọc nương môi mọng yên chi/ Áo xiêm tuần tự biệt ly thân ngà”. Màn ái ân diễn ra vừa có cái tham đắm mê mệt của kẻ si tình, vừa có cái tê tái sượng sùng của kẻ biết mình lừa lọc, bạc tình. “Đường cong, ôi! những dường cong/ Đến đong đưa, đến não nùng, đến hay/ Cao cao thôi lại dày dày/ Trắng trong màu tuyết tròn đầy gương nga/ Thái sinh rộn rực tình hoa/ Ối con bướm dại lân la nhuỵ đào/ Hoa xuân đêm mới nghẹn ngào/ Người đen bạc lại đắm vào phấn son”. “… Lụa đào xé lẻ như không/ Cái son mất mát cái hồng ngổn ngang…”; “Não người những nét đồng trinh/ Thân tơ lả tả, lửa tình xiêu xiêu/ Dâng lên như nước thuỷ triều/ Hoa nuông ý bướm, bướm chiều tình hoa…”.

Nếu không kể lối “đố tục giảng thanh” của thơ Hồ Xuân Hương, thì hai lần Nguyễn Bính diễn tả sex ở mức “cận cảnh”, mỗi lần dài đến hàng chục câu lục bát, kể cũng là của hiếm trong lĩnh vực truyện thơ Nôm ở xứ ta. Những động từ “tuôn” (nhựa mạnh tuôn đầy búp tơ, “dâng” (dâng lên như nước thuỷ triều), cùng với “rùng mình”, “bó thắt’, “lân la”, “rộn rực” nó rõ ràng khêu gợi mùi giường chiếu hơn cái “dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” của cụ Nguyễn Du. Song, dù vậy chính cái “tòa thiên nhiên” đầy bí ẩn của nàng Kiều đã là những gợi ý sát sườn để Nguyễn Bính đi xa hơn trong việc miêu tả sex mà không bị mang tiếng là thô thiển, dung tục.

Sau Nguyễn Du, có lẽ Nguyễn Bính là người sử dụng hai từ “cố nhân” trong thơ nhiều hơn cả. Có hai lần cố nhân được Nguyễn Du nhắc đến trong truyện Kiều. Ấy là “Tìm đâu cho thấy cố nhân/ Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương” “Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng/ Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?”. Lần trước là tâm  trạng buồn nhớ Kiều của Thúc Sinh, khi mẹ con họ Hoạn lập mưu bắt nàng rồi đốt nhà, hòng phi tang dấu vết. Lần sau là lời Kiều nói với Thúc Sinh tại phiên tòa “báo ân báo oán”, mà Từ Hải đã dành riêng cho Kiều. Còn “Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa” là câu diễn tả tâm trạng khó nói nên lời của Thúy Kiều trong cái phút tái hồi Kim Trọng sau mười lăm năm lưu lạc. Như vậy, với Nguyễn Du hai từ “cố nhân” được sử dụng khá linh hoạt, lúc là người tình, lúc là người cũ, người xưa.

Đến Nguyễn Bính thì cố nhân hầu như chỉ có nghĩa là người tình cũ, mà ông đâu chỉ có một cố nhân. Mỗi cố nhân sắm vai một nhân vật trữ tình, là cái cớ sang trọng để Nguyễn Bính cho ra đời một tập thơ. Thậm chí ông còn dành hẳn tập “Hương cố nhân” với hai câu đề từ “Xây bao nhiêu mộng thế mà/ Đến nay phải gọi người là cố nhân” cho nàng Mai Thơ, hay nàng Hương - những cái tên đã được thi sĩ mã hóa. Cố nhân làm khổ Nguyễn Bính, như chính ông thú nhận “Chao ôi ba bốn tao ân ái/ Đã đủ tan tành một kiếp trai”. Song, cũng nhờ những cố nhân này mà Nguyễn Bính mới được xem là “ông vua thơ tình”, bên cạnh “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Trong truyện tỳ bà, “giai nhân” đã hóa thành “cố nhân” trong giọng thơ ai oán: “Quên rồi chứ nhớ làm chi/ Người ta quan Trạng thiếu gì giai nhân/…Quên rồi chứ nhớ làm chi/ Người ta quan Trạng thiết gì cố nhân!”.

truyện Kiều, và thơ chữ Hán, Nguyễn Du vận dụng dày đặc điển tích, điển cố, các từ hán-việt. Cũng phải thôi, con nhà đại nho, thiên kinh vạn quyển, thì không “điển” mới lạ. Thậm chí, việc “dụng điển” đã là một vấn đề thuộc về thi pháp của văn học trung đại, nó chứng tỏ sự uyên bác của một cây bút tầm cỡ đại gia. Nguyễn Bính “con nhà nho cũ”, cũng không ra ngoài thông lệ ấy, dù ở mức độ ít hơn. Trong số các nhà Thơ Mới, có lẽ Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương là người dụng điển nhiều hơn cả. Chính những chén cúc Đào Tiềm, mắt xanh Nguyễn Tịch, ẩm giả Lý Bạch, cùng với những tuồng tích Tây Thi Trữ La, Chiêu Quân cống Hồ, mây Tần, sông Dịch… đã điểm tô cho thơ Nguyễn Bính cái vẻ đẹp bí ẩn, sang trọng Đông phương, ít nhiều mang tính… uyên bác. Như vậy, Nguyễn Bính đã làm được cái điều như hai câu thơ ông dành cho quan Trạng tân khoa trong bài Xóm Ngự viên “Mười năm vay mượn vào kinh sử/ Đã giả xong rồi nợ bút nghiên”. Nợ bút nghiên xem ra cũng được Nguyễn Bính xem trọng, coi ngang như cái nợ cơm áo, nợ giang hồ.    

Nguyễn Bính với tài năng thiên phú, nhìn chung, làm thơ một cách hồn nhiên và bản năng. Vậy mà khi cần, ông cũng dụng công “chơi chữ”, nắn nót không thua kém gì bậc tiền nhân, làm vang bóng lại một thời xưa, ví như các câu: “Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng phấn/ Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ quyên”; “Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ/ Ngựa bạch buông chùng áo trạng nguyên”;“Đường hương thao thức lòng quân tử/ Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân”; “Bá Nha thuở trước còn Chung Tử/ Kim Trọng ngày nay hết Thuý Kiều”; “Sông lạnh thấy đâu người gọi gió/ Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm”; “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”...

Đọc Nguyễn Bính, thấy khi thì ông đạo mạo trong trang phục “áo the, khăn xếp” như một thâm nho mà “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”, có lúc ông sắm vai kẻ giang hồ ngậm ngùi bên chén rượu tha hương “Sầu lên mái quán mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay”, lại có khi ông trong vai một khách làng chơi thứ thiệt mục kích cảnh “Lửa đèn chong cái giăng hoa/ Mõ đêm đục đục canh gà te te”, lại có khi ông độc miệng như một bà già cay nghiệt “Thôi cha cầu chúc cho con gái/ Mắt chớ lưu cầu, môi chớ son/ Ngu đần xấu xí hay tàn tật/ Yên phận chồng con, yên phận con”. Có nhiều Nguyễn Bính trong một Nguyễn Bính, cũng như trước đó đã từng có nhiều Nguyễn Du trong một Nguyễn Du.

Cũng phải đồng ý với nhau rằng, thơ Nguyễn Bính không phải bài nào cũng hay, lục bát Nguyễn Bính bài nào cũng toàn bích. Vì bận kiếm sống, vì lòng lẻo tay nghề, ông cũng không thiếu những bài làm hàng ở hạng tầm tầm. Tuy nhiên, ngay những bài tầm tầm ấy vẫn có những câu hay, gây ấn tượng, còn ở những bài thành công, Nguyễn Bính tuyệt diệu.Tầm vóc thật, tầm vóc mỗi câu thơ Nguyền Bính”, ấy là lời khen tặng không hề quá lên của Tô Hoài.

Lục bát Nguyễn Bính cũng là ví dụ thuyết phục cho sự tiếp nối giữa truyền thống và cách tân, giữa kế thừa và sáng tạo, giữa dân gian và bác học. Cảm hứng lãng mạn, cái “tôi” trữ tình tài hoa của lục bát Nguyễn Bính thể hiện rõ ở những câu thơ mang vẻ đẹp pha trộn giữa thực và ảo:“Cành dâu cao, lá dâu cao/ Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em”; “Hôm qua mưa gió đầy trời/ Trong hồn chị có một người đi qua”. Còn nhiều nhiều những câu thơ mang vẻ đẹp chập chờn, đứt nối, thực ảo như vậy: “Giếng thơi mưa ngập nước tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”; “Đèo cao cho suối ngập ngừng/ Nắng thoai thoải nắng, chiều lưng lửng chiều”; “Quê tôi có gió bốn mùa/ Có giăng giữa tháng, có chùa quanh năm”, Anh đi đó anh về đâu/ Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm”

Lục bát Nguyễn Bính còn có những bài, những câu nằm giữa trữ tình và triết lý, cái này ông cũng học Nguyễn Du song biến tấu theo kiểu của ông. Truyện Kiều mở đầu bằng sự gét nhau giữa chữ “tài” chữ “mệnh”, kết lại bằng sự tương khắc của chữ “tài” chữ “tai”, có sự chi phối của chữ “nghiệp” và dừng lại ở chữ “tâm”. Chữ “tâm”, một phạm trù của nhà Phật, giữ vị trí trung tâm triết lý của Truyện Kiều. Nguyễn Bính với trình độ học vấn có hạn, lại ở một thời đại khác nên ông không dại gì lại luận đề như vậy. Đóng vai như một “hiền giả” phương Đông, ông chủ ý để cho những suy lý, luận bàn của mình hòa vào cảnh, lẫn vào tình. Đó là thứ triết lý của bình dân, triết lý đời thường. Có khá nhiều câu thơ của Nguyễn Bính có giá trị như một nhận định, một chiêm nghiệm, một triết lý sống “Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”; “Cũng là thôi cũng là đành/ Sang ngang lỡ bước một mình chị đâu”; “Sống là sống để mà đi/ Con tàu bạn hữu chuyến xe nhân tình”;Đời có còn gì tươi đẹp nữa!/ Buồn thì đến khóc, chết thì chôn!”; “Làm người có thuỷ có chung/ Cúi không thẹn đất, ngửa không thẹn trời/ Sống đâu không thẹn với đời/ Chết đi không thẹn với người cõi âm”… Nếu thơ Nguyễn Bính có triết lý, thì có thể tóm gọn lại trong một chữ “tình”.

Lục bát truyện Kiều mang vẻ đẹp của lục bát cổ điển, vừa khuôn mẫu mực thước lại vừa linh hoạt biến hóa. Lục bát Nguyễn Bính mang vẻ đẹp của hồn cốt dân gian trong trang phục khăn áo lãng mạn của cái tôi cá nhân, cái tôi đô thị. Đã có không ít những nhận định về thơ lục bát Nguyễn Du nhìn dưới góc độ thi pháp học. Lục bát Nguyễn Bính cũng được các nhà nghiên cứu phê bình để mắt săm soi. Song, dù thơ Nguyễn Bính có hay không thi pháp, hoặc siêu thi pháp, thì rõ ràng ông đã có một giọng thơ riêng, một kiểu thơ riêng. Giọng thơ Nguyễn Bính sau này có ảnh hưởng trong thi đàn đến mức mà, nếu có ai đó đi theo mạch thơ này, thì người ta bảo “lại theo kiểu Nguyễn Bính rồi”.

Tám mươi năm trước, Hoài Thanh, người có con mắt xanh với thơ Nguyễn Bính nhưng đã không khỏi bất công khi hạ bút viết rằng “Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ. Cái lối gặp gỡ ấy của hai thời đại rất dễ trở nên lố lăng”. Thời nay, ngọn đèn điện lung linh, đa màu thay cho ngọn nến tù mù trên bàn thờ Phật là chuyện bình thường, chẳng nhng không “lố lăng”, mà còn có vẻ bắt mắt nữa. Như vậy, bằng tài năng và bản lĩnh của mình ở phần thành công nhất, đặc sắc nhất, thơ Nguyễn Bính chẳng những là ví dụ sinh động của sự chung sống ổn thỏa giữa truyền thống và cách tân, giữa dân tộc và hiện đại, mà còn đem lại một hiệu quả sáng tạo đặc sắc, độc đáo, kiểu “một mình một ngựa”, “một mình một cõi”.

*   *   *

Nguyễn Bính hâm mộ Nguyễn Du không phải là chuyện tình cờ. Ông chọn Nguyễn Du tôn thờ làm người thầy tinh thần của mình, vì ông tìm thấy ở Nguyễn Du nhiều sự đồng điệu, trong đó có cái cảm thức cô đơn của: “Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân” (Trên lối cũ, gió lạnh dồn cả vào một người). Thơ Nguyễn Bính, cũng như Truyện Kiều Nguyễn Du, đã, đang và sẽ còn là món ăn tinh thần lâu dài của người Việt. Nó có phổ nghệ thuật rất rộng, thỏa mãn khẩu vị của số đông công chúng, từ các bậc thức giả khó tính nơi đô thành đến người bình dân nơi thôn dã, từ người dân trong nước đến người Việt xa xứ.

Các ông trong số không nhiều những thi nhân thuộc về người của nhiều thời. Nhân dân chọn các ông, biết ơn các ông, vì các ông đã chọn đi với nhân quần, buồn vui sướng khổ cùng nhân quần, đã lấy cảm hứng nghệ thuật chủ đạo của mình từ nguồn mạch lục bát, một thể thơ dân tộc, vừa bác học vừa dân dã. Nhiều người ảnh hưởng từ lục bát Nguyễn Du không riêng Nguyễn Bính, song nhìn lại, thì công bằng mà nói, Nguyễn Bính rõ ràng là người xứng đáng được Nguyễn Bính “trao y bát” hơn cả.

                         Cố viên Hải Thanh, những ngày mạnh Thu, Nhâm Dần, 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét