MỘT CÁCH LÀM MỚI PHÊ BÌNH
Đọc “Trang sách, mạch đời”, nhà xuất bản Văn Học, 2017 của
Phạm Khải
Vũ Nho
Đây là tập sách có phụ đề “phê bình đối thoại văn học”, nghĩa là ít nhất so với các tập sách của
đồng nghiệp chuyên về “phê bình” thì Phạm Khải đã có thêm phần “đối thoại” là một
phần khác biệt. Trong tinh thần tôn trọng bạn đọc và bạn văn hiện nay, “đối thoại” giúp cho nhìn đối tượng phê bình từ
nhiều chiều, nhiều góc độ, làm cho việc tiếp nhận văn chương giảm tính chất áp
đặt một chiều và tăng thêm tính dân chủ,
khách quan. Tôi đoán rằng tác giả Phạm Khải không ngẫu nhiên mà chọn tên cho tập
sách là “Trang sách mạch đời”. Ngoài ý
tưởng về sự gắn bó hữu cơ, khăng khít gữa
sách vở với đời sống, hẳn còn có những điều khác nữa. Ít nhất là khi phê bình,
thẩm định, người viết không chỉ thuần căn cứ vào sách ( dù điều này là quan trọng
nhất!) mà còn căn cứ vào những điều ngoài sách. Ấy là căn cứ vào đời sống. Ngoài
chuyện đánh giá tập sách được phê bình của người viết phê bình, còn có thêm điều
trao đổi lại với tác giả, Không chỉ thế,
còn có các ý kiến đánh giá khác của những bạn văn, những nhà nghiên cứu, nhà phê
bình khác nữa. Rõ ràng, nhiều kênh, nhiều chiều như thế, cốt làm cho việc thẩm định đạt được tính khách
quan, thuyết phục bạn đọc và thuyết phục ngay chính tác giả có sách được thẩm bình.
Mười chín bài viết trong tập có 6
bài viết năm 2008 và 13 bài viết năm 2007.
Tất cả đều công bố trên báo Văn Nghệ Công An nơi Phạm Khải công tác.Tác
giả hoàn toàn có thể căn cứ vào ngày tháng công bố cuối bài để sắp xếp các bài theo trình tự thời gian. Như vậy, bạn đọc
có thể thấy được sự “nối tiếp” và mạch
“phát triển” của ngòi bút. Nhưng có lẽ làm như thế sẽ làm cho cuốn sách đơn điệu
chăng? Vả lại ngày tháng đã ghi rõ dưới mỗi bài, vì thế mà việc “xáo trộn” chính
là để tạo ra sự hài hòa giữa phê bình văn
xuôi với phê bình thơ, phê bình thơ dịch với phê bình phê bình, phê bình tác phẩm
với phê bình tác giả…Cũng là một cách để thay đổi “khẩu vị” cho những bạn đọc
khó tính!
Vũ Nho chủ trang
Phạm Khải là một cây bút đa năng.
Anh làm thơ, viết bình thơ, viết kí chân dung, viết kí sự -phỏng vấn, viết tiểu
luận- phê bình văn học, viết tản văn, viết
sách chuyên đề,… Những kinh nghiệm làm nghề văn, nghề báo đã được tác giả huy động
tối đa và kết hợp nhuần nhuyễn trong tập sách “Trang sách, mạch đời”. Các bài viết đều nhất quán ở chỗ bên cạnh phần
nhận định, đánh giá thận trọng, chừng mực và khách quan của nhà phê bình Phạm Khải, bao giờ cũng có phần
tham gia của chính tác giả, của những người bạn tác giả, hay những nhà văn, nhà
nghiên cứu, nhà quản lí am hiểu công việc văn chương, sách vở. Tuy nhiên, ngay
trong sự nhất quán này, Phạm Khải cũng có cách tiếp cận uyển chuyển, biến hóa
nhằm tránh đơn điệu. Có nhiều bài chỉ phỏng
vấn tác giả. Có bài thì phỏng vấn người làm bộ sách kèm một nhà nghiên cứu ( 70
năm đồng hành cùng thời đại); bài khác
thì phỏng vấn một nhà thơ trưởng ban biên
tập báo và một Đại tá trưởng ban biên tập của nhà xuất bản ( Cuộc du hành từ văn
tới sử). Một bài khác nữa thì chỉ ghi lại
ý kiến đánh giá của nhà thơ, nhà nghiên
cứu, nhà báo ( Mạnh hơn lí thuyết). Bài khác nữa thì vừa phỏng vấn (nêu câu hỏi)
vừa ghi lại ý kiến đánh giá ( Ngòi bút phê bình thấu tình đạt lí)…
Tất nhiên, chất lượng của tập sách
chủ yếu là phụ thuộc vào những đánh giá, phê bình, nhận định của chính người viết.
Những phần phỏng vấn, ghi chép ( dù có rất sắc sảo và cung cấp thêm thông tin)
cũng chỉ là góp phần “khắc họa” hoặc bổ sung thêm, làm cho bài viết thêm tư liệu,
thêm thuyết phục mà thôi.
Như đã nói ở trên, Phạm Khải vừa
làm thơ, vừa viết bình thơ, lại viết phê
bình, tiểu luận. Tác giả vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Đó là một thuận lợi lớn
để làm phê bình. Là người trong cuộc, anh hiểu rõ những vất vả, khó khăn của
người làm văn chương. Bởi vậy mà khi viết về các tác phẩm khác nhau của đồng
nghiệp, thái độ của Phạm Khải là một thái độ trân trọng. Có tác giả là người nổi
tiếng, rất nổi tiếng, nhưng cũng có tác giả chỉ nổi tiếng vừa phải. Có tác giả được đề cập đến ở khía cạnh không phải
là trội nhất hay mạnh nhất. Nhưng Phạm Khải đều tiếp cận một cách công bằng, thận trọng, chi tiết. Chính điều đó
làm cho các tác giả được đề cập cảm thấy hài lòng; không thể và không nỡ “bẻ”…
Đọc khá nhiều những bài viết của
Phạm Khải trước đây, có thể thấy rõ là Phạm Khải đọc rất kĩ những gì anh động bút.
Phạm Khải đã từng tranh luận thẳng thắn và góp ý cho những bậc đàn anh khá thuyết
phục khi bám chắc vào văn bản và đọc kĩ
văn bản. Ở tập phê bình này cũng vậy. Không thể chỉ đọc lướt mà có thể viết ra đoạn
văn như thế này về văn tùy bút của Đỗ Chu:
“ Có thể nói, “tạng cảm xúc” của Đỗ
Chu cũng rất hợp với thể tài tùy bút, tản văn. Nó vừa trữ tình lại vừa hóm hỉnh.
Giọng kể của tác giả sắc mà vẫn ngọt, có chỗ lem lém, cả cười nhưng cũng lắm chỗ
trạnh buồn, chua chát. Nó như con người tác giả rất hoạt khẩu, kết hợp được nhuần
nhị cả chất văn lẫn chất báo” ( trang 9). Hoặc đánh giá vì sao nhà thơ Tạ Hữu
Yên đi nhiều, viết khỏe, có số bài thơ được phổ nhạc kỉ lục, nhưng “chưa có vị trí thật nổi trội”, Phạm Khải
phân tích : “Ông có cách nhìn đời ấm áp
đôn hậu mà thiếu những quan sát sắc cạnh có thể nâng lên thành những triết lí độc
đáo, có tầm khái quát. Giọng thơ ông nghiêng về thủ thỉ, tâm tình nên cũng ít tạo
nên những cuốn lốc bất ngờ gây náo nức tâm hồn người đọc. Ông nhạy cảm tinh tế
trong phát hiện về sự chuyển đổi tâm lí, cảm xúc của mình trước những sự kiện lớn
lao của dân tộc nhưng lại không nhiều những giây phút lắng nghe cảm xúc của
mình khi đối mặt với biến chuyển đời thường”. Không đọc kĩ thơ của Tạ Hữu Yên,
sao có thể có những nhận xét thấu tình đạt lí như thế.
Một trong những ưu điểm của ngòi
bút Phạm Khải trong tập sách là khi anh
viết về mảng thơ mà anh vốn có làm thơ, bình thơ. Những nhận xét của anh tinh tế,
chính xác và đem đến cho bạn đọc những cảm xúc thú vị. Ví như anh khen bản dịch
của Trương Nam Hương ( Không chỉ là “ngẫu dịch”). Khi anh nhận xét về bài “Trút”
của Nguyễn Phan Hách khá thẳng thắn khiến nhà thơ đồng ý với “phát hiện”: “ Trong bài “ Trút”, ông nói ngoài đời ông “sống
nghiêm”, còn bao nhiêu cái “dở dở điên điên” ông “trút vào sách vở”. Tôi thì
tôi lại thấy, trong thơ, ông có cái hồn nhiên của một chú bé. Một chú bé thông
minh, nghịch ngợm. Có lúc nào ông thấy như vậy và có ai đã nói với ông như vậy?”
(trang 32). Hoặc để minh chứng cho nhận xét của mình về khả năng thẩm thơ chưa
thật tinh và không phải là chỗ mạnh của một nhà phê bình gạo cội, anh dẫn ra một
đoạn thơ và lời bình của ông rồi kết luận : “Với những câu thơ đầy ngậm ngùi, ăn năn hối lỗi này mà[…] lại đọc ra là“Giọng
thơ đay nghiến, chì chiết thậm chí ngoa ngoắt” thì chưa chính xác” ( trang
64). Những câu thơ hay của Hoàng Nhuận Cầm được trích lại, kèm với đó là sự tỉnh
táo trong đánh giá khách quan, sòng phẳng giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về tạng
thơ của tác giả “ Xúc xắc mùa thu” : “ Thơ
Hoàng Nhuận Cầm cứ đan xen như thế ( mộng mơ và tinh nghịch, mơ màng cổ điển và
tung tẩy phá cách, trang nghiêm và đùa cợt – VN chú). Bên cái mượt mà, thánh
thót của piano, ta lại thỉnh thoảng giật mình bởi tiếng “thình thình trong đêm”
của trống đệm, nghe có vẻ “khủng bố” quá”
( trang 169).
Một ưu điểm khác của các bài viết
trong tập là nhà văn, kiêm nhà báo Phạm
Khải đã đưa ra những câu hỏi “trúng” vấn đề mà mọi người quan tâm. Ấy là những câu hỏi nhằm tìm hiểu thêm
qúa trình thai nghén tác phẩm, những cảm xúc, suy nghĩ của tác giả; đồng thời là những đánh giá của
người ngoài cuộc nhưng am hiểu văn chương. Không ít những câu hỏi được tác
giả đầu tư, kể cả những câu hỏi khó, đem đến những thông tin bất ngờ. Ví như những
câu hỏi với nhà văn Đỗ Chu, với nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Chỉ lấy một ví dụ về
việc hỏi nhà văn Hồng Diệu, ta có thể thấy Phạm Khải “khéo” và hóm như thế nào để vừa phê bình vừa không làm
mếch lòng người đối thoại : “ Xin được hỏi
nhỏ. Ông từng có lần viết “ Tôi rất lạ khi thấy một nhà thơ tinh tế, có ý thức
trong việc chọn chữ, đặt câu như Xuân Diệu lại có chỗ sơ ý, rất sơ ý”. Đọc tập
sách này, tôi cũng muốn thốt lên rằng : “ Tôi rất lạ khi thấy một người cẩn thận,
chính xác về số liệu như Hồng Diệu mà lại có chỗ sai đến độ nói rằng tập thơ “Nhật
kí trong tù” của Bác Hồ được viết từ tháng 8 năm 1932 đến tháng 9 năm 1933”
trong khi đúng ra phải là tháng 8-1942 đến tháng 9-1943. Hay đây là lỗi của nhà
in?” (trang 32).
Chắc là vì khuôn khổ của bài đăng
báo không thể dài, nên một đôi bài, phần thẩm bình của người viết chưa được dày
dặn lắm. Hoặc có chỗ đánh giá của người
viết cũng chưa thật trúng. Ví dụ như về tập sách của ông Trường Chinh. Ông là
nhà lí luận chứ không phải là nhà nhà phê bình văn học. Coi ông là “ ngòi bút phê bình thấu tình đạt lí” e có vẻ gượng.
Phạm Khải bộc bạch : “ Với một tác phẩm dù độ dày chỉ vài ba trăm
trang thì một bài viết (phê bình) về nó, dẫu dài đến thế nào chăng nữa, cũng
không thể ôm hết được tất cả những điều tác giả muốn nói. Cái chính là ta phải
“nhấn “được một số nét đặc trưng của tác phẩm” ( Cùng bạn đọc). Tôi nghĩ rằng
anh đã làm được điều anh quan niệm trong
19 bài của tập “ Trang sách mạch đời”.
Còn bài viết này, chẳng rõ tôi đã “nhấn” được nét nào về cuốn sách của anh chưa.
Điều đó thì bạn đọc sẽ đánh giá!
Hà Nội, 8/1/2018
In báo QĐND cuối tuần số 1156, 25 tháng 2 năm 2018. Đây là bản đầy đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét