Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Từ rừng đến người

Nguyễn Chí Hoan
TỪ RỪNG ĐẾN NGƯỜI
Đọc Bùa ngải , tập truyện, Cầm Sơn, Nxb HNV, 2017
   Nhà văn Cầm Sơn cho in cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Xuyên qua cánh rừng, năm 2013. Ai đọc vào tác phẩm ấy cũng có thể dự cảm rằng tác giả này có lẽ đang viết tiếp cuốn thứ hai của ông ta; bởi khí chất khỏe khoắn cởi mở của cái giọng kể đó, hẳn sẽ không lên tiếng một lần rồi thu mình lại; cũng bởi cái hiện diện phong phú bề bộn của những câu chuyện trong đó, nó gây ấn tượng về sức ép nội tại của nhiều trải nghiệm cá nhân đòi được tái tạo và biểu hiện ra; và bởi cái ý thức mà người kể trình hiện qua các nhân vật cũng như lời kể, ý thức về nhiều sự biến chuyển không đáng mong đợi – “Thế gian biến cải vũng nên đồi” – như là rừng thì mất, người thì thêm thói tật v.v. Dường như thông lệ là tiểu thuyết thì đòi hỏi một thời hạn không thể xác định. Tác phẩm mới tiếp theo nhà văn Cầm Sơn trình ra là tập truyện Bùa ngải. Tuy nhiên những phẩm chất rõ rệt ở  Xuyên qua cánh rừng , như đã thấy, tiếp tục xuyên suốt các câu chuyện được kể trong tập này, đồng thời với những “bước đi” trong đề tài truyện dường như thăm dò mở rộng phạm vi kể ra xa hơn những cánh rừng rất quen rất thuộc với tác giả.
   Mười bảy truyện mà tác giả đưa vào tập truyện này xoay quanh ba chủ đề nổi bật: huyền thoại và chuyện kỳ lạ về con người miền sơn cước, những tấn kịch bi hài về lối sống thời nay, và những huyền thoại cá nhân thời nay mà ít nhiều chìm khuất. Thuộc về chủ đề thứ nhất, ba truyện Thác Ấu Hùng, Giàng Sín Lủ, Bùa ngải đều dày dặn những chi tiết về phong hóa và lời ăn tiếng nói của người sắc tộc miền núi, người Dao, người Mông. Những mô tả đó đều sinh động và sắc sảo; cũng như việc tái hiện lời lẽ của người miền núi trong các tình huống truyện đều toát ra vẻ chân thực gây tin cậy. Một điều khá thú vị: mang bút danh Cầm Sơn – với cái họ người Dao rất ấn tượng ( mà người đọc nào quan tâm đều có thể liên tưởng ngay vài cái tên như Cầm Đôi, Cầm Biêu) – nhưng giọng kể của tác giả Cầm Sơn ấy không cố làm như mình là dân sắc tộc; giọng kể trong những truyện này cho thấy rõ của một người quan sát từ bên ngoài về phương diện bản sắc văn hóa. Đấy là một lẽ khiến giọng kể cá tính của nhà văn Cầm Sơn không lẫn vào những câu chuyện mà ông kể, mà thêm sắc thái cho những chuyện ấy – sắc thái trải nghiệm cá nhân của người kể, như là một chứng nhân.
biabuangai


    Đặc điểm đó có hiệu quả. Truyện Thác Ấu Hùng là một huyền thoại theo mô thức quen thuộc từ xưa về những đôi trai gái hy sinh vì tình yêu rồi được lấy tên đặt cho một ngọn núi con suối hay, ở đây, một ngọn thác. Nhà văn Cầm Sơn tạo ra một đoạn cao trào độc đáo khi kể về cái chết của hai nhân vật Bàn Minh Hùng và Ấu Liên: cô gái đẹp, đối tượng bị tranh giành, nằm mơ thấy người tình bị sát hại, rồi, dường như từ giấc mơ ấy, cô chạy thẳng ra ngọn thác nơi cô đã trao thân cho Minh Hùng; và những người đi tìm tin chắc rằng cô đã tự vẫn ở thác. Cái chết khốn khổ do bị lừa gạt của Minh Hùng cũng được kể một cách gián tiếp, từ hai nguồn: giấc mơ của Ấu Liên và lời thú nhận không chắc chắn của sát thủ. Vậy là, lời kể, như một trần thuật khách quan của người kể, dành lại một khoảng trống mập mờ, phần nào bí ẩn, cho liên tưởng của người đọc; và khoảng trống này đóng góp nét bi thương quan trọng nhất tạo nên huyền thoại về sự tích một địa danh.
     Ở truyện Bùa ngải ,giọng kể hư cấu việc lão thầy bùa Hoàng Văn Nhính quay về quá khứ đi tới tương lai, v.v., tựa như trong một giấc mơ viễn tưởng hiện đại, và có thể thấy giọng kể như thế tương phản sắc nét với đối tượng kể - thân phận và nhân cách nhân vật lão Nhính, một nhân cách sắc tộc đậm chất cổ tích tộc người, một thân phận mang tính biểu trưng: con người đại diện, một trong vài kiểu đại diện điển hình, cho xã hội truyền thống đã sa lưới và vùng vẫy tuyệt vọng ra sao ở xã hội thời hiện đại.
    Truyện Giàng Sín Lủ mang dáng dấp một truyện dài, cốt truyện phức tạp về thời gian. Nhân vật đàn bà đẹp Sín Lủ hiện diện lần lượt ở ba bình diện: con người sắc tộc truyền thống tinh hoa, con người sắc tộc tinh hoa ấy trong một giao thoa văn hóa bình đẳng, hòa hợp, đầy hiệu năng với một đại diện phương Tây, và sự trở lại của tinh hoa sắc tộc ấy như một chỉ dẫn tâm linh cho đời sau – sự hiện hình rồi biến mất của một cô gái đẹp đến giúp đoàn cán bộ trắc địa, một chuỗi tình huống kỳ lạ và bí ẩn khôn cùng, đầy sắc màu truyền thuyết, đồng thời là hiện thực thông qua trải nghiệm kể chuyện.
    Giọng kể của nhà văn Cầm Sơn ở đây bộc lộ rõ mối tương liên tiếp nhận-khách quan, đầy tình cảm, rất quý báu với truyền thống kể chuyện truyền miệng của con người miền núi, vốn rất xa xưa, mà, qua tính giai thoại-truyền thuyết được tái hiện sinh động, nguyên sơ, trong truyện này, thì thấy dường như truyền thống ấy cho đến gần đây vẫn không ngừng hiện diện. Đó chắc chắn là một di sản vô giá đang mất đi theo những cánh rừng .
    Tuy nhiên, trong trần thuật, hẳn tác giả cũng nên đôi khi cảnh giác với từ vựng hiện đại thông tục hay từ vựng nhuốm màu báo chí đan xen ngẫu nhiên vào lời kể, làm thay đổi tính chất của các chi tiết, tình tiết hay tình huống truyện - thứ ảnh hưởng về ngôn ngữ mà khó ai tránh khỏi trong thời mình sống.
    Điều đó là một khía cạnh quan trọng làm nên-thể hiện nhãn quan của nhà văn. Ở đây, người đọc có thể thấy rõ quan điểm nhân đạo truyền thống của tác giả Cầm Sơn. Và một trong những truyện của tập này thể hiện một cách kịch tính nhất cái nhãn quan ấy là truyện Ông cầu.
    Truyện kể một mối tình vừa chớm đã tan. Nguyên do là vì một lễ hội phục cổ, mà trung tâm là nghi thức tàn bạo đánh đến chết một con trâu bị trói, trước sự chứng kiến và cổ vũ của đám đông. Giọng kể khách quan của tác giả Cầm Sơn luôn luôn là một giọng chân thành, với tính chân thực rất rõ nét. Cho nên trường đoạn ông tả diện mạo con trâu nát bấy rồi gục ngã, đôi mắt với ánh mắt đau đớn bất lực vô tận nhìn vào nữ nhân vật … quả là một trong vài trường đoạn đáng kể nhất của tập truyện này. Và có thể nói, đó cũng là một đoạn văn lâu nay ít gặp được.
    Vấn đề là giọng kể của nhà văn, cùng tình tiết truyện đó, làm toát lên ý tưởng phê phán mạnh mẽ đối với những hủ tục quái gở trong trào lưu “phục cổ” bừa bãi, mà khó có thể tin rằng cha ông ta xưa đã từng dung túng.
    Rộng hơn thì đó cũng là một câu chuyện trong số những chuyện có ý hướng phê phán lối sống. Tuy nhiên, tác giả Cầm Sơn cho thấy ông thường nghiêng về phía những khuyến dụ tích cực, chẳng hạn rõ rệt như ở truyện Đêm trước phiên tòa, tập trung vào mô tả cuộc giằng co nội tâm của một người thẩm phán. Vụ án, tuy không được đề cập kỹ lưỡng cũng có thể thấy là khá vô vọng cho bị cáo. Trước tình thế đó, băn khoăn đến mức bất an của người sẽ chịu trách nhiệm phán quyết, mối băn khoăn có căn cứ tuy không rõ nét, lại được xoa dịu qua một lập luận về nghĩa vụ nhưng đầy sắc thái tình cảm – cái tình đối với bổn phận.
   Phần lớn truyện ở tập này có những cái kết tích cực theo những ý tưởng phổ biến về nhân đạo, nhất là ở các truyện khắc họa chân dung số phận những nhân vật hẳn là có nguyên mẫu rõ ràng – những nhân vật hoàn toàn có thể trở nên một kiểu huyền thoại thời nay, thời của thông tin và cá nhân hóa mạnh mẽ nhưng, cũng như đã bao đời, con người vẫn cứ bé nhỏ và dễ dàng chìm khuất đi./.
                                                                                       N.C.H



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét