THƠ THÙ TẠC VÀ DƯ LUẬN
Đầu năm, trang vunhonb đã đăng tải 5 bài thơ thù tạc của Hoàng Dân và Đường Văn ( Xin xem Chùm thơ tết - xuân 2018, lên trang ngày 27 tháng 2 năm 2018). Nay đăng tiếp chùm vịnh - họa và những bình luận của bạn đọc trên FB.
CHÙM
VỊNH - HỌA
HOÀNG DÂN
1.
MẬU TUẤT NHẮN GÌ?
Mấy lão già hưu
hãy lắng nghe
vài lời Mậu Tuất nhắn cùng nhe:
- Xin đừng… lười chết, lai rai mãi,
Điện táng cho nhanh!... Hé hẻ hè!…
2.
ĐÓN ĐẦU
Tám
mốt cái xuân vẫn chưa già!
Vẫn máu “đón đầu”... những bóng ma!
Chương
trình chính thức thì chưa có!
Viết cái chi đây??? Khà khà khà…!
3. KHÁU LÃO
Kháu gái là khen
cô gái xinh;
Kháu lão là khen… thói đa tình.
Già, nhưng lỗ chỗ không đều lắm,
Toàn xương bọc thịt! Tỉnh tình tinh!*…
* Ca dao: Người xinh,
tiếng nói cũng xinh/Người giòn, cái tỉnh tình tinh cũng giòn!
4.
TUỔI TÁC
Cái “món” tuổi
tác hơi bị… buồn!
Mỗi độ xuân về lại già hơn.
Tóc bạc, da mồi, lưng khọm khị,
mà vẫn chưa tường lẽ dại, khôn…?!
5.
LẠC
Thăm bạn chục lần
vẫn loanh quanh...
Già sinh lẩn thẩn? cũng thôi... đành!
Miễn gặp được nhau là hỉ hả,
Rượu vào, thơ phú thả phành phanh!…
TB, 22h 24.2.2018. HD
CHIA SẺ - LUẬN BÀN TRÊN FACEBOOK
Sau bức ảnh “Dân, Đường, Chưởng, Lạc”, pot lên FB, bác
Nguyễn Quang Biên “còm” 1 câu rất…
từ bi hỉ xả: “80 trở lên gọi là GIÀ còn
nghe được, dưới mức đó chỉ nên coi là KHÔNG CÒN TRẺ thôi!”
- HD BÀN THEO TRƯỜNG PHÁI “BÚT TRE”: Sự lắt léo của ngôn từ!
Nói “từ bi hỉ
xả” vì bác Biên đã “tha bổng” cái sự… già, không thèm chấp! Tuy nhiên, nếu dưới
80 mà bỗng “ngứa mồm đưa đẩy” một giai nhân nào đó (trong những trường hợp
chẳng đặng đừng, ví như: tình cờ ngồi chung một cái ghế trên tàu hỏa, tình cờ
đi chung một đoạn đường…) thì chắc chắn giai nhân sẽ “gầm gừ” mà rằng: “Lão già
mất nết!”. Lại nhớ chuyện có vị quan ở tỉnh nọ bị kỉ luật vì cái tội nâng đỡ
“không trong sáng” một hót-gơn! Ôi chao là cái Tiếng Việt! Hay đến… mê mẩn “lịm
ga Hàng Cỏ”! Hay đến sởn da gà, mọc gai ốc! Hay đến nỗi… tức thở! Bởi vì “không
trong sáng” thì đích thị là “mờ ám, hắc ám, đen tối…”, chứ còn gì nữa?! Nhưng
nói toẹt ra rằng “nâng đỡ một cách… mờ ám” thì kinh quá, nên phải “giảm nhẹ”
ngôn từ đi chút chút (cái này trong Tu từ học gọi là thủ pháp “khinh từ”), ngõ
hầu tránh cái sự… choáng, sốc… gì gì đó!... Nay bác Biên bảo dưới 80 là “không
còn trẻ” cũng rứa thôi, bác ạ! Người ta quen nói, đại loại: - Chị chưa đến nỗi
già lắm!- Cô không đến nỗi xấu lắm! - Giọng hát của anh không phải là hoàn toàn
chua loét! - Cụ tuy có yếu hơn trước nhưng vẫn còn khỏe chán!... cũng… rứa nốt,
bác ơi!
Tuy nhiên,
cách dùng “khinh từ” ấy có thể khiến cho khối lão già hí hửng… rằng thì là …
mình chỉ “không còn trẻ” thôi, chứ đâu đã già?! Nghĩ thế cũng được, nhưng tưởng
thế mà đi lăng nhăng thì coi chừng mắc chứng nan y “già ưa trống bỏi” rồi thân
bại danh liệt vì cái “nghiệp chướng” muôn thuở: Già không trót đời! Đọc báo hằng ngày, thấy không hiếm chuyện mấy
“lão già” 72, 78, thậm chí 93 còn phải hầu tòa vì cái xú danh “yêu râu xanh”
đáng ghê tởm, bởi chúng hầu hết đều giở trò đồi bại với các bé gái! Tuy nhiên
(lại “tuy nhiên”), “yêu râu xanh” là hành vi súc vật, cần phải lên án và trừng
trị! Còn tình yêu? Tình yêu là sự đồng cảm, đồng tình, đồng thuận… Nó là một
thuộc tính trong đời sống tinh thần của con người, do đó nó thường không “phân
tuyến” tuổi tác một cách cơ học. Ví như cách nói của Hoàng Xuân Độ: Yêu nhau có ai hỏi/Tuổi ít hay tuổi nhiều Tình
yêu không có tuổi/Tuổi tình yêu trong yêu.
Ở tỉnh Hà Nam
có một mối tình lạ, đẹp và cảm động giữa một “anh” thương binh 77 tuổi và một
cô gái 36 tuổi (khỏe, xinh). Họ yêu nhau và tiến tới hôn nhân, hiện đã có ba
đứa con kháu khỉnh. Trả lời phỏng vấn báo chí, người vợ bảo: “Tôi cảm thấy hạnh
phúc!”. Trường hợp này, cụm từ “không còn trẻ” của bác Biên thuộc loại “chuẩn
không cần chỉnh”! Nhưng… bác ơi… đại đa số đàn ông, sau khi hưu: Mỗi ngày một bận soi gương/ Chềnh ềnh cái
mặt thắp hương được rồi! Hoặc: Mỗi
lần gặp một đám ma/Bâng khuâng tự hỏi: đám ta hôm nào?!
“Không
còn trẻ” là “đã già”! Già thì hơi… buồn thật, nhưng đó là Luật Trời, bất khả
kháng! Hãy dũng cảm gọi đúng tên sự vật: Già là già, trẻ là trẻ! Còn các thể
loại “trung gian” như “bánh tẻ, trung niên, đứng tuổi…” có vẻ hơi mù mờ và co
giãn như dây cao su!… Ngày xuân cười chút cho khuây cái sự “không còn trẻ” nữa!
Kính! TB, chiều muộn 24.2.2018
- “Còm” của bầu bạn và học trò cũ:
- Nguyễn Kim Mai: Hay và dí dỏm quá! - Ninh Vũ: Cảm ơn tác giả viết hay! - Hoàng Gia Viễn: Cụ không còn trẻ là già/Đó là định nghĩa, chúng ta
cần/Nhắc nhau bảo trọng tấm thân/Sang năm vui đón mùa xuân lại về/Khề khề… - Phượng Hồng: Đúng là từ ngữ tiếng Việt
dưới ngòi bút của thầy đã trở nên lung linh sắc màu. Tuyệt mĩ! - Nguyễn Thu Hương: Chuẩn không cần chỉnh! - Hoài
Thu: Tuyệt!
- CẢM ƠN…
(Tặng bầu bạn và trò cũ đã “còm” sau bức
ảnh “Dân, Đường, Chưởng, Lạc”)
Tứ lão là bốn giáo già
nâng li hội ngộ, la đà đầu xuân.
Trò cũ các khóa xa gần,
ríu ran “còm”chúc, ân cần hỏi han.
Bồi hồi đọc, nhớ miên man:
Thân thương trường cũ, trò ngoan thuở nào...
Giữa bao bề bộn, ồn ào,
Bâng khuâng khoảng lặng, nôn nao nghĩa tình!
Cảm ơn lời chúc đinh ninh!
Bên hiên, rực rỡ, rung rinh đóa hồng…
TB, chiều 24.2.2018
- LAN MAN… GIÀ XỊN…!
Có 3 tiền đề mà người xưa đã “rút ruột” cho mai hậu, rất đáng lưu ý:
1. “Ngũ niên, lục nguyệt, thất nhật, bát thời”, nghĩa là “50 tuổi sống
năm nào biết năm ấy, 60 tuổi sống tháng nào biết tháng ấy, 70 tuổi sống ngày nào
biết ngày ấy, 80 tuổi sống giờ nào biết giờ ấy”!
2. “49 chưa qua, 53 đã tới”, nghĩa là đàn ông thường chết như “ngả
rạ” vào khoảng từ 49 đến 53 tuổi, vì đó là… “tuổi hạn”!
3. “Nhân sinh thất thập cổ lai hi” (Đỗ Phủ)
Nương theo 3 tiền đề trên, thử
bàn về quan niệm “già xịn” của bác Quang
Biên!
Trước năm 1945, tuổi thọ trung bình của đàn
ông Đại Việt là 43. Nay là 73,5 (nguyên nhân: chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế
tốt hơn hẳn ngày xưa!). Như vậy, cả 3
tiền đề trên đều đã… lạc hậu! Chẳng biết nên vui hay buồn?!
Hiện nay,
nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam không khỏi ưu tư về tình trạng “già hóa
dân số”! Ở nước ta, các cụ có sổ hưu ước tính hơn 7 triệu, cộng với các cụ
không có sổ hưu khoảng hơn 7 triệu nữa, vị chi là hơn 14 triệu người già/hơn 90
triệu dân!
Ngày xưa, ở
các làng xã có luật “khao lão non” qui định các “anh” 49 tuổi có quyền tổ chức
“khao lão non” để được vinh thăng lên “lão” và được ngồi chiếu nhất trong các
cuộc “nghị sự” hoặc lễ lạt ở đình làng (cái “góc chiếu giữa đình” là oách xì
dầu lắm!). Tại sao được “khao lão non”? Đơn giản, 49 là tuổi “hạn”, có thể
“toi” bất cứ lúc nào; trong khi phải 50 tuổi mới được lên “lão”! Nói cách khác,
ngày xưa, xét về tuổi tác thì 50 tuổi là “già
xịn” rồi, được gọi bằng “cụ” rồi! Còn ngày nay, 50 tuổi là “tráng niên” đang ở đỉnh cao của công
danh và cả của… phong độ giường chiếu!
Các cụ dạy:
“Trẻ làm ma, già làm hội/Sống lâu ăn hết lộc con cháu/Chết trẻ khỏe ma…”. Tạm
“phân tuyến” chết trẻ/chết già như sau: dưới 80 tuổi mà chết thì làm đám ma có
trống kèn, khóc lóc để tỏ lòng thương xót; trên 80 tuổi mới chết thì mở hội mời
múa lân và các gánh hát tới làm trò cho vui vì con cháu đã được trả lại “lộc
trời”! 90 tuổi trở lên từ trân thì các con cháu chắt tổ chức lễ Hồng tang.
Hôm nay, khi
nói “áo da xịn, quần bò xịn, tiến sĩ xịn…” hàm ý phân biệt với “áo da rởm, quần
bò rởm, tiến sĩ rởm…”; nhưng khi nói “xe xịn, điện thoại xịn, đồng hồ xịn…” lại
có hàm ý chỉ “đẳng cấp” của chủ sở hữu! Vậy “già xịn” thuộc loại nào? “Già xịn”
để phân biệt với “già rởm”? “già xịn” là “phẩm
chất của người già” từ khi cầm sổ hưu (60 tuổi) cho đến khi… hết biết thở
vẫn sống lương thiện, không một tì vết, chết mà không để tiếng nhục cho con
cháu! Ví như cái “cụ” 93 tuổi phải hầu tòa vì tội đồi bại với trẻ em và bị kết
án 7 năm tù giam thì“cụ” ấy sẽ “tổ chức lễ mừng thọ tròn 100 tuổi” ở trong… nhà
tù! Với “cụ” ấy, “đoạn đường đời” từ 60 đến 93 tuổi là một đoạn đường“dằng dặc
những chông gai và cạm bẫy” chứ đâu có thênh thang như một đại lộ đầy hoa thơm
cỏ lạ nhỉ?! Bởi thế, ngẫm kĩ, những lời cảnh báo của tiền nhân đâu có thừa: “Đa thọ đa nhục/Cọp chết để da, người ta chết
để tiếng”! Tất nhiên phải là “tiếng thơm” chứ không thể là “tiếng thối”! Phải
chăng, “già xịn” là “già
+ chết = tiếng thơm”?!, 60, 70, 80, 90 hoặc 100 tuổi đôi khi
chỉ là “sống dai, sống dài, sống dại…” chứ đâu đã phải là một “tiêu chí” của
“già xịn”?!...
HDTB, khuya 25.2.2018
- Bác Quang Biên “còm” tiếp:
Đọc xong bài
viết này của HD, tự thấy ngay mình (NQB)... SAI rồi!
Bởi xét cho
cùng, cũng bởi cái tính xấu đố kỵ mà ra. Mình năm nay đã vào tuổi 83, là
"già xịn" rồi, được toàn thiên hạ xếp vào loại " mắt
mờ, chân chậm, lẩm cẩm, dở hơi" rồi. Nhưng hễ nghe ai kém tuổi mà cũng
cứ coi là "đồng hạng" với mình thì bỗng thấy khó chịu trong
lòng. Cho nên mới nảy ra cái ý kiến vớ vẩn như vậy!”
- PHẤN ĐẤU ĐỂ… GIÀ XỊN!
Sau bài “Lan man… già xịn…”, lại có liền 3 “còm”:
- Đường Văn:
Bài hay, nghĩ
sâu, thuyết phục. Chúc mừng HD Thạch Bàn. Cụ Biên là người chân thành , sắc sảo,
biết người, hiểu mình. Đúng là già xịn?!
- Bác Nguyễn Quang Biên:
Hay! sâu sắc
quá! Mình vốn chỉ nghĩ "già xịn" là đủ già để lúc ngưng thở,
mọi người đều nghĩ "cụ sống thế là thọ rồi, cụ đi bây giờ là đẹp rồi, chẳng có gì phải tiếc nuối nữa". Giờ,
theo HD, tiêu chuẩn "già xịn" là từ lúc cầm sổ hưu cho đến
lúc nhắm mắt xuôi tay phải "không có tì vết gì", mà cái này
chắc không phải do Ủy ban Phường xác nhận, xem ra cũng không biết có đạt được
không nữa! Thế là lại phải phấn đấu để đạt tiêu chuẩn "già
xịn" à?!
- Lê Hữu Tỉnh: Người già ương ương đọc rất thích!
- HD bàn tiếp:
Bây giờ là
chuyện “phấn đấu” để đạt tiêu chuẩn… “già
xịn”! Đúng thế, thưa bác Biên! Khi đương chức thì phấn đấu để tiến bộ, còn
khi hưu thì phải phấn đấu để “chết cho lành danh”; cho dù chỉ là cái “danh còm”
thì chí ít cũng có vài ba trăm người “phán xét” theo luật chơi “Cái quan luận định” (đậy nắp quan tài
xong mới có thể kết luận người nằm trong
đó là quân tử hay tiểu nhân) - là con cháu và họ hàng hai bên nội ngoại,
là bạn bè đồng nghiệp, là học trò cũ… Xưa nay, người đời có thể tôn vinh người
già là “Cây cao bóng cả”, là Vốn quí của gia đình và xã hội”, là “Kho báu trí
khôn”… Nhưng đồng thời người đời cũng cảnh báo: “Già sinh tật, đất sinh cỏ”,
“Già chơi trống bỏi”, “Quá lão hoàn đồng”, “Già không trót đời”, Già dơ, già
dại… Vì đang bàn chuyện “phấn đấu” nên tôi chỉ tạm liệt kê những “chướng ngại
vật” trên “hành trình cam go” từ khi… “cầm sổ hưu” cho tới đích… huyệt mộ! Nói
chung, những người già có đủ ý chí và sự tỉnh táo cần thiết thì đều bảo toàn
được cái “danh còm” của mình sau khi đã được/bị… lấp đất! Ngược lại, chỉ thêm…
mệt con, khổ cháu!
Xin bắt đầu từ “những di chúc gan
ruột” của tiền nhân:
1. “Già sinh tật, đất sinh cỏ”! Đó là qui luật tự nhiên? Đúng, nhưng có
lẽ chưa đủ! Khi còn đương nhiệm, do phải thủ rất nhiều “vai” khác nhau, ví như:
vai cấp trên, vai cấp dưới, vai đồng nghiệp, vai thầy giáo, vai cán bộ… cho nên
ai cũng có ý thức tập trung vào việc giữ gìn sự toàn vẹn thanh danh cho các vai
của mình. Nói nôm na, đó là hoàn cảnh “quan trên trông xuống, người ta trông
vào” – tức hoàn cảnh bị giám sát, kiểm soát bởi pháp luật và đạo đức.
Còn khi đã về hưu thì… tự do
tuyệt đối (“thả rông tuyệt đối”!). Cái tự do tuyệt đối này luôn có hai 2 mặt
tích cực và tiêu cực. Tích cực là khát vọng sống có ích. Tiêu cực là sống buông
thả, vô trách nhiệm. Người xưa từng dạy “Quân tử thận kì độc dã!” (Người quân
tử phải rất thận trọng khi ở một mình). Về hưu cũng là dạng “ở một mình”. Những
thói hư tật xấu của người già có thể sẽ phát triển một cách um tùm, rậm rạp như
cỏ dại! Đất canh tác thì người ta diệt cỏ, còn đất hoang thì cỏ mọc vô tổ chức,
mà người già cũng là một dạng “đất bỏ hoang”! Cả câu tục ngữ trên nghĩa bóng là
“tình trạng bản năng rất khó kiểm soát”! Có thể coi đó là một trong những thách
thức lớn nhất ý chí người già!
2. “Quá lão hoàn đồng” cũng tương tự như vậy, nhưng thành ngữ Hán Việt
này hình như muốn nhấn mạnh vào những thói xấu cụ thể, đó là những thói xấu của
trẻ con như: hờn dỗi vặt, tham vặt, hiếu thắng vặt… Những người già mắc chứng
“hoàn đồng” nhẹ thì người ta bảo “lẫn”, nặng thì người ta khinh! Già mà bị
khinh bỉ, tưởng chẳng còn nỗi nhục nào lớn hơn?!
Ngoài ra, còn rất nhiều “món”
khác quấy nhiễu người già, như bệnh tật, ốm đau, buồn chán, vợ chồng bất hòa,
con cái bất hiếu, bạn bè phản phúc… Vượt qua được vô vàn những thử thách để
sống vui, sống có ích… đâu dễ? Vì thế, chỉ còn mỗi cách “phấn đấu” theo phương
châm “đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận” một núi thử thách, ngõ hầu tiến
tới trận “chung kết” ở đài hóa thân mà không để lại “một tì vết” nào! Khó! Rất
khó! Nhưng khó như thế mới xứng danh “Cây
cao bóng cả” chứ?! Sáu mươi tuổi về hưu.70, 80 vẫn… quân tử! Nhưng 89 có
thể bất đồ thành… tiểu nhân! Chuyện nhỡn tiền chẳng hiếm gì! “Cái quan luận định” hoặc như một vị hoàng đế
Trung Hoa từng trăng trối: “Xong một kiếp
người nghĩa là cũng chấm dứt mọi tai họa!”.
Chí lí thay! Còn sống ngày nào,… tai họa còn có thể xảy ra ngày ấy! 93 tuổi vẫn
còn bị còng tay kia mà! Chu Dung Cơ chia
sẻ: “Sống một ngày biết một ngày, vui một
ngày lãi một ngày”! Nếu lấy đơn vị “một ngày” để tính sự “biết” và sự “vui”
thì tôi muốn thêm một vế nữa: “qua một ngày mừng một ngày”! Xem thế đủ biết cái
“một ngày” của người già mong manh thế nào?! Cái “một ngày” ấy đã lặp đi lặp
lại hàng ngàn năm, vật vã qua hàng triệu kiếp người, cho nên có những lời nhắn
nhủ của tiền nhân sẽ còn mới toanh tới hàng tỉ năm nữa. Ví như: Già không trót đời/Nói trước, bước không
qua…Vậy việc phải tiếp tục “phấn đấu”
để đạt danh xưng “già xịn” vừa dễ
vừa khó. Dễ hay khó đều do ta quyết định cả thôi. Bác Biên nói quá chuẩn. Chẳng
có cái “Ủy ban Phường” nào xía vô được!!! Với người già (được “thả rông” từ 60
đến chết), chỉ còn “tòa án” duy nhất có hiệu lực, là “tòa án lương tâm”! Thành
ngữ Hán Việt: “Bế môn tư quá” (Đóng
cửa nghĩ về những lỗi lầm của mình) chính là muốn nói đến “tòa án” không có
vành móng ngựa ấy chăng?!
TB, khuya 26.2.2018. BT, chỉnh
sửa:27-28/2/2018. ĐV
Cám ơn bạn, bài viết rất hay. Mời bạn ghé qua website ủng hộ mình nhé Gia sư Hóa học tại Hà Nội
Trả lờiXóa