Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

TẢN MẠN SỰ ĐỜI

 TẢN MẠN SỰ ĐỜI

                GS.TSKH. MAI THANH TÂN



Tưởng niệm
Đất nước trải dài theo nhiều năm tháng chiến tranh
với bao nhiêu mất mát đau thương. Những nghĩa trang về
những người đã hy sinh luôn là sự nhắc nhở với những
người còn sống. Trong những chuyến đi đây đó từ Bắc vào
Nam, tôi có dịp tưởng niệm ở một số nghĩa trang liệt sĩ.
- Nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang)
địa đầu của Tổ quốc là nơi yên nghỉ của
1.700 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh khốc
liệt chống quân Trung Quốc xâm lược
năm 1979.
- Nghĩa trang Điện Biên Phủ nằm bên cạnh đồi A1,
nơi đây có 644 ngôi mộ của các chiến sĩ
hy sinh, hầu hết là các ngôi mộ vô
danh. Tôi đứng cạnh ngôi mộ Bế Văn
Đàn, một trong rất ít ngôi mộ có tên
như Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót,
Trần Can.


- Đài tưởng niệm thành cổ
Quảng Trị mô phỏng ngôi mộ tập thể
theo triết lý âm dương để siêu thoát
cho linh hồn những người đã khuất.
Chân mộ có hình bát giác tượng trưng
cho bát quái, bốn lối đi lên tượng trưng cho tứ tượng, dâng
hương là tầng lưỡng nghi. Bên trên là mái đình Việt với
bình thái cực. Có 81 bậc thang đi lên tượng trưng cho 81
ngày đêm chiến đấu và “Đài chứng tích” ghi chiến công

của các thế hệ sinh viên đã chiến đấu và hy sinh ở thành cổ
Quảng Trị mùa hè 1972.
- Nghĩa trang Trường Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) là
nơi quy tập trên mười ngàn phần
mộ các liệt sĩ trên tuyến đường
Trường Sơn, được chia thành 10 khu
vực theo địa phương quê hương các
liệt sĩ và một khu dành cho các liệt sĩ
khuyết danh.
-Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Tam Kỳ,
Quảng Nam) với nguyên mẫu mẹ
Nguyễn Thị Thứ có chồng và các con
đều là liệt sĩ. Bên trong khối tượng là
nhà tưởng niệm ghi danh gần 50.000
bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Khu tưởng niệm nữ liệt sĩ Phan
Thị Ràng (Hòn Đất, Kiên Giang). Phan
Thị Ràng là nguyên mẫu nhân vật chị
Sứ trong tiểu thuyết
Hòn Đất của Anh
Đức.
-Tượng đài Hữu nghị Việt NamCampuchia (PhnomPenh) với sự tri ân
các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã
hy sinh xương máu trên chiến trường
Campuchia những năm 1979-1980.


Chức sắc và phẩm hàm
Trong thời đại phong kiến, chức sắc là để chỉ chức vụ
của một cá nhân được vua chúa trọng dụng và cả những
người có chức vụ trong các tổ chức tôn giáo
. Ngày nay
nhiều người quen gọi các vị có chức có quyền là chức sắc.
Ở thời đại và thể chế nào thì những người được giao trọng
trách trước bàn dân thiên hạ, dù lớn nhỏ gì thì cũng cần
phải lắng nghe ý kiến của người dân để sửa mình. “Nhân
vô thập toàn” nhưng càng cầu thị càng được nể trọng và
ngược lại. Nhiều quan chức thường lên mặt dạy dân về
đạo đức nhưng lại vơ vét tham nhũng. Cụ Hồ có lần nói:
“Cán bộ là đầy tớ của nhân dân. Nếu Chính phủ làm hại
dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Vì vậy đã là cán bộ
thì cần tỉnh táo, phân biệt những ý kiến xây dựng chân
thành của người dân khác với luận điệu chống đối, không
nên coi mọi ý kiến trái ý mình đều xấu và tìm cách ngăn
trở. Vị trí càng cao thì trách nhiệm càng lớn và mỗi hành
động, việc làm, lời nói không thể tùy tiện. Đất nước không
thể “tươi sáng” khi những người tâm huyết chán chường
như cụ Lê Quý Đôn từng nói“Sĩ phu ngoảnh mặt” là một
trong 5 điều làm cho đất nước suy vong.
Mỗi lần các chức sắc đến với dân nên coi đó là trách
nhiệm với những người đóng thuế nuôi mình, ai cũng biết
các vị cả rồi vì thế không cần khoa trương danh hiệu to
đùng tên tuổi chức vị, chẳng làm cho oai hơn mà còn
ngược lại. Đã từng có thời kỳ có chỉ thị không được phô
trương khi cán bộ về cơ sở thế mà lâu nay lại quên. Các vị


có lòng làm từ thiện với các cháu nghèo khổ thật quý hóa
quá nhưng cũng nên nhẹ nhàng vì quý ở cái tâm, đừng
nên vì mấy túi quà mà rình rang phông màn làm mất cả
thiện cảm. Bà GS Sarah Gilbert phát minh ra vaccine được
cả thế giới cảm phục mà chỉ muốn chia sẻ cả khoản lợi
nhuận khổng lồ cho nhân thế thật nhẹ nhàng với câu nói
xúc động: “Tôi từ chối nhận bằng sáng chế vì không muốn
độc quyền và muốn chia sẻ công nghệ này để mọi người có
thể sản xuất vaccine”. Các vị tham gia trồng cây gây rừng
để làm gương cho dân là việc làm có ý nghĩa, nhất là trong
lúc cây rừng bị chặt phá tệ hại như hiện nay nhưng tốt
nhất là không cần dùng các cây cổ thụ to đùng rồi cắm
biển hiệu ghi danh, lại còn phải có người che ô trải bạt cho
đỡ bẩn giày. Sách vở các vị viết ra để dạy dỗ dân tình cũng
tốt nhưng không đến mức phải có các bộ tuyển tập dày
cộm mà chỉ nên viết những điều có ích thiết thực để mọi
người cần đọc và hiểu được, viết những thứ giáo điều thì
phản tác dụng, nhất là có vị mới xuất bản sách hôm trước
hôm sau đã vào tù. Việc mồ mả cũng vậy, những người có
công lao với dân với nước sẽ sống mãi trong lòng dân
thiên niên vạn đại, không nhất thiết cứ phải mồ to mả lớn,
mỗi khu mộ chiếm diện tích vài nghìn mét đất, rình rang
làm đường chở quan tài... chẳng làm cho thanh danh cao
quý thêm mà còn ngược lại. Rồi ông bà nào cũng noi
gương thế thì dân còn đất đâu mà cấy trồng. Và còn nhiều
chuyện khác, nhiều người biết nhưng họ không muốn nói
mà thôi.


Trong tình hình đất nước đang có nhiều khó khăn,
trong nước thì tham nhũng hoành hành, ngoài biển thì kẻ
thù lăm le gây hấn, những lúc này sự đồng lòng của muôn
dân cho sự tồn vong của đất nước quý lắm thay. Người
xưa có câu “Đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”.
Cụ Karl Marx còn nói“Chỉ có súc vật mới quay lưng với
nỗi khổ đau của đồng loại để chăm lo cho bộ lông của
mình”! Dân ta có nghìn năm lịch sử oai hùng, đồng lòng
chiến thắng mọi kẻ thù, bây giờ càng cần phát huy để làm
cho đất nước hùng cường.
Cũng như khái niệm “chức sắc”, dưới các triều đại
phong kiến “phẩm hàm”là danh hiệu về thứ bậc các quan
lại của triều đình. Thời nay cũng xuất hiện rất nhiều danh
hiệu khác nhau mà sự hãnh diện với các danh hiệu đó
cũng có nhiều điều bàn luận. Chẳng thế mà trong các cuộc
họp, riêng mục giới thiệu quan khách rất lằng nhằng với
đủ các danh hiệu, phẩm hàm mất rất nhiều thời gian mà
chỉ một sai sót nhỏ cũng làm các quan khách tự ái. Tôi có
ông bạn đi họp tổ dân phố được trịnh trọng giới thiệu
nhầm là “tiến sư, giáo sĩ” thật dở khóc dở cười. Vừa rồi
riêng danh hiệu “hoa hậu” cũng có nhiều chuyện lùm
xùm. Trong lĩnh vực giáo dục và nghệ thuật có các danh
hiệu nhà giáo, nghệ sĩ“ưu tú”, “nhân dân” (NGƯT,
NGND, NSƯT, NSND)… rồi nhiều ngành khác cũng có
yêu cầu đại thể như nhà văn “ưu tú”, địa chất “ưu tú”…
chẳng biết viết tắt thế nào cho lịch sự. Đang yên đang lành
mỗi lần các nghệ sĩ được xét chọn danh hiệu là có nhiều
chuyện. Có những nghệ sĩ gạo cội được khán giả rất yêu


quý nhưng không được “ưu tú” chắc là thiếu các bằng
khen, còn có ca sĩ ăn mặc phản cảm gào thét phát chán thì
ngoài “ưu tú”,“nhân dân” ra còn có thêm cái tên nghe rất
Tây là “Diva”. Nghe đâu có lần nghệ sĩ Trà Giang về quê,
các cô bác quan tâm đến thăm và thắc mắc là cháu có
khuyết điểm gì mà đang là nghệ sĩ “ưu tú” lại phải hạ
xuống “nhân dân” vì họ cứ nghĩ “ưu tú” phải hơn “nhân
dân”, mọi người gọi các lãnh đạo “ưu tú” của Đảng chứ có
ai gọi là lãnh đạo “nhân dân” của Đảng đâu!
Thấy tôi là nhà giáo, có người hỏi trong bối cảnh
ngành giáo dục hiện nay thì các nhà giáo nhân dân và ưu
tú có vai trò thế nào? tiêu chí ra sao?… Thú thực tôi cũng
thấy lúng túng. May quá có cuốn sách “Phẩm chất của
những nhà giáo ưu tú” của Ken Bain mới in bèn lôi ra đọc.
Tác giả Ken Bain là một giáo sư ở Mỹ, ông đã dành hàng
chục năm, phỏng vấn hàng trăm nhà giáo khác nhau và
hoàn thành cuốn sách vào năm 2004 với những câu chuyện
sâu sắc. Cuốn sách được dịch ra 12 thứ tiếng và xuất bản ở
Việt Nam từ năm 2008 nhưng ít được phổ biến. Hy vọng
qua cuốn sách được tái bản này có thể hiểu thêm các nước
họ đánh giá “Best College Teachers” như thế nào.
Trong bất kỳ xã hội nào, danh hiệu và phẩm chất
phải đi liền với nhau và được mọi người công nhận, nếu
quá chú trọng danh hiệu mà không tương xứng với phẩm
chất thì lợi bất cập hại. Cho dù có hàng loạt danh hiệu
tướng tá, hàng loạt giáo sư, tiến sĩ, hàng loạt danh hiệu
“ưu tú”,“nhân dân”… mà không tương xứng với chất
lượng thì chỉ có tác dụng ngược lại.

TRÍCH "TẢN MẠN SỰ ĐỜI"




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét