Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

TUỔI MƯA TRONG THƠ NGUYỄN THỊ VIỆT NGA



 
                  Tác giả Nguyễn Thị Lan
TUỔI MƯA TRONG THƠ NGUYỄN THỊ VIỆT NGA

(Đọc “Cõng mình qua những cơn mưa –

thơ Nguyễn Thị Việt Nga

- NXB Hội Nhà văn - 2002)

Nguyễn Thị Lan

 “Cõng mình qua những cơn mưa” là tập thơ đầu lòng của Nguyễn Thị Việt Nga. Nó ghi lại “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” của Việt Nga với thơ. Đó là quãng thời gian chị mới trên dưới hai mươi tuổi - cái tuổi đẹp nhất của đời người.

Tập thơ là lời “Tự hát”, là nhật ký tâm hồn của Việt Nga từ khi chị còn là một cô sinh viên “áo trắng”, có những buổi “chiều nao” trên ghế đá bên “hồ Gươm cổ tích” Việt Nga ngồi “ngậm tóc làm thơ”; đến sau này chị là người vợ, người mẹ: “Nét vô tư cũng vơi dần/Âu lo hằn lên khóe mắt/ Nụ cười cũng bớt trong hơn”.

Đọc “Cõng mình qua những cơn mưa” ấn tượng chung về tác giả của tập thơ là: hồn nhiên, trẻ trung, nóng bỏng. Trong thơ Việt Nga ta như thấy có ánh sáng, có âm thanh, có màu sắc, có nắng, có mưa.

Là ánh sáng, thơ Việt Nga là ánh nắng ban mai tinh khôi, trong lành, rực rỡ.

Là âm thanh, thơ Việt Nga là nốt nhạc trong trẻo mang âm vực cao.

Là sắc màu, gam màu trong thơ Việt Nga sáng, ấm.

Là mưa, thơ Việt Nga là cơn mưa dông đầu hạ; mưa thật dữ dội nhưng hết mưa trời trở lại trong xanh.

Những vần thơ trẻ trung, tươi mát của Việt Nga như một dòng nước dào dạt chảy thẳng từ trái tim chị tới trái tim ta, rung động tâm hồn ta. Thơ Việt Nga hồn nhiên, đầy trực cảm.

Mở đầu tập thơ là bài “Điệp khúc”. Đây là lời giã biệt của cô nữ sinh “áo trắng” với tuổi sinh viên:

“Thì thôi nhé em về thay áo tím

Áo trắng xưa xin gửi lại sân trường

Thì thôi nhé qua một thời nhung nhớ

Phượng hồng ơi mắt đỏ cứ rưng rưng”

Cái âm hưởng “nhung nhớ” ấy sẽ làm nên âm hưởng chủ đạo của tập thơ. Cái giọt nước mắt “rưng rưng” ấy sẽ thấm ướt nhiều câu thơ trong tập thơ này của chị.


Việt Nga là người đa cảm hay xúc động. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ chị từ ”rưng rưng” xuất hiện với tần số cao. Nó không gợi cảm giác nhàm nhạt, bởi vì nó được dùng đắc địa. Nó vẽ lên những hình tượng thơ đẹp. Nó hé mở một tâm hồn dịu dàng với những xúc động tinh tế. Ngọn nến lung linh trong đêm sinh nhật làm Việt Nga “rưng rưng nỗi nhớ nhà”. Hè đến, hoa phượng “đỏ rưng rưng đầu cành”, ve cũng “rưng rưng khóc” bởi lòng người tê tái khi xa quê. Nước mắt người “rưng rưng” bởi phải xa Hà Nội - cái nơi mà Việt Nga gắn bó mấy năm trời đại học. Màu hoa cúc dại cũng trở nên “trắng rưng rưng” khi Việt Nga nhớ về người yêu cũ:

“Em thảng thốt trước màu hoa cúc dại

Trắng rưng rưng trong nắng nhạt bên đường”

(Thảng thốt)

Và trong ngày mồng một Tết dâng cơm tiên tổ, cây hương trầm cũng “tỏa khói rưng rưng” bởi lòng người đầy thương mến, xúc động trong giờ khắc thiêng liêng.

“Cõng mình qua những cơn mưa” là những dòng nhật ký tâm hồn của con người đa cảm ấy. Tập thơ ghi lại tình yêu quê hương, gia đình, bạn bè, mái trường, người yêu… của tác giả. Những tình cảm đó ai chẳng có. Có khác chăng Việt Nga là nhà thơ. Chị đã diễn tả những tình cảm đó thật xúc động bằng hình tượng nghệ thuật.

Tuổi thanh xuân có gì đẹp bằng tình yêu. Tình yêu là hạnh phúc, nhưng tình yêu cũng là đau khổ. Ai đã từng trải qua mối tình đầu tan vỡ thì mới hiểu được thế nào là nỗi đau khổ trong tình yêu. Nỗi đau đầu đời đó Việt Nga đã trải nghiệm. Tưởng như cô sinh viên đó khó gượng được:

“Mất anh rồi em không làm thơ nữa

Nỗi đau loang kín cả những tháng ngày

(…) Vô nghĩa hết khi tình yêu đổ vỡ

(…) Con đường nào em bước cũng chông chênh”

(Tỉnh ngộ)

Nhưng Việt Nga không chìm đắm trong đau khổ. Nghị lực của tuổi trẻ đã giúp chị nhanh chóng vượt qua. Ngoái lại, Việt Nga không khỏi mỉm cười:

“Bỗng thảng thốt nhận ra mình phi lý

Cứ ngậm ngùi thương xót một trò chơi”

(Tỉnh ngộ)

Cuộc đời thật rộng lớn. Cuộc đời thật nhân hậu. Việt Nga còn trẻ, còn bao khát vọng. Tất cả sẽ hàn gắn mọi vết thương lòng cho chị. Việt Nga không thất vọng, chị vẫn tin:

“Mất anh rồi những vẫn còn khát vọng

(…) Giữa cuộc đời hạnh phúc vẫn lung linh”

(Tỉnh ngộ)

Việt Nga viết nhiều về mưa. Mưa ướt đẫm nhiều câu thơ của chị. Chị có cả một “Đoản khúc mưa”: mưa tuổi thơ, mưa mười sáu tuổi, mưa mười tám tuổi, mưa hai mươi tuổi, mưa hai hai tuổi. Trong thơ chị có mưa xuân, mưa hạ và cả mưa thu. Những cơn mưa rơi ngoài trời; những giọt mưa rơi trong lòng người. Việt Nga hay nói về mưa, nghĩ về mưa phải chăng sự mát mẻ, dịu dàng, ướt át của mưa phù hợp với tâm hồn đa cảm của chị, dễ gây cảm xúc liên tưởng trong chị? Phải chăng tác giả của những dòng thơ đó đang ở “tuổi mưa” - cái tuổi chỉ có một lần trong đời người và không bao giờ trở lại.

“Thơ là một điệu hồn, tìm đến những hồn đồng điệu” (Tố Hữu). “Cõng mình qua những cơn mưa” là điệu hồn của cô sinh viên áo trắng yêu đời, yêu người, yêu thơ, trẻ trung đầy khát vọng. Có phải chính vì vậy mà bao sinh viên (cả cựu sinh viên nữa) đều yêu mến thơ Việt Nga. Ở thơ Việt Nga mỗi người trong họ đều thấy một phần hồn mình.

“Giã từ Hà Nội” là bài thơ Việt Nga làm cho mình nhưng cũng là bài thơ Việt Nga nói hộ bao người đã từng là sinh viên, đã từng có những năm tháng học ở Hà Nội:

… “Xa rồi đấy Hà Nội ơi, Hà Nội

Phút rưng rưng không cất nổi tiếng chào

Nước sông Hồng cuộn mình lên tiễn biệt

Lá ngô gầy vẫy mãi nỗi chênh chao…”

… “Xa rồi đấy cổng trường xưa, lớp cũ

Đường Cầu Giấy ồn ào, tắc nghẽn lối chợ Xanh

Ngày giã biệt vẫn dùng dằng ngoái lại

Gọi nghẹn ngào ba tiếng tuổi - sinh - viên



Thương nhớ lắm Hà Nội ơi, Hà Nội

………………………………………….”

Trước khi tập thơ ra đời Việt Nga đã từng là cây bút văn xuôi đầy triển vọng. Người phụ nữ khá tài hoa đó viết dễ dàng, văn chị đẹp. Việt Nga đã từng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Gần đây nhất - năm 2002 chị là cây bút duy nhất được tặng giải “Tác giả trẻ” của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Với tập thơ đầu tay “Cõng mình qua những cơn mưa” người đọc đã nhận ra điệu tâm hồn riêng của nữ thi sĩ trẻ Việt Nga. Mong rằng hồn thơ chị “trẻ” mãi với thời gian.

Hải Dương, đầu Xuân 2003



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét