Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

VỀ TIỂU THUYẾT “VÙNG BIÊN KHÔNG YÊN TĨNH” CỦA THƯƠNG HÀ

 

VỀ TIỂU THUYẾT “VÙNG BIÊN KHÔNG YÊN TĨNH” CỦA THƯƠNG HÀ

Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2022

                                    Vũ Nho


                                                                          Vũ Nho

Thương Hà có thể coi là một hiện tượng văn chương. Chỉ trong vòng gần 2 năm gần đây, tác giả xuất bản liên tiếp các tác phẩm tiểu thuyết. “ Một con đường”, “ Người PTSD”, “Bóng đêm của Diệu”, “NALIS xô dạt bờ đinh mệnh”. “ Những linh hồn bất tử”. Và đến lượt tiểu thuyết viết về chiến tranh “ Vùng biên không yên tĩnh”.

                     Phải thừa nhận rằng, chiến tranh càng lùi xa, người ta càng có điều kiện để tiếp cận nó một cách bình tĩnh, tỉnh táo, và khác biệt. Cái khó là người viết không có trải nghiệm trực tiếp về cuộc chiến. Nhưng bù lại, họ được tiếp xúc một cách gián tiếp với nó, qua sách báo, qua phim ảnh, và cái chính là có điều kiện lựa chọn hướng tiếp cận cho cuốn sách của mình.

         Nhà văn Khuất Quang Thuỵ đã từng thành công với tiểu thuyết “ Góc tăm tối cuối cùng” khi viết về cuộc chiến tranh chống Pháp. Cuộc chiến mà nhà văn mới chừng bốn, năm tuổi. Nhà văn Thế Đức, với tiểu thuyết “Trăng lên” cũng viết về cuộc kháng chiến chống Pháp xuyên suốt tới cuộc chiến tranh chống Mĩ. Nhân vật “tôi”, người kể chuyện được sinh ra khi hoà bình lập lại. Nghĩa là, mọi chuyện xảy ra trong cuộc chiến đều được tiếp nhận và phản ánh gián tiếp nhờ những hiểu biết sách vở.

              Tác giả Thương Hà tiếp cận cuộc chiến ở Cam phu chia và cuộc chiến tranh biên giới 1979 cũng hoàn toàn gián tiếp. Nhưng điều đó không cản trở người viết đến với đề tài này.

Có thể nói tác giả đã khá thông minh khi lựa chọn cách tiếp cận cuộc chiến thông qua số phận nhân vật chàng sinh viên Bình, sau thành ông Bình, tham gia chiến tranh ở đất nước Campuchia. Hết ba năm, Bình trở về lành lặn, nhưng cuộc chiến đã để lại trong anh quá nhiều mất mát. Nhà văn không miêu tả những trận đánh, những tổn thất của quân tìnhnguyện Việt Nam. Tác giả đi sâu vào phân tích tâm lí của người chiến sĩ trở về, cùng những tổn thất, mất mát về tinh thần. Rồi Bình viết lách và có chuyến đi thực địa lên Hà Giang, nơi cuộc chiến biên giới với quân xâm lược Trung Quốc. Những tổn thất, mất mát của cuộc chiến biên giới được miêu tả và tái hiện qua cảm nhận của nhân vật Bình, nhất là qua những giấc mơ của ông trên cơ sở câu chuyện mà cậu Dũng kể lại.

                Mở đầu tiểu thuyết bằng chuyện ông Bình đến chơi nhà ông Luân, bạn chiến đấu ở Campuchia. Vì ám ảnh “lúc nào cũng thấy tay mình bẩn” của ông Bình, nên ông bị ngã trong nhà tắm. Ông Luân kêu cứu vô vọng. Bà Yên vợ ông Luân cũng kêu cứu vô vọng. May sao Tú, con ông bà về kip thời cứu thoát cả hai ông…

Tiếp sau đó là cảnh ông Bình sống độc thân, thành một ông già cô đơn, ăn uống đều nhờ vào sự tốt bụng của bà hàng xóm,…

Rồi bạn đọc được biết vì sao ông Bình như hiện nay! Bình đã lành lặn trở về, nhưng mất mát đầu tiên là mối tình với Thu tan vỡ. Tiếp theo là sự đau khổ vì người mà Bình định gắn bó suốt đời, cô Nhàn, người làm cùng toà soạn báo, phản bội, rước bạn tình về ngủ trong căn nhà thuê của hai người. Rồi cha mẹ qua đời, cô em gái có cuộc sống riêng. Bình chỉ ru rú trong nhà viết lách và hoạ hoằn lắm mới đến chơ nhà ông Luân , người bạn mất hai chân ở Campuchia…

Đoạn hấp dẫn và thú vị nhất của tiểu thuyết chính là giấc mơ của Bình khi lạc vào cửa “ác” trong ngôi đền của thần Rắn. Bình chứng kiến cảnh đối đáp của thần với Polpot. Anh vô cùng ngạc nhiên thấy thủ lĩnh Khơme đỏ không một chút sợ hãi tranh cãi với thần Rắn một cách đàng hoàng, sòng phẳng. Y hoàn toàn tự tin khẳng định : “ Kính thưa thần, ta không cảm thấy mình có tội. Cuộc đời ta sống và làm việc theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ta đấu tranh vì dân tộc của ta. Ta đưa ra những quyết sách để mang lại sự phát triển cho đất nước

của mình. Vì sao ta lại là người có tội?” (tr.145). Trong khi đó thì Bình hoảng loạn, lúng túng không biết nói sao với thần Rắn. Thần đã chỉ cho Bình thấy vì sao anh lại hoang mang, lung túng và cả sợ hãi nữa: “Dù những điều ngươi làm được ca tụng là chính nghĩa và đúng đắn, thế nhưng bản thân nhà ngươi lại không tin vào điều đó. Thế nên ngươi không có dũng khí để nghĩ và nói về điều đó, cũng không có dũng khí để đối mặt với ta. Bởi ngươi sợ hãi. Ngươi không tin tưởng vào điều mình đã làm cũng như chính nghĩa mà ngươi áp vào nó. Vậy nên ngươi hoài nghi chính mình, không biết mình có tội hay không” (tr. 159 -160). Thật đúng là một chuyên gia phân tích tâm lí khi xây dựng cảnh Bình chứng kiến cuộc đối thoại giữa thần Rắn với thủ lĩnh Khơme Đỏ, cuộc đối thoại của thần Rắn với chính bản thân Bình!

Trong phần viết về vùng biên giới Hà Giang , mô tip này cũng lặp lại khi “cái cây” dùng cành lá nhốt tên “mặt sắt” đại diện cho giặc Tàu. Hắn cũng ngoan cố và tự tin như gã Polpot, bênh vực cuộc chiến tranh xâm lược do bọn cầm quyền phát động chống Việt Nam. Bình lúc này không như lần ở đền thờ thần Rắn, anh đủ bình tĩnh và sáng suốt để phản bác:

“ Chúng luôn khẳng định rằng mình không làm điều gì sai trái. Dường như cái lí tưởng mà chúng hướng tới không bao gồm việc bảo vệ sinh mạng của những người dân vô tôi trên đất nước chúng. Mục đích kia chẳng lẽ cao cả đến vậy sao? Sáng tạo nên một đất nước lí tưởng ư? Bảo vệ tự tôn dân tộc ư? Là một đất nước lí tưởng cho nhân dân hay lí tưởng cho những kẻ cầm quyền? Là tự tôn dân tộc hay tự tôn của những kẻ cầm quyền?” ( tr. 302). Phần viết về cuộc chiến tranh biên giới, tác giả tập trung miêu tả tội ác của bọn xâm lược đối với cô gái người Dao và chiến sĩ người cô yêu hương. Toàn bộ chương 22 miêu tà lũ giặc tra tấn người chiến sĩ, mổ bụng anh, vắt ruột gan lên cành cây và hãm hiếp cô gái. Cảnh tượng đó diễn ra trong cơn các mộng của Bình.

Có thể nói, viết về hai cuộc chiến tranh bằng cách nói về số phận của một thanh niên giàu mơ mộng, sau ba năm ở chiến trường Campuchia trở về lành lặn, đối mặt với những mất mát của đời thường, trở thành một nhà văn lặng lẽ, cô đơn. Rồi anh ta đi lên thực địa Hà Giang , chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến qua những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, qua những ngôi mộ ở nghĩa trang Vị Xuyên, qua những cơn mơ,…là một lựa chọn thông minh của người viết. Có lẽ nét mới khi viết về chiến tranh là tác giả nêu lên những tổn thất vô hình, những tổn thất không nhìn thấy được của người lính như nhân vật Bình trong tác phẩm. Như chính những suy tư của Bình khi đi thực địa Hà Giang: “ …Người ta sẽ chỉ thường nhắc đến những điều cao cả, những điều mang cái ý nghĩa thật lớn lao mà đâu có ai biết được những cái tăm tối, những cái đau khổ phía sau đâu. Người ta cũng sẽ nói về những người đã khuất, những người chưa tìm thấy hài cốt, những gia đình vẫn miệt mài tìm kiếm lại người thân. Vậy những người như ông thì sao?” ( tr. 338). Câu trả lời có ngay sau đó : “Có ai sẽ quan tâm ư? Không hề!...Còn những người như ông Bình, chẳng có gì hết” ( tr. 338 -339). Bà Mai, nhân vật nhà văn cùng đi thực địa với ông Bình đã nhận xét khá xác đáng:

               “Các tác phẩm viết về chiến tranh, đặc biệt là văn học trong nước, tôi thấy đều mang một cái vẻ hào hùng oanh liệt. Cái tư tưởng chính nghĩa ăn sâu vào đến mức người ta kể về cái gì thì mình cũng cảm nhận được một tình yêu nước, một cái chính nghĩa trong từng hành động của nhân vật” (tr. 261). Tiểu thuyết “ Vùng biên không yên tĩnh” đã làm chuyện mà ít người làm, và làm khá thành công.

Có thể nói khả năng miêu tả và phân tích tâm lí là chỗ mạnh của nhà văn. Nhiều trang viết nhẹ nhàng mà khá sâu sắc. Những giấc mơ, những cơn ác mộng, những cuộc gặp gỡ, đối thoại đều được chăm chút kĩ lưỡng bằng những câu văn giàu sức gợi, bằng sự miêu tả khi cần thì chi tiết, tỉ mỉ, khi khác lại lướt qua có chủ định,…văn của người viết linh hoạt, đậm yếu tố kĩ thuật.

Tuy nhiên, người viết có vẻ hơi lạm dụng các giấc mơ. Và lạm dụng việc mở đầu chương bằng những câu văn tả cảnh khá đơn điệu và nhợt nhạt. Có thể lược bỏ chúng mà không mất gì, ngoài việc mất sự nhàm tẻ. Ví dụ như các chương 26, 27, 28, 29, 30.

Giá như người viết không tham viết dài, có thể rút ngắn những thông tin không cần thiết liên quan đến nhân vật chính thì ấn tượng về tiểu thuyết còn mạnh mẽ hơn nữa. Cũng xin thú thực là ban đầu tôi đọc rất hứng thú vì cách viết mới lạ, thông minh về chiến tranh của tác giả. Nhưng càng về cuối thì sự hấp dẫn giảm sút khi thấy nhân vật chính của tiểu thuyết chỉ còn những giấc mơ và quan hệ khá lỏng lẻo, nhợt nhạt với ông Chương cùng cô Trang Pi, cũng như tình bạn khô khan và gượng gạo với bà Hoàng Mai,…

             Dù sao, với một nhà văn trẻ chỉ biết chiến tranh một các gián tiếp qua sách vở, phim ảnh mà viết được một cuốn sách như vậy quả là đáng khâm phục.

S.G. 29/12/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét