Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

DUYÊN NỢ GIÓ MƯA CÕI NGƯỜI




DUYÊN NỢ GIÓ MƯA CÕI NGƯỜI
Cảm nhận tập LỤC BÁT của Khang Sao Sáng, nhà xuất bản Văn học, 2016
                              Vũ Nho
Tập Lục Bát gồm 76 bài của Khang Sao Sáng là tập thơ thứ 6 của anh. Có thể coi như đây là tuyển riêng thể tài thơ dân tộc vốn dễ làm nhưng khó hay này. Trong lúc mà đa số người viết tìm cách viết thơ hiện đại, thì người tự tin lắm mới dám trình ra món đặc sản thơ  tuyền là lục bát. Xem những ngày tháng dưới mỗi bài thơ, có thể thấy bài sớm nhất là “Nhận” viết năm 1970, và bài muộn nhất “ Mắt xuân” mới viết năm 2016. Như vậy Khang Sao Sáng đã có  gần nửa thế kỉ gắn bó với thơ, đặc biệt là thơ lục bát. Với “Nhận”, người viết  đã chứng tỏ khả năng kiệm lời của mình:
Vườn nhà/Thoang thoảng gió qua
Nụ chanh thức dậy/Nở ra trắng cành
Lá non/Thắm sắc trời xanh
Yêu cây…/Cây biết dụm dành hương cho
Vườn chanh/Mọng quả sang mùa
Ngọt cho ai, để nhận chua về mình
Không rõ bài thơ này khi in lần đầu tác giả có cắt dòng như trên hay không. Nhưng phải nói là lục bát, nhưng cắt dòng linh hoạt : 2/4//4/4 rồi 2/4// 2/6 tiếp theo 2/4//8 tạo ra cảm giác mới và lạ. Không chỉ bài này, các bài khác, hầu như không thuần ngắt 6//8. Chúng tôi đã thống kê có 54 bài ngắt dòng 6//8 theo lục bát cổ điển. Còn lại 22 bài ngắt dòng rất linh hoạt, có bài một nửa đầu hoặc cuối là lục bát cổ điển, nửa kia ngắt dòng linh hoạt, có bài hoàn toàn linh hoạt. Điều này tạo nên hiệu ứng nghệ thuật về sự đa dạng. Xin dẫn ra đây bài “Nhớ về Đa Tốn” để thấy dụng công ngắt dòng và một lát cắt  nỗi nhớ của tác giả:
          Nhà em Đa Tốn/Tôi về
          Cá kho/Cơm tám/Chân quê em mời
          Thập niên tửu nếp tháng mười
          Lá men thuốc Bắc,/ Ai người ủ hương?
          Một ngày nắng/Mấy đêm sương
          Mười năm hạ thổ âm dương tụ về
          Mềm môi chén chạm… đê mê
          Tỉnh say/Say tỉnh/ Đi về chiêm bao
          Chia tay/Trăng khuyết/Dầu hao…
          Nhớ về Đa Tốn/Hồn nao nao buồn
Mỗi cặp lục bát là một cách ngắt nhịp, ngắt dòng riêng, không cặp nào giống cặp nào. Tuy nhiên, vấn đề là  có một nỗi nhớ day dưa những thức ăn quê kiểng, rượu quý, những phút giây “đê mê”, “tỉnh say”, “say tỉnh” và tâm hồn “nao nao buồn” với người em Đa Tốn. Nếu không có điều đó thì mọi kĩ thuật ngắt dòng có tân kì đến đâu cũng chỉ là thuần túy kĩ thuật, chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Rất may là Khang Sao Sáng luôn giữ được cảm xúc tươi mới,  những phát hiện tinh tế, những tình cảm chân mộc của người trai làng Dục Nội, Việt Hùng, Đông Anh, thành phố Hà Nội. Mặc dù có một chùm thơ phố ( Phố cổ, Tản mạn phố, Phố mưa), mặc dù không ngần ngại bày tỏ “ Phố nào cũng phố tôi mê” ( Tản mạn phố), và nhiều năm thường trú ở quận Ba Đình, nội thành Hà Nội, nhưng tôi vẫn thấy Khang Sao Sáng nhạy cảm với “con đường rợp bóng tre xanh” , với “ao thu” với “bóng đình”, với vườn nhà,  với những ngôi chùa và “hội làng”. Nghĩa là anh vẫn là một người quê chân chất, mộc mạc, đa tình nhưng không thiếu hóm hỉnh, tinh tế.  “Một Thoáng Nghi Tàm” anh bộc lộ:

          Cho tôi một chút ngày xưa
          Bâng khuâng đường nhựa, ngẩn ngơ nhà tầng
          Thèm vin cành ổi thơm lừng
          Thèm sen xanh lá…hoa bừng hè sang
Không phải là người gắn bó với nông thôn, với đất đai, không thể nhìn mưa bằng con mắt  và cảm xúc như thế này:
          Hạt mưa rắc bạc, rắc vàng
          Mênh mang đất nở
          Ngút ngàn
          Cây xanh
                       Mưa rửa lá
Và cũng khó mà nhìn thấy hình ảnh lá rụng:
          Lá rơi như mảnh hồn người
          Nhựa đau chảy xuống cây đời còn thương
                              
Cái cảnh sắc “Bến mưa” cũng thật là khác thường  với hình ảnh “ mưa rơi nát chiều”:
          Sông xa khuất bóng chim trời
          Mây giăng trắng nước, mưa rơi nát chiều
Tâm hồn đa cảm, chân quê ấy dễ say mê, dễ thấy vạn vật mắc nợ ( Nợ), gắn bó tương hỗ tương sinh và quan trọng nhất là nặng “tình quê nợ người”. Bởi thế nên  tác giả  dễ “rối tơ lòng” với “Bờ tre, sóng lúa, con đường ven đê”. Dễ  phải lòng con mắt  vì “ Người đâu / gặp ở Hội làng/ Dao cau ấy liếc cắt ngang khoảng trời”. Dễ  bối rối xúc động khi hẹn hò “Đường vào lạc ngõ/ Lối ra quên đường”. Người thơ ấy có khát vọng “ Lâng lâng muốn uống cạn chiều với quê” ( Sử quê), có phát hiện người “chết đuối”  “ Bên này có kẻ chết chìm mắt ai” ( Mắt xuân), có nụ cười thầm  cảm thông trong tình huống bất ngờ ghen “ Anh ngồi như đá trong nhà/ Chồng em cũng lặng như là đất nung” ( Ghen).
Tuy vậy, bạn đọc có thể thấy  không ít điều tâm sự cộm lên trong những câu thơ lục bát tưởng chừng chỉ có hiền lành của người từ trận mạc trở về:
          Giặc tan tôi trở về làng
          Lê đôi nạng gỗ cà tàng rong chơi
          Gặp tôi, em bảo “vàng mười”
          Còn em đã đến nhà người bồng con
                                Vàng mười
Hoặc suy ngẫm  đâu  có nhẹ nhàng về chuyện “đa mang sự đời”:
          Chiến tranh lỡ dở học hành
          Làm anh lính chiến mà thành…ra “quan” […]
          Làm quan…trên dưới bao người
          Công danh, bổng lộc, ghế ngồi thấp cao
          Cong vênh lại được làm sào
          Thẳng ngay chuốc vạ, lao đao…nổi chìm
                                 Tâm sự
Tác giả còn có một chùm bài nổi bật là những bài thơ viết về “chùa”.  Đi chùa  vừa là vãng cảnh, vừa là để tâm hồn thanh tĩnh, cũng vừa là cách để an nhiên chấp nhận gió mưa cõi người.  Những bài thơ  đó là Hội thiêng (về chùa Nành), Lên chùa, Chùa Mía, Chùa Tó, Thăm chùa Tiêu, Chùa Ba Vàng và thiền sư Trúc Lâm Thái Minh, Trăng rơi cửa thiền. Đặc biệt bài thơ “ Trăng rơi cửa thiền” được tác giả Lưu Hồng  bình và đánh giá cao (  in ở cuối tập).
           Lục bát Khang Sao Sáng giống như một thôn nữ. Nàng không đẹp rực rỡ, kiêu sa, không ăn mặc hàng hiệu, không phấn son nhập ngoại đắt tiền,  nhưng có duyên thầm. Mà  người  như vậy dễ thân, dễ gần và bao giờ cũng để lại ấn tượng  đẹp với bạn đọc.
                                                      Hà Nội, 9/9/2016

 In trên báo VĂN NGHỆ của Hội Nhà Văn Việt Nam số 49 ngày 3/12/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét