Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Lời bạt cho tập " HÁT TRƯỚC HOÀNG HÔN"





THƠ CỦA NHÀ THƠ LÀM NGHỀ  DẠY HỌC

          Cảm nhận tập thơ “Hát trước hoàng hôn” của Nguyễn Thị Lan Thanh

                                           Vũ Nho

Những cặp vợ chồng làm chung một nghề thì ở đâu cũng sẵn. Nhưng cặp vợ chồng làm chung nghề Văn thì thật hiếm hoi. Ngay cả nước ngoài cũng vậy thôi. Tôi nhớ nhà thơ  X. Exenhin của Nga dù rất yêu bạn gái nhưng ông cũng không muốn một nhà có hai thi sĩ, vì thế mà họ mãi mãi là người tình của nhau. Chồng  của chị Lan Thanh là nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh nổi tiếng khá sớm. Lan Thanh bằng lòng với việc làm hậu phương vững chắc cho anh bằng cách theo nghề dạy học. Và gia đình nhà thơ- nhà giáo ấy đã thật hạnh phúc. Họ có 5 người con, anh Nguyễn Đình Ảnh trở thành nhà thơ có tên tuổi, Chủ tịch Hội văn nghệ Phú Thọ. Và nhà giáo Lan Thanh cũng hoàn thành nhiệm vụ của một cô giáo cần mẫn, yêu nghề. Rồi thật bất ngờ, trong quá trình làm nhà giáo, làm một “bà Tú Xương mới” lo lắng cho gia đình có một ông chồng nhà thơ và năm người con,  chị Lan Thanh vẫn lặng lẽ làm một nhà thơ. Chị in thơ, vào Hội văn nghệ Phú Thọ, rồi vào Hội nhà văn Việt Nam. Hội văn nghệ Phú Thọ, Hội nhà văn Việt Nam và gia đình cùng tổ chức một cuộc hội thảo về thơ Nguyễn Đình Ảnh và Lan Thanh, một cuộc hội thảo cũng khá hiếm hoi, nếu không nói cho đến giờ là duy nhất ở xứ ta.

Vốn yêu thơ và sẵn có tâm hồn thi sĩ, lại sống ở môi trường dạy học môn Văn, luôn luôn tiếp xúc với thơ ca từ dân gian đến hiện đại,  những tác phẩm thơ đỉnh cao từ trong nước đến ngoài nước, vì thế khát vọng thể hiện mình không thể kìm nén đã thôi thúc Lan Thanh làm thơ. Với những người phụ nữ làm thơ, đề tài nhà trường, gia đình, xã hội là một đề tài  phong phú, bất tận. Vấn đề chỉ còn là nội lực, sự đam mê và tài năng của người viết mà thôi.
                                                                                     Vũ Nho chủ trang


Chị Lan Thanh đặt tên cho tập thơ 101 bài này là “Hát trước hoàng hôn”. Hoàng hôn của thiên nhiên, cũng là hoàng hôn một đời người. Thường thì khi chiều tà bóng xế của thiên nhiên hay của con người thì cũng là thời khắc dễ gợi nỗi buồn. Vì vậy mà người đời từ cổ chí kim thường buồn. Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh đã “vượt qua” nỗi buồn đó bằng câu lục bát đáng nhớ “Tôi không buồn những buổi chiều/ Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai”. Chị Lan Thanh không lí giải nguyên nhân, nhưng “Hát trước hoàng hôn” chứng tỏ người viết phải vui, phải bằng lòng với những gì mình đã sống, đã cống hiến. Và phải “Tự vui” thì mới có thể cất tiếng hát. Như là bộc bạch trong bài thơ cuối tập:

          Đã từng cô giáo một thời

          Ba mươi năm lẻ trồng người chăm hoa

          Đã hồn thơ, đã mơ xa

          Chữ Tâm, chữ Đức… cho ta tịnh lòng

Vâng,  tịnh lòng - tấm lòng thanh sạch, trong trẻo,  yên tĩnh vì đã làm một nghề lương thiện, làm bằng trái tim yêu người và trách nhiệm, lương tâm của một người thầy, một người “trồng người chăm hoa” đã giúp cho người viết an nhiên, vui với những gì mình  trải,  bằng lòng với những gì mình có.

Trong tập thơ này, người viết đã trải nghiệm “bao nhiêu sướng khổ khóc cười trầm luân” (Muôn nẻo đường đời), đã suy ngẫm “Đêm nằm ngẫm những nổi trôi” ( Sẻ chia). Và đã ngộ ra bao điều về muôn mặt đời người. Về tình yêu, tình gia đình, tình bạn, tình nghề nghiệp, tình quê hương, tình đất nước và cả về thế thái nhân tình. Những câu thơ như là lời tự nhủ, nhưng lại cũng như là lời tâm sự, lời nhắn gửi bạn đọc xa gần. Có thể người viết rút ra từ trải nghiệm của mình, nhưng cũng có thể từ những quan sát những người xung quanh, những người giăng mắc lưới tình.

Đã yêu thì nói một câu

Để dành vuột mất, bạc đầu ngẩn ngơ

                          Ngẩn ngơ

Biển hút sâu, trời vút cao

Tiếc thì biết đến nơi nao mà tìm?

                              Tự ru

Biển buồn tát mãi buồn không cạn

Nỗi nhớ đào đi, nhớ vẫn đầy

                           Thăng hoa

Thôi đừng xui cúc nở hoa

Kẻo ta ngắm cúc, lòng ta nỗi người

                             Nhớ

Chính cái sự đa đoan nhạy cảm phức tạp “lòng ta nỗi người” đã khiến cho nhà giáo, nhà thơ cảm thông với những mảnh đời vất vả mưu sinh. Chị lắng nghe tiếng chổi quét rác của cô gái trên đường phố:

Em quét cho phố phường sạch đẹp

Tôi nghe cật nứa cứa vào da

                       Cô gái quét rác trên đường phố

Chị thấy “tái tê nỗi người” khi nghe tiếng rao của em bé bán tăm:

          Chỉ mua mấy bó tăm tre

          Tiếng rao sao mãi tái tê nỗi người

                             Em bé bán tăm

Chị nghĩ về mình và về những người quanh mình bằng một tấm lòng thương cảm, bùi ngùi:

          Mỗi người mỗi kiếp mưu sinh

          Sẻ chia vắt đến kiệt mình chưa thôi!

                             Sẻ chia

Khi người bạn thơ- bạn đời ra đi, chị  cảm thấy “Trống trênh suốt cả đêm ngày”. Và hình ảnh của anh luôn ám ảnh trong những vần thơ thương nhớ, trong cảm giác buồn thương “Nỗi buồn úa héo ủ trong nỗi buồn”. Cảm giác lạnh lẽo “Một lưng mà những hai giường/ Lạnh từ cái sắc vôi tường lạnh ra” ( Lạnh) và cảm giác cô đơn trong đêm dài “Một mình thức với sao Mai/ Ai hay đằng đẵng đêm dài bằng năm” ( Một mình) thật thấm thía.

          Nhà giáo nhà thơ – nhà thơ nhà giáo Lan Thanh khi thăm mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng đã viết:

          Yêu mơ mộng, tình rộng sâu

          Hóa ra thơ vẫn sống lâu hơn người

                       Nhớ Hàn Mặc Tử

Đúng vậy. Cuộc đời con người thật ngắn ngủi và hữu hạn. Nhưng cuộc đời của thơ ca, những vần thơ “Yêu mơ mộng, tình rộng sâu” thì bao giờ cũng trường tồn với thời gian. Những vần thơ của nhà giáo, nhà thơ  Lan Thanh tôi tin sẽ sống trong lòng những người thân, những học trò  lớp lớp của chị và sống trong lòng những bạn bè văn chương, nhất là  trong những người  bạn đọc yêu thơ. Khi con người còn sống, còn yêu thì khát vọng được an ủi, được đồng cảm được sẻ chia sẽ mãi còn. Và người ta sẽ mãi còn tìm đến Thơ, trong số đó có những vần thơ khiêm tốn mà nhà thơ Lan Thanh  đã chắt chiu đóng góp.

                                                     Hà Nội, 17 tháng 8 năm 2017
In trong tập " Hát trước hoàng hôn" của tác giả Nguyễn Thị Lan Thanh, nxb Hội nhà Văn, 2017

                  


2 nhận xét:

  1. Tôi chưa được đọc thơ của N.T. Lan Thanh, nhưng những câu thơ trích dẫn của Nhà Giáo, Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhà Phê bình Vũ Nho thật HAY và chứa chan TÌNH NGƯỜI của tác giả. Vũ Nho đúng là có ĐÔI MẮT XANH! Tôi có biết Nguyễn Đình Ảnh nhưng không quen biết vợ ông. Vì tôi học cùng khóa, khối 10 ở Hùng Vương PT với ông và PTD, chỉ không cùng lớp. Ảnh cùng học khóa Văn 3 năm (thí nghiệm chỉ giữ một số 1/3 SV khóa 2 năm)ở ĐHSP HN với Phạm Tiến Duật. Sau khi tốt nghiệp, toàn bộ số giữ lại học thêm một năm này đều nhập ngũ, bổ sung cho Quân Khu Tây Bắc...(theo lời kể lại của PTD), rồi họ đều thành nhà thơ QĐ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Ngocchuy Tran đã ghé trang và để lại cảm nhận. Chị Lan Thanh là sinh viên khóa 4 của khoa Văn, ĐHSP Việt Bắc. Chị khi ấy là cán bộ ( giáo viên cấp 2) đi học. Tôi đã từng viết bài về nhà thơ Lan Thanh và nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh gửi Hội thảo thơ của hai người in trong tập "Trên đôi cánh thi ca" ( khi anh Đình Ảnh đã mất). Cũng là một "duyên văn" đẹp.

      Xóa