Thứ Ba, 16 tháng 6, 2015

VĂN DUY, NHÀ VĂN CỦA "ĐẤT"


VĂN DUY, NHÀ VĂN CỦA "ĐẤT"

  Nguyễn Thị Lan

            Trên dải đất Việt Nam, từ bao đời nay nông dân vẫn là lực lượng cơ bản, hiện nay chiếm hơn 70% số lượng dân cư. Bởi vậy, trong văn học đề tài nông thôn bao giờ cũng là đề tài lớn, luôn có nhiều khoảng trống, hứa hẹn và thu hút sự quan tâm sâu sắc của nhiều thế hệ cầm bút. Ai đó đã nói một câu minh triết: "Nông dân là phần sót lại của nhân loại "cổ điển", nông thôn cũng là cố hương của con người, là cuống nhau của những thai nhi văn học". Hơn nữa giờ đây nông thôn là một cộng đồng kiểu mới đặt ra nhiều thách thức, xung đột và bi kịch. Đó là "mảnh đất" rất quý cho các nhà văn khai thác.
            Trong các bậc "lão nông văn học" ở Hải Dương, Văn Duy là người son sắt với nông thôn. Sẽ dễ hiểu hơn về sự gắn bó ấy nếu biết Văn Duy sinh trưởng ở nông thôn, suốt đời sống ở nông thôn, một nửa gia đình ông, vợ ông làm nông nghiệp. Mọi lo lắng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đều tác động trực tiếp tới gia đình ông. Có lẽ vì vậy nó đã để lại trong văn chương của Văn Duy những dấu ấn nhói buốt. Văn Duy như người mắc nợ (vả cả duyên nợ) với đất và người nhà quê. Đề tài này đã trở đi, trở lại với ngòi bút của ông như một ám gợi ở nhiều thể loại. Về truyện ngắn Văn Duy có truyện "Đất", "Về quê"; về tuỳ bút có "Bờ xôi ruộng mật", "Nông dân"; về bút ký có "Tiến dân" vải thiều ký", và nhiều bài báo về đề tài này trên các báo trung ương và địa phương...
            Qua những tác phẩm đó có thể thấy về nông nghiệp, nông thôn, nông dân Văn Duy đã viết với tất cả sự thấu hiểu cảm thông và niềm ưu tư của mình. Có những vấn đề chính day trở trong sáng tác của Văn Duy về đề tài này là nông thôn đổi mới gắn với những sự kiện mang tính thời sự như thu hồi đất đai (đây là tình trạng nguy nan nhất ở nông thôn hiện nay), quá trình đô thị hoá, những tệ nạn, sự tha hoá đạo đức ở nông thôn, chất bi trong người nông dân bị bần cùng hoá, rồi những khát vọng bức xúc của họ...
            1. Sức sống trường tồn và công lao của "Đất"
            Ở Việt Nam, một nước có nền văn minh nông nghiệp, đất đai vô cùng quan trọng. Đất là tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn sống, là tài sản lớn của đại bộ phận người dân. Người nông dân Việt Nam bao đời nay gắn bó với "đất", bám trên mặt đất để trồng trọt cấy lúa mà ăn, để trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác.

            Trong bài tuỳ bút "Bờ xôi ruộng mật", một tác phẩm thật ấm áp, Văn Duy đã nhiệt thành ca ngợi "đất" với tất cả tình yêu sâu nặng, sự hiểu biết và lòng biết ơn. Ông nói về thành ngữ "Bờ xôi ruộng mật" của người nông dân. "Có lẽ không có từ ngữ nào nói về đất lại hay đến thế, ngon lành đến thế, thơm tho đến thế?". Ta thấy ở đây cái "tình" của Văn Duy với nguồn mạch sống của muôn đời. Như người cha, người mẹ ông thân thiết gọi "đất" là "con": "Cầm đồng tiền bán ruộng (cho khu công nghiệp, NTL), tôi như người mẹ nghèo cầm tiền bán con." Chính vì vậy, khi phải "xa" đất một tâm trạng mát mát, hẫng hụt tràn ngập cõi lòng: "Thế là từ nay ruộng ơi! Bờ xôi ruộng mật! Vĩnh biệt." Khi chứng kiến cả khu đồng bị đào bới để xây móng tanh bành, lở lói, ông "như thấy da mình bị cào xé xót xa. Tiếng máy búa đóng cọc xi măng ình ình như đóng đinh vào đầu" mình.
            Có tình cảm đó bởi vì cũng như bao người nông dân cặm cụi một nắng hai sương trên cánh đồng, Văn Duy thấu hiểu công ơn của "đất". "Đất" không chỉ nuôi con người, là nguồn mạch sống để ta nương nhờ và trường tồn mãi mãi, mà đất còn nuôi sống bao sinh vật để hình thành môi trường sinh thái - môi trường sống của con người. Cũng từ "Bờ xôi ruộng mật" một nền văn hoá độc đáo, văn hoá làng xuất hiện.
            Viết về ruộng đất, văn của người thấy giáo làng ấy thật giàu chất liệu sống, giàu chi tiết. Văn Duy am hiểu "đất" như một nhà nông học. Ông cúi xuống chân mình ngắm nhìn vẻ đẹp của đất, lắng nghe hơi thở của đất. Ông âu yếm, yêu thương những sinh vật bé nhỏ từ cây cỏ bợ, cỏ chỉ, cỏ sam đến cây rau khúc, rau má... từ con cáy, con cua đến con tôm, con tép; từ con đỉa, con sâu, đến con giun, con dế, con rắn, con ếch, cá rô, cá diếc, mại bầu, sịa cờ...
            Thiên nhiên là một ân huệ vĩ đạo của tạo hoá ban tặng cho nhân loại. Con người sống trong/cùng nhờ thiên nhiên. Ấy thế mà thật nghịch lý biết bao khi bây giờ người ta đang hàng ngày hàng giờ xẻ thịt nó, bức tử nó, tàn huỷ nó, thậm chí dửng dưng với nó. Chính vì vậy nhà văn cảnh báo: những sinh vật bé nhỏ ấy ngày nay "nếu mất đi tất cả tức là tai hoạ"?
            Viết về văn hoá làng, Văn Duy am hiểu sâu sắc như một nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, từ những nghề phụ, những câu hát dân gian, những phong tụ tập quán, những truyền thuyết, hội hè, đình đám, trò chơi dân gian... Có thể thấy ở một mức độ nào đó, Văn Duy là một nhà ""Fônclo học".
            Gắn bó với đất, thấu hiểu đất, trăn trở ưu tư cùng đất và yêu đất với tình yêu sâu nặng, Văn Duy khẳng định tiềm năng của đất trong 4000 năm lịch sử của dân tộc. Từ đó nhà văn đặt vấn đề phải "ứng xử với đất" (cái môi trường tự nhiên) trong thời đại công nghiệp này như thế nào, nếu không con người sẽ phải trả giá. Ông cho rằng "phát triển công nghiệp là cần nhưng giữ "bờ xôi ruộng mật" cũng cần chứ. Thiếu gì đất để xây nhà máy. Bài học của những nước đang bước vào thời kỳ "hậu công nghiệp" có giúp gì cho ta không?"
            2. Vai trò và số phận của người nông dân
2.1 Trong bài tuỳ bút "Nông dân", Văn Duy đã "khảo sát" khá đầy đủ, toàn diện vai trò của người nông dân trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc: "Nông dân đóng góp to lớn công sức và máu xương trong việc chống giặc ngoại xâm. Mấy ngàn năm dựng nước là mấy ngàn năm người dân phải giữ nước (...). Mặc dù vậy, công lao to lớn của người nông dân Việt Nam phải kể đến là công lao làm ra đất nước này (...), cũng chính từ các làng của người nông dân, một nền văn hoá cực kỳ đa dạng và phong phú đã ra đời và được truyền từ đời này qua đời khác." Nhà văn khẳng định: "Cả một nền văn hoá dân gian phong phú và tuyệt đẹp ấy là của quý của dân tộc ta."
            Như vậy, những người nông dân Việt Nam đã "làm ra đất nước này". Nhưng trớ trêu thay (và cũng bi kịch thay) những con người ấy từ bao đời nay vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất trong các giai tầng trong xã hội; là những người vất vả nhất nhưng họ thụ hưởng ít nhất trong thành quả phát triển. Bằng những dẫn chứng sinh động, thuyết phục, bài tuỳ bút của Văn Duy đã chứng minh hùng hồn cho những luận điểm đó. Ở đây có sự gặp gỡ về nhận thức, tư tưởng của Văn Duy với Trần Đăng Khoa khi nhà thơ này có một nhận định khá chính xác: "Nông dân thời nào cũng khổ. Hình như họ sinh ra để khổ."
2.2 Sau 20 năm đổi mới, đời sống người nông dân về cơ bản đang ở một mức sống, một chất lượng sống hơn hẳn chính mình nhưng chưa bao giờ nông thôn gặp nhiều vấn nạn như bây giờ, sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều rủi ro.
            Bài bút ký "Tiến dân" vải thiều ký" của Văn Duy đã cho người đọc thấy được phần nào cái rủi ro của những người dân bám đất mà sống. Đua nhau trồng vải thiều, rồi vải rớt giá, rẻ như bèo người nông dân lại đua nhau chặt vải, nhưng chặt vải rồi những người ở đất vải Thanh Hà biết trồng gì? Cái vòng luẩn quẩn trói chặt người nông dân vào đói nghèo như căn bệnh kinh niên.
2.3 Những người nông dân trong "Tiến dân" vải thiều ký" còn có đất để mà suy nghĩ trồng cái gì. Trong truyện ngắn "Đất" họ đã bị đẩy vào bi kịch mất đất để trở thành thất nghiệp.
            "Đất" của Văn Duy là một khám phá sâu sắc về thân phận người nông dân thời hiện đại, một thân phận nông dân đúng trong thời kỳ mở cửa và có lẽ còn rất nhiều năm sau này nữa: gắn bó với đất mà phải rời bỏ đất, có đất mà phải sống dưới mức nghèo khổ, cực kỳ chăm chỉ hiền lành chỉ mong được sống yên ổn làm ăn mà không được yên vì trăm nghìn hiểm hoạ bủa vây rình rập.
            Nhân vật chính đồng thời là đầu mối của truyện là bà Gái Nhớn, một điển hình đau khổ của người phụ nữ nông dân Việt Nam. Cuộc đời của bà được miêu tả suốt chặng dài hơn nửa thế kỷ. Ngày còn trẻ làm thuê cho nhà ông Lý, bị ông cưỡng hiếp có chửa, Gái Nhớn được ông cho mấy sào ruộng hoang (để "đền bù thiệt hại" cho cô và cũng đề ông lấp liếm cho hành động xấu xa của mình). Như vậy, để có được mấy sào ruộng ấy, Gái Nhớn đã phải đổi thân xác của đứa con gái tuổi xuân hơ hớ mới có. Thế rồi, suốt thời kỳ từ Cải cách ruộng đất đến Hợp tác xã, rồi Hợp tác xã tan... bà Gái Nhớn, con trai bà và đứa cháu trai nội của bà, suốt ba thế hệ cặm cụi, lăn lộn trên mảnh đất ấy để sinh sống. Đến thời kỳ đổi mới, cái công ty Long Phát về làng bà "lấy sạch" đất đai để làm khu công nghiệp. Bà "tiếc đổ máu mắt mà không làm gì được." Được đền bù ít tiền nhưng thất nghiệp, số tiền đền bù ấy cũng dần không cánh mà bay vì cháu bà đã nướng cả vào xe máy, đề đóm, cờ bạc, gán cả nhà và phần đất còn lại.
            Kết thúc truyện là cảnh bà cụ Gái 90 tuổi "nước mắt giàn giụa" bảo đứa cháu gái "Về đâu bây giờ hở cháu?". Rồi cụ "ngồi phệt xuống đất, ngửa mặt lên trời, cất tiếng kêu tuyệt vọng: Sao tôi không chết quách đi hở trời." Người nông dân này đã rơi vào bi kịch mất đất mất nhà.
            Truyện hay nhưng cay đắng quá. Nhân vật bà Gái Nhớn mang những nét điển hình về thân phận, tâm trạng, suy nghĩ của người nông dân hôm nay. Câu chuyện đã đề cập đến một vấn đề nóng hổi: "đất" và những khát vọng, ẩn ức, bức xúc, bi kịch của người nông dân. Qua đó tác giả muốn đề cập đến vấn đề rộng lớn hơn đó là bi kịch cộng đồng người nông dân và phần nào phản ánh bi kịch thời cuộc khi mà nông thôn ngày nay không còn là một nông thôn thuần khiết xưa bởi áp lực của nền kinh tế thị trường. Để công nghiệp hoá, có lúc có nơi người ta đã đánh đổi tất cả. Và người nông dân trở thành vật hy sinh.
            3. Hiện thực nông thôn thời mở cửa
            Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Nền kinh tế thị trường với những mặt tốt xấu, được mất của nó chạm vào từng căn nhà, ngõ xóm; một nông thôn bình lặng, thuần khiết sẽ ra sao trước cơn lốc của nó. Liệu làng quê còn lưu giữ được những nét truyền thống xưa hay không? Nó đã biển cải như thế nào? Truyện ngắn "Về quê" của Văn Duy là một khái quát khá toàn diện bức tranh nông thôn thời mở cửa trong quá trình đô thị hoá với những vui, buồn, được, mất. Tác phẩm cũng đồng thời là lời cảnh báo trước tình trạng đô thị hoá đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.
            Nhân vật chính của truyện là ông Bương 80 tuổi, một Việt kiều xa quê đã hơn 50 năm nay trở về thăm quê. Và cái làng Xuân An dần hiện ra trước mắt người con xa quê này. Làng xóm có khang trang hiện đại hơn, gương mặt của làng có mới lên nhưng đi liền với nó là những hệ luỵ đáng buồn, những màu xám tiêu cực. "Làng đang vỡ" (Trần Đăng Khoa) không sức gì cưỡng nổi. Trước hết là cảnh quan thay đổi. Quê ông xưa vốn phẳng lặng thanh bình với luỹ tre, cổng làng, cây đa, bến nước, đình làng nay tất cả hầu như đã biến mất. Những cảnh quan quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thực sự biến dạng đã khiến ông Bương không còn nhận ra làng nữa. Ông "thấy mình như người đang đi tìm cái gì đó ở một vùng chưa bao giờ đặt chân đến". Trước hết là cái cổng làng.
            Với người Việt, cái cổng làng không chỉ là nơi phận định địa giới giữa các làng với nhau mà trở thành biểu tượng văn hoá của làng quê châu thổ Bắc Bộ cùng với cây đa, bến nước, sân đình. Nó có ý nghĩa như một sự chào đón chân thành, hồ hởi của người địa phương dành cho khách và cho những người con xa quê. Cái cổng làng xưa ông Bương nhớ nó vững vàng bề thế "trên có hai chữ nho rất to "Phúc Môn" đắp nổi và dán bằng những mảnh bát" nay người ta phá đi xây cổng mới bằng bê tông "ông cứ có cảm giác cái cổng làng mới xây lạc lõng thế nào ấy. Nó như sự đùa cợt, như có ai nhặt ở đâu bỏ vào đây."
            Rồi sự hào hứng của người đi xa trở về quê cứ mất dần... Quê hương có nhiều thay đổi, nhưng nhiều cái thay đổi theo chiều hướng xấu đi làm ông phải ngỡ ngàng và buồn tê tái. Cái không gian văn hoá làng, một không gian văn hoá truyền thống, không gian đặc sắc nhất của văn hoá Việt đang biến mất, thay vào đó là một không gian văn hoá lai căng, với phố làng, đường nhựa, hotel, quán xá, ô tô, xe máy như mắc cửi. Con người, cái "chủ thể của văn hoá làng" cũng đổi thay. Những người nông dân thuần phác trước kia như thưa vắng hơn. Ông Bương đã gặp những cô gái ăn mặc hở hang, phấn son loè loẹt, chửi thề, văng tục. Rồi những tệ nạn xã hội từ thành thị tràn về cái làng thuần nông này: cờ bạc, rượu bia, đĩ điếm, mại dâm... Nhiều hệ giá trị vốn là xương sống của văn hoá làng xã đã bị xô đẩy nghiêng ngả. Những đổi thay tàn nhẫn ấy đã khiến một người xa quê hơn nửa thế kỷ không còn nhận ra làng nữa. Đêm đầu tiên trên quê hương mà ông Bương cảm thấy "lạ lẫm", "xa cách", "nhàn nhạt" "dửng dưng". Phải chăng cái "khoảng trời pha lê" trong ông đang vỡ?
            Truyện thật buồn. Tuy nhiên, khi thể hiện sự tha hoá của văn hoá làng quê sau đổi mới, Văn Duy không rơi vào cái nhìn bi quan. Dù tình trạng đời sống làng quê có bi đát đến mấy, dở khóc dở cười đến mấy, kết cục câu chuyện vẫn thấy ánh sáng của sự hy vọng.
            Sau khi ra đồng thắp hương cho mẹ "cầm cả bó hương nghi ngút khói, ông Bương chắp tay cúi đầu, không nói được một lời. Nước mắt ông ròng ròng chảy. Vậy là ông vẫn còn một cái gì đó thiêng liêng và lớn lao lắm." "Cái gì đó" ở người con xa xứ này chính là tình cảm cội nguồn, ruột rà với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đó là sợi dây bền chặt nối liền người đi xa với quê hương.
            4. Trở về nét đẹp xưa
            Chạm ngòi bút tới vùng đề tài nông thôn, với Văn Duy trong tâm thức sâu xa của mình là muốn "trở về" cội nguồn, với những giá trị truyền thống. Bởi vậy trong những trang viết của ông, bên cạnh một nông thôn đang đổi thay theo thời gian biến cải, ta còn gặp một nông thôn với những nét đẹp xưa ở cảnh và người. Những nét đẹp đó có khi còn hiện tồn trong cuộc sống hiện tại, nhưng cũng có khi chỉ còn trong ký ức, hoài niệm. Nó đẹp và xa xôi như đám mây ngũ sắc ở cuối trời.
            Về cảnh, đó là những cảnh quan từ thuở ấu thơ nay chỉ còn nằm trong nỗi nhớ của nhân vật; một chiếc cổng làng cổ kính, một cây đa cổ thụ "gốc đa mấy người ôm không xuể xếp đầy bình vôi, rễ đa rủ xuống làm dây cho lũ trẻ đu khi tắm", một giếng Đình "nước trong vắt, ngọt lịm, uống no chẳng ai đau bụng", một cái Đình làng "to nhất vùng". Đó còn là tiếng chuông chùa ngân vang sâu lắng, là con đường lát đá phiến ba, là những con đường nhánh ra đồng trâu đi thành bậc thang; rồi những đống, những miếu thờ, những bụi trúc, những cây duối quả mọng, vàng ươm và ngọt lịm... Tất cả đã làm nên "hồn vía" của một làng quê Bắc Bộ bây giờ không còn nữa làm người đi xa trở về thấy nuối tiếc, bâng khuâng... (Về quê)
            Theo những trang viết của Văn Duy, người đọc còn được trở về với "Bà mẹ tự nhiên". Đó là những cánh đồng xanh tươi với cánh cò bay lả bay la (mà giờ đây không còn nữa vì đã biến thành khu công nghiệp). Đó là một thiên nhiên trù phú để con người có thể sống với/sống cùng với cỏ cây hoa lá, với những sinh vật bé bỏng. Đó còn là vẻ đẹp thuần khiết của một làng quê thanh bình yên ả xanh mát làm "thanh lọc" tâm hồn con người (Bờ xôi ruộng mật). Đó còn là hương vị trong lành của đất đai, đồng áng mà người xa quê bao năm vẫn nhớ: "mùi ngai ngái của bùn đất, mùi hoa cỏ thơm hăng hắc, hương lúa ngòn ngọt ngầy ngậy" (Về quê). Trở về nét đẹp xưa còn là trở về với một nông thôn giàu bản sắc văn hoá với những câu hát, điệu lý, lễ hội dân gian... (Bờ xôi ruộng mật)
            Nhưng đẹp hơn cả vần là con người, bởi "người ta là hoa của đất". Những người nông dân đôn hậu, chân chất, lam lũ vất vả một nắng hai sương trên cánh đồng ta gặp trong truyện ngắn "Đất" của Văn Duy. Cái dáng vừa lam lũ vừa thân quen của nhân vật bà Gái Nhớn lúc đi thăm đồng làm người ta thương mến đến nao lòng. Đấy là dáng muôn đời của người phụ nữ nông dân Việt Nam. Trong truyện ngắn "Về quê", người nhà quê còn hiện ra là những người trọng tình, trọng văn, trọng nghĩa... Tất cả đã làm cho những trang viết của Văn Duy thật ấm áp khi nhà văn "đi tìm thời gian đã mất".
            Có thể nói bằng tình yêu trĩu nặng với quê hương xứ sở, nông thôn truyền thống hiện ra trong chuỗi tác phẩm của Văn Duy thật đẹp và đáng tự hào.
Vài lời kết luận:
            Viết về đề tài nông thôn, Văn Duy đã dựng lên bức tranh cuộc sống nhiều chiều với tất cả sự ngổn ngang, được mất của nó. Nhà văn đã phản ánh lịch sử nông thôn Việt Nam từ số phận cá nhân (Đất, Về quê) đến số phận cộng đồng (Bờ xôi ruộng mật, "Tiến dân" vải thiều ký, Nông dân) trước những biến đổi của thời cuộc.
            Nhà văn đã phản ánh hiện thực nông thôn trên tinh thần tôn trọng sự thật. Nông thôn ngày nay đang bị thử thách bởi công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Nếu cứ tô hồng và ca ngợi một chiều như văn học trước đây mấy chục năm thì không thể thấy được diện mạo nông thôn, thấy được niềm vui, nỗi buồn của những con người lam lũ. Văn học giờ đây rất cần tới sự trắc ẩn. Với cái nhìn và sự nhạy cảm vốn có của một nhà văn giàu kinh nghiệm sống, sâu sắc với làng quê, thương cảm người nông dân, Văn Duy đã có những trang viết có sức "nặng" về nông thôn. Những trang viết đầy trách nhiệm đó không chỉ đòi hỏi tài năng mà còn đòi hỏi bản lĩnh của một nhà văn đầy tâm huyết, của người công dân có trách nhiệm với xã hội mình đang sống.
            Bằng những trang viết của mình, Văn Duy cùng bao nhà văn khác đã góp phần thức tỉnh về nông thôn Việt Nam hiện đại. Những đóng góp của nhà văn là không nhỏ và thật đáng trân trọng.
Hải Dương, tháng Chín năm 2014







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét