PHẠM CÔNG TRỨ - Chùm “PHỒN”
Chùm “PHỒN”
“Phồn” là một mạch khác, khá nặng, sau mạch “Cỏ”.
Là một từ gốc Hán, “Phồn” có nghĩa là nhiều, là sinh sôi, nảy nở. Phồn kết hợp với nhiều từ khác thành phồn vinh, phồn hoa, phồn tạp, phồn tục… Trong số đông đảo họ nhà phồn thì “phồn thực” gây ấn tượng mạnh hơn cả, còn “phồn sinh” là nhân văn nhất. Chẳng thế mà hắn đã từng có lúc ngẫu hứng theo vần “Phồn hoa, phồn thực, phồn thi/ Bao nhiêu phồn ấy có vì phồn sinh?”. Song, hai chữ “phồn thi” là sự sáng tạo của riêng hắn, hắn giữ bản quyền. Đó là sự vần hóa, thi hóa, thăng hoa, cộng hưởng các loại “phồn” nói trên:
Phồn I ắt có phồn II
Thêm phồn III nữa cho dài mạch thi
…Hiện đại phải lòng dân gian
Thơ ca mạch ấy đều mang họ “Phồn”!
Đều mang họ “Phồn”, tức là có ít nhiều sexy theo ngôn ngữ phương Tây, hay “cái vần ồn” như cách nói suồng sã của người quê, cứ thích “quy ra thóc”. Phồn thực vốn được xem như là tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp xa xưa, sống bằng trồng cấy, gieo vãi. Tại một số đền đài, vật được thờ cúng, chiêm bái là những sinh thực khí - “linh khí”, có vai trò tối quan trọng là “truyền giống” , thuộc về bản năng tính giao của muôn loài hữu sinh. Linga và yoni ở các tháp Chăm hiện tồn là “trực quan sinh động” cho cái gọi tín ngưỡng, hay văn hóa phồn thực được tôn lên làm linh vật.
Người quê không thạo lý luận lôi nhôi, nhưng lại khá táo bạo trong chuyện tính giao, phồn thực, vốn có họ hàng gần với cái “dâm”, họ hàng xa với cái “tục”, song không nhiều dây mơ rễ má với cái “bậy”.“Ai dám bảo chữ dâm là bậy/ Không có dâm sao lại nẩy ra hiền” “Dâm” ở đây có thể hiểu là bản năng truyền giống, tự nhiên như nhiên, nó không “bậy” một chút nào. Theo nghĩa này, phồn còn như là thuộc tính cố hữu của tự nhiên, khi có âm dương, đực cái “Có âm dương có vợ chồng/ Dẫu rằng thiên địa cũng vòng phu thê” (Nguyễn Gia Thiều). Không có nó thì không có nhân loại, không có hắn đang ngồi bình tán về chữ “Phồn” hôm nay.
“Hiền” ở đây là… thánh hiền, hiền giả, hay người hiền nói chung, theo đạo “quân tử” xưa thường kỵ húy với những gì gọi là dâm, tục. Ầy vậy mà dưới mắt nữ sĩ họ Hồ, đứng trước “đôi gò bồng đảo”, “một lạch đào nguyên” thì “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt...”. Còn cái “chành ra ba góc” đủ cho đấng mày râu che lên đầu lúc ông trời bỗng nhiên đổ mưa để thử lòng quân tử. Đâu chỉ mình “bà chúa thơ Nôm”, trong thơ của các nhà nho tài tử Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà… đây đó cũng bắt gặp những câu, những đoạn chẳng thể gọi gì khác là dâm pha tục (!).
Tôn giáo thuộc phạm trù cái “thiêng”, cái cao cả nên rất kỵ cái “phàm”, cái trần tục. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các thánh tích, bí tích, thần phả các loại ra đời. Chúa Jesu của người Do Thái, là con của Đức Chúa Trời, đã “mượn” Đức Mẹ đồng trinh để đầu thai xuống trần gian hòng chịu tội cho chúng sinh lầm lạc. Tội gì? “Tội tổ tông”, tội của bà Eva và ông Adam - thủy tổ của loài người - nghe lời xúi bẩy của con rắn (tượng trưng cho cái khôn ngoan của quỷ sa tăng), đã ăn “trái cấm” ở vườn Địa đàng (Eden) và bỗng nhiên cảm thấy xấu hổ vì cái sự lõa lồ của mình. Chiếc lá nho (hay lá vả) huyền thoại đã lập tức nảy ra trong Kinh thánh, chỉ để làm cái việc chữa thẹn cho cặp đôi “con giời” ở cái phút ban đầu thực sự làm người. Không chịu nghe lời răn của Đức chúa trời, loài người đã phải trả giá đắt cho cái “tội tổ tông” truyền kiếp, đó là phải chấp nhận đau khổ và phải chết.