Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

HOA SEN, GIÓ VÀ GƯƠNG của Lê Hồng Thiện với lời bình VŨ NHO


HOA SEN
       Lê Hồng Thiện

Bông vươn lên trời
Bông soi mặt nước
Bông chìm bông nổi
Trông đẹp cả đôi

Mặc mưa mặc nắng
Không gì chở che
Thắp suốt mùa hè
Thơm tròn ba tháng

Lấy thân làm bấc
Lấy nước làm dầu
Hoa thành ngọn lửa
Đỏ hồng bên nhau

Lời bình của Vũ Nho
Bài thơ Hoa sen không ca ngợi vè đẹp của sen lá xanh bông trắng, nhụy vàng. Bài thơ thú vị ở chỗ nhà thơ phát hiện ra hoa Sen chính là một ngọn đèn, ngọn đèn thiên nhiên  thắp suốt mùa hè. Đèn cháy nhưng lại phát ra mùi thơm thật dễ chịu. Điều kì lạ nữa của loại đèn này là không cần chao, không cần bóng, không cần bất cứ thứ gì chở che. Đèn cháy lúc nắng, đèn cháy cả khi mưa…  Tuy đặc biệt vậy, song Bông sen giống như cây đèn dầu mà ta vẫn dùng từ xưa, và cả bây giờ khi mất điện. Ấy là cần có bấc. Chính cuống hoa làm bấc đèn. Còn dầu thì tha hồ. Nước đầm hay nước hồ chính là dầu để cho đèn cháy. Cái đèn sinh học này không tỏa muội đen, không tỏa mùi hôi của dầu, mà chỉ tỏa hương thơm thôi. Thật là quá đặc biệt! Và sự phát hiện, so sánh của nhà thơ làm chúng ta thích thú.
          Tuy vậy nếu chặt chẽ, chi li ra thì thấy khổ thơ đầu là không cần thiết. Bởi vì nó không góp phần vào tả cái Đèn –Sen, Đó là một điều đáng tiếc.


GIÓ VÀ GƯƠNG
        Lê Hồng Thiện

Sáng trong, trong sáng là gương
Em đến soi mặt chải đường ngôi xinh
Chỉ riêng cô Gió bực mình
Soi gương mà chẳng thấy hình trong gương

Lời bình của Vũ Nho

Cái gương là một vật dụng cần thiết trong đời sống hàng ngày. Người lớn soi gương, trẻ em cũng soi gương. Cả những vật vô tri vô giác cũng có nhu cầu soi gương:
          Chị tre chải tóc bên ao
          Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương
                          Trần Đăng Khoa
Với nhà thơ Lê Hồng Thiện thì có chuyện…cô Gió soi gương!
Sở dĩ phải nói hai lần sáng trong, trong sáng là để khẳng định đây là một cái gương đẹp, gương chuẩn. Nó sẽ phản ánh chính xác gương mặt của người soi.
Em bé đã soi, đã chải đường ngôi xinh. Chắc là em hài lòng với hình bóng trong gương của mình. Đến đây thì có vấn đề với cô Gió. Cô cũng đến soi gương. Cô cũng có nhu cầu làm đẹp,  vì rằng cô thuộc phái đẹp! Nhưng Gió xưa nay vốn vô hình. Người ta chỉ nhận ra Gió khi lá cây rung rinh. Hoặc nhận ra có Gió khi thấy da thịt mình  mát rượi vào mùa hè, lạnh buốt vào mùa đông. Đã ai biết mặt mũi, hình dáng Gió ra sao? Chính thế mà gương dù sáng trong, trong sáng; dù vừa giúp bé soi mặt, chải ngôi, song không thể giúp cô Gió thấy hình  của cô. Bởi thế mà cô Gió bực mình!
          Bực thì gương cũng chịu và ai  thì cũng chịu. Bởi vì gương không có lỗi. Mà lỗi chính là tại người soi.
          Một câu chuyện thú vị. Kèm một bài học nho nhỏ là trước khi bực mình, hãy xem xét lại mình thật kĩ. Các cụ bảo là  “tiên trách kỉ, hậu trách nhân” - trước trách mình, sau hãy trách người.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét