Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

NHÌN... TRONG TAY ÁO ( lời bình của Vũ Nho cho 2 câu ca dao)

                                                                         Vũ Nho - Chủ trang
NHÌN... TRONG TAY ÁO
Thương em chẳng biết để đâu
Để vào tay áo lâu lâu lại dòm

Lời bình của Vũ Nho
CÂU CA DAO NÀY NÓI NỖI NHỚ THƯƠNG, NÓI TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI CON TRAI CŨNG KHÁ  LÀ ĐỘC ĐÁO. NĂM 1995, NĂM TÔI CÓ DỊP LÊN LẠNG SƠN, RA QUẢNG NINH, TỚI BẮC THÁI, VÀO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, TÔI ĐEM CÂU CA NÀY ĐỂ THỬ THÁCH CÁC BẠN HỌC SINH LỚP 9, CHỦ YẾU LÀ TRƯỜNG CHUYÊN. CÓ MỘT ĐIỀU LÍ THÚ : PHẦN LỚN CÁC EM ĐỀU CHO VẬT BỎ VÀO TAY ÁO LÀ MỘT VẬT KỈ NIỆM, VÍ NHƯ TẤM KHĂN, TÚI ĐỰNG TRẦU, CÀNH KIM THOA, CHIẾC LƯỢC, CÁI NHẪN, MÓN TÓC THỀ...
RẤT ÍT EM NGHĨ RẰNG CHÀNG TRAI ĐỂ "TÌNH THƯƠNG" VÀO TAY ÁO. HẦU NHƯ  KHÔNG CÓ EM NÀO NGHĨ  ĐẾN CHUYỆN CHÀNG TRAI BỎ CÔ GÁI VÀO TAY ÁO MÌNH. NHƯ THẾ, TRONG QUAN NIỆM CỦA CÁC EM, "VẬT BỎ TRONG TAY ÁO LÀ VẬT KỈ NIỆM, LÀ MỘT VẬT CỤ THỂ NHỎ NHỎ, XINH XINH".
Sau khi xem xét kĩ mối quan hệ giữa câu trên và câu dưới, khả năng để vật kỉ niệm bị loại bỏ vì không có chứng cớ văn bản. Chỉ còn có hai khả năng là để tình thương hoặc để cô gái mà thôi. Có thể để cô gái to lớn như thế vào tay áo được chăng? Thực tế thì không được. Nhưng trong ca dao đó là chuyện chẳng khó khăn gì. Ca dao đó từng phóng to một con rận:
Con rận bằng con ba ba
Đêm nằm nó gáy cả nhà thất kinh.
Ca dao cũng từng thu nhỏ các bậc mày râu:
Ba đồng một mớ đàn ông
Chị bỏ vào lồng chị gánh đi chơi
Vậy thì để cô gái vào tay áo có gì lạ đâu? Ấy là chưa kể đến ngày xửa ngày xưa vợ vua, cô Tấm khi thành chim vàng anh cũng đã từng “chui vào tay áo”. Cùng nhau phân tích như vậy thì rất nhiều học sinh lại nghiêng về để cô gái trong tay áo. Theo một cái lí đơn giản:
Ước gì sum họp một nhà
Ra đụng vào chạm kẻo mà nhớ thương
Nhớ thương thì phải tiếp xúc, phải nhìn. Để cô gái vào tay áo để thỉnh thoảng nhìn cho đỡ nhớ thì còn gì bằng nữa?
Bây giờ nói đến chuyện để tình thương. Tình cảm vốn là một thứ trừu tượng rất khó cân đong đo đếm, rất khó cầm nắm như một vật cụ thể. Nguyễn Bính từng than thở
               Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
               Em thử quay xem được mấy vòng
               Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
               Em thử lào xem được mấy thưng.
Tình cảm trừu tượng, nhưng tình cảm cũng được “biến thành” những vật cụ thể: tình cảm như nuộc lạt, như ngói, tình cảm đã từng kết thành khối, trong các câu ca:
- Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt thương ông bà bấy nhiêu.
- Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
- Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang  xuống tuyền đài chưa tan.
Vậy thì bỏ khối tình thương vào tay áo để nhìn cái tình đó, để thương người mình thương cũng hay lắm chứ. Hơn nữa bình thường thì “Thương em anh để trong lòng” nhưng  chàng trai chẳng biết để đâu vì trái tim tấm lòng đã trở nên chật hẹp, đã không đủ chỗ cho tình thương sâu nặng.
Đến đây thì xảy ra một sự phân vân. Giữa hai cách cụ thể và trừu tượng mỗi cách có một vẻ đẹp riêng, có một cái lí riêng. Nhưng liệu có thể chọn được một cách hợp lí hơn?
Thưa vâng!
Lí do vì thật may là có một câu ca khác cùng “khuôn”
                                 Thương em chẳng biết để đâu
                         Để quán quán đổ, để cầu cầu xiêu
Nếu là cô gái thì thu nhỏ (rất tiện) nhưng phóng to cô ra thành khổng lồ làm gì cho cầu xiêu quán đổ? Nói về người thương như thế thì khác nào “Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau”?
Vậy nên chỉ có thể hiểu đó là TÌNH THƯƠNG, để tình thương vào tay áo, để nhìn, để nhớ người thương. Còn khi thử độ sâu nặng của nó đem để ra quán ra cầu thì thấy cầu xiêu, quán đổ. Ấy vậy mà một mình anh mang khối tình đó. Đủ biết là anh thương nàng đến mức độ nào!

                                                                       12/1995

8 nhận xét:

  1. Hai câu thơ này rất khó bình nếu không để ý kỹ sẽ sang một hướng khác Ở đây bác Nho nắm được hồn của câu nên bình rất chính xác nhẹ nhàng mà cô đọng
    P/s Thành thật xin lỗi vì đã lam Bác tổn thương Cảm ơn những nhận xét chính xác của Bác vì thế càng trân quý Bác bác nhiều hơn chúc bác khoẻ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã đọc và cho nhận xét!
      Tôi không giận hoặc dỗi ai cả đâu bạn ạ! Đã chập nhận chơi FB, Blog và G+ thì phải chấp nhận những lời khen hoặc chê. Có câu ngạn ngữ : Người khen là bạn ta, người chê là thầy ta. Sao lại có thể hẹp hòi với mọi người trước lời CHÊ của họ? Vấn đề là sự thuyết phục của các lời NHẬN XÉT và BÌNH LUẬN. Tôi chưa bao giờ giận hay xóa lời chê của bất kì ai. ( Trừ trường hợp bất khả kháng do sự xúc phạm vô cớ, quá đáng). Chúc bạn khỏe và ghé quán cùng chia sẻ với mọi người! Trân trọng!

      Xóa
  2. Lời bình thật hợp tình hợp lí, cảm ơn bác Vũ Nho

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu! Được các bậc cao minh chấp nhận cho lời giải của mình. Thế chẳng vui sao!

      Xóa
  3. Người Việt mình "thương" có khi để trong tay áo, có khi để trong lòng, có khi để trong tim... "Thương" cũng có thể để chỉ chính người mình thương, cũng có thể để chỉ tình thương của mình dành cho người kia, cái cách thể hiện "thương" của người mình, và tiếng Việt của mình nó phong phú thế...

    Hoàn toàn đồng ý với bác Vũ Nho về bài viết nhẹ nhàng này :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Hiệp đã ghé thăm và chia sẻ! Quả đúng như bác nói người Việt mình có nhiều cách thể hiện tình cảm! Đi sâu vào kho tàng ca dao cũng thấy nhiều điều thú vị!

      Xóa
  4. Rất có lý, rất đúng. Tình thương để trong tay áo...tay áo là nơi gần gũi nhất. Vâng, em cũng thấy như thế. Cảm ơn bác Vũ Nho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn N.Xuân Lai đã đồng tình.
      Câu ca dao này tôi nghĩ ngợi vì học sinh được học một số câu ca dao, nhưng các en học sinh giỏi được học nhiều hơn. Một số em ham đọc thường nêu các câu hỏi khó. Vì là cán bộ chỉ đạo chuyên môn, không thể không cùng với GV tìm lời giải đáp.

      Xóa