TẢN MẠN SỰ ĐỜI
GS.TS. MAI THANH TÂN
Thế sự
Giữa muôn vàn biến động phức tạp của sự đời và thời cuộc thì việc nhìn được những điều cốt lõi để có cách xử sự đúng mực cũng không mấy dễ dàng. Quan niệm về mối quan hệ con người và tạo hóa, cái đúng và cái sai, cái sống và cái chết, cái vinh và cái nhục… luôn là những đề tài bất tận. Trong vũ trụ bao la vô hạn con người thật bé nhỏ và hữu hạn. Cuộc đời con người trải qua nhiều hoàn cảnh và thế sự khác nhau thường không tránh khỏi những bước thăng trầm chông gai khúc khuỷu. Để vượt qua tất cả luôn cần có Đức Tin, có đức tin thì trong tận cùng của kiếp nạn vẫn có thể vượt qua, mất niềm tin thì kể cả trong tột đỉnh vinh hoa phú quý cũng sẽ mất tất cả.Chính vì thế mà sự quý giá nhất trên đời là niềm tin, tuy nhiên để có niềm tin cần rất nhiều thời gian nhưng để mất niềm tin thì lại rất nhanh chóng. Những lời dạy của tiền nhân, những câu châm ngôn bất hủ mãi mãi là những bài học vô giá cho tất cả những ai muốn làm người tử tế.
Tạo hóa
Ngày nay trong thời đại 4.0, con người có thể chế tạo ra đủ thứ máy móc tinh vi, thậm chí còn thay được cả lao động trí óc, kết nối các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên từ cổ xưa con người đã được tạo ra một cách quá hoàn hảo bởi một thế lực vô hình mà mọi người quen gọi là Thượng đế. Trong một buổi tọa đàm về quan hệ giữa con người và máy móc trong thời đại 4.0, một vị diễn giả trình bày về sự tài tình của Thượng đế khi tạo ra con người: Thượng đế cho mỗi người có hai con mắt đặt trước mặt để nhìn về tương lai phía trước, thế mà nhiều người khi có tí công lao lại chỉ thích nhìn lại phía sau về quá khứ hào quang của mình. Thượng đế cho mỗi người hai tai đặt ở hai phía để nghe cho rõ cả lời khen lẫn tiếng chê, nhưng nhiều người lại chỉ thích nịnh khen, ai nói trái ý là quy chụp luôn này nọ. Thượng đế cho mỗi người chỉ một cái miệng vì để nói ít nghe nhiều, thế mà nhiều người lại chỉ thích huênh hoang những thứ đã thuộc lòng có khi còn chẳng hiểu đang nói gì. Thượng đế cho mỗi người một bộ não với một hệ thống mạng nơron hoàn chỉnh có thể tiếp nhận một khối lượng thông tin đồ sộ để xử lý và đưa ra các quyết định trong cuộc sống mà ngày nay trong thời đại 4.0 đang phải học tập để chế tạo “mạng trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence/AI). Bộ não mỗi người được đặt trong một hộp sọ vững chãi để tích lũy kiến thức tạo nên bản sắc riêng, thế mà nhiều người lại ít chịu suy nghĩ phân biệt đúng sai mà chỉ biết vâng lời và tuân lệnh. Thượng đế 12 còn đặt trái tim mỗi người trong lồng ngực ấm áp để tình cảm yêu thương được lưu giữ tận sâu thẳm của tâm hồn, thế mà nhiều người lại hời hợt để cho các tham vọng tiền tài, chức quyền lấn át… Có câu chuyện vui là nhà sáng tạo xe hơi nổi tiếng Henry Ford sau khi qua đời có hỏi Thượng đế tại sao lúc sáng tạo ra đàn bà ngài lại để có nhiều sai sót như phía trước thì phồng lên phía sau bị nhô ra, tiền bảo trì quá cao tiêu thụ nhiên liệu khủng khiếp… nghe xong, Thượng đế mỉm cười bảo xe hơi của ngươi tưởng hoàn hảo nhưng chỉ khoảng 5% đàn ông sử dụng còn sản phẩm ta sáng chế tưởng có nhiều sai sót nhưng đến 95% đàn ông cần dùng. Vũ trụ thật bao la mà sự nhận thức của con người dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ hiểu biết một phần rất nhỏ bé của vũ trụ. Nhà bác học Einstein từng nói: “Chúng ta đang ở vị trí của một đứa trẻ nhỏ đi vào một thư viện khổng lồ với nhiều sách bằng nhiều thứ tiếng. Trẻ biết ai đó đã viết những quyển sách này nhưng nó không biết họ đã làm ra như thế nào. Đứa trẻ mơ hồ nghi ngờ một trật tự bí ẩn trong việc sắp xếp các quyển sách, nhưng không biết nó là gì. Chúng ta thấy vũ trụ được sắp xếp một cách kỳ diệu và tuân theo một số định luật nhất định, nhưng chỉ lờ mờ hiểu được những định luật này”… Ôi, chủ đề“Tạo hóa” cũng có nhiều chuyện vui!
Đúng & sai
Đúng và sai là một khái niệm tương đối trừu tượng. Một sự việc có thể cho là đúng với người này nhưng sai với người khác, hoặc đúng ở thời điểm này nhưng lại có thể là sai ở thời điểm khác. Trên đời có những người tự cho mình tài giỏi và luôn ngộ nhận. Họ không hiểu điều đơn giản là trong bầu trời này dù mình tài giỏi đến đâu thì vẫn có những người khác tài giỏi hơn. Thực ra nhiều chuyện đúng sai lại do góc nhìn và thời điểm khác nhau, có cái lúc này được coi là đúng nhưng lúc khác lại không còn đúng nữa. Ranh giới đúng sai nhiều khi rất mong manh và không phải lúc nào cũng rạch ròi. Anh đúng nhưng chưa chắc người khác đã sai. Khi ở đời ai cũng nghĩ mình đúng, người khác trái ý mình là sai là sinh chuyện. Thời xưa vua chúa coi mình là con trời (thiên tử) nên ý vua là ý trời cho dù vua có sai thì ai trái ý đều bị buộc tội chống đối và khó tránh khỏi bị trừng trị. Dân tình biết tỏng ai mà chẳng chết nhưng cứ phải hô “muôn năm, vạn tuế” cứ như có thể sống mãi với thế gian. Trên đời không có ai là thánh cả, thiên tài cũng có lúc lẩm cẩm, nổi tiếng như Newton mà còn có lúc phải khoét 2 cái lỗ một to một nhỏ cho mèo mẹ và mèo con chui qua! Theo quan điểm duy vật biện chứng thì trên đời mọi thứ đều có sự biến đổi, không có thứ gì là vĩnh cửu, có thứ ngày xưa cho là đúng nhưng bây giờ không còn thế nữa, ngược lại có những cái trước đây coi là sai nhưng hôm nay lại nhận ra không phải thế. 14 Muốn phát triển thì cần phải bình tĩnh lắng nghe, cùng phân tích, tranh luận. Vì thế để một xã hội văn minh hạnh phúc thì rất cần ý kiến phản biện để tìm ra cái đúng. Một xã hội thiếu phản biện thì không tránh khỏi suy vong. Suy cho đến cùng, để phân biệt đúng sai thì cần phải khiêm nhường, không ngừng học hỏi để từ đó có được chính kiến của bản thân mình. Phải biết lắng nghe ý kiến người khác kể cả ý kiến trái chiều để từ đó phân định đúng sai, nếu chỉ cho mình là đúng thì sẽ trở thành độc đoán mù quáng, nếu chỉ biết làm theo sự áp đặt của người khác thì sẽ trở thành nô lệ, tự đánh mất mình. Chỉ đơn giản trong mấy bức tranh vui này việc xác định đúng sai đã chẳng dễ dàng. Chú mèo đang đi lên hay đi xuống, ông già ngồi đọc sách ở trong hay ngoài ngôi nhà, có mấy thanh gỗ xếp cạnh nhau không biết 3 hay 4, có con số nằm chềnh ềnh giữa sân mà cứ cãi nhau là 6 hay 9?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét