VỀ MỘT TRUYỆN NGẮN GIẢI NHÌ
Hà Thanh Vân
Blog cá nhân
Hà Thanh Vân đã thêm một ảnh mới vào album: PHÍM NGHIỆP.
Bài viết sau đây là quan điểm của cá nhân tôi. Tôi không nhân danh cho ai hay cơ quan, tổ chức nào để viết. Tôi tôn trọng mọi ý kiến trái chiều và không có ý định tranh luận lại.
“CÁI GÌ ĐÂY KỲ NÀY”: VỀ MỘT TRUYỆN NGẮN VỪA ĐOẠT GIẢI NHÌ CỦA BÁO VĂN NGHỆ (PHẦN 1)
(Hà Thanh Vân)
Sau thành công của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, người – mà - ai – cũng - biết - là - ai - đấy (nói vui kiểu Harry Potter chút), có hẳn một “trào lưu” viết theo kiểu của chị Tư. Tất nhiên là cũng có những tác giả thành công, song theo đánh giá của cá nhân tôi, chưa ai vượt qua được Nguyễn Ngọc Tư, thậm chí còn xa mới theo kịp. Còn những phiên bản lỗi, hỡi ơi, thì lại có cũng khá nhiều.
Vừa rồi báo Văn nghệ mới công bố giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn 2022 – 2024, tôi bèn ngồi đọc thêm và đọc lại những truyện ngắn có giải. Để minh chứng cho một phiên bản lỗi khi viết về miền Tây Nam Bộ theo kiểu Nguyễn Ngọc Tư, thì trong những tác phẩm đoạt giải có ngay một truyện ngắn hết sức là tiêu biểu. Đó là truyện ngắn “Trăm Ngàn” của tác giả N.T.N. Truyện ngắn này được giải nhì (không có giải nhất) của báo Văn nghệ.
Tôi tạm gọi đây là “cái được gọi là truyện ngắn” vì những lý do sau:
NGÔN TỪ KIỂU LẨU THẬP CẨM QUÁ MỨC PHA TRỘN NAM BẮC DÙ BỐI CẢNH LÀ MIỀN TÂY
Ngay từ khi đọc đoạn mở đầu tác phẩm, tôi đã thở dài buồn bã. Tôi buồn vì tôi quá đơn độc giữa cả một biển người đọc truyện này, mà sao không ai phát hiện những lỗi cơ bản nhất:
- Đoạn mở đầu: “Hồi mày còn chưa vào đoàn, tao đã đặt tên cho nó mà nó không chịu, nó nói cứ gọi nó như thế, biết đâu cũng là cái duyên nó tìm lại được mẹ. Bộ mày không thấy hễ tới xóm nào là nó đi rảo từ sáng đến chiều để hỏi thăm, tìm kiếm sao. Tìm từ lúc tóc xanh, giờ tóc nó cũng bạc mà mẹ nó vẫn bặt tăm chim cá.”
Miền Tây thì gọi là “má”, không gọi “mẹ”, nhất là bối cảnh của truyện ngắn này không phải là thời đương đại mà lý giải là giao thoa ngôn ngữ vùng miền. Nhưng đến đoạn sau lại chuyển thành “tía má”. Lẩu thập cẩm còn phải chào thua!
- “Bặt tăm chim cá” là cái gì thế? Theo “Từ điển Thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt”, vốn gốc câu thành ngữ là “bóng chim tăm cá” sau dần thành câu “bặt chim tăm cá”. Nhưng mà thôi, cứ coi như đây là sáng tạo của người viết!
- Cụm từ “nó nói cứ gọi nó như thế” là từ miền Bắc rặt nha. Người miền Tây sẽ là: “Nó biểu cứ kêu nó như vầy”!
- Nên đổi cụm từ “giờ tóc nó cũng bạc” thành “giờ tóc nó đã trắng” thì hợp lý hơn.
Tôi tiếp tục đọc thì đổ ập vào mặt tôi một mớ ngôn từ lộn xộn làm cho tôi tối tăm mặt mũi! Tôi tự nhủ phải hết sức bình tĩnh để đọc tiếp!
- “Gió thổi mạnh bạt mưa vào mấy miếng cao su nghe ào ào. Đoàn hát dựng mấy cái lều cao su tạm trên doi đất đầu sông Đèn Dầu” Miền Tây có lều cao su hồi nào vậy ta? Miền Tây ngày xưa là lấy mấy tấm nylon, hay còn nói cách khác là lấy mấy tấm nhựa mủ để quây làm cái chòi chớ!
- “Nghe nói bữa đó cũng là mùa hạn”. Thưa rằng miền Tây gọi là “mùa khô” nha, “mùa hạn” là từ miền Bắc.
- “Đi theo làm cu lơ cũng được, biết đâu ngày nào đó nó sẽ tìm thấy mẹ.” Từ “cu lơ” chắc tác giả mới sáng tác ra chứ “Từ điển phương ngữ Nam Bộ” không có. Chắc là bịa ra từ “cu li”. Nhưng miền Tây lại không dùng từ “cu li” mà dùng từ “làm mướn”!
Người miền Tây có cái sến sẩm, nhưng là sến dễ thương, dễ mến. Nên tôi nghĩ khi họ đọc những câu văn kiểu này, họ cũng bàng hoàng tự hỏi: Ủa, sao kỳ dzậy?
“Nó vô định về tương lai, rồi sẽ nay đây mai đó, góc biển chân trời phiêu du như những ngọn gió không nhà.”
“Cuộc đời toàn những dấu hỏi mà thằng con trai hơn hai mươi tuổi đầu không thể nào giải đáp.”
“Ngàn dặm nước non mới nhận ra thứ tìm kiếm cả cuộc đời này chính là cuộc sống đơn sơ ngày cũ với niềm hạnh phúc giản đơn, thuần khiết thuở ban sơ chưa từng nhuốm bẩn bởi gạo dầu dấm muối. Vậy mà...” Miền Tây gọi là “dơ”, không gọi là “bẩn” nha.
Lối viết văn sáo rỗng kiểu này e sẽ làm cho những người miền Tây chân chất, bình dị khó mà ưa nổi!
Tôi chán chả muốn kể thêm dẫn chứng, chứ nếu kể thêm, chắc riêng mục bắt lỗi ngôn ngữ này tôi phải viết có độ dài còn hơn cả truyện ngắn “Trăm Ngàn” luôn! Bởi vì hầu như câu nào cũng pha trộn ngôn ngữ Nam Bắc lộn xộn, nửa kim nửa cổ. Lẩu thập cẩm ăn thì ngon đấy nếu do một đầu bếp giỏi nấu nướng! Nhưng lẩu thập cẩm bằng ngôn ngữ kiểu này không những làm cho độc giả hiểu sai lệch về ngôn ngữ miền Tây mà còn đầu độc cả một độc giả khó tính như tôi, làm cho tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Thế quái nào mà truyện này lại có giải nhì của báo Văn nghệ?
VĂN HÓA MIỀN TÂY? THÔI THÔI THÔI!
Tôi có 12 năm tuổi thơ sống ở dưới miền Tây Nam Bộ, đi nghiên cứu, viết sách về văn học, văn hóa Nam Bộ cũng tạm tạm, chính vì thế, tôi càng không thể hiểu nổi vì sao nhiều người viết văn lấy đề tài miền Tây mà bây giờ viết dễ dãi quá. Ngồi nhà mở máy lạnh, đút chân gầm bàn và… không đọc gì cả, cứ thế mà gõ bàn phím sáng tác! Vì rõ ràng không đọc gì cả, không có kiến thức, mới có thể tạo ra những “cái gọi là tác phẩm” kiểu này. Hoặc nói thẳng ra, đây là sản phẩm chứ không phải tác phẩm. Viết văn rất cần sự tưởng tượng và hư cấu, nhưng kiến thức cũng quan trọng không kém! Không phải ngẫu nhiên mà những chức năng hàng đầu của văn học là giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ. Làm ơn, nếu viết, xin hãy có trách nhiệm với chữ nghĩa của mình.
Tôi lại lấy ra vài ví dụ.
- Tôi thương cho cái từ “đa” mà N.T.N xài hết cỡ trong truyện ngắn này. Cũng tương tự như từ “lung” được cô mang ra xài không thương tiếc. Chắc cô N.T.N không hề biết là từ “lung” và “đa” chỉ dùng trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, không dùng trong giọng kể của nhà văn! Thêm nữa, những từ này chỉ phổ biến trước năm 1945, nhất là trong các tác phẩm của các nhà văn Nam Bộ sáng tác bằng quốc ngữ đầu thế kỷ XX mà Hồ Biểu Chánh là một tên tuổi tiêu biểu! Sau 1945, miền Tây vắng bóng những từ này.
- “Miền Tây mùa hạn nắng gay gắt, nắng sấy khô cong mớ rơm rạ vàng ruộm trên những cánh đồng đã gặt.” Lại là “mùa hạn”, lại còn không biết là miền Tây thì gặt xong là đốt đồng, lấy đâu ra rơm rạ để lại! Đến tận bây giờ nông dân miền Tây vẫn đốt đồng!
Mà thôi, tôi không kể thêm nữa, kể thêm lỗi sai thì độc giả lại lâm vào cảnh chóng mặt hoa mắt như tôi!
NHỮNG CÂU HỎI DÀNH CHO TÁC GIẢ N.T.N
1. Truyện ngắn “Trăm Ngàn” này có chủ đề gì? Ý nghĩa của truyện ngắn này là gì? Nó chuyển tải tư tưởng nào? Đọc cả truyện chỉ thấy một người đàn ông khổ sở đi tìm mẹ, gia nhập gánh hát rồi bệnh ung thư ch.ết, đưa về quê nhà! Miêu tả cuộc đời khổ như vậy để đi đến vài câu “đạo lý văn hoa” kiểu: “Sống một ngày vui cho trọn còn hơn sống cả đời buồn tẻ”. “Trong những chuyến đi truân chuyên của cuộc đời, ai không từng mơ được trở về nhà xưa, quê cũ vào thời khắc tất cả vẫn còn ở đó như thuở ban đầu.” Vậy đạo lý này đâu có gì mới lạ? Hay chỉ mới lạ với chính tác giả?
2. Motif con đi tìm mẹ, gánh hát miền Tây cũng rất phổ biến ở nhiều tác phẩm. Do vậy, truyện ngắn này nếu đọc ngay từ vài dòng mở đầu, độc giả tinh ý đã có thể đoán ngay diễn biến và phần kết. Vậy tác giả N.T.N có thể cho biết điểm mới của truyện ngắn này không, chứ tôi đọc mỏi mắt tìm vẫn chưa ra.
3. Bối cảnh không gian truyện ngắn này ở miền Tây Nam Bộ. Vậy thời gian là khi nào mà có “Trăm Ngàn” và “giấy căn cước” và gánh hát rong? Giấy căn cước là từ dùng ở miền Nam trước 1975. Tuy nhiên, đơn vị tiền tệ ở miền Nam trước 1975 cao nhất là 5000 đồng (xin mời tra Google đi). Vậy lấy đâu ra “Trăm Ngàn”!
Vì đây là truyện ngắn được viết theo phong cách hiện thực chứ không phải… huyền ảo hay viễn tưởng nên tôi hỏi tiếp tác giả N.T.N: Nếu giả sử chuyện xảy ra sau 1975 thì câu chuyện này có ý nghĩa gì? Tác giả muốn nói điều gì khi miêu tả sự bế tắc, nghèo khổ của nhân vật “Trăm Ngàn”?
Đồng thời, thời điểm có tờ “trăm ngàn” (100.000 VNĐ) là đơn vị tiền tệ Việt Nam là từ ngày 1/9/2000 (lại xin mời tra Google tiếp hay liên hệ thẳng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Vậy các độc giả có tin được nội dung kể trong truyện ngắn này xảy ra sau năm 2000 không, với những chi tiết như: Phạt vạ một trăm ngàn nên đặt tên nhân vật khi đẻ ra là như vậy luôn. Và nhân vật “Trăm Ngàn” này ch.ết vì ung thư ở độ tuổi gần năm mươi! Thế là thế nào? Tôi lại hoa mắt, chóng mặt, đau đầu!
Và sau năm 2000, không còn gánh hát cải lương rong nào ở miền Tây như trong truyện ngắn! Nếu lấy mốc 1975 thì gánh hát rong có thể thấy chủ yếu ở nửa cuối thập niên 70 và thập niên 80 của thế kỷ XX. Sau đó văn hóa miền Tây đã khác rồi! Mời xem lại các sách nghiên cứu về cải lương Nam Bộ, tôi có thể post vài cuốn cho mọi người tải về xem miễn phí!
Túm cái váy ngắn lại, tôi vẫn không hiểu cái truyện ngắn này nói gì, hướng đến điều gì? Nhờ tác giả giải thích giùm! Văn học vẫn luôn cần những tác phẩm miêu tả cái nghèo, cái buồn, cái khổ của kiếp nhân sinh con người… nhưng cần miêu tả một cách hợp lý, cảm xúc chứ không phải “trơ quơ trớt quớt” sai tùm lum tùm la, sống sượng và sáo rỗng kiểu này! Đặc biệt, văn học cần sự hư cấu và tưởng tượng, nhưng nếu đã chọn con đường viết văn theo kiểu “hiện thực và nói đạo lý” (không phải là triết lý nhé) thì bất cứ tác giả nào cũng nên chịu khó đọc, tìm tòi kiến thức! Độc giả đại chúng có thể tung hô, khâm phục, nhưng người đọc chuyên nghiệp thì họ sẽ nhận ra ngay đâu là những giá trị thật/ảo! Không phải là cứ nghèo nghèo, khổ khổ, buồn buồn là miền Tây Nam Bộ!
PS: 3 giờ sáng tôi phải ra sân bay rồi. Tạm ngừng Phần 1 ở đây!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét