Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

NGUYÊN MẪU NHÂN VẬT TRONG “MỘT MÌNH MỘT NGỰA”

NGUYÊN MẪU NHÂN VẬT TRONG “MỘT MÌNH MỘT NGỰA”

Ma Văn Kháng
 Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trường Minh-nguyên mẫu của nhân vật Quyết Định trong tiểu thuyết "Một mình một ngựa" đi công tác trong kháng chiến.

Một mình một ngựa là câu chuyện của một nhân vật mang tên Toàn chuyển đổi môi trường sống, từ một cán bộ trong ngành giáo dục được tổ chức điều động trở thành thư kí riêng cho bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền núi. Cuốn sách là một nỗi nhớ cần được giải tỏa của tôi.


Cô Dương Thị Thanh Hương, năm 2014, trong luận án tiến sĩ Nghệ thuật tiểu thuyết Ma Văn Kháng của mình đã phân chia sáng tác của tôi thành ba thời kì. Thời kì đầu là những sáng tác mang tính sử thi, với các tác phẩm tiêu biểu là Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải... Thời kì thứ hai là những sáng tác thế sự - đời tư, với các tiểu thuyết như Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Ngược dòng nước lũ, Đám cưới không có giấy giá thú... bắt đầu từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước. Và thời kì thứ ba có thể gọi tên là thời đoạn tác giả đi ngược trở lại thời gian, thời đoạn của những hồi tưởng về quá khứ, bắt đầu từ những năm đầu thế kỉ XXI với các cuốn như hồi kí Năm tháng nhọc nhằn. Năm tháng nhớ thương, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, nhất là Một mình một ngựa...

Một mình một ngựa là câu chuyện của một nhân vật mang tên Toàn  chuyển đổi môi trường sống, từ một cán bộ trong ngành giáo dục được tổ chức điều động trở thành thư kí riêng cho bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền núi. Cuốn sách là một nỗi nhớ cần được giải tỏa của tôi. Nó mang tính tự truyện rõ rệt. Và như vậy thì tất cả những ai đã cùng sống và làm việc với tôi ở thời kì này, trong đó trung tâm là người bí thư tỉnh ủy, trong tư cách là các nguyên mẫu sẽ bước vào cuốn sách của tôi như một tất yếu. Tuy nhiên điều thích thú và bất ngờ với tôi lại là ở điểm này. Ở tiểu thuyết Một mình một ngựa câu chuyện được kể lại không phải bằng ngôi thứ nhất. Mà là ngôi thứ ba. Và rốt cuộc là Toàn - nhân vật chính yếu của cuốn sách, khi sáp lại thấy phần tiểu sử và diễn tiến số phận của anh ta y xì của tôi, thì các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, anh ta vừa là một nhân vật văn học vừa là hình ảnh của chính tác giả, kẻ lẩn mặt, cố tình không xưng tôi để kể lại câu chuyện của mình. Tôi đã để tôi trở thành nguyên mẫu và lọt vào cuốn sách. 


Như vậy ở cuốn sách này, nhân vật Toàn đóng một vai kép, anh ta  vừa là nhân vật của tác phẩm đồng thời lại chính là hình ảnh người viết  cuốn sách đó. Thật ra, nhân vật mang hình bóng tác giả là câu chuyện không có gì mới. Nhà văn viết sách là trải mình ra trên trang giấy. Nhà văn không giấu được quan điểm thẩm mĩ và hình bóng mình. Quá trình sáng tác chính là quá trình thâm nhập đào sâu vào bản thể mình. Vậy thì để mình hiện lên trên trang viết chẳng phải là một thao tác dễ hiểu tự nhiên, vừa hữu ý và có thể cả vừa vô tình nữa đó sao!

Nếu vậy thì Trọng trong Mưa mùa hạ, Luận trong Mùa lá rụng trong vườn, Khiêm trong Ngược dòng nước lũ chắc chắn là đã có một phần máu thịt của tôi. Còn trong Đám cưới không có giấy giá thú, giữa hai nhân vật Kha và Tự, ai là hình bóng tôi hay là cả hai? Một số nghiên cứu sinh cho rằng Tự mang số phận của tôi, số khác gần gụi tôi thì phản bác lại rằng, tính cách tôi không yếm thế như Tự, tôi không chịu số phận bi đát như Tự, tôi là nhân vật Kha mới đúng (?)   

Trở lại tiểu thuyết Một mình một ngựa để thấy câu chuyện nguyên mẫu trở nên phức tạp hơn và cũng có thể lí thú hơn phần nào. Một mình một ngựa là ánh hồi quang đẹp đẽ và ngậm ngùi về một thời đã qua của chính tôi. Với một cốt truyện rất giống một đoạn đời của tôi, nó là cuốn sách có màu sắc một tự truyện rất rõ ràng. Thành ra với cách kể ở ngôi thứ ba, nhân vật Toàn rất có cơ sở để trở thành một diễn viên đóng một lúc hai vai. Anh ta vừa là tác giả và cũng vừa là một nhân vật văn học chịu sự chi phối của quy luật sáng tác nói chung. Anh ta vừa là tôi vừa không phải là tôi. Nói theo lối diễn ngôn hoa mĩ thì anh ta vừa đóng vai một nhân vật văn học, lại vừa là kẻ đeo mặt nạ giả trang cho một kẻ khác nữa, ở bên trong anh ta, đằng sau anh ta, tức nguyên mẫu tác giả.

Sự thực đúng như tiến sĩ Đỗ Hải Ninh, người nghiên cứu về tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại, đã viết: “Và tác giả đã hòa vào nhân vật đến mức ta không phân biệt được giọng kể của tác giả và giọng kể của nhân vật. Nhà văn bộc lộ suy tư, những nghiền ngẫm của mình thông qua nhân vật”.

Một mình một ngựa tái lập bằng ngôn ngữ cuộc sống một đối tượng nghệ thuật ở một địa bàn miền núi trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Hơn bốn chục năm đã trôi qua. Hầu hết những nguyên mẫu cùng thời với tôi đều đã khuất bóng. Nhưng làm sao tôi có thể quên được họ.
Đồng chí Bí thư tên là Trường Minh. Đồng chí Phó Bí thư Phạm Gia Tuân. Các ủy viên Ban thường vụ Khánh Vinh, Việt Tiến... Các cán bộ nhân viên văn phòng tỉnh ủy: Duyên, Tiến, Bằng, Đông, Can, Mười... Với những việc họ đã làm cho đất nước và phẩm cách tốt đẹp của họ, tôi đã và sẽ còn yêu mến, kính trọng họ. Và trong khi khẳng định mình phải là một con người trung thực với chính mình, tôi vẫn đinh ninh rằng: tác phẩm văn học bao giờ cũng phải mang một ý nghĩa tổng quát và có yêu cầu thẩm mĩ riêng. Nhà văn, cùng với cái nhìn lịch sử cũng rất cần phải thấm nhuần cái cảm quan có tính chất tiên báo đương thời. 

Nhiều bạn đọc sống cùng thời với tôi đã đọc Một mình một ngựa. Tôi không muốn giấu giếm điều này: cùng với sự tán thưởng của họ, đã có không ít những lời phàn nàn. Rằng thì là câu chuyện có phải hoàn toàn như thế đâu. Rằng thì là ông A có xấu thế đâu, ông B có tốt thế đâu. Và họ nào có thấy cái cô này cô kia có thói tư tình như nhà văn viết đâu!
Thanh minh thế nào được đây? Các nguyên mẫu dù là trong một tác phẩm có tính tự truyện cũng không thể không thông qua khúc xạ nghệ thuật và chịu sự chi phối bởi dụng ý của nhà sáng tạo, từ quan niệm đạo đức và chân lí của nhà văn.

Người ta vẫn có thể nhận ra nguyên mẫu ông ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy thời kì đó trong nhân vật ông Ké Lanh ở sách của tôi. Ông vẫn gây cười cho mọi người do những câu văn vần cổ vũ phong trào và những nhận xét ấu trĩ ngô nghê. Nhưng trong sách của tôi, mọi hành vi của ông đã được rọi chiếu dưới ánh sáng của lịch sử và do đó ông không còn là một dị nhân chỉ đáng để giễu nhại, ngược lại ông đã được trân trọng và cảm thông. Nguyên mẫu ủy viên thường vụ Văn Hiến vẫn giữ nguyên thân hình còi cọc, với con mắt có lẹo, bước đi lắt nhắt cùng bản tính quyết đoán và là tác nhân của sự kiện làm đổ chiếc máy kéo trên nương dốc ở bản Nà Ảng, nhưng tôi đã làm cho ông trở nên một nhân vật phức tạp hơn do chỗ ông vừa tiêu biểu cho tinh thần hăng say của một người lãnh đạo có trách nhiệm đồng thời cũng là một kẻ cá nhân chủ nghĩa, hay kèn cựa đồng nghiệp; và việc ông hủ hóa với nữ nhân viên như trong sách viết là do tôi thêm vào để tăng kịch tính của câu chuyện. Nguyên mẫu nhân vật Đồng ở ngoài đời có ngoại hình ốm o bệnh tật, có lối nói táo tợn đốp chát, có quá trình kinh nghiệm công tác cơ sở, nhưng không có hành vi hảo hớn giang hồ, cũng không chết như trong sách tôi viết. Còn nguyên mẫu Bí thư Trường Minh thì đúng là không ít chi tiết có thật từ ông đã được chuyển dịch nguyên xi vào sách của tôi. Tiểu sử oai hùng đời ông. Đức tính kiên trì chịu thương chịu khó, nhịn nhường, tự trọng của ông. Những tình huống  gay cấn mà nhờ bản lĩnh ông đã vượt qua. Kể cả khuôn mặt vuông vức, cặp mắt một mí, đôi vai rộng, cánh tay căng nở và làn da thịt mỡ màng mềm nhẫy. Tất cả đã ào ào tràn vào từng trang sách của tôi. Tuy nhiên phần hư cấu được dành cho nhân vật bí thư xem ra vẫn là nhiều hơn cả. Ông được tái tạo. Ông được đổi tên là Quyết Định. (Tên này ở ngoài đời là của một người bạn ông). Ông có thêm một ông bố tên Nông Văn Phàn tai quái. Ông đã bị tôi giáng cho ốm một trận thập tử nhất sinh. Ông đã bị tôi gán cho một bà vợ đa tình đa cảm, cũng như tôi đã cho ông đọc thơ của Nazim Hikmet và có thêm tính ủy mị yếu mềm, vốn là những cái rất xa lạ với ông v.v...

Thế đó! Đã có biết bao nhiêu là biến thái khi nhà văn quan sát một  nguyên mẫu ở ngoài đời rồi đưa nó vào trang sách. Khái niệm điển hình hóa lâu nay đã bị rơi vào quên nhãng có lẽ là do đã làm nghèo nàn đi sự sáng tạo. Nhưng rõ ràng là nguyên mẫu nào thì cũng phải trải qua một quá trình nhào nặn không đơn giản trong trí não và ngôn ngữ của nhà văn thì mới có cơ trở thành một thực thể văn chương, hài hòa trong hệ thống hình tượng của tác phẩm. Để sau cùng, ở trang sách in, so với đầu vào có khi nguyên mẫu chỉ còn là một điểm xuất phát, một gợi mở, một ý niệm sơ khởi, với đôi ba nét nhang nhác, hoặc khá lắm là một kẻ vừa lạ vừa quen. Không có gì phải băn khoăn cả! Tất cả phải phục tùng ý đồ của nghệ thuật. Chẳng hạn, với thể loại tiểu thuyết, tôi luôn bị chi phối bởi khái niệm sau đây của M.M.Bakhtin: Tiểu thuyết chính là đề tài về nhân vật không tương hợp với số phận và vị thế của nó. Thêm nữa, sau rốt tôi nghĩ, thời gian một khi đã trôi đi, thì câu chuyện nguyên mẫu sẽ chỉ còn là một đề tài bếp núc để các nhà văn, nhà lí luận bàn bạc thôi. Sức sống của nhân vật, chỉ có nó mới là điều quan tâm của bạn đọc và là thước đo thành bại của nhà văn! 

Bạn đọc hôm nay là người biết đọc cả trang sách ngoài đời và trang sách văn chương. Điều đó đã là hiện thực. Một ngày nọ tôi nhận được một cú điện thoại. Và chưa kịp chuẩn bị gì thì đã ngồi trước mặt tôi là năm gương mặt gái trai đều còn rất trẻ.
- Chúng cháu là con trai con gái, con dâu con rể của bố Trường Minh. Chúng cháu đến để cám ơn chú.
- Ủa? Sao lại cám ơn chú?
- Chúng cháu đã đọc Một mình một ngựa của chú. Chú đã làm sống lại hình ảnh của bố cháu. Nếu không có các chú nhà văn thì lịch sử sẽ qua đi mà không ai biết cả.

Tôi nghẹn ngào, quay đi. Con cái Bí thư tỉnh ủy Trường Minh vẫn nhận ra bố các cháu trong nhân vật Quyết Định đã được tôi cải biến bằng những thủ thuật cắt xén, lắp ghép, thêm bớt. Rưng rưng tôi định cất tiếng hỏi: Những chi tiết chú viết không thực, thậm chí cả những nhược điểm không có của bố các cháu, cả cái đoạn chú hư cấu là mẹ các cháu bội tình bố các cháu, có khiến các cháu giận chú không? Nhưng đã vội kìm lại. Vì thấy là thừa. Vì một cháu đã rút từ trong túi xách tay ra một tấm ảnh khổ lớn:
- Chú à, đây là tấm ảnh bố chúng cháu cưỡi ngựa đi công tác trong kháng chiến. Chúng cháu định sẽ góp tiền để tái bản cuốn Một mình một ngựa và khi đó đề nghị chú cho in tấm hình này thêm vào cuốn sách, chú à.
Tôi cầm tấm ảnh, thở ra nhè nhẹ, tràn đầy tự hào và hạnh phúc
 (Nguồn: Văn nghệ Quân đội)
Chép lại từ trang vanvn.net.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét