Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG CHÙM THƠ BA BÀI


HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG
CHÙM THƠ BA BÀI: CÁNH VÕNG TRƯA HÈ, HƯƠNG CỐM MÙA THU, BÓNG MÂY CHIỀU
CỦA NHÀ THƠ TRỊNH DŨNG

Nguyễn Thị Lan

1. Trong những người làm thơ ở Hải Dương, thầy giáo - nhà thơ Trịnh Dũng là người viết nhiều về phụ nữ. Người phụ nữ đồng thời vừa là đối tượng của thi ca vừa là nguồn cảm hứng dồi dào nuôi dưỡng thơ của thi sĩ
Người phụ nữ trong thơ anh có thể là người em, người chị hay những người vợ, người mẹ, người bà….tất cả đều hiện ra với những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách. Họ tiêu biểu cho phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam.
Cảm hứng về người phụ nữ có thể đã từ lâu nằm trong sâu thẳm tiềm thức của nhà thơ và bỗng một ngày nào đó sống dậy khi bất chợt anh nghe thấy một tiếng ru của bà, hay nhìn thấy mẹ ngồi gội tóc hoặc đơn giản trong làn gió thu người thơ ngửi thấy một mùi cốm mới.
2. Đến với bài thơ “Cánh võng trưa hè” của Trịnh Dũng ta được trở về một vùng quê nghèo khó, bắt gặp những người phụ nữ thuần hậu mang vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của người phụ nữ nông thôn Việt Nam.
Cánh võng trưa hè
Mênh mang cánh võng trưa hè
Vầng xanh chao đảo tiếng ve lịm dần
Vườn trưa dịu mát bóng râm
Lao xao lá biếc như gần như xa….
Ngủ đi, ơi cái nụ hoa
Chao chao cánh võng, nghe bà à ơi!
Tiếng ru xanh giữa đất trời
Lắng trong cay đắng những lời nhặt thưa:
… “Mẹ mày đi cấy sớm trưa”
Thân cò dãi nắng, dầm mưa tháng ngày
Cháu thương mẹ hãy ngủ say…”
Lời bà thấm đẫm tình ngày xa xưa!

Trăm con mắt võng đung đưa
Đong đầy tình của bà, trưa nắng nồng!

Mẹ về, ôm bé bế bồng
Lòng trăng rộng mở, hương đồng ùa theo!

Mở đầu, bài thơ mở ra một không gian rộng, yên bình của một làng quê đồng bằng Bắc Bộ trong thời điểm “trưa hè”. Một buổi trưa êm ả với hình ảnh quen thuộc gần gũi của “cánh võng trưa hè”; với âm thanh quen thuộc: bản đồng ca của những chú ve con và khung cảnh vườn trưa với cái “lao xao” của “lá biếc
Mênh mang cánh võng trưa hè
Vầng xanh chao đảo tiếng ve lịm dần
Vườn trưa dịu mát bóng râm
Lao xao lá biếc như gần như xa….
Một bức tranh thiên nhiên động mà tĩnh, có âm thanh, có sự vận động nhưng tất cả đều se sẽ, lắng dần trong cái tĩnh mịch của thời khắc “trưa hè”. Đó là những khoảng lặng êm đềm bình yên của cuộc sống.
Song thiên nhiên chỉ làm nền cho con người xuất hiện. Âm thanh của vạn vật đã hòa cùng âm thanh của con người, đó là tiếng ru của người bà:
“Ngủ đi, ơi cái nụ hoa
Chao chao cánh võng, nghe bà à ơi!
Tiếng ru xanh giữa đất trời
Lắng trong cay đắng những lời nhặt thưa”
….“Trăm con mắt võng đung đưa
Đong đầy tình của bà, trưa nắng nồng!”
Trong lời ru bà đã gửi gắm tất cả tình thương yêu, niềm mong đợi của bà với cháu và cả tâm sự của cuộc đời vất vả đắng cay.
Trong lời ru của bà, hình ảnh của một người phụ nữ khác: mẹ của cháu, hiện lên:
“Mẹ mày đi cấy sớm trưa”
Thân cò dãi nắng, dầm mưa tháng ngày
Hình ảnh con cò quen thuộc trong ca dao đã đi vào bài thơ như một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Cuộc đời họ cũng tần tảo, lam lũ, vất vả, lặn lội như “thân cò”... Tất cả vì cuộc sống và trên hết là vì con
“Cháu thương mẹ hãy ngủ say…”
Câu thơ không chỉ là niềm mong mỏi, ý nguyện của bà với cháu mà đằng sau còn là sự đồng cảm thương yêu của bà với mẹ của cháu, của một người phụ nữ với một người phụ nữ. Bởi vì bà và mẹ cháu đều là những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh.
Kết thúc bài thơ là một hình ảnh đẹp
“Mẹ về, ôm bé bế bồng
Lòng trăng rộng mở, hương đồng ùa theo!”
Còn niềm hạnh phúc nào bằng khi được trở về nhà ôm đứa con bé bỏng sau một ngày lao động vất vả? Hình tượng người mẹ hiện ra thật lớn lao và ấm áp.
3. Bài thơ “Hương cốm mùa thu” cũng viết về người phụ nữ nhưng lại triển khai trên một tứ thơ khác: hương cốm mùa thu - với em và quê hương.
Trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông có lẽ mùa thu là mùa của cảm xúc. Đứng trước mùa thu với cái nhẹ, cái xanh, cái cao ta thấy lòng mình có những khoảng trống vô bờ bến….Có lẽ chính vì thế nên Trịnh Dũng không kìm nổi xúc động khi bắt gặp hương cốm - hương vị thanh tao, lịch lãm rất đỗi quen thuộc của mùa thu Việt Nam
Hương cốm mùa thu
Nâng niu hạt cốm trên tay
Đẫm hương trời đất những ngày thu sang
Sương mai thấp thoáng giăng màn
Vai em -  một mảnh trăng vàng - đong đưa…

Cốm hương ủ lá sen tơ
Vị quê, tôi đợi phố chờ mỗi thu…

Lắng nghe tiếng mẹ xưa ru:
“Cốm xanh hương ngọc, vốn từ chốn quê…”

Ơi người vất vả trăm bề
Mùa - thu - sương - khói, đi về với hương!
Câu đầu bài thơ là tiếng lòng của người con làng cốm.
“Nâng niu hạt cốm trên tay
Đẫm hương trời đất những ngày thu sang”
Trong cái cử chỉ “Nâng niu hạt cốm trên tay” của nhà thơ, ta đọc được sự xúc động tinh tế và tấm lòng trân trọng của thi nhân đối với nét đẹp văn hoá dân tộc trong thứ sản vật giản dị mà đặc sắc ấy; đó còn là tình thương yêu đằm thắm với quê hương và con người của nhà thơ.
Cốm là thứ quà thanh khiết của đồng quê. Cốm có hương vị đặc trưng khó có thể nhầm lẫn với những quà khác. Cốm còn quý hơn vì nó được làm ra từ bàn tay cần mẫn của con người.
“Sương mai thấp thoáng giăng màn
Vai em -  một mảnh trăng vàng - đong đưa…”
            Một sự liên tưởng lô gíc và thú vị. Từ “hương cốm” nghĩ đến “vai em”. Bởi vì chính đôi vai em đã gánh những gánh lúa về làng để đến hôm nay anh có hạt cốm trên tay.
Kết thúc bài thơ là hình ảnh em “vất vả trăm bề” giữa một mùa thu sương khói và thoang thoảng hương cốm.
“Ơi người vất vả trăm bề
Mùa - thu - sương - khói, đi về với hương!”
            Phải chăng “Hương cốm mùa thu” không chỉ tôn vinh cốm mà quan trọng hơn là tôn vinh người làm ra hạt cốm?
4. Trong chùm thơ ba bài đều lấy tứ thơ từ người phụ nữ thì “Bóng mây chiều” là bài đặc sắc hơn cả.
Trong thi phẩm gồm mười dòng lục bát này Trịnh Dũng đã ghi lại cảm xúc của mình khi nhìn mẹ ngồi gội đầu trong một buổi chiều thu:

Bóng mây chiều
Mẹ ngồi gội tóc bên thềm
Giữa chiều nắng nhạt, xanh mềm nét thu
Nước thơm bồ kết hương nhu
Màu quê vẫn thắm sắc từ xa xưa…

Mẹ già biết mấy nắng mưa
Sương chan gội mái tóc thưa dãi dầu…
Con nhìn sợi lắng đáy thau
Còn bao sợi bạc trên đầu mẹ đây?

Tay nâng thau nước hương cây
Rưng rưng soi thấy bóng mây cuối chiều.

                                                                     9.2002
Mở đầu bài thơ là một bức tranh êm ả
“Mẹ ngồi gội tóc bên thềm
Giữa chiều nắng nhạt, xanh mềm nét thu”
Câu thơ vừa gợi hình, vừa gợi cảm. Hình dáng “mẹ ngồi gội tóc” như tạc vào bức tranh chiều với gam màu dịu nhẹ: có màu vàng nhạt của nắng, có màu xanh của vạn vật bằng “nét thu”. “Nét thu” là nét gì? Một câu thơ “không tường minh” gợi bao liên tưởng ở người đọc: gợi mớ tóc dài mềm mại của mẹ, gợi động tác chải đầu nhẹ nhàng của mẹ, gợi một buổi chiều êm ả như ru, gợi sự thanh thản trong tâm hồn của mẹ (và cả của con).
Rồi người ngắm nguyện đó miên man nghĩ về mẹ và quê hương:
“Nước thơm bồ kết, hương nhu
Màu quê vẫn thắm sắc từ ngàn xưa…”
Trịnh Dũng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê rồi xa quê. Trên bước đường đi dạy học ở nhiều miền quê của Tổ quốc anh luôn nhớ về quê hương yêu dấu. Nơi ấy có mẹ anh, có những người thân thiết ruột thịt. Không phải ngẫu nhiên trong bài thơ hình ảnh mẹ và quê hương hòa làm một. Những “nước thơm bồ kết, hương nhu”, những “màu quê thắm sắc” đậm chất hương đồng cỏ nội, quê kiểng vẫn thoang thoảng trong thau nước gội đầu của mẹ. Trong hình ảnh mẹ có quê hương.
Người ngồi ngắm mẹ gội đầu đó lại rưng rưng nghĩ về cuộc đời vất vả của mẹ:
“Mẹ già biết mấy nắng mưa
Sương chan gội mái tóc thưa dãi dầu”
Biết bao yêu thương trong câu thơ. Trên mái tóc bạc của mẹ người con đã “nhìn” thấy bao nắng mưa sương gió đã đi qua. Cái “mái tóc thưa dãi dầu” ấy là hình ảnh cuộc đời vất vả, tần tảo một nắng hai sương vì con, vì gia đình của mẹ.
Câu thơ:
“Con nhìn sợi lắng đáy thau
Còn bao sợi bạc trên đầu mẹ đây”
Vẫn tiếp mạch cảm xúc ấy. Có chút se lòng thương mẹ tuổi già xế bóng và cả niềm xót xa day dứt của người con. Hình như anh tự hỏi: trong những sợi tóc bạc của mẹ có bao nhiêu sợi đã bạc vì con?
Câu kết của bài thơ bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người con:
Tay nâng thau nước hương cây
Rưng rưng soi thấy bóng mây cuối chiều”
Hình ảnh bóng mây cuối chiều là một hình ảnh đẹp của bài thơ và cũng là một trong những hình ảnh đẹp nhất đời thơ Trịnh Dũng. Một tứ thơ đẹp vừa thực vừa ảo với ý nghĩa biểu tượng: mẹ - bóng mây cuối chiều. Biết bao yêu thương trong cái “bóng mây cuối chiều” ấy;  nó gợi người đọc nghĩ về tuổi xế bóng của mẹ. Và có phải người con trong bài thơ đã thảng thốt giật mình: như bóng mây cuối chiều trôi về cuối trời để tan biến vào trong hoàng hôn mờ tím, mẹ càng ngày càng xa anh để bước vào cõi vĩnh hằng mà có lúc vô tình anh chẳng nhận thấy?
5. “Cánh võng trưa hè”, “Hương cốm mùa thu”, “Bóng mây chiều” là chùm thơ viết về người phụ nữ của nhà thơ Trịnh Dũng. Ba bài thơ dễ đi vào lòng người bởi tình cảm mang đậm tính nhân văn của thi phẩm và còn bởi giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Trịnh Dũng đã sử dụng khá nhuần nhuỵ thành công thể thơ lục bát - một thể thơ mang hồn cốt của dân tộc. Câu thơ giàu nhạc điệu và cảm xúc; cách gieo vần nhuần nhụy tự nhiên, thanh thoát; hình tượng thơ cô đọng, tươi mát, giàu biểu tượng. Trịnh Dũng đã diễn tả khá thành công tình cảm của anh với những người phụ nữ Việt Nam.
Hải Dương tháng 10 năm 2007
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét