Vũ Nho chủ trang
TÌNH QUA
XUÂN DIỆU
Tôi dạo
thanh bình giữa phố đông
Tự cười
sao chở núi và thông
Về đây áng
trở người qua lại
Bỗng lướt
ngang tôi một thoáng hồng.
Tâm trí
còn kinh trận gió người !
Bốn bề
không khí bỗng reo tươi
Một luồng
ánh sáng xô qua mặt
Thắm cả
đường đi rực cả đời.
Tôi trải
yêu thương dưới gót giày,
Ôm chừng
bóng lạ giữa mê say.
Lòng buồn
lững thững vương sau áo
Bước đẹp
mà sao khéo tỏa đây.
Thiên hạ
về đâu ? Sao vội đi ?
Bao giờ
gặp nữa ?Có tình chi ?
Lòng tôi
theo bước người qua ấy,
Cho đến
hôm nay vẫn chẳng về
Lời bình của Vũ Nho
Trong bài thơ "đa
tình" Xuân Diệu tự giới thiệu mình đã yêu từ khi chưa có tuổi và cả khi
chết rồi thi sĩ vẫn còn yêu. Đó chẳng qua là một cách nói để khẳng định cái tôi
đa tình cuồng nhiệt.
Giở những trang thơ
"Mênh mông như vũ trụ - Đầy khói hương xưa tràn ân ái cũ" ta bắt gặp
một Xuân Diệu khao khát tình ái, yêu si mê, yêu điên cuồng, yêu hối hả, yêu vội
vã, yêu đến mức phải "riết" phải "ôm", phải
"uống" phải "cắn" cho "chếnh choáng", cho
"đã đầy" mà vẫn chưa thoả. Thi nhân tự nhận mình là một "Kẻ uống
tình yêu dập cả môi".
Mang trái tim chứa cả
"một kho ân ái" nên lúc nào Xuân Diệu cũng dễ dàng chìm đắm vào
biển yêu. Có khi chỉ có ngắn ngủi phút giây cũng đủ xao xuyến một đời người :
Một phút
gặp thôi là muôn nỗi nhớ
Vài giây
trong khơi mối vạn ngày theo
Trong số những muôn vàn
giây phút sống mãnh liệt cho tình yêu của thi nhân, Tình qua tựa như một
chứng chỉ đặc biệt để người đọc hiểu thêm Xuân Diệu - một tình nhân.
Khi đó có lẽ vào một ngày
đẹp trời. Thi sĩ dạo chơi và thả hồn vào mơ mộng vẩn vơ.
Tôi dạo
thanh bình giữa phố đông
Tự cười
chở núi và thông
Và đây áng
trở người qua lại.
Đi trên phố, trên đường
nhưng không thấy phố, thấy đường, chỉ thấy núi, thấy thông trong tâm trí. Ấy
vậy mà đang lúc mơ màng đem cái mơ vào cái thực, trùm lên cái thực thì Xuân
Diệu chợt giật mình :
Bỗng lướt ngang tôi một thoáng hồng
Câu thơ diễn tả ấn tượng
đối với người đẹp đã tinh vi về cảm giác, mà vế chữ dùng cũng rất mực tài hoa.
"Lướt ngang" chứ không phải là đi, "thoáng hồng" chứ không
phái là "bông hồng" càng không phải là "bóng người".
Người đẹp đột ngột hiện
ra trong trạng thái chuyển động lọt vào tầm nhìn mơ mộng của thi nhân và gây
nên một niềm kinh dị lớn :
Tâm trí
còn kinh trận gió người
Người ta có thể nghĩ
"trận gió người" là do nhiều người đi trên đường phố gây ra. Nhưng
thi nhân nào có nhìn thấy họ trước khi thấy "bóng hồng" ? Vậy thì
trận gió ấy chỉ là do "thoáng hồng" lướt ngang và cuốn theo. Mà chủ
yếu là do thi nhân tưởng thế vì quá ngỡ ngàng. Nên chỉ "kinh" là kinh
ngạc và bàng hoàng chứ không thể là điều gì khác. Trong khoảnh khắc mà một
chuỗi trạng thái tâm lý diễn ra dồn dập. Mơ mộng - chợt tỉnh - kinh hoàng -
sửng sốt. Lại càng sửng sốt hơn nữa vì ấn tượng tiếp theo cực kì lộng lẫy và
mạnh mẽ :
Bốn bề
không khí bỗng reo tươi
Một luồng
ánh sáng xô qua mặt
Thắm cả
đường đi cả cuộc đời
Còn đang mơ màng thì thấy
"một bóng hồng". Tỉnh táo hoàn toàn lại thấy bao điều lạ lung
"không khí reo tươi" một luồng ánh sang xô qua mặt", "thắm đường",
"rực đời". Từ cõi mơ mộng trở về cõi thực. Nhưng cõi thực lại rực rỡ
và kỳ diệu đến mức còn thần tiên hơn cả cõi mộng mơ. Người đẹp không được nhìn
cặn kẽ, không được tả cụ thể vì nàng hiện ra chói ngời hào quang. Cảnh vật gợi
nhớ câu thơ "một vùng như thế cây quỳnh cành giao" của thi hào Nguyễn
Du ngày trước.
Thế là một tình yêu rất
thi sĩ, rất là Xuân Diệu. Nào đã biết gì "thoáng hồng" làm tươi không
khí làm rực đường đi ấy đâu. Và cũng rõ ánh mắt, nụ cười hay ít ra là giọng nói
của nàng thế nào ? Nhưng cần chi. Xuân Diệu yêu mới trân trọng làm sao :
Tôi trải
yêu thương dưới gót giày
So với người xưa đúc hoa
sen bằng vàng lót xuống nền nhà cho tình nương bước lên nào có kém đâu. Hơn thế
nữa, đây không phải là đồ vật, mà là trái tim là tấm lòng đem trải dưới gót
giày. Dâng hiến đến như thế ở trong thơ Việt Nam thời bấy giờ cũng chỉ có Xuân
Diệu mới dám làm. Nhưng sau cái phút mê say cuồng nhiệt đơn phương ấy, thi nhân
vẫn còn tỉnh táo để nhuốm ngay một sắc buồn bâng khuâng. Nhịp thơ chừng như
cũng chững lại cùng với từ "lững thững" :
Lòng buồn
lững thững vương sau áo
Đây lại cũng là một nét
rất Xuân Diệu trong tình yêu : Yêu đấy
nhưng lại hoài nghi liền đấy, vui đấy, nhưng buồn ngay đấy ; sung sướng đấy,
nhưng khổ đau liền đấy ; gặp nhau đấy, gần gũi đấy nhưng xa cách ly biệt cũng
liền kề :
Tình yêu
đến, tình yêu đi ai biết
Trong gặp
gỡ đã có mầm li biệt.
Dâng hiến nhưng người ta
vô tình. Trái tim trải dưới gót giày nhưng người ta đâu có biết. Hơn một lần
tình huống trớ trêu trong "dối trá" tái lập ở đây :
Tôi chỉ
sống để hoài hoài tưởng nhớ
…
Mà người
thì lơ đãng dậm trên buồn
Lòng chạnh buồn, nhưng
không vì thế mà không say đắm, và cũng không vì thế mà không say ngắm, không
trầm trồ theo bước chân hết sức lạ lung :
Bước đẹp
mà sao kéo toả dây
Phải chăng đây là thứ dây
tơ trong trẻo "Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu". Chỉ riêng thi nhân
mới nhìn thấy được ? Hay đây là những
sợi dây vô hình có ma lực cuốn hút, trói buộc ánh nhìn, rồi từ đó trói buộc tâm
hồn người đa cảm ?
Khổ thơ kết dồn dập liền
bốn câu hỏi. Thi nhân hỏi người hay chỉ tự vấn lòng mình ? Vẫn là điều mà khách
đa tình muôn thuở băn khoăn. "Người đâu gặp gỡ làm chi", nhưng với
Xuân Diệu nó có thêm vẻ mãnh liệt hơn, cụ thể hơn, bức bách hơn, bối rối hơn :
Thiên hạ
về đâu ? Sao vội đi ?
Bao giờ
gặp nữa ? Có tình chi ?
Còn quá sớm để gọi bằng
"em" gọi "cô" thì nhàm, gọi "người" lại đã có
phần gần gũi. "Thiên hạ" là cách gọi độc đáo, nghe khách quan mà đượm
xót xa.
Những câu hỏi thầm ấy
không thốt ra được. Và rồi luồng ánh sang kia cũng tắt hẳn sau bước chân vội
đi. Nhưng dẫu sao cũng đã kịp bùng lên sự si mê, một nỗi si mê dây dưa, dai
dẳng :
Lòng tôi
theo bước người qua ấy
Cho đến
hôm nay vẫn chẳng về
Theo cách nói dân gian,
chàng đi đã bị nàng bắt mất hồn vía mang đi. Nhưng với Xuân Diệu sự "bị
bắt" ấy là tự nguyện. Con người khát khao tình ái, yêu đến si mê, khờ dại,
yêu mãnh liệt "Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi" đã dâng cả hồn mình
cho một thoáng tình qua. Cái hành động bồng bột cực kỳ thi sĩ này để lại một
áng thơ nồng nàn sắc hương Xuân Diệu.
Rất hay. " Dâng hiến đến như thế ở trong thơ Việt Nam thời bấy giờ cũng chỉ có Xuân Diệu mới dám làm." Đúng thế đấy ạ.
Trả lờiXóaUi da ! Bác Nho bình bài thơ " Tình Qua " của cố nhà thơ Xuân Diệu hay hý !
Trả lờiXóaXuân Diệu ( 1916 - 1985 ) thì khỏi phải nói rồi , làm thơ tình rất hay . Ông là một tượng đài về thơ tình mà theo cảm nhận của Salam thì trước và sau này khó ai vượt qua . Điều Salam muốn nói ở đây là một bài thơ nó có hai đời sống , một là khi tác giả thai ngén ấp ủ và viết từ cảm xúc của mình , hai là khi đến với độc giả , một bài thơ " Sống " được hay không là do độc giả .
Nhưng điều quan trọng nhất là :
- Những nhà phê bình ( Dù tác phẩm của họ còn thua xa những bài mà họ phê bình ) định đoạt cộc sống cho bài thơ
- Những nhà bình luận , họ là người cảm nhận được những đồng cảm cùng tác giả bài viết , vì thế họ sẽ cho bài thơ thêm một đời sống nữa trong lòng độc giả . Ở đây bác Vũ Nho đã làm được điều này ... Cảm ơn Bác nhiều nghen
P/ s. : Salam vẫn hay vào nhà Bác để đọc những bài thơ của các Bác Trần Trung , bác Xuân Lai , bác Hoàng Dân vvv nhưng không bình luận . Đơn giản là không có bài thơ nào là dở cả , đó là " Tiếng Lòng " chân thât của các Bác thể hiện trên từng con chữ .. Nói nhỏ nghe Salam chôm thơ thần sầu đó , nghen . Chôm xong đi rải ở các blog , nhưng vẫn để tên của các Bác ( Không phải " đạo " đâu à nghen ) ... Thân !